RSS Feed for Tình hình vận hành các hồ thủy điện trên toàn quốc (tháng 6/2024) và nhận định tiếp theo | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 22/12/2024 13:27
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tình hình vận hành các hồ thủy điện trên toàn quốc (tháng 6/2024) và nhận định tiếp theo

 - Những tín hiệu đầu mùa lũ năm 2024 đã phát đi thông điệp là các nhà máy thủy điện đã sẵn sàng đáp ứng công suất khi hệ thống điện yêu cầu. Tuy nhiên, dự báo trong tháng 7 và tháng 8 năm nay nắng nóng có xu hướng gia tăng, do vậy, cần tiếp tục theo dõi sát sao để điều tiết vận hành các nhà máy thủy điện hợp lý, hiệu quả... Dưới đây là tổng hợp của Tạp chí Năng lượng Việt Nam về lưu lượng nước, tình hình khai thác công suất thủy điện (thời điểm 24/6/2024) và một số dự báo, lưu ý trong diễn biến bất thường của thời tiết.
Ngưỡng ‘tâm lý’ về tiêu thụ điện của Việt Nam Ngưỡng ‘tâm lý’ về tiêu thụ điện của Việt Nam

Mặc dù công suất đỉnh của toàn hệ thống điện đến ngày 28/5/2024 chưa vượt qua đỉnh của cuối tháng 4 là 47.670 MW (cao nhất của hệ thống điện Việt Nam đến hiện tại), nhưng sản lượng điện tiêu thụ điện toàn quốc ngày 28/5 đã đạt đỉnh mới: 1,0019 tỷ kWh. Đây là một ngưỡng tâm lý. Từ góc độ quản lý hệ thống, cũng như tiêu thụ điện trong hiện tại và hướng tới tương lai, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam có một số bình luận, nhận định và khuyến nghị dưới đây.

Những ngày qua, mưa lũ liên tục xảy ra cục bộ tại một số địa phương, nên lượng nước đổ về các hồ thủy điện nhiều hơn, nhất là khu vực phía Bắc.

Theo báo cáo của Cục Điều tiết Điện lực: Tính chung giai đoạn từ đầu tháng 6 đến nay, tình hình nước về các hồ thủy điện khu vực miền Bắc đã có sự cải thiện rõ rệt. Trong đó, các hồ Bản Chát, Thác Bà, Tuyên Quang, Trung Sơn, Bắc Hà có có lượng nước về cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 109-230% và một số hồ chứa đã bắt đầu xả lũ.

Ví dụ ngày 15/6, mực nước hồ Sơn La đạt 209,15 m, dưới mực nước dâng bình thường gần 6 m, lưu lượng đến hồ hơn 2.160 m3/s, lưu lượng chạy máy phát điện hơn 2.730 m3/giây và đã nhà máy đã tiến hành mở một cửa xả đáy.

Thực hiện theo quy trình vận hành liên hồ chứa, việc xả lũ nhằm đưa mực nước thượng lưu hồ về đúng với mực nước cao nhất trước lũ. Lần gần nhất, Thủy điện Sơn La phải mở cửa xả lũ là vào tháng 6/2022 (cách đây đã hai năm). Năm 2023, mực nước hồ Thủy điện Sơn La xuống dưới mực nước chết, các tổ máy phải ngừng phát điện - đây là một trong những nguyên nhân gây thiếu hụt điện nghiêm trọng ở miền Bắc.

Tính chung giai đoạn từ đầu tháng 6 đến nay, tình hình nước về các hồ thủy điện khu vực miền Bắc tăng nhiều. Trong đó, các hồ Bản Chát, Thác Bà, Tuyên Quang, Trung Sơn, Bắc Hà có nước về cao hơn TBNN từ 109-230%, các hồ còn lại có lưu lượng nước về thấp, chỉ đạt khoảng 33-92% trung bình nhiều năm.

Tại khu vực miền Trung có 24/27 hồ có diễn biến mực nước thấp hơn nhiều so với TBNN từ 7-84%, một số hồ có nước về rất tốt như Đăk Mi 4, ĐakĐrinh, Đak Re từ 109-265% so với TBNN.

Còn tại miền Nam (ngoại trừ Đồng Nai 2, Đa Nhim) có nước về cao hơn TBNN từ 108-141%, các hồ còn lại đều có nước về thấp hơn so với TBNN (từ 45-88%).

Đặc biệt, ngày 10/6/2024, sản lượng điện tính theo lưu lượng nước về (bao gồm cả thuỷ điện nhỏ) đạt giá trị lớn nhất (585,7 triệu kWh), trong đó tập trung chủ yếu tại miền Bắc là 532,1 triệu kWh.

Ở miền Bắc, do tình mưa lớn thời gian qua, khi lưu lượng nước về hồ được cải thiện nên A0 đã tăng khai thác công suất từ các hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Bản Chát để đưa dần mức nước các hồ về mức nước trước lũ áp dụng trong thời kỳ lũ theo quy định trong Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng (Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 17/6/2019). Từ ngày 11/6 đến 16/6, hồ Tuyên Quang đã phải mở 1-2 cửa xả đáy. Ngày 15/6 từ 13h00 hồ Sơn La đã phải mở 1 cửa xả đáy và đã đóng lại lúc 18h00 cùng ngày.

Trong tuần từ 10-16/6/2024, sản lượng điện huy động từ thuỷ điện trung bình khoảng 340,9 triệu kWh/ngày, cao hơn tuần 23/2024 là 50 triệu kWh. (Tuần 23 là 290,6 triệu kWh - cao hơn nhiều so với các tháng 5 trước đó (khai thác trung bình 110-141 triệu kWh/ngày).

Như vậy, sản lượng còn lại trong hồ tính đến 0h ngày 16/6 toàn hệ thống là 7.973,3 triệu kWh, cao hơn 2.987,3 triệu kWh so với kế hoạch năm. Đây là tín hiệu đáng mừng và các nhà máy thủy điện đã sẵn sàng cho việc huy động công suất cao nhất cho hệ thống.

Trong bối cảnh EVN đang gặp khó khăn tài chính, thủy điện vẫn là nguồn điện được ưu tiên huy động do rẻ nhất hệ thống. Tuy nhiên, thủy điện chịu tác động mạnh bởi thời tiết và khi diễn biến thủy văn bất lợi, nước về các hồ thủy điện ít hơn trung bình nhiều năm thì việc huy động công suất cao nhất từ thủy điện là bất khả kháng. Rút kinh nghiệm sự cố thiếu điện trong mùa nắng nóng năm 2023, năm nay Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương và EVN là tuyệt đối không để thiếu điện trong mọi tình huống.

Đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế:

Tuy tình hình thủy văn tại các hồ chứa thủy điện trong các tháng đầu năm 2024 không thuận lợi và hiện tượng sự cố cùng với sự suy giảm công suất các tổ máy nhiệt điện vẫn xẩy ra, nhưng việc cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân trong 3 tháng đầu năm 2024, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn đã được đảm bảo tốt.

Tiếp đến, việc vận hành hệ thống điện trong các tháng 4, tháng 5 vừa qua phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, nhất là đối với hệ thống điện miền Bắc khi huy động công suất từ thủy điện vẫn ở trạng thái cầm chừng, nhưng ngành điện vẫn đảm bảo cung ứng đủ điện cho cả nước. Đặc biệt ngày 28/5/2024, mặc dù công suất đỉnh của toàn hệ thống điện chưa vượt qua đỉnh của cuối tháng 4 là 47.670 MW (cao nhất của hệ thống điện Việt Nam đến thời điểm hiện tại), nhưng sản lượng điện tiêu thụ điện toàn quốc đã đạt đỉnh mới là 1,0019 tỷ kWh. Tuy vậy, hệ thống điện vẫn vận hành an toàn, không có sự cố xẩy ra.

Thực hiện tiết kiệm triệt để nguồn nước thủy điện:

Tại miền Bắc, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) đã thực hiện điều hành linh hoạt, thận trọng huy động công suất từ các hồ thủy điện, nhất là các hồ có mực nước thấp, đồng bộ với các giải pháp thay đổi kết dây lưới truyền tải để huy động các nhà máy thủy điện phù hợp khả năng lấy nước hiệu quả của công trình thủy lợi, đồng thời giữ nước cho phát điện nhằm đảm bảo cung cấp điện trong mùa nắng nóng năm 2024.

Từ ngày 18/2/2024, A0 đã triển khai giải pháp đặt các ràng buộc trong công tác lập lịch nhằm khai thác tối đa các nguồn nhiệt điện than miền Bắc và truyền tải trên các cung đoạn đường dây 500kV Trung - Bắc (cung đoạn đường dây 500kV Hà Tĩnh - Nghi Sơn 2 - Nho Quan) với mục tiêu giữ nước các hồ thủy điện miền Bắc.

Từ 9h00 ngày 8/3/2024, A0 tiếp tục triển khai giải pháp đặt ràng buộc tối đa nhiệt điện than và tua bin khí để tiết kiệm hơn nữa các nguồn thủy điện, đặc biệt trong các chu kỳ không có yêu cầu cấp nước hạ du, tránh can thiệp trực tiếp huy động công suất từ thủy điện.

Đồng thời, A0 đã tận dụng khả năng truyền tải điện để tiết kiệm huy động công suất thủy điện miền Bắc. Theo đó, truyền tải điện trên cung đoạn 500kV Nho Quan - Nghi Sơn 2 duy trì mức xấp xỉ giới hạn cho phép với sản lượng truyền tải trong tuần đạt 37,7÷44,3 triệu kWh, công suất truyền tải tối đa có thời điểm ghi nhận đạt 2.480 MW.

Trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục vận hành linh hoạt hồ chứa trên lưu vực sông Đà và sông Gâm, đặc biệt là các hồ Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang để đưa dần mực nước hồ về cao trình mực nước cao nhất trước lũ theo quy định tại Quy trình liên hồ chứa và không làm gia tăng đột biến dòng chảy về hạ du.

Dự báo khí tượng thủy văn từ tháng 6-8/2024:

Theo Tổng cục Khí tượng Thủy văn: Từ nay đến hết tháng 6/2024, El Nino chuyển sang trạng thái trung tính với xác suất 80-85%; từ tháng 7, tháng 8, ENSO sẽ chuyển dần sang trạng thái La Nina với xác suất từ 65-75%.

Tại khu vực Bắc bộ và Trung bộ nắng nóng có xu hướng gia tăng trong thời kỳ từ nửa cuối tháng 5-7/2024. Hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với TBNN cùng thời kỳ. Mùa mưa tại khu vực Bắc bộ xuất hiện tương đương TBNN (tháng 5); mùa mưa tại khu vực Trung bộ có khả năng xuất hiện tương đương so với TBNN (vào khoảng cuối tháng 8 và nửa đầu tháng 9). Mùa mưa tại khu vực Tây Nguyên và Nam bộ có khả năng bắt đầu từ nửa cuối tháng 5 (xuất hiện muộn hơn so với TBNN); từ tháng 6-8/2024 gió mùa Tây Nam có xu hướng hoạt động mạnh hơn so với trung bình.

Mùa lũ năm 2024 ít có khả năng đến sớm trên các sông suối khu vực Bắc bộ. Từ tháng 6-8/2024, trên các sông Bắc bộ xuất hiện các đợt lũ. Các đợt lũ phổ biến xuất hiện vào thời kỳ tháng 8/2024. Từ tháng 6-8/2024, dòng chảy trên các sông và các hồ chứa lớn khu vực Bắc bộ tiếp tục thiếu hụt so với TBNN.

Cụ thể, dòng chảy đến các hồ chứa lớn trên sông Đà thiếu hụt từ 30-40% so với TBNN; dòng chảy đến hồ Thác Bà (sông Chảy) và đến hồ Tuyên Quang (sông Gâm) có khả năng ở mức thiếu hụt từ 20-30% so với TBNN. Từ nửa cuối tháng 5 đến tháng 8/2024, trên các sông từ Thanh Hóa, đến Hà Tĩnh, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên xuất hiện 3-5 đợt lũ và dao động; các sông khác ở Trung bộ mực nước biến đổi chậm. Lưu lượng dòng chảy trên các sông ở khu vực Trung bộ, Tây Nguyên phổ biến thiếu hụt từ 15-40% so với TBNN, đặc biệt trên sông Bến Hải (Quảng Trị) và sông La Ngà (nam Bình Thuận) thấp hơn TBNN từ 65-80%. Riêng sông Tả Trạch (Thừa Thiên Huế), sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) ở mức tương đương và cao hơn TBNN cùng kỳ từ 15-30%.

Từ tháng 6 đến 8/2024, trên sông Đồng Nai có khả năng xuất hiện 2-3 đợt lũ.

Kết quả dự báo cho thấy: Tình hình thủy văn năm nay không mấy thuận lợi, nên việc huy động công suất từ nguồn thủy điện cần phải tiếp tục theo dõi diễn biến của thời tiết để vận hành tối ưu.

Đưa công nghệ trí tuệ nhân tạo vào dự báo sớm rủi ro thiên tai:

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn ra ngày càng phức tạp, bất thường và khó dự đoán nên việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) là xu hướng tất yếu trong lĩnh vực khí tượng thủy văn nhằm dự báo chính xác, giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra. Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã và đang tham gia xây dựng nền tảng số dùng chung của Bộ Tài nguyên và Môi trường, với các nội dung như xây dựng hệ thống tích hợp dữ liệu dựa trên nền tảng dữ liệu lớn (big data), ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc nhận dạng để giải quyết các bài toán cụ thể cho lĩnh vực quan trắc và dự báo khí tượng thủy văn.

Mặt khác, Tổng cục đang triển khai các hướng nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dự báo bão, định lượng mưa lớn và dự báo nước dâng do bão - đây đang là những hướng nghiên cứu trọng tâm của ngành. Hy vọng những kết quả nghiên cứu sẽ sớm được đưa vào thực tiễn ứng dụng, đáp ứng nhu cầu sử dụng tổng hợp hiệu quả nguồn nước, trong đó có mục đích phát điện.

Lời kết:

Những tín hiệu đầu mùa lũ năm 2024 đã phát đi thông điệp là các nhà máy thủy điện đã sẵn sàng đáp ứng công suất khi hệ thống điện yêu cầu. Tuy nhiên, dự báo trong tháng 7 và tháng 8 năm nay nắng nóng có xu hướng gia tăng, do vậy, cần tiếp tục theo dõi sát sao để điều tiết vận hành các nhà máy thủy điện hợp lý và hiệu quả nhất. Các nhà máy thủy điện đóng vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống điện quốc gia, ngoài việc sản xuất điện năng còn tích cực tham gia chống lũ, cung cấp nước cho hạ du phục vụ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt.

Các nhà máy thủy điện lớn khu vực miền Bắc phần lớn có hồ chứa điều tiết nhiều năm, hoặc điều tiết năm với tổng dung tích phòng lũ khoảng 15 tỷ m3 nước. Với dung tích phòng lũ lớn như vậy, nếu việc dự báo thủy văn chính xác và kịp thời theo thời gian thực sẽ tạo thuận lợi cho các nhà máy thủy điện phát huy hiệu quả vận hành cao nhất, đem lại lợi ích kinh tế cho nền kinh tế nước ta.

Việc huy động tối ưu các nguồn điện, đặc biệt là các nguồn thủy điện (kể cả các thủy điện nhỏ) trong các giờ cao điểm để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện, điều hành linh hoạt việc tích giữ, sử dụng nước phù hợp với tình hình thực tế trên nguyên tắc tiết kiệm giữ mực nước trong các hồ thủy điện để bảo đảm khai thác tối đa công suất phát điện vào thời gian cao điểm mùa khô, cũng như tính toán đảm bảo dự phòng cao nhất trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024 sẽ là yếu tố đảm bảo việc cung cấp an toàn và đủ điện cho nhu cầu phụ tải cả nước./.

TS. NGUYỄN HUY HOẠCH - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


Tài liệu tham khảo: Dự báo khí tượng, thủy văn, hải văn (từ tháng 6-8/2024) - Tạp chí Khí tượng, Thủy văn Việt Nam online (ngày 16-05-2024).

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động