RSS Feed for Thấy gì qua kế hoạch mua điện năng lượng tái tạo của Thái Lan? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 12/12/2024 18:51
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thấy gì qua kế hoạch mua điện năng lượng tái tạo của Thái Lan?

 - Nhằm thực hiện mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo để không lệ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, Thái Lan đã đưa ra nhiều giải pháp kích cầu sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo, nhất là trong bối cảnh giá FIT chỉ mang tính tình thế, khiến cung nhiều hơn cầu. Dưới đây là tổng hợp của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam xung quanh nội dung này.
Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng, thực thi  Luật năng lượng tái tạo - Hàm ý cho Việt Nam Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng, thực thi Luật năng lượng tái tạo - Hàm ý cho Việt Nam

Trong bối cảnh trung hòa carbon đến gần, khủng hoảng năng lượng đang đỉnh điểm, căng thẳng địa chính trị gia tăng, thì đẩy mạnh mục tiêu khai thác năng lượng tái tạo là cần thiết, cấp bách. Tổng hợp dưới đây của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam là kinh nghiệm xây dựng và thực thi Luật năng lượng tái tạo của một số quốc gia, hàm ý có thể ứng dụng cho Việt Nam khi cơ chế FIT hết hạn.

Kinh nghiệm quốc tế khi chuyển từ FIT sang đấu thầu năng lượng tái tạo Kinh nghiệm quốc tế khi chuyển từ FIT sang đấu thầu năng lượng tái tạo

Để hướng tới mục tiêu trung hòa carbon nhằm giữ nhiệt độ tăng dưới 2 độ C, năng lượng tái tạo trở thành ngành “điểm nhấn”. Nhằm hậu thuẫn cho nguồn năng lượng này phát triển, cơ chế giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ) ra đời. Nhưng khi FIT hết hạn, đấu thầu rộng rãi từng vòng sẽ được thế chân. Chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam cập nhật kinh nghiệm đã được một số quốc gia thực hiện thành công sau khi FIT chấm dứt.


Sự cần thiết phát triển và tiêu thụ năng lượng sạch, tái tạo:

Theo tờ Bangkok Post trực tuyến (BPC) số đầu tháng 10/2022: Thái Lan không chỉ sản xuất năng lượng sạch trong nước mà còn đầu tư cả ra nước ngoài nhằm xuất khẩu năng lượng tái tạo (NLTT), trong đó có cả các nước trong khu vực.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài, khủng hoảng năng lượng, suy thoái, lạm phát diễn ra nền kinh tế Thái Lan cũng không tránh khỏi bị tác động.

Trang tin công nghệ điện trực tuyến Anh (PTO) cho biết: GDP của Thái Lan (theo giá cố định) tăng từ 341,1 tỷ USD năm 2010 lên 431,2 tỷ USD vào năm 2021, với tốc độ là 2,2%. GDP (theo giá cố định) của quốc gia này đã giảm mạnh từ 452,1 tỷ USD vào năm 2019 xuống còn 424,5 tỷ USD vào năm 2020 vì đại dịch Covid-19. Sau khi bắt đầu hoạt động công nghiệp và thương mại bình thường, GDP đã tăng 1,6% vào năm 2021 từ năm 2020. GDP dự kiến sẽ vượt qua mức trước đại dịch vào cuối năm 2023.

Tại Thái Lan, 67% (119 TWh) nguồn năng lượng sơ cấp để phát điện dựa vào khí đốt tự nhiên, do đó, tương lai nguồn năng lượng này có thể không ổn định và bền vững. Vì lý do này, từ năm 2007, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra các biện pháp để thúc đẩy khu vực tư nhân đầu tư vào sản xuất điện từ NLTT có tên Adder. Đến năm 2012, biểu giá điện hỗ trợ (FIT) đã được ra đời và được Ủy ban Năng lượng Quốc gia (NEB) áp dụng từ năm 2013 để thay cho Adder vì Adder được trả trên giá điện bán lẻ còn FIT là giá cố định. Tuy nhiên, cả Adder và FIT đều trợ giá nên chi phí cao hơn dẫn đến giá bán điện lẻ cho khách hàng tăng hơn.

Để đảm bảo tính khả thi cao nhất, Chính phủ Thái Lan đã xem kỹ tác động lên giá bán lẻ điện thông qua phí điều chỉnh nhiên liệu (Ft) từ chính sách Adder và FIT trong giai đoạn 2010 đến 2030 bằng cách sử dụng kế hoạch phát triển năng lượng thay thế (AEDP), tối ưu hóa và kế hoạch phát triển điện (PDP2010).

Do đó, NEB dự báo đến 2030, trong trường hợp tối ưu hóa, trợ cấp FIT sẽ vào khoảng 48.873 triệu Baht, còn trợ cấp cho Adder sẽ là khoảng 53.416 triệu Baht.

FIT sẽ làm tăng chi phí sản xuất điện trung bình quốc gia theo cơ chế Ft thêm 0,013 Baht/kWh còn Adder sẽ tăng chi phí sản xuất điện trung bình thêm 0,154 Baht/kWh vào năm 2030.

Có thể thấy rằng, chương trình FIT giảm gánh nặng trợ cấp hơn so với chương trình Adder trong cả ngắn lẫn dài hạn. Do đó, nếu Chính phủ khuyến khích phát điện tái tạo, cần có những chính sách phù hợp để cân bằng lợi ích giữa điện xanh, nhà đầu tư và người tiêu dùng.

Các bước để thúc đẩy áp dụng năng lượng sạch của Thái Lan:

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Năng lượng Thái Lan Supattanapong Punmeechaow mới đây đã có bài phát biểu quan trọng tại hội thảo “Sứ mệnh khả thi: Chuyển đổi năng lượng đến năm 2050”.

Trong phát biểu, ông Supattanapong Punmeechaow cho hay: Thái Lan không thể chậm trễ mà phải hành động ngay để quản lý năng lượng hiệu quả hơn nhằm giảm tác động do biến đổi khí hậu gây ra. “Thái Lan nằm trong số các quốc gia có lượng phát thải khí nhà kính cao lên tới 450 triệu tấn carbon dioxide tương đương mỗi năm, vì vậy, chúng ta phải hành động để giảm thiểu nguồn thải này, trong đó có sản xuất, tiêu thụ điện sạch từ nguồn NLTT” - PPT Punmeechaow nhấn mạnh.

Đầu tháng 10 vừa qua Ủy ban Điều tiết Năng lượng Thái Lan (ERC) thông báo cho biết, cơ quan này đang soạn thảo các tiêu chí lựa chọn những công ty có đủ tiêu chuẩn để bán “điện sạch” cho Chính phủ, theo kế hoạch tăng cường cung cấp năng lượng tái tạo ở Thái Lan được thông qua vào hồi đầu tháng 7.

Tổng thư ký ERC Khomgrich Tantravanich nhấn mạnh thêm: Trong giai đoạn 2022 - 2030, các nhà khai thác điện Thái Lan sẽ tiến hành mua điện từ các công ty được cấp phép để phát triển các nhà máy điện năng lượng tái tạo, với tổng công suất 5,2 gigawatt (GW).

Tổng công suất 5,2 GW này dự kiến đến từ 4 nguồn tái tạo chính là khí sinh học (335 MW), năng lượng gió (1.500 MW), trang trại năng lượng mặt trời (2.368 MW) và trang trại năng lượng mặt trời có hệ thống lưu trữ năng lượng (1.000 MW).

Theo ERC: Việc mua điện từ các nguồn NLTT nói trên sẽ nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 50% nhiên liệu được sử dụng để phát điện quốc gia, tăng so với mức 10% của năm 2021. Tuy nhiên, ERC cũng sẽ xem xét trình độ kỹ thuật, cũng như giá điện của các doanh nghiệp tham gia trước khi đưa ra quyết định. Các công ty năng lượng sạch có thể gửi đề xuất trong khoảng thời gian từ tháng 11 - 12/2022 và phải tham dự qua 2 vòng tuyển chọn, dự kiến kết quả sẽ được công bố sau tháng 5/2023.

Hưởng ứng kế hoạch đấu thầu để bán “điện sạch” cho Chính phủ, nhiều doanh nghiệp Thái Lan tỏ ra đồng tình và ủng hộ.

Ví dụ Phuwadon Suntornwipart - Chủ tịch BCPG Plc - một chi nhánh năng lượng tái tạo của Bangchak Corporation cho biết, Công ty của ông đã sẵn sàng đệ trình các đề xuất phát triển và vận hành các trang trại năng lượng mặt trời với công suất thích hợp.

Còn Sopacha Dhumrongpiyawut - Chủ tịch Ủy ban điều hành của Gunkul Engineering Plc cho biết: Công ty quan tâm đến năng lượng mặt trời, năng lượng gió và có thể đảm bảo một nửa nguồn NLTT mà Thái Lan cần.

Riêng Littee Kitpipit - Giám đốc điều hành của Scan Inter Plc thì cho hay, Công ty của ông sẽ đặt mục tiêu phát triển một trang trại năng lượng mặt trời với công suất 30 - 40 MW.

Ủy ban Điều tiết Năng lượng Thái Lan cho biết: NLTT của Thái Lan đủ để tạo ra 9.996 MW điện, Chính phủ Thái Lan kỳ vọng các nhà đầu tư vào lĩnh vực điện sạch sẽ đầu tư tổng cộng 200 tỷ baht (khoảng 5,2 tỷ USD) để phát triển các cơ sở sản xuất điện năng lượng tái tạo trong tương lai.

Giải pháp mua điện sạch hỗ trợ cho NLTT Thái Lan phát triển ổn định:

Ngoài kế hoạch đấu thầu chọn các công ty đủ tiêu chuẩn để bán “điện sạch”, ERC còn cung cấp điện miễn phí cho các cộng đồng địa phương và các làng xã xung quanh các nhà máy điện trên toàn quốc (từ tháng 9/2022).

Đề án được trợ cấp bằng tiền mặt từ Quỹ Phát triển Điện (PDF) do ERC giám sát. PDF được ra đời từ Đạo luật Công nghiệp Năng lượng năm 2007. Tất cả các nhà máy điện, công cộng và tư nhân, đều phải trả tiền cho quỹ PDF. Nguồn thu của quỹ đến từ 90 nhà máy điện trên cả nước. Mức thuế được đặt ở mức một satang/kWh (1 satang = 6,4 VNĐ) đối với các nhà máy nhiệt điện khí, 1,5 satang đối với dầu và 2 satang đối với than, thủy điện...

ERC thực thi kế hoạch này hay “năng lượng cho tất cả”, để khuyến khích người dân địa phương thành lập các doanh nghiệp sản xuất điện tái tạo ở các cộng đồng vùng sâu, vùng xa để tự dùng và bán điện từ các dự án này cho nhà nước.

Theo ERC: Giải pháp mua điện sạch của Thái Lan dựa trên những thay đổi của ngành điện thế giới nói chung và của Thái Lan nói riêng, nhất là bối cảnh xu hướng tiêu dùng đang “tiến hóa” mạnh như hiện nay. Ít nhất 50% khách hàng có quyền lựa chọn mua điện tái tạo trực tiếp từ nhà cung cấp điện của họ và mọi người đều có quyền chọn mua chứng chỉ năng lượng tái tạo. Theo phương án này khách hàng có thể mua năng lượng sạch mang tính cạnh tranh, thông qua một hoặc nhiều chương trình sau:

1/ Giá xanh:

Một số công ty điện lực cung cấp một dịch vụ tùy chọn, được gọi là giá xanh (Green pricing), cho phép khách hàng trả một khoản phí bảo hiểm nhỏ để đổi lấy điện được tạo ra từ các nguồn năng lượng sạch, tái tạo (“xanh”). Phí bảo hiểm bao gồm các chi phí gia tăng mà nhà cung cấp điện phải chịu khi bổ sung năng lượng tái tạo vào tổ hợp sản xuất điện của mình.

2/ Thị trường điện cạnh tranh:

Ở một số địa phương, người ta không chỉ có thể chọn cách sản xuất điện của mình mà còn có thể chọn ai sản xuất ra điện. Cách làm này cũng giống như một số nơi trên thế giới (như Mỹ), các bang đã cơ cấu lại ngành điện của họ để cho phép cạnh tranh giữa các nhà phát điện. Ở một số bang của Mỹ, các nhà phát điện sạch chuyên sản xuất điện sử dụng các nguồn tái tạo đang tận dụng lợi thế của thị trường được tái cấu trúc để bán các sản phẩm điện sạch cho các khách hàng dân cư, thương mại và bán buôn. Một số nhà cung cấp mặc định cũng đang hợp tác với các nhà tiếp thị cạnh tranh này để đưa ra nhiều lựa chọn năng lượng xanh hơn.

Các nỗ lực bán điện sạch nhằm vào người tiêu dùng, những người sẽ chọn trả nhiều hơn một chút cho các sản phẩm và dịch vụ năng lượng tái tạo phản ánh các giá trị môi trường của họ. Khoản phí bảo hiểm nhỏ phải trả bù đắp chi phí bổ sung mà các công ty điện lực phải chịu khi mua, hoặc tạo ra điện từ các nguồn tái tạo.

3/ Chứng chỉ xanh:

Mua chứng chỉ xanh cho phép đóng góp vào việc tạo ra nguồn điện sạch, tái tạo ngay cả khi không thể mua nguồn điện sạch từ nhà cung cấp điện (tức là công ty điện lực) hoặc từ một máy phát điện sạch trên thị trường cạnh tranh. Ngày càng có nhiều nhà máy phát điện sạch tách rời nguồn điện mà họ bán cho các nhà cung cấp điện khỏi các thuộc tính môi trường liên quan đến nguồn điện đó. Các thuộc tính môi trường này, được gọi là chứng chỉ xanh (còn được gọi là “thẻ xanh”, “chứng chỉ năng lượng tái tạo”, hoặc “chứng chỉ tái tạo có thể giao dịch”), sau đó được bán cho các công ty và cá nhân muốn giúp tăng lượng điện năng sạch cho quốc gia để cung cấp cho khách hàng cuối.

Bằng cách tách các thuộc tính môi trường khỏi nguồn điện, các nhà phát điện sạch có thể bán điện mà họ sản xuất cho các nhà cung cấp điện với giá thị trường cạnh tranh. Doanh thu bổ sung được tạo ra từ việc bán các chứng chỉ xanh, bao gồm các chi phí trên thị trường liên quan đến việc sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo. Doanh thu tăng thêm này cũng khuyến khích sự phát triển của các dự án năng lượng tái tạo bổ sung. Một số tổ chức cung cấp chứng chỉ năng lượng xanh, hoặc năng lượng tái tạo có thể được mua tách biệt với dịch vụ điện hiện tại của khách hàng./.

KHẮC NAM - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

(THEO: Bangkokpost/EG/TG - 10/2022)


Link tham khảo:

1/ https://pdf.sciencedirectassets.com/: Assessment of Feed-in Tariff Policy in Thailand: Impacts on National Electricity Prices

2/ https://www.power-technology.com/comment/renewables-key-thailand/

3/ https://www.bangkokpost.com/business/1742299/erc-looks-into-free-rural-electricity

4/ https://www.bangkokpost.com/business/2405621/erc-preps-rules-for-clean-energy-providers

5/ https://www.bangkokpost.com/thailand/pr/1929936/experts-in-energy-and-clean-energy-suggest-renewable-energy-businesses-take-the-opportunity

6/ https://www.bangkokpost.com/business/2322786/steps-to-spur-clean-energy-adoption

7/ https://www.energy.gov/energysaver/buying-clean-electricity

8/ https://www.trade.gov/country-commercial-guides/thailand-energy

9/ https://www.trade.gov/energy-resource-guide-thailand-renewable-energy

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động