RSS Feed for Quản lý nhu cầu điện: Thực tiễn Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 10/09/2024 04:05
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Quản lý nhu cầu điện: Thực tiễn Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế

 - Chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) được triển khai từ nhiều năm nay đã mang lại một số kết quả đối với sự phát triển của ngành điện nước ta. Để tăng cường hơn nữa tính hiệu quả của chương trình này, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chương trình quốc gia về DSM" với mục tiêu là cắt giảm công suất phụ tải đỉnh (khoảng 2.000MW) và tăng thêm hệ số phụ tải (3-4%) của hệ thống điện (HTĐ) toàn quốc vào năm 2030, góp phần giảm kinh phí đầu tư phát triển nguồn, lưới điện. Trên thế giới, tại một số nước như Mỹ, Canada, Balan, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Mexico, Thái Lan… DSM đã được đặc biệt chú trọng và khuyến khích nên đã thu được những thành tựu rất đáng khích lệ.

Cần có chính sách đủ mạnh cho "thâm canh" năng lượng
Tham nhũng và chính sách năng lượng tái tạo
Quy hoạch điện VII: Kẻ hủy diệt sức khỏe và môi trường?
Năng lượng Việt Nam trong lộ trình đổi mới tổng thể
Vì sao tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới đề cao vai trò thủy điện nhỏ?

Chương trình quản lý nhu cầu điện (Demand-side management - DSM) là tập hợp các giải pháp kỹ thuật - công nghệ - kinh tế - xã hội nhằm quản lý thời điểm, thời gian sử dụng, hoặc sản lượng tiêu thụ điện từ phía khách hàng với ba cách tiếp cận dưới đây.

Thứ nhất, cải tiến hiệu suất năng lượng của các doanh nghiệp sản xuất, các tòa nhà, các thiết bị điện và quá trình sử dụng chúng.

Thứ hai, phát triển phụ tải theo chiến lược nhằm cải thiện hệ số phụ tải (load factor) của hệ thống điện (HTĐ).

Thứ ba, quản lý nhu cầu nhằm phân phối lại quá trình tiêu thụ điện năng trong một ngày đêm.

Trong ba giải pháp này thì giải pháp thứ ba được coi là giải pháp mang lại hiệu quả cao trong việc đầu tư phát triển nguồn, lưới điện.

Thông thường thì mục tiêu của DSM là khuyến khích các khách hàng giảm sử dụng điện vào các giờ cao điểm (peak hours), hoặc dịch chuyển việc sử dụng điện từ các giờ cao điểm sang các giờ thấp điểm (off-peak times) như vào ban đêm, hoặc những ngày nghỉ cuối tuần.

Nói một cách đơn giản, DSM theo giải pháp này là thực hiện việc "cắt" một phần công suất vào các giờ cao điểm  (công suất đỉnh) để "lấp" vào các giờ thấp điểm, làm cho biểu đồ phụ tải ngày đêm của HTĐ được "san bằng" hơn (tăng hệ số phụ tải và tỷ lệ Pmin/Pmax). Giải pháp này không đòi hỏi phải giảm tổng điện năng tiêu thụ trong một ngày đêm, nhưng có tác dụng to lớn là tiết giảm được vốn đầu tư vào nguồn và lưới điện cần thiết để đảm bảo đáp ứng  nhu cầu phụ tải vào các giờ cao điểm.

Tại Việt Nam, với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ môi trường Toàn câu (GEF), giải pháp DSM đã được triển khai từ những năm đầu tiên của thế kỷ 21 với việc thực hiện các chương trình như: nghiên cứu phụ tải, kiểm toán năng lượng thí điểm, lắp đặt công tơ 03 giá theo thời gian sử dụng điện (time of use - TOU), thí điểm điều khiển phụ tải bằng sóng (direct load control - DLC), thúc đẩy sử dụng đèn huỳnh quang gầy, vv...

Tiếp theo là năm 2010 Nhà nước đã chính thức ban hành luật "Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả". Đến nay, tuy vẫn chưa có sự xem xét đánh giá chính thức của các cơ quan chức năng, song nhìn chung việc thực hiện các chương trình DSM đã mang lại những thành tựu đáng chú ý như: cải thiện biểu đồ phụ tải ngày đêm (từ năm 2000 đến 2015 đã tăng hệ số phụ tải từ 0,73 lên 0,87 và tỷ lệ Pmin/Pmax từ 0,5 lên gần 0,7); hệ thống đèn chiếu sáng đường xá, các hộ gia đình, công sở, nhà hàng… hầu hết được sử dụng loại đèn LED (light emitting diod) tiết kiệm điện. Bên cạnh đó việc kiểm toán năng lương, dán nhãn cho các thiết bị, phương tiện sử dụng điện đã được thực hiện, vv…

Mới đây, để phát huy hơn nữa vai trò của DSM, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2030" với mục tiêu cụ thể là cắt giảm công suất phụ tải đỉnh của HTĐ toàn quốc so với số liệu dự báo trong Quy hoạch điện VII (hiệu chỉnh) khoảng 300MW năm 2020; 1.000MW năm 2025 và 2.000MW năm 2030, và tăng hệ số phụ tải của biểu đồ phụ tải ngày đêm thêm khoảng 1-2% giai đoạn 2018 - 2020 và 3-4% giai đoạn 2021 - 2030.

Trên thế giới, DSM đã được thực hiện tại nhiều nước phát triển và đang phát triển từ các thập niên cuối thể kỷ trước. Tại một số nước như Mỹ, Canada, Balan, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Mexico, Thái Lan… DSM đã được đặc biệt chú trọng và khuyến khích nên đã thu được những thành tựu rất đáng khích lệ.

Trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế về triển khai các chương trình DSM các chuyên gia năng lượng đã rút ra một số bài học dưới đây:

1/ Những nỗ lực chung của các doanh nghiệp điện lực và cơ quan điều tiết có tính quyết định để thu được các kết quả thực chất trong việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

2/ Mục tiêu cơ bản của DSM là giảm tổng chi phí xã hội của dịch vụ cung cấp điện. Đôi khi đây cũng là giải pháp hạn chế bớt việc cắt giảm phụ tải.

3/ Thông thường thì các hộ tiêu thụ điện khu vực gia dụng và thương mại là đối tượng chính của DSM. Tuy nhiên, tại một số nước (Nam Phi chẳng hạn) có những khách hành công nghiệp phụ tải lên tới 1.800MW được cung cấp điện theo biểu giá gián đoạn cũng có thể là đối tác lớn tham gia cuộc chơi.

4/ Bảng giá điện phản ánh chi phí (như tại Việt Nam hiện nay) thường được các doanh nghiệp điện lực sử dụng, nhưng không cần thiết để thực hiện DSM. Trong trường hợp việc cung cấp điện được trợ giá, các doanh nghiệp điện lực có nhiều ưu đãi, khuyến khích trong việc bán lượng điện năng tiết kiệm được cho các khách hàng phải trả giá cao hơn.

5/ Các doanh nghiệp điện lực phải giữ vai trò chủ đạo trong việc thực hiện DSM. Một khi thị trường điện được thiết lập, các nhà cung cấp tư nhân cần được khuyến khích.

6/ Các chương trình DSM được tài trợ thông qua giá (nghĩa là thông qua quá trình điều tiết) ưu việt hơn là tài trợ trực tiếp từ chính phủ - thông qua thuế đánh vào các loại hàng hóa. Điều này giúp tránh được việc chuyển tiền giữa các đơn vị và khuyến khích các chương trình hiệu quả hơn.

7/ Các khách hàng nên cam kết một số nguồn lực trước khi họ nhận trợ cấp. Kinh nghiệm của Thái Lan và Bắc Mỹ chỉ ra rằng đây là hình mẫu tốt hơn so với cơ chế "miễn phí" như tại một số nước khác.

8/ Việc đánh giá nên được coi là một bộ phận tích hợp của các chương trình DSM và phải được thực hiện đồng thời cũng như phải mang tính năng động để có được sự phản hồi thường xuyên về hiệu quả của chương trình và cho phép chương trình được điều chỉnh liên tục.

Có thể nói, đây thực sư là những bài học kinh nghiệm quý báu, có ý nghĩa quan trọng đối với nước ta trong việc triển khai "Chương trình quốc gia về DSM" trong thời gian tới.

TS. NGUYỄN MẠNH HIẾN - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động