Tạp chí Năng lượng Việt Nam tuổi 'Trăng Rằm'
10:32 | 18/03/2019
Tạp chí Năng lượng Việt
Tạp chí Năng lượng Việt Nam được chính thức thành lập ngày 25/3/2004. Sau 15 năm đồng hành cùng ngành Năng lượng Việt Nam, Tạp chí đã trở thành một diễn đàn diễn đàn khoa học - công nghệ - kinh tế - môi trường của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các nhà sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng, cùng đông đảo bạn đọc ở trong nước, quốc tế quan tâm đến các chuyên ngành: điện, than, dầu khí, điện hạt nhân, năng lượng tới, tái tạo…
Trước thời cơ, đan xen những khó khăn, thách thức của ngành năng lượng, Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã xác định rõ trọng tâm hoạt động của mình là tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, cổ động theo đúng chức năng của báo chí; ưu tiên công tác đánh giá, dự báo và phản biện khoa học; kiến nghị giải quyết các khó khăn, thách thức; đề xuất các cơ chế, giải pháp liên quan đến các chính sách phát triển bền vững ngành năng lượng của đất nước.
Hoạt động nổi bật của Tạp chí Năng lượng Việt Nam là đã bám sát tình hình thực tế trong lĩnh vực năng lượng, đã chủ động mở ra các diễn đàn/chuyên mục/chuyên đề thời sự cấp bách. Trên cơ sở các chuyên đề, Tạp chí đã tổng hợp thành nhiều đề xuất mang tính chiến lược, nhiều kiến nghị cụ thể trong việc quản lý và phát triển ngành năng lượng của Việt Nam gửi đến Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan. Hoạt động này của Tạp chí đã được các cơ quan quản lý Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao.
Gần đây nhất, trong bối cảnh đầy khó khăn và thách thức của ngành Dầu khí Việt Nam, trên cơ sở các bài viết phản biện khoa học, Tạp chí đã tổng hợp và gửi tới Thủ tướng Chính phủ văn bản kiến nghị về "Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động ngành Dầu khí Việt Nam trong giai đoạn tới". Tại văn bản số 6885/VPCP-CN, ngày 20/7/2018, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:"Đề nghị Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu các kiến nghị của Tạp chí Năng lượng Việt Nam để có ý kiến đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền".
Cùng với văn bản trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi Thư cảm ơn Tạp chí Năng lượng Việt Nam, đồng thời động viên các nhà khoa học và Tạp chí Năng lượng Việt Nam: "Trong thời gian tới tiếp tục có những ý kiến đóng góp cho sự phát triển của ngành năng lượng Việt Nam nói chung, cũng như ngành Dầu khí Quốc gia nói riêng".
Văn bản chỉ đạo của Thủ tướng gửi Bộ Công Thương.
Thư cảm ơn của Thủ tướng.
Trước tình hình khai thác, xuất nhập khẩu và tiêu thụ than của Việt Nam (từ năm 2015 ÷ 2018) có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ thiếu than cho nền kinh tế, Tạp chí đã thực hiện chuyên đề "Nhập khẩu than cho sản xuất điện của Việt Nam: Nhu cầu, hiện trạng, những khó khăn, thách thức và kiến nghị giải pháp". Kết thúc chuyên đề, Tạp chí đã có Văn bản kiến nghị về "Giải pháp nhập khẩu than cho sản xuất điện của VN" gửi Thủ tướng Chính phủ. Nhận được kiến nghị này, Chính phủ đã có văn bản (số 1713/PC-VPCP, ngày 12/11/2018) giao Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính nghiên cứu ý kiến phản biện của Tạp chí Năng lượng Việt Nam về "Giải pháp nhập khẩu than cho sản xuất điện của VN".
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản (số 570/ BGTVT-KHĐT, ngày 17/01/2019) thống nhất với kiến nghị của Tạp chí Năng lượng Việt Nam về việc: "Cho phép các đơn vị đầu mối nhập khẩu than tham gia đầu tư xây dựng, hoặc ký hợp đồng dài hạn với các đối tác sở hữu cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu than".
Bộ giao thông Vận tải thống nhất với kiến nghị của Tạp chí Năng lượng Việt Nam.
Tạp chí Năng lượng Việt Nam cũng rất quan tâm đến vấn đề quy hoạch của ngành năng lượng. Văn bản góp ý dự thảo Quy hoạch đã được Tạp chí tổng hợp và kịp thời gửi đến Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ. Nội dung góp ý này đã được Văn phòng Chính phủ chuyển tiếp tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư với đề nghị: "Phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện Dự án Luật Quy hoạch theo đề xuất của Tạp chí Năng lượng Việt Nam". (Đề nghị nghiên cứu đề xuất của Tạp chí Năng lượng Việt Nam về Luật Quy hoạch)
Như chúng ta đã thấy, những bài viết trên Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã thẳng thắn phê phán những cái gọi là "góp ý" không có cơ sở khoa học và luận cứ xác đáng của những người thiếu hiểu biết về ngành năng lượng nói chung cũng như năng lượng Việt Nam nói riêng, được các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà khoa học chân chính đánh giá cao.
Đặc biệt, Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã thực hiện các chuyên đề phản biện thiết thực như: "Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than?"; "Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm"; "Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện"; "Điện cho phát triển thủy sản khu vực ĐBSCL - hiện trạng và giải pháp"; "Điện lực miền Bắc hướng đến dịch vụ ngày càng hoàn hảo"; "Vai trò, tính cấp bách của đường dây 500 kV Vũng Áng - Pleiku 2"; "Quảng Bình và Nhiệt điện Quảng Trạch"; v.v...
Cạnh đó, Tạp chí Năng lượng Việt Nam cũng đã đăng tải kịp thời các bài viết để trả lời cho các câu hỏi mang tính cấp thiết như: Chính sách giá điện mặt trời ở Việt Nam? Thế giới đang sử dụng than như thế nào? Ai đang phá vỡ thị trường than của Việt Nam? Vì sao năng lượng tái tạo chưa thể thay thế nhiệt điện than? Cơ chế nào để Việt Nam phát triển các mỏ dầu khí cận biên? Cơ chế nào để địa chất dầu khí Việt Nam vượt qua thách thức? Vì sao hiệu quả năng lượng, năng suất lao động Việt Nam còn thấp? v.v...
Với các nội dung hoạt động như trên, Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Huân chương Lao động hạng Ba; Cờ thi đua của Bộ Công Thương và nhiều bằng khen, của các tập đoàn: EVN, PVN, TKV, v.v…
Phát huy thế mạnh của cơ quan báo chí chuyên ngành, với đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học tâm huyết, trong thời gian tới, Tạp chí Năng lượng Việt Nam tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động với những mục tiêu và phương hướng cụ thể như sau:
1/ Thực hiện đúng chức năng của báo chí theo lời dạy của V.I. Lê Nin là "thông tin, tuyên truyền và cổ động". Theo đó, thông tin đầy đủ và chính xác, tuyên truyền rộng rãi và thường xuyên; cổ động kịp thời và đúng đối tượng về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến ngành năng lượng Việt Nam. Nghiêm chỉnh chấp hành các chỉ đạo của các cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí.
2/ Góp phần nâng cao sự hiểu biết (sâu) và nhận biết (đúng) của toàn xã hội về các lĩnh vực khoa học - công nghệ, quản lý - kinh tế của ngành năng lượng (điện, than, dầu khí, điện hạt nhân, năng lượng mới, tái tạo) thông qua việc phổ biến và cập nhật các kiến thức/kinh nghiệm.
3/ Tăng cường hơn nữa chất lượng phản biện về các vấn đề: khoa học - kỹ thuật, kinh tế - môi trường, cơ chế - chính sách trong lĩnh vực năng lượng.
4/ Tiếp tục nghiên cứu và tổng hợp để đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo Đảng, Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước các vấn đề có liên quan đến chiến lược, về an ninh năng lượng quốc gia.
5/ Duy trì thường xuyên chất lượng và hiệu quả của các chuyên mục: "Nhận định - Dự báo - Phản biện - Kiến nghị", cũng như thực hiện các chuyên đề chuyên sâu về: An ninh năng lượng; Phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam; Sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng; Bảo vệ môi trường trong phát triển năng lượng; Thị trường năng lượng; Năng lượng trong CMCN 4.0…
6/ Luôn luôn tìm hiểu/nghiên cứu/dự báo về những vấn đề "nút cổ chai", các khó khăn, thách thức trong phát triển của các ngành: điện, than, dầu khí, năng lượng mới, tái tạo để kịp thời góp phần cảnh báo và tháo gỡ.
7/ Đa dạng hóa phương thức, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động báo chí để đáp ứng và phù hợp với sự phát triển của ngành năng lượng trong CMCN 4.0.
8/ Gắn chặt hoạt động báo chí với việc phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và phục vụ công tác quản lý của các bộ, ngành.
9/ Phát triển theo chiều sâu và nâng cao chất lượng của các cộng tác viên/phóng viên/biên tập viên; chú trọng việc hợp tác với các báo và tạp chí khác.
10/ Mở rộng đội ngũ bạn đọc và các đối tượng phục vụ; củng cố các mối quan hệ với các địa bàn hoạt động và các tổ chức xã hội nghề nghiệp chuyên ngành; nâng cao chất lượng và tính thiết thực trong hoạt động xuất bản của Tạp chí Năng lượng Việt Nam.
TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM