Nhật Bản thành lập cơ quan giám sát an toàn hạt nhân
16:49 | 19/09/2012
>> Nhật Bản tiếp tục xây dựng các nhà máy điện hạt nhân
>> Lò phản ứng thứ 2 của nhà máy điện hạt nhân Ohi đã hoạt động đủ công suất
>> Điện hạt nhân - 'An ninh quốc gia' của Nhật Bản
Nhà vật lý phóng xạ Shunichi Tanaka được bổ nhiệm làm người đứng đầu Cục Quy định Hạt nhân.(Nguồn: asahi.com)
Cơ quan trên sẽ đóng vai trò chủ chốt trong tăng cường thực thi các qui định nghiêm ngặt mà chính phủ Nhật Bản đã ban hành đối với việc vận hành các cơ sở hạt nhân, như qui định các lò phản ứng hạt nhân chỉ được giới hạn hoạt động trong 40 năm và phải ứng dụng các phát hiện khoa học mới nhất tại các cơ sở đang hoạt động.
Bên cạnh đó, cơ quan này còn có nhiệm vụ lập ra các tiêu chuẩn cho việc tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân ở Nhật Bản, hiện đã phải ngừng hoạt động do lo ngại về sự an toàn sau sự cố tại nhà máy Fukushima số 1. Trong số 50 lò phản ứng hạt nhân thương mại ở Nhật Bản, hiện chỉ có 2 lò được phép hoạt động lại.
Nhà vật lý phóng xạ Shunichi Tanaka được Thủ tướng Nhật Bản - Yoshihiko Noda bổ nhiệm làm người đứng đầu Cục Quy định Hạt nhân. Cơ quan này, còn có 4 người khác trong ban lãnh đạo với một ban thư ký gồm 500 nhân viên, sẽ làm việc độc lập với Cục An toàn Hạt nhân và Công nghiệp (NISA).
NISA trực thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) và bị chỉ trích là không khách quan trong khi đưa ra các quyết định liên quan tới các lò phản ứng hạt nhân thương mại trong bối cảnh dư luận người dân phản đối việc tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân, trong khi METI lại chủ trương tiếp tục khôi phục và phát triển điện hạt nhân.
Gần đây, tại một điểm ở Thái Bình Dương, cách bờ biển tỉnh Fukushima khoảng 3.200 km về phía Đông, một nhóm khảo sát nước biển Nhật Bản đã thu thập được các vật liệu phóng xạ thất thoát từ Nhà máy Fukushima sau thảm họa động đất và sóng thần hồi tháng Ba năm ngoái.
Các nhà nghiên cứu dự định sẽ đưa trình các mẫu vật phóng xạ này tại một hội nghị do Hội Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản tổ chức tại thành phố Higashihiroshima, thuộc tỉnh Hiroshima.
Theo các nhà nghiên cứu, các vật liệu phóng xạ thất thoát từ nhà máy trên, vào khoảng đầu năm nay đã chìm xuống dưới mặt biển, nhưng sau đó đã bị các dòng hải lưu ở sâu dưới biển đẩy trôi về phía Nam của tỉnh Fukushima.
Từ tháng 4 năm ngoái đến tháng 6 năm nay, nhóm trên đã tiến hành lấy mẫu nước biển tại 300 điểm ở vùng phía Bắc Thái Bình Dương. Vào tháng 12 năm ngoái, họ xác nhận nồng độ phóng xạ là 10 becquerel (Bq) trong 1 tấn nước biển tại vùng biển cách phía Đông tỉnh Fukushima khoảng 2.500 km, cao gấp 5-10 lần thời điểm trước khi xảy ra thảm họa (11/3/2011).
(Theo: TTXVN)