RSS Feed for Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 2]: Nhìn lại 10 năm sau sự cố Fukushima | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 21/11/2024 23:38
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 2]: Nhìn lại 10 năm sau sự cố Fukushima

 - Tháng 3/2021 vừa qua tròn 10 năm kể từ sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO). Trong khoảng thời gian đó, Nhật Bản đã quyết định ngừng hoạt động tất cả các nhà máy điện hạt nhân. Cho đến hiện nay, chỉ có 9 lò phản ứng hạt nhân được tái khởi động lại. Nhật Bản lần đầu tiên trải qua thảm họa hạt nhân lớn như vậy, do đó cần thời gian xem xét lại các quy định. Ngoài ra, yêu cầu ứng phó sự cố cũng có sự thay đổi, nên việc tái khởi động các lò phản ứng còn lại sẽ mất thêm thời gian.


Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 1]: Thiếu điện và những thách thức trong cơ cấu nguồn điện


Để tái khởi động, các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản phải xem xét rất nhiều các biện pháp cụ thể như: Bố trí đê chắn sóng biển, chặn nước ở các cửa quan trọng, bổ sung thiết bị nguồn điện khẩn cấp và nguồn nước làm mát lò phản ứng, bổ sung thiết bị lọc lỗ thông hơi (Filter Vent) sử dụng sau sự cố, công trình gia cố chống động đất, lắp đặt các phương tiện chống khủng bố từ máy bay... Do vậy mất rất nhiều thời gian để lắp đặt các thiết bị này. Qua đó tính an toàn trong sản xuất điện hạt nhân ở Nhật Bản đã được nâng cao qua từng cấp.

Tuy nhiên, do quy mô tu sửa lớn và yêu cầu bổ sung thiết bị theo quy định mới, nên những nhà máy cũ có công suất nhỏ đã từ bỏ kế hoạch khởi động lại, nếu tính cả Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 đã ngừng hoạt động do sự cố, thì Nhật Bản đã quyết định tháo dỡ 22 lò sau sự cố Fukushima.

Ngoài ra, trên các phương tiện truyền thông chỉ có những thông tin trong phạm vi hiểu biết của ký giả và mức độ nguy hiểm bị thổi phồng, nên sự hiểu biết về xây dựng các biện pháp đối phó chỉ dừng lại ở một khía cạnh là nâng cao đê chắn sóng biển.

Phe chống điện hạt nhân hoàn toàn không quan tâm và không lắng nghe các giải pháp nâng cao an toàn như các biện pháp phòng chống sự cố, hơn nữa phương tiện truyền thông thì hầu như chỉ toàn đưa những tin tức gây kích động và vẫn giữ thái độ không tiếp cận thông tin về các biện pháp khác, ngoài việc nâng cao đê chắn sóng biển.

Trong cuộc khảo sát dư luận cuối năm ngoái của NHK (Đài phát thanh và truyền hình Nhật Bản) về tương lai của điện hạt nhân: Có 3% người ủng hộ tăng, 29% muốn giữ như hiện tại, 50% muốn giảm, 17% muốn dỡ bỏ hoàn toàn. Mặc dù các tỷ lệ này có thay đổi dần và tỷ lệ chấp nhận điện hạt nhân đang tăng lên, nhưng gần đây tình hình vẫn không chuyển biến nhiều.

Như một điều kiện để được khởi động lại, các lò phản ứng hạt nhân tại Nhật Bản phải đạt tiêu chuẩn theo quy định mới của Cơ quan pháp quy an toàn hạt nhân và vượt qua kỳ kiểm tra quốc gia về xây dựng các biện pháp ứng phó. Ngay cả khi vượt qua kỳ kiểm tra, thanh tra quốc gia, thì nhà máy điện hạt nhân đó phải nhận được sự cho phép khởi động của chính quyền địa phương theo thỏa thuận (không phải luật) với chính quyền địa phương đó. Chính quyền địa phương cũng rất khó để cho phép nếu như dư luận vẫn phủ định điện hạt nhân, đồng thời với rất nhiều yêu cầu cần được bổ sung, nên việc tái khởi động cần rất nhiều thời gian.

Ngoài ra, ngay cả khi có thể khởi động lại, ở các địa phương vẫn xảy ra việc tố tụng phản đối việc tái khởi động. Tại các tòa án địa phương (là tòa án cấp dưới [*]) đang có nhiều phiên tòa đưa ra lệnh cấm tái khởi động. Tuy nhiên, thẩm phán đưa ra phán quyết lại không phải là chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, vì vậy phán quyết đó cũng có nhiều bất cập. Sau đó, nếu tòa án đưa ra phán quyết cấm khởi động lại, dòng chữ "thắng kiện" sẽ được phát trên các phương tiện thông tin đại chúng. Điều đó cho người ta cảm giác như người dân cả nước đang phản đối việc tái khởi động.

Lý do đầu tiên khiến các công ty điện (là các công ty tư nhân) vẫn thúc đẩy việc tái khởi động cho đến tận bây giờ dù bị phản đối, là chi phí phát điện rẻ.

Trong khi đó, vào tháng 10 năm ngoái, Chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố sẽ thực hiện hóa một xã hội không phát thải Carbon, theo kịp các nước phương Tây vào năm 2050. Năm nay là năm tiến hành xem xét lại Kế hoạch năng lượng cơ bản 3 năm 1 lần, vị trí của điện hạt nhân trong tương lai đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hiện một xã hội không phát thải Carbon cũng sẽ được thảo luận. Ngoài ra, cùng với việc xem xét lại Kế hoạch năng lượng cơ bản, Nhật Bản còn tiến hành kiểm tra lại giá phát điện 6 năm 1 lần.

Có thể nói, năm nay là một năm quan trọng đối với năng lượng hạt nhân Nhật Bản.

[*] (Lưu ý) Tòa án Nhật Bản: Áp dụng chế độ 3 cấp xét xử - tức là có thể thụ lý hồ sơ xét xử 3 lần. Tố tụng liên quan đến năng lượng hạt nhân có nhiều trường hợp, xét xử đầu tiên là tòa án địa phương, thứ 2 là tòa án cấp vùng, thứ 3 là tòa án cấp vùng. hoặc tòa án tối cao.

(Đón đọc kỳ tới...)

NGUYỄN HOÀNG YẾN (TỔNG HỢP, BIÊN DỊCH)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động