RSS Feed for Những thách thức nào đang chờ tân Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 23/01/2025 11:59
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Những thách thức nào đang chờ tân Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam?

 - Sáng nay (24/11/2020), Lễ công bố và trao Quyết định điều động, bổ nhiệm ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã được tổ chức tại Hà Nội. (Quyết định số 1819/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 16/11/2020). Nhân dịp này, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam có bài viết bình luận về những khó khăn, thách thức của ngành Dầu khí Việt Nam hiện nay đang đòi hỏi tân Chủ tịch, cùng HĐTV, Ban Tổng giám đốc và gần 60.000 Người lao động dầu khí phải nỗ lực vượt qua.


Thủ tướng đề nghị Tạp chí Năng lượng VN tiếp tục đóng góp cho ngành dầu khí

Đề nghị Ban KTTW, Bộ Công Thương nghiên cứu phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam


 

Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao Quyết định điều động, bổ nhiệm ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (ngày 24/11/2020).


Tổng quan và cơ cấu hoạt động của PVN

Lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam tính đến tháng 7 năm 2006, PVN chỉ tập trung vào ngành nghề cốt lõi (gồm thăm dò, khai thác dầu khí), luôn đóng góp trên dưới 30% mức tổng thu ngân sách Nhà nước.

Từ khi nâng cấp cơ cấu từ Tổng công ty lên cấp Tập đoàn vào tháng 8 năm 2006, PVN không chỉ tập trung vào ngành nghề cốt lõi đã mà đầu tư sang các lĩnh vực điện, hóa chất, xơ sợi, đóng tàu, bất động sản. Từ đây, cơ cấu phình to, đến năm 2013 thì định hình thành 5 lĩnh vực. Theo Nghị định 149/2013/NĐ-CP ban hành ngày 31/10/2013 của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của PVN, quy định PVN có 5 lĩnh vực và chức năng hoạt động, bao gồm:

1/ Thăm dò và khai thác dầu khí (khâu đầu).

2/ Lọc - hoá dầu (khâu sau).

3/ Công nghiệp khí (khâu sau).

4/ Công nghiệp điện.

5/ Dịch vụ dầu khí chất lượng cao (bao gồm cả bảo hiểm, tài chính và ngân hàng).

Tổng giá trị tài sản vốn Nhà nước trên 5 lĩnh vực ngành chiếm khoảng 40 tỷ đô la. Với cơ cấu gần 60 nghìn nhân sự trải rộng trên 5 lĩnh vực ngành, khâu đầu và khâu sau là 2 lĩnh vực cốt lõi. (Do nội dung khá dài, nên chúng tôi sẽ đi sâu vào hoạt động lĩnh vực, tách thành 2 chủ đề: “Dầu - khí” và “điện lực dầu khí” trong các chuyên đề sắp tới).

Sau giai đoạn phát triển nóng và đầu tư dàn trải, ngoài ngành dẫn đến mất cân đối tài chính, mất vốn chủ sở hữu và thất thoát ở một số dự án lớn (5 đại dự án). Ba năm qua, thông qua việc điều động và bổ nhiệm ông Trần Sỹ Thanh, PVN đã triển khai đề án tái cơ cấu toàn ngành. Về cơ bản, đề án tái cơ cấu đã triển khai được nhiều nhóm việc, gồm:

1/ Thu gọn cơ cấu phòng, ban Tập đoàn và các đơn vị để hoạt động ổn định, hiệu quả hơn.

2/ Tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh của Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro - VSP), Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) và một số doanh nghiệp sản xuất khác như: Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC)... phù hợp tình hình mới.

3/ Đưa các tổng công ty, hoặc cơ cấu tương đương gồm BSR, PV Oil, PV Power lên sàn giao dịch chứng khoán lần đầu (IPO) nhằm hoạt động hiệu quả hơn.

4/ Tái cơ cấu nhóm các tổng công ty dịch vụ kỹ thuật như: Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling), Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans), Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco), Tổng công ty Dung dịch Khoan và Hóa phẩm Dầu khí (DMC), Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Nam (NASOS) tinh gọn và hoạt động hiệu quả hơn.

5/ Sắp xếp lại hoạt động nghiên cứu khoa học, cơ cấu tổ chức của Viện Dầu khí Việt Nam, Đại học Đầu khí, Cao đẳng Dầu khí tinh gọn và chuyên sâu hơn.

6/ Về nhóm các dự án thua lỗ, có rủi ro mất vốn: Đưa PVTex, Nhà máy đóng tàu Dung Quất và Ethanol Dung Quất đi vào hoạt động ổn định.

Tuy nhiên, các liệt kê ở trên là về mặt “định tính”, còn về mặt “định lượng” thì vẫn chưa đạt yêu cầu - nghĩa là, hoạt động toàn ngành đã có chuyển biến tích cực, nhưng đề án thoái vốn vẫn dẫm chân tại chỗ; các dự án thua lỗ vẫn chưa có lối thoát. Theo đó, dù đã rất nỗ lực, việc thoái vốn ở các dự án thua lỗ như Nhà máy đóng tàu Dung Quất, các nhà máy nhiên liệu sinh học vẫn chưa được triển khai. Việc thoái bớt vốn ở chuỗi các tổng công ty khâu sau và lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật, bảo hiểm, tài chính - ngân hàng vẫn chưa thực hiện được, mà phải giãn theo lộ trình đến năm 2022 - 2025.

Đối với lĩnh vực điện, ngoài dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1 chuẩn bị đi vào hoạt động thương mại, các dự án Nhiệt điện Long Phú 1, Thái Bình 2 hiện vẫn còn bế tắc do các phê duyệt liên quan chi phí đội vốn, chi phí phát sinh, cơ chế nhà thầu EPC, nhà cung ứng chưa xử lý xong. Cần biết, 3 dự án điện của PVN đã chiếm gần 6 tỷ đô la và chi phí lãi phát sinh hàng ngày đã hơn 20 tỷ đồng.

Đối với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) - nơi PVN chiếm 25,1% vốn chủ sở hữu, việc bao tiêu sản phẩm và nhu cầu điều chỉnh giá bán, tìm kiếm thị trường, thị phần nội địa đang là một thách thức, khi giá nhập khẩu xăng dầu từ thị trường ASEAN gần như bằng giá bán tại cổng nhà máy. Cần biết, sản phẩm của NSRP và Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đang chiếm 75% thị phần nội địa và nếu không được Chính phủ tạo các điều kiện ưu đãi, sản phẩm đầu ra sẽ rất khó khăn khi thị trường bão hòa.

Đối với dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, việc thu xếp vốn đang rất khó khăn do Chính phủ không còn áp dụng cơ chế bảo lãnh 70% vốn vay trên tổng mức đầu tư 1,8 tỷ đô la.

Về lĩnh vực công nghiệp khí, sản lượng hiện nay khoảng trên dưới 10 tỷ m3 khí/năm và đến năm 2023 sẽ sụt giảm (ngay cả khi đã cập nhật, có thêm khí từ mỏ Sao Vàng Đại Nguyệt), trừ khi các dự án khí lớn như: Lô B, Cá Voi Xanh, hoặc Sư Tử Trắng (giai đoạn 2) sớm đi vào triển khai.

Về lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, những năm gần đây, sản lượng dầu đã sụt giảm - năm ngoái gần 13 triệu tấn và năm nay, dự kiến sụt giảm còn khoảng 11 triệu tấn. Các mỏ dầu hiện hữu, nằm gần bờ đang cạn dần, trong khi các mỏ xa bờ đều là mỏ khí và chi phí thăm dò, khai thác cao hơn, nhiều rủi ro. Năm nay, do ảnh hưởng Covid-19 và giá dầu sụt giảm nghiêm trọng, PVEP sẽ thua lỗ hơn 4.000 tỷ đồng, đẩy áp lực lên Công ty mẹ - PVN.

Lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật cũng đang gặp khó khăn do những năm gần đây các dự án lớn bị đình trệ. Chuỗi các tổng công ty PTSC, PVDrilling, PVTrans, ngoài thị trường trong nước, đã và đang chật vật chuyển hướng tự tìm kiếm các dự án ở thị trường nước ngoài.

Về nghiên cứu khoa học và đánh giá thẩm định các đề án thăm dò và khai thác dầu khí thông qua Viện Dầu khí Việt Nam, lâu nay vẫn còn nhiều bất cập dẫn đến một số sai sót, cần được xem xét chỉnh sửa để các hoạt động chuẩn mực hơn.

Công tác đào tạo đại học và nghề chuyên ngành (thông qua Đại học Dầu khí và Cao đẳng Nghề dầu khí), cũng cần được sắp xếp lại nhằm đa dạng hóa, phù hợp nhu cầu và đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Trong hơn 10 năm qua, mặc dù luôn duy trì vị trí đứng đầu về tổng mức nộp ngân sách Nhà nước, nhưng do đầu tư dàn trải và ảnh hưởng bởi các dự án thua lỗ, mức nộp ngân sách đã giảm sút. Từ mức trên dưới 30% năm 2006, từ năm 2017 và ba năm qua, trong và sau đề án tái cơ cấu, tình hình có nhiều khả quan hơn, nhưng mức nộp ngân sách vẫn chưa như mong đợi (khoảng 10% GDP).

Cụ thể, năm 2018, PVN nộp ngân sách Nhà nước đạt 110.000 tỷ đồng, vượt 46,5% kế hoạch cả năm. Năm 2019, dù giá dầu giảm, PVN vẫn duy trì mức nộp ngân sách Nhà nước 108.000 tỷ đồng, vượt 23% kế hoạch. Năm nay, do khủng hoảng kép từ đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu, ước tính PVN chỉ nộp ngân sách khoảng 75.000 tỷ đồng (trên tổng doanh thu ước khoảng 558.300 tỷ đồng). 

Dù sao, các chỉ số doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm nay của PVN (ước đạt 15.000 tỷ đồng) có sụt giảm, nhưng đã cho thấy nỗ lực vượt bậc của Người dầu khí Việt Nam. Nếu nhìn ra thế giới, các tập đoàn hàng đầu như: ExxonMobil, Chevron, Repsol đang thua lỗ hàng tỷ đô la và cắt giảm nhân sự.

Những thách thức và trăn trở

Nhu cầu duy trì hoạt động ổn định và phát triển bền vững, do người tiền nhiệm là Ủy viên Trung ương Đảng, chỉ ở PVN không quá 1 nhiệm kỳ, dẫn đến những định hướng dài hạn chưa được rõ ràng. Vì vậy, ở PVN sắp tới, các hoạt động cần hướng đến chu kỳ 10 năm theo đúng tinh thần chủ trương, đường lối trong Nghị quyết 41 và Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị. Sau khi thoái vốn và cổ phần hóa ở chuỗi các Tổng công ty dịch vụ kỹ thuật và ngoài ngành, PVN cần tập trung vào ngành nghề cốt lõi.

Tầm nhìn dài hạn về cơ chế chính sách. Việc hoạch định chiến lược tổng quan và phân vùng trên 5 lĩnh vực, theo đó, cần phải có tầm nhìn dài hạn. Đối với các lĩnh vực khâu sau và dịch vụ, cần thoái vốn triệt để nhằm tập trung nguồn lực vào ngành nghề cốt lõi. Các dự án trọng điểm của PVN đều là dự án khí, làm nhiên liệu đầu vào cho các nhà máy điện, cần được thúc đẩy nhanh vì mục tiêu dài hạn.

Dự báo trong 10 năm tới, nhu cầu điện năng toàn quốc tăng bình quân 8,3%/năm. Để đáp ứng nhu cầu điện năng, từ nay đến năm 2030, mỗi năm cần tăng công suất nguồn 7.800 - 8.000 MW. Đây là thách thức rất lớn, nên PVN cần phải quyết liệt hơn nữa.

Trong bối cảnh nguồn năng lượng truyền thống như điện than, thủy điện đều hạn chế, việc phát triển các dự án điện khí là giải pháp thiết yếu, tối quan trọng, tạo thêm nguồn điện chạy nền và linh hoạt, hỗ trợ cho phát triển mặt trời, điện gió.

Về các Luật, Nghị định, Quy chế tài chính và quy định hiện hành: Thông qua các hợp đồng dầu khí, các chồng lấn ở các chuỗi dự án, PVN cần rà soát, đánh giá và khoanh vùng những khác biệt, thiếu thống nhất, hoặc chồng lấn của các Luật, Nghị định và quy định hiện hành để kiến nghị Chính phủ và Quốc hội sửa đổi. Đồng thời, kiến nghị các bộ, ngành bổ sung, sửa đổi các quy định phù hợp, chuẩn mực. Việc Chính phủ sớm thông qua Quy chế tài chính để PVN dễ thu xếp vốn cho các dự án trọng điểm cũng là nhu cầu cấp thiết. Trong vòng 5 năm tới, nhu cầu vốn để tái đầu tư của PVN và các đơn vị thành viên là rất lớn - cần khoảng 12 - 15 tỷ đô la (bao gồm cả vốn vay), và việc chưa được phê duyệt Quy chế tài chính sẽ rất khó thu xếp vốn khi Bảo lãnh Chính phủ không còn áp dụng.

Ngoài ra, lộ trình thoái vốn ở một số công ty khâu sau và lĩnh vực kỹ thuật cũng cần được Chính phủ, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp phê duyệt và thông qua. Mục tiêu là thu hồi và bảo toàn vốn đầu tư của Nhà nước, cũng như tái đầu tư cho các dự án sinh lời, ngành nghề cốt lõi.

Về các dự án trọng điểm: Dù toàn ngành còn nhiều khó khăn, ngoài việc ổn định tình hình, cắt giảm chi phí sản xuất, kinh doanh và trông đợi giá dầu tăng, PVN cần phối hợp với các bộ, ngành thúc đẩy nhanh các phê duyệt để các chuỗi dự án Cá Voi Xanh, Lô B và Sư Tử Trắng (giai đoạn 2) sớm đi vào triển khai. Các dự án khí này sẽ là những hợp tác chiến lược giữa 2 tập đoàn kinh tế PVN và EVN trong tầm nhìn dài hạn.

Nếu các dự án này, cùng với các dự án trên bờ (gồm nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, dự án Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4, LNG Sơn Mỹ) triển khai theo tiến độ sẽ là đòn bẩy tăng trưởng cho PVN. Đặc biệt, giúp gia tăng giá trị vốn hóa nhóm các tổng công ty khâu sau và lĩnh vực “dịch vụ dầu khí chất lượng cao” nhằm đáp ứng nhu cầu thoái vốn theo lộ trình trong các năm 2022 - 2025.

Đối với các dự án phát triển mỏ nhỏ như: Đại Hùng, Kình Ngư Trắng cũng cần được xem xét thúc đẩy nhanh, nếu có hiệu quả kinh tế sẽ giúp PVEP và VSP duy trì sản lượng khi sản lượng ở các cụm mỏ Đại Hùng và Bạch Hổ đang sụt giảm dần.

Về nhu cầu xây dựng Đảng: Do tư duy nhiệm kỳ, cơ cấu hoạt động rộng (5 lĩnh vực) và các hệ lụy do quá khứ để lại đã không tránh khỏi những khác biệt về quan điểm ở một số cấp lãnh đạo. Vì vậy, nhu cầu về một Ban Thường vụ vững mạnh làm sợi dây kết nối và hàn gắn tập thể HĐTV và Ban Tổng giám đốc là rất quan trọng. Qua đó, sẽ xóa mờ các khác biệt để hướng đến một tập thể đoàn kết và thống nhất trong các quyết định quan trọng của ngành.

Về công tác cán bộ: Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, ông Hoàng Quốc Vượng sẽ cùng ông Lê Mạnh Hùng - Tổng giám đốc PVN và HĐTV kiện toàn 2 chức danh quan trọng, gồm Phó tổng giám đốc PVN và Tổng giám đốc Công ty Điều hành Đường ống Tây Nam (SWPOC). Ngoài ra, các phương án nhân sự ở một số tổng công ty cũng cần sớm được xem xét, làm quy trình điều động và bổ nhiệm để hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định hơn. Theo đó, nhu cầu sẽ hướng đến việc tinh gọn bộ máy quản trị điều hành, trẻ hóa đội ngũ, đáp ứng nhu cầu dài hạn trong tình hình mới.

Đối với các dự án thua lỗ ở nước ngoài của PVEP (đặc biệt là các dự án Junin 2 ở Venezuela, cũng như các lô dầu khí 39 và 67 ở Peru, Nam Mỹ): PVN cần chỉ đạo PVEP phối hợp với các cơ quan chuyên môn để đàm phán nhằm giữ lại quyền tham gia hợp đồng, hoặc xử lý dứt điểm nhằm cắt lỗ. Về các tập thể và cá nhân có liên quan, PVN cũng cần kiểm điểm, rút ra các bài học kinh nghiệm. Theo đó, công tác cán bộ cũng sẽ được sàng lọc nhằm chuẩn hóa hơn. 

Đối với các dự án còn lại trong danh mục đầu tư của PVEP ở trong và ngoài nước, PVN cần rà soát, đánh giá hiện trạng để cân đối vốn đối ứng, chi phí cho các chương trình tìm kiếm, thăm dò.

Về tái tạo văn hóa dầu khí: Trong đề án tái cơ cấu, PVN đã ban hành “Cẩm nang Dầu khí”, “Đề án tái tạo Văn hoá Petrovietnam” và áp dụng khá hiệu quả. Tuy nhiên, với biên độ hoạt động rộng trên 5 lĩnh vực ngành, các chương trình quảng bá về giá trị cốt lõi và văn hóa dầu khí cần được quan tâm hơn nữa để lan tỏa tinh thần của Người dầu khí. Sau một số đổ vỡ và hệ lụy trong quá khứ, thông qua “tái tạo văn hóa dầu khí”, tinh thần của Người dầu khí cần được nêu cao để người lao động hứng khởi và tự tin trở lại.

Gia tăng trữ lượng dầu khí: Trong những năm gần đây, có rất ít chương trình khoan ở thềm lục địa Việt Nam. Việc thiếu các chương trình khoan thăm dò nhằm gia tăng trữ lượng, trong bối cảnh sản lượng các mỏ hiện hữu đang sụt giảm, đang đẩy áp lực lên các chỉ tiêu kế hoạch sản lượng và doanh thu. Từ mức sản lượng hơn 20 triệu tấn dầu năm 2006, đến năm nay, chỉ tiêu sản lượng chỉ còn gần 11 triệu tấn. Vì lẽ đó, sắp tới PVN cần xây dựng và thúc đẩy các chương trình tìm kiếm, thăm dò, cả trực tiếp qua các chi nhánh, hoặc thông qua các công ty liên doanh.

Về thông tin truyền thông dầu khí đối với lĩnh vực thượng nguồn: Lâu nay do những nguyên nhân khách quan từ các điều khoản bảo mật trong các hợp đồng dầu khí, một số thông tin về các hoạt động tìm kiếm, thăm dò ở ngoài khơi chưa được thông tin đầy đủ. Điều này, ít nhiều có ảnh hưởng đến dư luận xã hội trong và ngoài nước. Vì vậy, PVN cần có cơ chế thông tin, tuyên truyền đầy đủ hơn để dư luận xã hội, cũng như các đối tác nước ngoài tin tưởng và cập nhật tình hình. Thông tin từ nguồn chính thống, với liều lượng vừa đủ, không chỉ giúp cho lĩnh vực thăm dò, khai thác hoạt động chuẩn mực, mà còn giúp các công ty chứng khoán, đầu tư và định chế tài chính trong, ngoài nước tham khảo cho hoạt động đầu tư của mình.

Nhìn lại suốt chiều dài lịch sử 45 năm qua: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, dù nhiều thăng trầm, vẫn luôn đóng vai trò đảm bảo an ninh năng lượng và làm tốt nhiệm vụ kinh tế, chính trị của mình. Những tồn đọng và bế tắc, kỳ vọng sẽ được xử lý, tháo gỡ để hướng đến chu kỳ hoạt động bền vững trong tầm nhìn dài hạn. Bằng sự kết nối và tương tác cả 5 lĩnh vực từ thượng nguồn, trung nguồn đến hạ nguồn, để gia tăng các chuỗi giá trị. PVN như tên gọi, đã và sẽ vẫn đóng vai trò trọng tâm của cả nền kinh tế, giữ nhịp, cũng như điều tiết kinh tế vĩ mô và làm cảm hứng trên các bàn đàm phán về hợp tác kinh tế quốc tế sâu rộng (cả trên bờ và ngoài khơi). Từ đó, sẽ là các điểm nhấn làm tiền đề để PVN tập trung vào lĩnh vực cốt lõi, thúc đẩy các đề án tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và an ninh lãnh hải ở Biển Đông./.

Đón đọc chuyên đề: Những thách thức trong các phân ngành dầu - khí và điện lực của PVN

HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động