Tìm lời giải cho vấn đề ‘lưu trữ’, ‘nâng cao hiệu suất’ nguồn điện tái tạo Việt Nam
07:18 | 17/11/2021
Vai trò hệ thống lưu trữ năng lượng trong vận hành hệ thống điện Việt Nam Trong khuôn khổ chuyên đề tuyên truyền: “Nguồn điện gió, mặt trời - Vướng mắc của tiến độ xây dựng và vấn đề tích trữ năng lượng hiệu quả” nhằm phân tích các khó khăn, vướng mắc trong đảm bảo tiến độ xây dựng; khắc phục tình trạng dư thừa công suất, tăng tối đa khả năng phát điện các nguồn năng lượng tái tạo “phi thủy điện” của Việt Nam, chuyên gia Hội đồng khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam tiếp tục phân tích, đánh giá sự cần thiết, vai trò và đề xuất giải pháp để thực hiện đầu tư hệ thống lưu trữ năng lượng trong hệ thống điện quốc gia. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. |
Hội thảo khoa học về: “Ứng dụng hệ thống lưu trữ năng lượng và Công nghệ nâng cao hiệu suất cho các dự án năng lượng tái tạo của Việt Nam”. |
Hội thảo nhằm tìm kiếm lời giải, kiến nghị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong huy động vốn, đầu tư xây dựng và vận hành hiệu quả các nhà máy điện gió, mặt trời hiện nay. Đồng thời, đề xuất cơ chế, giải pháp khắc phục nhằm tăng tối đa khả năng phát điện (bằng các giải pháp đầu tư công nghệ, thiết bị lưu trữ năng lượng và ổn định lưới điện) cho các nguồn năng lượng tái tạo, cũng như giải quyết các vấn đề kỹ thuật của hệ thống điện Việt Nam.
Trong thời gian qua, sự phát triển mạnh của các nguồn điện gió, mặt trời đã đưa tỷ lệ hai loại nguồn này chiếm tỷ trọng gần 28% tổng công suất đặt vào cuối tháng 10/2021. Hệ thống điện Việt Nam đã, đang và sẽ đối mặt với nhiều vấn đề kỹ thuật (tình trạng quá tải lưới điện, thừa nguồn phát trong một số thời điểm, mất cân đối tại các khu vực...) dẫn tới một số nguồn năng lượng tái tạo đã phải giảm, hoặc ngừng phát điện tại nhiều thời điểm theo yêu cầu của an toàn vận hành hệ thống điện. Tình trạng này đã và đang gây khó khăn rất lớn cho các chủ đầu tư điện gió, mặt trời, làm suy yếu mô hình tài chính - vốn là những cam kết của chủ đầu tư với các bên cho vay, cũng như gây khó khăn trong quản lý, vận hành hệ thống điện quốc gia. Do đó, vấn đề nghiên cứu “ứng dụng hệ thống lưu trữ năng lượng”, cũng như “đầu tư công nghệ nâng cao hiệu suất” cho các dự án năng lượng tái tạo của Việt Nam đang được các cấp quản lý, vận hành, các nhà đầu tư quan tâm.
Hội thảo khoa học về “Ứng dụng hệ thống lưu trữ năng lượng và Công nghệ nâng cao hiệu suất cho các dự án năng lượng tái tạo của Việt Nam” là diễn đàn cấp thiết để các nhà quản lý, vận hành, cơ quan tư vấn, các nhà sản xuất, cung cấp thiết bị, công nghệ, cũng như các nhà đầu tư trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo phản ánh, trao đổi những khó khăn, phức tạp kỹ thuật trong vận hành hệ thống; sự cần thiết, tính hiệu quả trong trang bị hệ thống pin lưu trữ điện năng, xây dựng thủy điện tích năng, đầu tư công nghệ, khả năng cung cấp thiết bị, xu hướng phát triển công nghệ nâng cao hiệu suất cho các dự án năng lượng tái tạo. Đồng thời, đề xuất cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tại Việt Nam trong tương lai tới.
Các nội dung chính của chủ đề Hội thảo bao gồm:
Thứ nhất: Về nghiên cứu: Là dịp để các tổ chức tư vấn trao đổi một số kết quả nghiên cứu về thủy điện tích năng, hệ thống pin lưu trữ, công nghệ, thiết bị trong hệ thống điện. Kinh nghiệm, chính sách phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Thứ hai: Về vận hành: Là dịp để các nhà quản lý, vận hành trao đổi những khó khăn, phức tạp về kỹ thuật khi điều độ quản lý vận hành hệ thống trong tình trạng tích hợp cao tỷ trọng NLTT vào hệ thống điện. Cạnh đó, các nhà đầu tư nêu những khó khăn, vướng mắc, cũng như tình trạng huy động công suất NLTT trong thời gian qua, mong muốn và khả năng đầu tư thiết bị, công nghệ nâng cao hiệu suất, đặc biệt là hệ thống pin lưu trữ.
Thứ ba: Về công nghệ: Là dịp để các nhà sản xuất, các nhà cung cấp thiết bị giới thiệu tiềm năng sản xuất, công nghệ các thiết bị tiên tiến, hiệu suất cao mang lại hiệu quả kinh tế cho các nhà đầu tư. Xu hướng công nghệ và giá thành của các loại thiết bị, công nghệ này trong thời gian tới.
Theo Hội đồng khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam, hiện tại Ban Tổ chức đã nhận được gần 20 bài tham luận khoa học chuyên sâu và chất lượng của các cơ quan quản lý nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty trong nước và quốc tế như: Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực, Cục Điều tiết Điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Công ty CP Tư vấn Xây dựng Điện 2, Đại sứ quán Đan mạch tại Việt Nam… Cùng với đó là các tham luận của các nhà sản xuất, cung cấp thiết bị, công nghệ hệ thống lưu trữ năng lượng nhằm tăng hiệu suất cho các dự án năng lượng gió, mặt trời như: SMA; Growatt; Solis; Hopewind, v.v...
Tại Hội thảo lần này, các diễn giả, chuyên gia, nhà khoa học về kinh tế, năng lượng sẽ có những ý kiến phản biện, thảo luận một số cơ chế, chính sách, sự cần thiết phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng, đầu tư nâng cấp thiết bị, công nghệ nhằm nâng cao hiệu suất cho các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam và đề xuất các giải pháp.
Kết thúc Hội thảo, Ban tổ chức phối hợp các đơn vị quản lý chức năng Bộ Công Thương sẽ báo cáo tổng hợp đầy đủ các tham luận, phản biện, kiến nghị tại Hội thảo để đề xuất tới Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét, sớm ban hành các quy định phù hợp, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho các nhà đầu tư, nhà sản xuất cung cấp thiết bị, cũng như tổ chức tín dụng Việt Nam và quốc tế, tạo điều kiện cho các dự án năng lượng nói chung, năng lượng tái tạo nói riêng phát triển bền vững theo định hướng Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị./.
BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM