RSS Feed for Tài chính cho chuyển đổi năng lượng tại các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 26/12/2024 13:04
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tài chính cho chuyển đổi năng lượng tại các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi

 - Hiện tại hệ thống tài chính quốc tế đang cung cấp một số hỗ trợ cho sự phát triển bền vững trên toàn thế giới. Tuy nhiên, các chiến lược, khả năng, cũng như mức độ tài trợ vẫn chưa đáp ứng lời kêu gọi chuyển đổi cơ bản ngành năng lượng tại các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi. Hệ thống tài chính quốc tế thiếu sự tập trung rõ ràng và thống nhất vào việc tài trợ cho giảm phát thải và phát triển năng lượng sạch, đặc biệt là tại các nước đang phát triển. Điều này cần được thực hiện trên nhiều khía cạnh của chuyển đổi năng lượng với sự phối hợp tài chính từ các nhà tài trợ và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật. Tăng cường hiệu quả của các kênh phân phối cho các khoản đầu tư là rất quan trọng. Đặc biệt, cần có sự hợp tác quốc tế mạnh mẽ để thúc đẩy đầu tư vào năng lượng sạch tại các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi.
Chuyển dịch năng lượng của Việt Nam - Phân tích và định hướng chính sách cho tương lai Chuyển dịch năng lượng của Việt Nam - Phân tích và định hướng chính sách cho tương lai

Bài báo này được rút gọn từ Báo cáo nghiên cứu “Một số nghiên cứu về chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với phát triển hạ tầng năng lượng hiệu quả và bền vững phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, giai đoạn 2030 và tầm nhìn 2045” do TS. David Jacobs (IET - International Energy Transition GmbH), Toby D. Couture (E3 Analytics), Thorsten Schlößer, Leonard Hülsmann, (Energynautics GmbH), TS. Nguyễn Anh Tuấn (Viện Năng lượng) thực hiện, với sự đóng góp ý kiến của Ban Kinh tế Trung Ương, GIZ Việt Nam - Dự án EVEF, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, được thực hiện trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật ngành Năng lượng Việt Nam - EU” do Liên minh châu Âu và Cộng hòa Liên bang Đức đồng tài trợ.

Nhóm các nền kinh tế đang phát triển (developing economies - DEs) và mới nổi (emerging economies - EEs) bao gồm các quốc gia ở châu Phi, châu Á, châu Âu, châu Mỹ Latinh và Trung Đông - bao gồm các nước kém phát triển nhất thế giới, cũng như nhiều nền kinh tế có thu nhập trung bình, những nước lớn mới nổi về nhu cầu toàn cầu như Ấn Độ và Indonesia, và một số các nhà sản xuất năng lượng lớn trên thế giới. Tính trên cơ sở bình quân đầu người, tiêu thụ năng lượng ở các nước này nhìn chung thấp, nhưng nền kinh tế mở rộng và thu nhập tăng tạo ra tiềm năng to lớn cho tăng trưởng trong tương lai. Thách thức là phải tìm ra các mô hình phát triển đáp ứng nguyện vọng của người dân trong khi tránh các lựa chọn carbon cao mà các nền kinh tế đã theo đuổi trong quá khứ. Chi phí giảm của các công nghệ năng lượng sạch quan trọng mang lại cơ hội to lớn để vạch ra một lộ trình mới, ít phát thải hơn cho tăng trưởng và thịnh vượng. Nếu cơ hội này không được tận dụng và quá trình chuyển đổi năng lượng sạch ở các quốc gia này bị chững lại, thì đây sẽ trở thành đường đứt gãy lớn trong các nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết biến đổi khí hậu và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Tương lai năng lượng và khí hậu của thế giới ngày càng phụ thuộc vào các quyết định được đưa ra tại các DEs và EEs.

Các DEs và EEs chiếm 2/3 dân số thế giới, nhưng chỉ chiếm 1/5 nguồn đầu tư vào năng lượng sạch và 1/10 của cải tài chính toàn cầu. Đầu tư hàng năm trên tất cả các lĩnh vực của ngành năng lượng vào các thị trường DEs và EEs đã giảm khoảng 20% ​​kể từ năm 2016, một phần do một số thách thức dai dẳng trong việc huy động tài chính cho các dự án năng lượng sạch. Đại dịch Covid-19 đã làm suy yếu bảng cân đối tài chính của các công ty và khả năng chi trả của người tiêu dùng, đồng thời cũng đã gây thêm áp lực cho vấn đề tài chính công. Các tác động đã được cảm nhận nghiêm trọng nhất ở DEs và EEs. Các tác động đối với sức khỏe cộng đồng và hoạt động kinh tế vẫn chưa kết thúc, làm giảm triển vọng phục hồi nhanh chóng và các phương tiện cho một nền kinh tế bền vững.

Các DEs và EEs được coi là nguyên nhân dẫn đến phần lớn tăng trưởng khí thải trong những thập kỷ tới, trừ khi có nhiều hành động mạnh mẽ hơn để chuyển đổi hệ thống năng lượng của họ. Ngoại trừ các khu vực ở Trung Đông và Đông Âu với mức phát thải bình quân đầu người thuộc hàng thấp nhất trên thế giới, còn một phần tư mức phát thải toàn cầu là do các nền kinh tế tiên tiến. Trong một kịch bản phản ánh các chính sách hiện hành và đã công bố ngày nay, lượng phát thải từ các DEs và EEs được dự báo sẽ tăng 5 gigatonnes (Gt) trong hai thập kỷ tới. Ngược lại, chúng được dự báo sẽ giảm 2 Gt tại các nền kinh tế tiên tiến và ổn định.

Lộ trình phát triển ngày nay cho các DEs và EEs chỉ ra mức phát thải cao hơn. Việc tăng chi tiêu cho năng lượng sạch chưa từng có là cần thiết để đưa các quốc gia vào con đường hướng tới phát thải ròng bằng 0 (Net Zero Emission). Đầu tư vào năng lượng sạch tại các DEs và EEs đã giảm 8% xuống dưới 150 tỷ USD vào năm 2020, dự kiến ​​chỉ phục hồi nhẹ vào năm 2021. Đến cuối những năm 2020, lượng vốn hàng năm dành cho năng lượng sạch ở các nền kinh tế này cần phải tăng thêm hơn bảy lần, lên trên 1.000 tỷ USD, để đưa thế giới đi đúng hướng đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero Emission) vào năm 2050. Sự gia tăng như vậy có thể mang lại những lợi ích kinh tế và xã hội lớn, nhưng nó sẽ đòi hỏi những nỗ lực sâu rộng để cải thiện môi trường trong nước cho đầu tư năng lượng sạch tại các quốc gia này - kết hợp với các nỗ lực quốc tế để tăng tốc dòng vốn.

Chuyển đổi ngành điện và đẩy mạnh đầu tư để sử dụng hiệu quả nguồn điện sạch là những trụ cột quan trọng của phát triển bền vững. Tiêu thụ điện ở các DEs và EEs được dự báo sẽ tăng gấp khoảng ba lần so với tỷ lệ tăng trưởng của các nền kinh tế tiên tiến và với chi phí thấp của năng lượng gió, năng lượng mặt trời sẽ khiến chúng trở thành những công nghệ được lựa chọn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các nền kinh tế.

Các xã hội có thể thu được nhiều lợi ích từ việc đầu tư vào nguồn điện sạch và mạng lưới điện số hóa hiện đại, cũng như chi tiêu cho hiệu quả sử dụng năng lượng và điện khí hóa các tòa nhà, thiết bị và xe điện xanh hơn. Các khoản đầu tư này tạo ra tỷ trọng lớn nhất trong việc cắt giảm khí thải cần thiết trong thập kỷ tới để đáp ứng giảm phát thải. Điều này đòi hỏi sự cải thiện về hiệu quả của thiết bị công nghiệp và vận tải hạng nặng, cũng như việc chuyển đổi nhiên liệu sang sử dụng điện, năng lượng sinh học, và còn sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại những lĩnh vực (máy bay, tàu thủy) chưa thể triển khai năng lượng sạch hơn trên quy mô cần thiết.

Song song với việc đó, điều cần thiết là đặt nền móng cho việc nhanh chóng mở rộng quy mô sản xuất các chất lỏng và khí carbon thấp, bao gồm hydro, cũng như các công nghệ thu giữ carbon, mặc dù nhiều khâu của lĩnh vực này hiện còn đang thiếu các mô hình kinh doanh khả thi. Các quốc gia nhập khẩu nhiên liệu chính, đặc biệt là ở châu Á sẽ được hưởng lợi từ việc giảm nhập khẩu nhiên liệu. Nhưng đối với các nhà sản xuất và xuất khẩu dầu khí lớn nhất thế giới, việc chuyển đổi sang năng lượng sạch sẽ tạo ra áp lực rất lớn đối với việc tạo nguồn tài chính dành cho đầu tư năng lượng và phi năng lượng.

Chi phí giảm phát thải trung bình ở các DEs và EEs được ước tính vào khoảng một nửa mức tại các nền kinh tế tiên tiến. Tất cả các quốc gia cần giảm phát thải, nhưng đầu tư vào năng lượng sạch ở các DEs và EEs là đặc biệt có hiệu quả về chi phí để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Cơ hội được nhấn mạnh bởi số lượng thiết bị và cơ sở hạ tầng mới đang được mua sắm, hoặc đang được xây dựng. Ở những nơi có sẵn công nghệ sạch với giá cả phải chăng và có sẵn các lựa chọn tài chính thì việc tích hợp các lựa chọn bền vững, thông minh vào các tòa nhà, nhà máy và phương tiện mới ngay từ đầu sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc điều chỉnh, hoặc trang bị thêm ở giai đoạn sau.

Khả năng chi trả là mối quan tâm chính của người tiêu dùng, trong khi các chính phủ phải theo đuổi nhiều mục tiêu phát triển liên quan đến năng lượng, bắt đầu với việc tiếp cận năng lượng toàn dân. Hiện nay trên thế giới có gần 800 triệu người không được sử dụng điện và 2,6 tỷ người không được tiếp cận với các lựa chọn nấu ăn sạch. Phần lớn những người này ở các DEs và EEs, và đại dịch Covid-19 đã làm hạn chế nguồn tài chính cho các dự án mở rộng khả năng tiếp cận.

Hiệu quả sử dụng năng lượng là chìa khóa cho các kết quả ít tốn kém nhất và bền vững. Ví dụ, việc đáp ứng nhu cầu làm mát ngày càng tăng bằng máy điều hòa không khí hiệu suất cao sẽ giúp giảm chi phí năng lượng cho các hộ gia đình và giảm thiểu chi phí cho toàn bộ hệ thống. Việc cung cấp các giải pháp nấu ăn sạch và giải quyết tốt việc khử các khí thải sẽ mang lại lợi ích lớn cho chất lượng không khí: Hiện nay 15 trong số 25 thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới thuộc các DEs và EEs, và ô nhiễm không khí là nguyên nhân chính gây tử vong sớm. Các cơ chế đổi mới với sự hỗ trợ quốc tế để tái trang bị, tái sử dụng hoặc ngừng hoạt động các nhà máy than hiện có là một thành phần thiết yếu của quá trình chuyển đổi trong ngành điện.

Điện sạch là trọng tâm của các chiến lược phát triển và chuyển đổi nhưng khó có thể cung cấp nguồn điện sạch cho tất cả các nền kinh tế đang trải qua quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh chóng. Sự chuyển đổi nhiên liệu trong các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng như vật liệu xây dựng, hóa chất và vận chuyển là cần thiết để đạt được những kết quả mong muốn.

Quá trình chuyển đổi năng lượng sạch đòi hỏi mức vốn chủ sở hữu và mức vay nợ cao hơn nhiều, cơ cấu vốn của các khoản đầu tư có xu hướng chuyển sang vay nợ nhiều hơn. Điều này chủ yếu xuất phát từ sự dịch chuyển dòng đầu tư sang các lĩnh vực như điện, nơi tài chính vay nợ phổ biến hơn, cũng như việc chú trọng nhiều hơn vào các mô hình tài trợ cho việc hỗ trợ các hộ gia đình mua xe điện và cải thiện các tòa nhà và nhà máy. Việc huy động đầu tư trên tất cả các lĩnh vực sẽ phụ thuộc vào việc tăng cường dòng tài chính từ các nguồn trong nước cũng như từ các nhà cung cấp quốc tế. Năng lượng tái tạo là con đường khả dĩ nhất để tăng cường sự tham gia của các nhà phát triển dự án quốc tế, các ngân hàng thương mại và các nhà đầu tư có liên quan khác. Các khoản đầu tư dựa vào người tiêu dùng, hoặc những khoản đầu tư đến từ các doanh nghiệp nhà nước - chẳng hạn như cung cấp nhiên liệu và lưới điện - phụ thuộc nhiều hơn vào các nguồn vốn trong nước, nhưng họ cũng cần tiếp cận với nhiều lựa chọn gây quỹ hơn.

Chuyển đổi năng lượng sẽ cần nhiều khoản vay nợ hơn của các công ty và người tiêu dùng. Khả năng chi trả của quá trình chuyển đổi năng lượng sạch sẽ phụ thuộc vào việc giảm chi phí và cải thiện nguồn vốn sẵn có. Nhiều công nghệ năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời và xe điện, có yêu cầu đầu tư trả trước tương đối cao, được bù đắp theo thời gian bằng chi phí vận hành và nhiên liệu thấp hơn. Việc chuyển hướng sang một hệ thống năng lượng sử dụng nhiều vốn hơn có nghĩa là giữ cho chi phí tài chính ở mức thấp sẽ là yếu tố quan trọng để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng trong khi vẫn giữ được giá cả phải chăng.

Tuy nhiên, hiện tại, vốn tại các DEs và EEs đắt hơn đáng kể so với các nền kinh tế tiên tiến. Tính toán sơ bộ cho thấy, chi phí tài chính danh nghĩa tại các DEs và EEs cao hơn tới bảy lần so với tại Hoa Kỳ và châu Âu do phải vượt qua các phân khúc rủi ro hơn.

Có thể nói, trên phạm vi toàn cầu không thiếu vốn, nhưng thiếu các cơ hội đầu tư vào năng lượng sạch mang lại lợi nhuận tương xứng để cân bằng rủi ro. Đến năm 2020, khối tài sản toàn cầu do các nhà đầu tư nắm giữ ở mức hơn 200 nghìn tỷ USD với phần lớn tập trung ở các nền kinh tế tiên tiến. Nếu quá trình chuyển đổi năng lượng thành công, thì các nhà phát triển và các nhà tài chính cần phải tăng lượng vốn phân bổ cho năng lượng sạch và cho các DEs và EEs.

Hiện nay, nhiều DEs và EEs chưa có tầm nhìn rõ ràng, hoặc chính sách hỗ trợ và môi trường pháp lý có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng nhanh chóng. Gánh nặng nợ nần đang gia tăng ở nhiều nền kinh tế và rất ít chính phủ tại các DEs và EEs có không gian tài chính để huy động các nguồn lực cho sự phục hồi bền vững.

Chuyển đổi năng lượng mang lại những cơ hội kinh tế mới lớn, đặc biệt là thông qua việc tạo ra nhiều việc làm mới gắn với các hoạt động và đầu tư năng lượng sạch. Chi tiêu cho các thiết bị năng lượng hiệu quả hơn, xe chạy bằng điện, pin nhiên liệu, trang bị thêm cho các tòa nhà và xây dựng cơ chế tiết kiệm sử dụng năng lượng mang lại nhiều cơ hội việc làm hơn. Sự phát triển trong các lĩnh vực này đặc biệt có thể hỗ trợ vai trò của phụ nữ và doanh nhân nữ trong việc thúc đẩy thay đổi, cải thiện bình đẳng giới. Các chính phủ cần đảm bảo rằng quá trình chuyển đổi năng lượng sạch lấy con người làm trung tâm và bao trùm, giúp cộng đồng định hướng các cơ hội mới cũng như gánh nặng kinh tế phát sinh từ việc chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch và khả năng đóng cửa các tài sản sử dụng nhiên liệu tạo ra nhiều khí thải. Giải quyết các thách thức chuyển đổi đòi hỏi phải tập trung vào đối thoại công khai minh bạch, phát triển các chương trình để nâng cao kỹ năng trong tất cả các khía cạnh của chuyển đổi năng lượng sạch và hỗ trợ tăng trưởng các cơ hội việc làm mới trong các hoạt động kinh tế bền vững hơn.

Sự chuyển đổi ở các nền kinh tế này sẽ chững lại nếu không có sự tham gia và hỗ trợ nhiều hơn từ quốc tế. Các hành động của các nhà hoạch định chính sách trong quốc gia của họ để giải quyết những thách thức và nắm bắt cơ hội, tự bản thân họ sẽ không tạo ra đủ động lực. Các hành động quốc tế hỗ trợ sẽ là yếu tố cần thiết để thúc đẩy các khoản đầu tư cần thiết vào các lĩnh vực quan trọng và hỗ trợ các quá trình cải cách dài hạn, bắt đầu từ việc các nền kinh tế phát triển cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm cho tài chính khí hậu./.

TS. NGUYỄN MẠNH HIẾN - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tài liệu tham khảo:

1. Financing the clean energy transistion in Developing and Emerging Economies (IEA Report).

2. Financing the global energy transistion.

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động