RSS Feed for Nhiệt điện than - Thách thức về nguồn tài chính và tăng phát thải CO2 | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 03/01/2025 06:54
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nhiệt điện than - Thách thức về nguồn tài chính và tăng phát thải CO2

 - Nguồn tài chính đang bị rút dần khỏi lĩnh vực điện than trên toàn cầu: Các dự án nhiệt điện than mới ở Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng ra sao và chúng ta nên cân nhắc kịch bản thay thế nào?

Vai trò của nhà máy điện ICE đối với Hệ thống điện Việt Nam Vai trò của nhà máy điện ICE đối với Hệ thống điện Việt Nam

Để độc giả có thể hiểu thêm về động cơ đốt trong linh hoạt (ICE), bài viết sau đây sẽ tóm lược các thông tin chính, phân tích và đánh giá về động cơ ICE và từ đó đưa ra đề nghị lưu ý khi sử dụng nhà máy điện ICE bổ sung cho Hệ thống điện Việt Nam.

Công nghệ Wärtsilä trong việc hỗ trợ Việt Nam phát triển năng lượng Công nghệ Wärtsilä trong việc hỗ trợ Việt Nam phát triển năng lượng

Bên lề Lễ công bố báo cáo "Sự cần thiết của các nhà máy điện động cơ đốt trong linh hoạt (ICE) và các ứng dụng trong hệ thống điện tương lai của Việt Nam", Phóng viên Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Minh Thành - Giám đốc Quốc gia Việt Nam của Tập đoàn Wärtsilä, về tính linh hoạt, lợi ích của nhà máy điện ICE và vấn đề áp dụng công nghệ này tại Việt Nam.


Tài chính cho điện than đang là chủ đề nóng:

Tới nay đã có hơn 100 ngân hàng, công ty bảo hiểm, quản lý tài sản và nhà đầu tư trên toàn cầu (bao gồm các tổ chức tài chính đa phương và đầu tư tài chính) đã thông báo về việc rút khỏi các dự án khai thác than cũng như nhà máy điện than. Những đơn vị này có thể kể đến là các ngân hàng hàng đầu thế giới như: World Bank, ADB, Standard Chartered, Maybank, SMBC, v.v...

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã xây dựng một chương trình với các quỹ tài chính có giá trị 100 triệu USD để thúc đẩy việc đóng cửa các nhà máy điện than trong 5 hoặc 10 năm, sớm hơn kế hoạch tại khu vực Đông Nam Á.

Với các mục tiêu giảm phát thải carbon được đặt ra bởi nhiều nhà đầu tư trên thế giới, việc xây dựng các dự án điện than mới sẽ có chi phí đầu tư cao hơn và các nhà máy hiện hữu sẽ phải đóng cửa sớm hơn thời hạn.

Việt Nam sẽ không nằm ngoài cơn bão toàn cầu này về tài chính cho điện than. Trung Quốc mới đây đã cam kết dừng đầu tư các dự án điện than mới ở nước ngoài, như Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát biểu tại một hội nghị Liên Hợp quốc vào tháng 9 vừa qua, và việc này sẽ ảnh hưởng đến các dự án điện than mới tại nhiều nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.

Ngoài các tổ chức tài chính toàn cầu, trong vòng một năm qua, số lượng các tập đoàn đa quốc gia đưa ra các cam kết về mục tiêu carbon trung tính ngày càng tăng do chịu nhiều sức ép để giảm phát thải khí nhà kính trong các chuỗi cung ứng, vận hành, sản xuất và dịch vụ của mình. Với việc Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một nước công nghiệp phát triển hiện đại bằng việc thu hút nhiều hơn các tập đoàn nước ngoài lớn tới đặt các cơ sở sản xuất tại Việt Nam, điều rất quan trọng là đảm bảo nguồn điện mà các đơn vị này mua để sử dụng cho các hoạt động kinh doanh của mình phải bền vững, sạch và xanh.

Các dự án điện than mới đã được quy hoạch tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng:

Việt Nam đã có tổng cộng 21.3 GW công suất điện than tính tới cuối năm 2020, đóng góp vào 50% tổng sản lượng điện trên toàn quốc. Theo dự thảo Quy hoạch điện 8 (QHĐ 8) mới đây, công suất nguồn điện than sẽ còn được tăng lên 40.9 GW vào năm 2030 và tới 50.9 GW vào năm 2035. Trong số các dự án điện than đã được phê duyệt này, theo ước tính có khoảng 15.8 GW vẫn chưa thu xếp được tài chính. Những dự án này sẽ gặp phải nhiều khó khăn khi phải đối mặt với các chính sách đầu tư thiên về bảo vệ môi trường và khí hậu toàn cầu mà các nhà đầu tư, cũng như chính phủ nhiều nước trên thế giới đang thực hiện.

Nhiệt điện than - Thách thức về nguồn tài chính và tăng phát thải CO2
Các dự án điện than mới đã được quy hoạch tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

Hầu hết các nước láng giềng như Campuchia, Myanmar và Lào đã đưa ra những cam kết về việc giảm lượng khí thải nhà kính về bằng 0 (net zero) vào năm 2050 và Việt Nam nên tham gia cùng với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, cũng như đưa ra các mục tiêu tương tự. Dự thảo QHĐ 8 mới đây đã đề xuất tăng gấp đôi công suất điện than vào năm 2030 và như vậy lượng phát thải của nguồn điện than cũng sẽ tăng lên gấp đôi.

Với khó khăn trong việc thu xếp tài chính cho các dự án điện than mới đã được phê duyệt, đây là thời điểm phù hợp để Việt Nam đưa ra những chính sách giảm phát thải carbon mạnh mẽ hơn và những kế hoạch ưu tiên cho việc đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo, cũng như nhiên liệu sạch hơn. Khi các tiêu chí cho vay vốn đã được thay đổi, thời gian hoàn thành của các dự án điện than đã được đề xuất trong dự thảo QHĐ 8 dường như sẽ khó đạt được.

“Tiếp tục phát triển khoảng 30 GW điện than trong giai đoạn 2021 - 2045 theo dự thảo QHĐ 8 hiện nay có thể sẽ rất rủi ro khi hơn một nửa công suất điện than được quy hoạch chưa và khó có thể thu xếp được tài chính trước những cam kết dừng cấp vốn của các quốc gia và tổ chức tài chính. Việc đó có thể khiến Việt Nam có nguy cơ rơi vào tình trạng thiếu điện, đồng thời đặt Việt Nam ở chiều ngược lại với xu thế chuyển dịch xanh của thế giới và nỗ lực thực hiện mục tiêu khí hậu của Thỏa thuận Paris. Trong khi đó, Việt Nam đang đứng trước cơ hội thuận lợi để phát triển nguồn năng lượng sạch với sự cổ vũ và cam kết hỗ trợ của các đối tác quốc tế, cộng đồng các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hi vọng Chính phủ sẽ có quyết định sáng suốt để nắm bắt cơ hội đó” - bà Nguyễn Thị Hằng - Quản lý Chương trình Chuyển dịch Năng lượng Công bằng, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) nhận định.

Nghiên cứu đưa ra một phương án thay thế:

Các chuyên gia quốc tế đến từ tập đoàn Wärtsilä đã thực hiện một nghiên cứu [1] để tìm hiểu về tác động của sự thay đổi trong thị trường vốn lên tới 15.8 GW nguồn điện than mới trong dự thảo QHĐ 8. Nghiên cứu tập trung vào việc tìm ra một cơ cấu công suất tối ưu để đưa ra một phương án thay thế khi 15.8 GW điện than sẽ gặp khó khăn trong việc thu xếp vốn. Trong tổng công suất 15.8 GW, có 5.8 GW được quy hoạch trước năm 2030 và 10 GW được quy hoạch sau năm 2030.

Mô hình đã đề xuất xây dựng một cơ cấu nguồn điện bao gồm 1.1 GW điện mặt trời và 1.3 GW điện gió, hỗ trợ bởi 0.7 GW điện khí linh hoạt công nghệ động cơ đốt trong (ICE) [2] trước năm 2030. Lượng công suất này từ các nguồn điện gió, điện mặt trời và điện khí linh hoạt này có thể là một giải pháp tối ưu để thay thế cho 5.8 GW điện than đã được quy hoạch trước năm 2030.

Biểu đồ dưới đây thể hiện công suất được đề xuất để thay thế các dự án điện than chưa thu xếp được tài chính tại Việt Nam:

Nhiệt điện than - Thách thức về nguồn tài chính và tăng phát thải CO2

Ngoài lượng công suất năng lượng tái tạo đã được đề xuất trong dự thảo QHĐ 8 mới đây, nghiên cứu đã đề xuất xây dựng thêm tổng cộng 5.6 GW điện gió và 4.9 GW điện mặt trời trước năm 2045. Điều này sẽ giúp cho Việt Nam có thể hạn chế thêm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và giảm chi phí điện khi nguồn điện tái tạo không sử dụng nhiên liệu và giá thành ngày càng giảm nhanh, cũng như để giảm lượng khí thải cho hệ thống điện.

Mô hình cũng đề xuất xây dựng thêm 8.5 GW điện khí linh hoạt công nghệ động cơ đốt trong (ICE) trước năm 2045 để hỗ trợ cho nguồn điện gió và mặt trời trong tương lai do các đặc tính công nghệ ICE phù hợp cho việc cân bằng hệ thống và hạn chế cắt giảm công suất các nguồn tái tạo trong khi đảm bảo nguồn cung ứng điện được ổn định. Việc xây dựng nguồn điện khí linh hoạt trong hệ thống cũng sẽ góp phần giải quyết mối lo thiếu điện vào các giai đoạn mùa khô. Hệ thống điện khi được tăng tính linh hoạt sẽ trở nên mạnh mẽ hơn để có thể tích hợp một lượng nguồn năng lượng tái tạo lớn hơn.

Nhiệt điện than - Thách thức về nguồn tài chính và tăng phát thải CO2
Nhà máy điện khí linh hoạt công nghệ động cơ đốt trong (ICE).

Bà Malin Östman - Giám đốc Phát triển thị trường và Chiến lược cho khu vực châu Á - Trung Đông của Wärtsilä nói: “Những dự án điện than chưa thu xếp được tài chính sẽ gặp phải nhiều khó khăn để có thể triển khai. Các nước với các dự án điện than đã được quy hoạch nên nghiên cứu các phương án khác để có những giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng. Chúng ta có thể tìm hiểu một số ví dụ trên toàn cầu về lộ trình hướng tới phát thải ròng (net zero) và nghiên cứu này của chúng tôi đã thể hiện rằng: Năng lượng tái tạo có khả năng trở thành một nguồn điện với chi phí hợp lý và độ tin cậy cao khi có đủ sự linh hoạt trong hệ thống điện”.

Kết quả của nghiên cứu cho thấy những con số đáng kể về tiết kiệm chi phí hệ thống và giảm phát thải:

Nghiên cứu cho thấy: Các lợi ích của việc thay thế các dự án điện than chưa thu xếp được tài chính bằng một tổ hợp bao gồm điện gió, điện mặt trời và điện khí linh hoạt (ICE):

Một là: Tỷ trọng năng lượng tái tạo về sản lượng sẽ được tăng từ 32% (dự thảo QHĐ 8) lên 34% vào năm 2030 và từ 41% (dự thảo QHĐ 8) lên 45% vào năm 2045.

Hai là: Chi phí hệ thống (CAPEX - đầu tư, OPEX - vận hành) được giảm thông qua việc thay thế các dự án điện than đã được phê duyệt, nhưng chưa thu xếp tài chính được bằng tổ hợp năng lượng tái tạo và điện khí linh hoạt (ICE) sẽ có thể lên tới 24 tỷ USD vào năm 2045.

Ba là: Việc bổ sung thêm nguồn năng lượng tái tạo vào hệ thống điện sẽ giúp cho giảm 15% lượng khí thải CO2 vào năm 2045.

Tại hội nghị COP26 đang diễn ra tại Glasgow, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra mục tiêu giảm phát thải carbon về bằng 0 (net zero) vào năm 2050. Do vậy, đã đến lúc Việt Nam nên cân nhắc trong việc đầu tư các dự án điện than mới và QHĐ 8 nên xem xét phương án thay thế trong trường hợp các dự án điện than mới chưa thu xếp được tài chính bằng việc xây dựng thêm các nguồn điện tái tạo và điện khí linh hoạt./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

[1]. Tất cả các dữ liệu được sử dụng trong nghiên cứu này đều được dựa trên các thông số đầu vào và giả định từ dự thảo Quy hoạch điện 8.

[2]. Internal Combustion Engine.

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động