RSS Feed for Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 3]: Vấn đề xử lý nước thải tại Fukushima số 1 | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 24/11/2024 09:06
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 3]: Vấn đề xử lý nước thải tại Fukushima số 1

 - Đã 10 năm trôi qua (kể từ khi xảy ra sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1), cuối cùng, Chính phủ Nhật Bản đã cho phép xả nước đã qua xử lý đang lưu trữ ở Nhà máy này ra biển.


Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 1]: Thiếu điện và những thách thức trong cơ cấu nguồn điện

Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 2]: Nhìn lại 10 năm sau sự cố Fukushima



Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 đã gặp sự cố nóng chảy lõi lò phản ứng hạt nhân do sóng thần từ trận động đất lớn ở phía Đông Nhật Bản (tháng 3 năm 2011). Điều này dẫn đến việc nước bị nhiễm chất phóng xạ ở nồng độ cao. Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đang loại bỏ các chất phóng xạ chính bằng thiết bị chuyên dụng và lưu trữ chúng trong bể chứa. Tuy nhiên, nước đã qua xử lý vẫn có chứa chất phóng xạ Tritium mà thiết bị không thể loại bỏ được.

Ở bất kỳ nhà máy điện hạt nhân nào trên thế giới cũng sẽ phát sinh Tritium và chưa thể loại bỏ (về mặt kỹ thuật), cho nên từ trước đến nay, dù ở các nhà máy điện hạt nhân nước ngoài, nước có chứa Tritium sẽ được pha loãng và xả ra biển. Các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc… các nhà máy điện hạt nhân cũng xả Tritium, dù vậy, họ vẫn phản đối việc xả Tritium của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.

Theo nguyên tắc cơ bản, nước đã qua xử lý sẽ được pha loãng 100 lần trở lên với nước biển trước khi xả ra và nồng độ Tritium giảm xuống còn khoảng 1/40 giá trị tiêu chuẩn của Nhật Bản và khoảng 1/7 trong hướng dẫn về chất lượng nước uống của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng chỉ ra rằng: "Việc xả nước đã qua xử lý ra đại dương về mặt khoa học là thỏa đáng và không gây ảnh hưởng đến môi trường".

Nhận quyết định của Chính phủ Nhật Bản, TEPCO sẽ bắt đầu chuẩn bị thiết bị xả nước. Dự kiến quá trình bổ sung thiết bị, nhận cấp phép từ Ủy ban Pháp quy Hạt nhân Nhật Bản… cho đến khi xả nước sẽ mất khoảng 2 năm. Theo kế hoạch hiện nay, đến mùa thu năm 2022 các bể chứa nước sẽ đầy, vì vậy, TEPCO đang tìm kiếm thêm địa điểm, xem xét bổ sung bể chứa, nếu sớm việc xả nước sẽ bắt đầu vào năm 2023. TEPCO ước tính sẽ mất khoảng 30 năm để hoàn thành việc xả nước đã qua xử lý.

Dù nói rằng, việc xả nước sẽ không gây ảnh hưởng đến cơ thể con người, nhưng Hội đồng tỉnh Fukushima và Liên đoàn Hợp tác xã Ngư nghiệp Nhật Bản đã bày tỏ sự phản đối và yêu cầu tiếp tục lưu trữ, vì cho rằng điều này sẽ gây ra những tin đồn có hại mới. Việc mua hay không mua hải sản của Fukushima là tự do của mỗi cá nhân, nhưng không thể phủ nhận rằng các nhà sản xuất và ngư dân của Fukushima có thể sẽ phải hứng chịu hậu quả là những tin đồn xấu. Chính phủ tuyên bố sẽ "đi đầu" trong việc giải quyết các tin đồn gây hại khiến người dân lo lắng và nhấn mạnh trách nhiệm bồi thường của TEPCO.

Ở tổ máy số 1~3 của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, nước để làm mát nhiên liệu nguyên tử (các mảnh vỡ) bị nóng chảy, nước ngầm chảy vào bên trong cơ sở lò phản ứng và nước mưa hòa trộn với nhau tạo thành một lượng nước ô nhiễm lớn. TEPCO đã tiến hành loại bỏ Cesium chính bằng thiết bị loại bỏ Cesium, loại bỏ Strontium bằng thiết bị khử muối, loại bỏ hạt nhân nguyên tử (Nuclide) khác bằng thiết bị loại bỏ đa Nuclide, làm sạch sau đó lưu trữ trong bể chứa. Tuy nhiên, sau khi xử lý, một lượng nhỏ chất phóng xạ có tên Tritium vẫn còn sót lại.

Bởi vậy, Nhật Bản đang lưu trữ nước đã qua xử lý. Tuy nhiên, lượng bể chứa nước ngày càng tăng thêm trong khu vực của nhà máy điện hạt nhân, hiện tại đã vượt quá 1.000 bể.

Ngoài ra, nước đã qua xử lý đang được lưu trữ trong bể chứa chưa hoàn toàn tinh khiết, vẫn còn sót các chất phóng xạ ngoài Tritium vượt quá Tiêu chuẩn phát thải của Nhật Bản. Vì vậy, TEPCO sẽ tiến hành lọc lại nước trước khi xả, sau khi lấy mẫu nước đã qua xử lý mới được xả ra biển.

Tritium có thành phần tương tự như nước và chưa thể loại bỏ (về mặt kỹ thuật), nhưng bức xạ (tia Beta) của Tritium rất yếu, ngay cả khi đi vào cơ thể người thì phần lớn cũng bị đào thải. Ngoài ra, Tritium cũng được tạo ra trong tự nhiên bởi các tia vũ trụ bay từ không gian, nên nó có trong hơi nước, nước mưa, nước biển và cả trong nước máy. Ngay cả trong cơ thể chúng ta cũng tồn tại một lượng nhỏ Tritium. Năng lượng phóng xạ của Tritium sẽ giảm đi một nửa trong khoảng 12 năm và phần lớn sinh ra trong phản ứng phân hạch ở lò phản ứng, cho nên hàm lượng Tritium trong nước đã qua xử lý hiện nay đã giảm tương đối.

Tại tổ máy số 1~3 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, hiện nay nước vẫn đang được đổ vào để làm mát nhiên liệu hạt nhân đã nóng chảy trong lò phản ứng. Nước ngầm và nước mưa chảy vào từ các phần bị hư hỏng trong cơ sở lò phản ứng cũng trở thành nguyên nhân làm gia tăng lượng nước bị ô nhiễm.

Bởi vậy, nhiều biện pháp khác nhau đã được thực thi từ trước đến nay.

Ban đầu, TEPCO đã thực hiện biện pháp bơm nước ngầm lên ở phía núi của cơ sở lò phản ứng và giảm lượng nước ngầm chảy vào cơ sở lò phản ứng; biện pháp làm cứng bề mặt đất phía núi của cơ sở lò phản ứng bằng xi măng và ngăn nước mưa thấm vào lòng đất... tuy nhiên không mấy hiệu quả.

Biện pháp hiệu quả nhất là đóng băng đất xung quanh tổ máy số 1~4 đã xảy ra sự cố thành "bức tường băng" chắn nước.

Vào năm 2015, trước khi "bức tường băng" hoàn thành, trung bình 490 tấn nước ô nhiễm phát sinh mỗi ngày, nhưng đến năm 2020, đã giảm xuống trung bình 140 tấn/ngày.

Vào năm 2015, cứ 2 ngày lại cần tạo 1 bể chứa 1.000 tấn nước. Việc tìm địa điểm lắp đặt bể chứa rất khó khăn, thêm vào đó biển động khiến tàu vận chuyển bể chứa bị chậm trễ cũng là một nỗi lo. Hiện tại thì 1 tuần mới cần lắp đặt 1 bể chứa 1.000 tấn.

Tuy nhiên, vị trí lắp đặt bể chứa cũng bị hạn chế và đã gần đạt đến giới hạn. Chi phí lắp đặt bể chứa cũng rất lớn. Có công nhân đã tử vong do rơi từ trên cao xuống trong quá trình lắp đặt bể chứa.

Ngư dân Nhật Bản có thể phải chịu thiệt hại do tin đồn gây ra, đây là vấn đề phải đánh giá trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo đánh giá hiện nay của Chính phủ Nhật Bản, vấn đề nước đã qua xử lý là có thể giải quyết được.

(Đón đọc kỳ tới...)

NGUYỄN HOÀNG YẾN (TỔNG HỢP, BIÊN DỊCH)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động