Viện trưởng Vinatom được tặng thưởng tượng Viện sỹ Igor Kurchatov
16:01 | 24/06/2019
Chính phủ đề nghị xem xét kiến nghị Tạp chí NLVN về địa điểm ĐHN Ninh Thuận
TS. Trần Chí Thành là người đầu tiên ở Đông Nam Á được trao tặng bức tượng của Viện sỹ Igor Kurchatov.
Nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày vận hành nhà máy điện nguyên tử đầu tiên trên thế giới (27 tháng 6 năm 1954), ROSATOM đã tổ chức lựa chọn và trao tặng bức tượng của nhà khoa học của Liên Xô - Igor Vasilevich Kurchatov cho những thành viên tiêu biểu ở Nga và các nước, vì sự đóng góp và thúc đẩy phát triển ngành năng lượng hạt nhân trên thế giới.
Igor Kurchatov là nhà khoa học đã có công rất lớn trong phát triển ngành hạt nhân của Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay. Sau khi Liên Xô chế tạo thành công quả bom nguyên tử đầu tiên (1949), Igor Kurchatov đã cùng với các nhà khoa học Liên Xô, thúc đẩy hướng ứng dụng nguyên tử vì mục đích hoà bình, và xây dựng thành công nhà máy điện nguyên tử đầu tiên trên thế giới tại thành phố Obninsk, bắt đầu vận hành và kết nối lưới điện quốc gia vào ngày 27/6/1954.
Nhà máy điện nguyên tử Obninsk và ngành công nghiệp hạt nhân dân sự thế giới đã được bắt đầu bởi sắc lệnh năm 1949 về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Liên Xô và Giám đốc khoa học của dự án đó là Viện sĩ Igor Kurchatov là “Tổng công trình sư” của ngành hạt nhân Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay, là người sáng lập và là Viện trưởng đầu tiên của Viện Năng lượng nguyên tử ở Liên Xô (1943-1960).
Viện sỹ Igor Vasilevich Kurchatov.
Vì những cống hiến lớn lao cho sự nghiệp khoa học và ngành hạt nhân nguyên tử, Viện sỹ Igor Kurchatov đã được vinh dự nhận nhiều danh hiệu và Giải thưởng, danh hiệu Thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (bầu năm 1943), 3 lần nhận anh hùng lao động, 5 lần nhận Huân chương Lenin, 4 lần nhận Giải thưởng Stalin, và nhận Giải thưởng Lenin năm 1957.
Ngành năng lượng nguyên tử nói chung và điện hạt nhân nói riêng của Liên bang Nga đã và đang đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước, góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường. Ngành điện hạt nhân của Nga đi đầu trên thế giới, Liên bang Nga đã và đang xuất khẩu công nghệ và lò hạt nhân sang nhiều nước trên thế giới.
Từ năm 2009-2012, TS. Trần Chí Thành là Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Nhiệt điện, Điện hạt nhân và Môi trường - Viện Năng lượng - Bộ Công Thương. Trong thời gian này, TS. Thành cùng các cộng sự tham gia lập Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, đồng thời là cộng tác viên khoa học của Khoa An toàn Điện hạt nhân - Đại học Công nghệ Hoàng Gia Thụy Điển trong nghiên cứu liên quan đến phân tích an toàn và diễn biến sự cố trong lò nước sôi.
Vào năm 2011, Luận án Tiến sỹ: “Mô hình đối lưu hiệu quả dùng để mô phỏng và phân tích quá trình truyền nhiệt của bể nhiên vật liệu nóng chảy ở đáy thùng áp lực lò nước nhẹ” của Tiến sỹ Trần Chí Thành, đã được trao giải thưởng Sigvard Eklund (Thụy Điển).
Từ năm 2012 đến nay, TS. Thành là Viện trưởng Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ). Từ khi nhận nhiệm vụ tại Viện, TS. Thành đã cùng các cán bộ nghiên cứu của Viện luôn luôn nỗ lực làm việc và thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử và đã đạt được nhiều kết quả tốt, góp phần cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Tập đoàn ROSATOM công nhận di sản của Viện sỹ Igor Kurchatov trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ hạt nhân vì hòa bình ở Liên bang Nga và trên toàn cầu thông qua những người làm việc trong ngành công nghiệp hạt nhân ngày nay.
TS. Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, TS. Thành cho biết: "Đối với Việt Nam, việc phát triển điện hạt nhân đã được các lãnh đạo của đất nước quan tâm từ rất sớm. Năm 1956, trong chuyến thăm sang Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm nhà máy điện nguyên tử Obninsk. Ngay sau khi thống nhất đất nước, Vinatom đã được thành lập. Tôi có giữ những cuốn sách của Viện trưởng đầu tiên của VINATOM, Giáo sư Nguyễn Đình Tứ. Có thể thấy rằng, việc phát triển điện hạt nhân đã được Giáo sư quan tâm ngay từ khi Viện thành lập. Trong 20 năm gần đây, Việt Nam đã cố gắng để thực hiện chương trình điện hạt nhân, mặc dù hiện nay đang tạm dừng vì một số lý do khách quan.
Quan điểm riêng của cá nhân tôi là Việt Nam sẽ phát triển năng lượng tái tạo, nhưng điện hạt nhân vẫn sẽ là giải pháp tốt cho vấn đề năng lượng trong tương lai, phát triển kinh tế. Hiện nay, Vinatom đang tích cực cùng ROSATOM triển khai dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân. Tôi tin rằng dự án này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ, đưa ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam lên tầm cao mới, đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội, và làm tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga".
Bà Anna Zykova đại diện của ROSATOM Đông Nam Á (trụ sở tại Singapore).
Nhân sự kiện này, bà Anna Zykova - Giám đốc Truyền thông, đại diện của ROSATOM Đông Nam Á nói "Là một chuyên gia công nghệ hạt nhân được đào tạo ở Liên Xô trước đây và ngày nay là Liên bang Nga (Trường Đại học Năng lượng Mátxcơva - MEI từ năm 1983-1989) và làm việc vì sự phát triển của ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam, chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng TS. Thành là một ứng cử viên xứng đáng.
Việc được Tập đoàn ROSATOM trao tặng bức tượng Viện sỹ Igor Kurchatov có ý nghĩa quan trọng đối với TS. Thành nói riêng và Vinatom nói chung. Giải thưởng này là sự ghi nhận những đóng góp của ông và Vinatom trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và là nguồn cổ vũ cho các nhà khoa học trong ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam".
TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM