RSS Feed for Một biện pháp căn cơ góp phần khắc phục thiếu điện ở Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 26/11/2024 05:30
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Một biện pháp căn cơ góp phần khắc phục thiếu điện ở Việt Nam

 - Mặc dù mấy chục năm qua, Việt Nam đã phát triển nguồn điện khá nhanh, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhưng thường xuyên được báo động nguy cơ thiếu điện ngày càng gay gắt hơn. Theo chúng tôi, ngoài nguyên nhân nhu cầu điện tăng nhanh, còn có nhiều nguyên nhân không kém phần quan trọng khác - đó là sự yếu kém từ dự báo, xây dựng, thực hiện quy hoạch, đặc biệt trong khâu sử dụng hiệu quả năng lượng, công nghệ, quản lý năng lượng... còn thiếu căn cơ và chưa toàn diện.

Bàn về hạch toán chi phí và tính giá thành các khâu sản xuất, kinh doanh điện               
Bàn về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở Việt Nam
Tiết kiệm năng lượng là sự nghiệp của toàn dân

 

 



PGS, TS. BÙI HUY PHÙNG - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

 


Tiêu thụ điện và năng lượng của Việt Nam tăng nhanh, hiệu quả thấp

Tiêu thụ điện và năng lượng tăng nhanh:

Thực trạng tiêu thụ năng lượng của Việt Nam thời gian qua tăng nhanh. Theo số liệu thống kê năng lượng, tiêu thụ năng lượng cuối cùng của Việt Nam năm 2012 là 56,7 triệu TOE, năm 2015 khoảng 70 triệu TOE, năm 2017 khoảng 80 triệu TOE, bình quân với tốc độ khoảng 6-7%/năm. 

Năm 2017, sản xuất than sạch đạt 40 triệu tấn, dầu thô 17 triệu tấn, khí đốt 10,6 tỷ m3.

Tiêu thụ điện những năm qua tăng nhanh, khoảng 10%/năm, năm 2018 có tổng công suất điện khoảng 48.000 MW, sản xuất điện năng đạt 194,5 tỷ kWh; điện thương phẩm đạt 174 tỷ kWh, tăng 9% so với 2016; điện thương phẩm năm 2018 là 193 tỷ kWh, tăng 10,5% so với 2017; tiêu thụ điện đầu người khoảng 2.050 kWh.

Cơ sở hạ tầng của ngành năng lượng phát triển nhanh. Hiện về quy mô, nguồn điện đã đứng nhất, nhì khu vực Đông Nam châu Á, thứ 30 trên thế giới. Nội dung sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường đang từng bước được quản lý tốt hơn, nhưng hiệu quả sử dụng còn nhiều bất cập.

Điện thương phẩm và tốc độ tăng giai đoạn 2010-2018 được trình bày trong bảng dưới đây:

Năm

2010

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

2018

Điện thương phẩm (tỷ kWh)

 

87,66    

98,63   

105,47  

117,0   

128,4   

141,8   

159,3   

174,

193

Tốc độ tăng (%)

 

15,2      

12,5       

7,0        

10,9      

9,7      

10,4      

12,3      

9,2 

10,5

 

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh (QHĐVII ĐC), Chính phủ đã phê duyệt 3/2016 [1, 2], tổng điện năng sản xuất so với QHĐVII, được điều chỉnh giảm khoảng 20%. Cụ thể, năm 2015: 164 tỷ kWh; 2020: 265 tỷ kWh; 2025: 400 tỷ kWh; 2030: 575 tỷ kWh.

Trong đó, nhiệt điện than có tỷ trọng lớn, trên 50% tổng sản xuất điện, thủy điện giảm từ 25% xuống 12,4%, điện từ khí đốt ở mức 17-19%, điện tái tạo tăng 6,5-6,9% giai đoạn 2020-2025 lên 10,7% vào 2030.

So với QHĐVII, tỷ trọng điện năng từ năng lượng tái tạo (NLTT) được điều chỉnh tăng 1,8 lần, nhưng lượng tuyệt đối chỉ 1,3 lần, vì tổng điện năng sản xuất được điều chỉnh giảm 20%.

Theo đó, điện sản xuất đầu người thực tế, năm 2016: 2.010 kWh/người; 2017: 2.185 kWh/người; năm 2018: 2.300 kWh/người; dự báo năm 2020: 2.800 kWh/người; 2025: 4.100 kWh/người; 2030: 5.200 kWh/người.

Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu một vài con số để thấy mức tiêu thụ năng lượng của Việt Nam đang ở đâu trong bối cảnh quốc tế hiện nay.

Theo thống kê quốc tế năm 2014, tiêu thụ năng lượng bình quân thế giới khoảng 1.795 kgOE/người, sản xuất điện bình quân khoảng 3.100 kWh/người. Với các nước trong khu vực, tiêu thụ điện bình quân đầu người năm 2010, Singapore là 8.300, Malaysia là 4.136; Thailand: 2.335, Trung Quốc: 2944; Hàn Quốc: 9.744; Nhật Bản: 8.394 kWh...

Với mức tiêu thụ và dự báo như đã trình bày trên, so với các nước tiên tiến, Việt Nam còn thấp, nếu so với mức trung bình thế giới, tiêu thụ năng lượng nói chung Việt Nam chỉ mới khoảng 35-40%, về tiêu thụ điện chỉ khoảng 65%. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, việc sử dụng công nghệ cao, tiêu thụ ít năng lượng, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường mới là điều đáng quan tâm hơn.

Hiệu quả sử dụng điện, năng lượng của Việt Nam thấp:

Hiệu quả sử dụng năng lượng, được hiểu tổng quát là mức tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ điện để sản xuất một đơn vị vật chất. Tổng quát đối với một quốc gia thường được đo lường bằng Cường độ năng lượng và Cường độ điện đối với GDP; nghĩa là cần bao nhiêu đơn vị năng lượng/điện năng để có được một đơn vị GDP (1USD, 1.000USD,...). Chỉ tiêu này ở một số nước vào năm 2014 như sau:

Quốc gia           

Thái Lan   

Nhật Bản

Singapo

Hàn Quốc  

CHLB Đức

Trung Quốc

Liên bang Nga

CDĐ-kWh/usd   

0,56      

0,22     

0,25 

0,40      

0,25         

1,05         

1,0

CĐNL-kgOE/Kusd 

199

154

139

   159      

164

231

205

 

Ở Việt Nam hiện nay cường độ điện khoảng 0,95-1 kWh/USD, lại còn được dự báo tăng lên vào 2020-2025. Đồng thời hệ số đàn hồi điện - tỷ lệ tốc độ tăng trưởng điện so với tốc độ tăng GDP ở các nước nói chung nhỏ hơn 1, Việt Nam hiện tại trên 1,6 và có xu thế tăng. Cường độ năng lượng nói chung năm 2017 khoảng 300 kgOE/nghìn USD.

Như vậy, mức tiêu thụ điện năng của Việt Nam cao hơn các nước 2-3 lần!

Điều này dẫn tới chi phí sản xuất xã hội cao, tính cạnh tranh thấp, năng suất lao động thấp [5].

Nhận định về Chương trình Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006-2015

Những kết quả chủ yếu [4]:

Thứ nhất: Kết quả tiết kiệm định lượng, tuy chưa thấy Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (MTQG về SDNLTK&HQ) công bố tư liệu, số liệu minh chứng cụ thể, nhưng kết quả đạt được trình bày tại dưới đây cho thấy Chương trình đã cơ bản đạt mục tiêu đề ra, nhưng khá khiêm tốn.

Kết quả tiết kiệm năng lượng từ thực hiện CTTK&HQ:

Giai  đoạn                                          

2006 - 2010

2011 - 2015

Mục tiêu TKNL đề ra (%)

3-5

5-8

Kết quả đạt được (%)

3,4

5,65

Tổng NLTK (triệu TOE)                         

4,5

11,261

 

Thứ hai: Xây dựng và hoàn thiện một số văn bản pháp luật, làm cơ sở pháp lý cho hoạt động HQ&TK năng lượng nói chung và hoạt động của Chương trình nói riêng, có thể kể tới là:

1/ Luật 50/2010/QH 12 về Sử dụng năng lượng TK&HQ, ban hành ngày 28/6/2010.

2/ Nghị định 21/2011/NĐ-CP, Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật, ban hành ngày 29/3/2011.

3/ Nghị định 134/2013/NĐ-CP, ngày 17/10/2013 về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng TK&HQ.

4/ Thông tư 09/12/BCT về lập kế hoạch, báo cáo thực hiện sử dụng năng lượng TK&HQ, kiểm toán năng lượng, ban hành năm 2012.

5/ Ban hành một số quyết định, thông tư và quy định về hoạt động TK&HQNL trong các ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông, nông nhiệp,...; các thông tư về định mức tiêu hao năng lượng cho một số ngành: Hóa chất, dắt thép, xi măng, giấy và bột giấy, nhựa, đồ uống...

Thứ ba: Các kết quả tuyên truyền và đào tạo:

Công tác tuyên truyền đã được chú ý triển khai từ Trung ương tới địa phương. Qua một số khảo sát cho thấy, đa số cán bộ quản lý và cả người dân đã nâng cao được nhận thức về lợi ích của tiết kiệm năng lượng. Đã đào tạo trên 250 kiểm toán viên năng lượng và trên 2.500 cán bộ quản lý năng lượng được Bộ Công Thương cấp chứng chỉ.

Thứ tư: Kết quả hoạt động TKNL ở một số lĩnh vực trọng điểm:

1/ Trong lĩnh vực công nghiệp: Thường xuyên rà soát các hộ tiêu thụ trọng điểm, để thúc đẩy thực hiện và kiểm soát tiêu thụ năng lượng, hỗ trợ thực hiện kiểm toán năng lượng, triển khai mô hình Công ty dịch vụ năng lượng (ESCO)...

2/ Trong lĩnh vực xây dựng các tòa nhà và công trình cộng cộng: Thúc đẩy thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, QCVN09/2013/BXD, về các công trình sử dụng năng lượng hiệu quả; thành lập cơ sở dữ liệu về tòa nhà; giảm trên 90% đèn sợi đốt; xây dựng mô hình chiếu sáng công cộng hiệu quả; tổ chức các cuộc thi tòa nhà hiệu quả năng lượng quốc gia và tham gia hội thi quốc tế.

3/ Trong ngành giao thông vận tải: Xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức tiêu thụ nhiên liệu đối với một số phương tiện giao thông đường bộ; chương trình dán nhãn năng lượng đối với ô tô dưới 7 chỗ ngồi; áp dụng các giải pháp kỹ thuật, quản lý để giảm chi phí nhiên liệu cho phương tiện vận tải hành khách thành phố, cho vận tải biển và hàng không.

4/ Thực hiện Chương trình dán nhãn năng lượng, là một hoạt động được quan tâm ở nhiều ngành, đã có hơn 10.000 sản phẩm thuộc 15 nhóm sản phẩm mục tiêu được dán nhãn năng lượng; kiểm soát hiệu suất năng lượng đối với các phương tiện, thiết bị sản xuất trong nước và nhập khẩu.

Những nhận xét:

1/ Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, là khâu cực kỳ quan trọng, được đánh giá là tạo ra nguồn năng lượng sạch giá rẻ, là quốc sách thâm canh trong năng lượng. Tuy Chương trình hoạt động khá sôi nổi nhưng tính lan tỏa và hiệu quả còn thấp, nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp, kể cả nhà quản lý vẫn còn hạn chế; việc thực thi luật pháp chưa cao.

2/ Nội dung hiệu quả và tiết kiệm năng lượng có tính hệ thống cao, nhưng thời gian qua chỉ mới thực hiện chủ yếu theo quy mô các dự án đơn lẻ, thiếu những khảo sát đánh giá tổng thể về tiềm năng TKNL, nên tính lan tỏa và hiệu quả chưa cao.

3/ Thiếu cơ chế quản lý và hỗ trợ, nên công tác quản lý các cơ sở sử dụng năng lượng còn khá lỏng lẻo, việc giúp các doanh nghiệp đầu tư thay đổi công nghệ còn rất hạn chế.

4/ Kết quả đạt được của Chương trình là rất đáng ghi nhận, nhưng thiếu những tổng kết, đánh giá cụ thể, cần phải tin cậy hơn, đặc biệt các chỉ tiêu định lượng như tổng năng lượng tiết kiệm được; nên biên tập cơ sở dữ liệu để sử dụng cho hoạt động TK&HQ, lập kế hoạch, quy hoạch năng lượng; thiếu quan tâm xây dựng các chỉ tiêu pháp lý cho hoạt động TK&HQNL.

5/ Chỉ tiêu cường độ năng lượng, cường độ điện chưa trở thành chỉ tiêu quản lý vĩ mô của quốc gia, mặc dù đã có một số lần kiến nghị.

6/ Tuy trong quá trình thực hiện, Chương trình đã động viên được kinh phí từ các đối tác, nhưng tổng kinh phí chính thức theo quyết định phê duyệt của Chính phủ cho hai giai đoạn là 23.530 tỷ đồng (giai đoạn 2006-2010: 22.600 tỷ đồng; giai đoạn 2012-2015: 930 tỷ đồng), được đánh giá là khá khiêm tốn.

Tiềm năng giảm tiêu thụ năng lượng

Một số đánh giá trước Chương trình MTQG, trong khuôn khổ Đề tài độc lập cấp nhà nước - KCĐL 95-04 (1995-1997) và Đề tài Sử dụng NLTK&HQ thuộc Chương trình Nhà nước KHCN-09 (giai đoạn 1996-2000), bước đầu đã có đánh giá tổng thể tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam rất lớn, có thể đạt 15-20% tổng tiêu thụ năng lượng.

Trong hai giai đoạn thực hiện CTMTQG về SDLNTK&HQ-2006-2010 và 2012-2015, đồng thời với việc thực thi các dự TKNL ở một số ngành, xây dựng văn bản pháp luật, đào tạo, tuyên truyền; Chương trình cũng triển khai điều tra đánh giá tiềm năng TKNL ở một số ngành công nghiệp và thực hiện các dự án với kết quả tiết kiệm 3,4-5,5% như phần trên đã trình bày.

Gần đây (2018), để chuẩn bị xây dựng CTMTQG về SDTK&HQ NL, giai đoạn 2019-2030 [3], Bộ Công Thương đã triển khai đánh giá điển hình cho 10 cơ sở trong gần 2.500 cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm của cả nước, kết quả cho thấy khả năng tiết kiệm khoảng 4,8% tổng tiêu thụ năng lượng, nếu thực hiện những giải pháp hợp lý, có thể thu hồi vốn trong vòng 2,6 năm, cũng cho thấy tiềm năng TKNL lớn.

Công nghệ sản xuất và tiêu thụ năng lượng, đặc biệt trong khâu tiêu thụ còn khá lạc hậu, tiêu hao năng lượng cao, nhìn chung cao hơn mức tiên tiến khoảng 30-35%. Chúng ta chưa quan tâm những nghiên cứu đánh giá trình độ công nghệ cho từng ngành và tổng thể để phục vụ cho lộ trình thay đổi công nghệ, giảm tiêu thụ năng lượng,

Nội dung sử dụng HQ&TKNL có tính hệ thống cao, để giảm tiêu thụ năng lượng nhiều hơn, ngoài việc tiết kiệm năng lượng đối với từng hộ tiêu thụ, thì nền kinh tế cần phát triển các ngành tiêu thụ năng lượng thấp mà đem lại giá trị gia tăng cao, giảm dần các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng (nếu không phải là bắt buộc) mà giá trị gia tăng thấp.

Hiện nay, công nghiệp Việt Nam tiêu thụ 52,5% điện năng, 38,6% tổng năng lượng thượng mại (NLTM) mà chỉ làm ra 32,5% GDP, trong đó sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, thép… được đánh giá là tiêu tốn nhiều năng lượng. Trong khi đó nông - lâm - ngư nghiệp vốn là những ngành tiêu thụ ít năng lượng, vừa qua chỉ tiêu thụ 1,4% tổng điện năng, 1,28 % tổng NLTM mà đem lại 22% GDP.

Thực tế hiện nay nông nghiệp vẫn bị đánh giá, canh tác còn thủ công, chế biến, bảo quản kém làm mất đi giá trị sản phẩm, phải nhập nhiều nhu yếu phẩm cho sản xuất, chăn nuôi… phải chăng chúng ta chưa làm tốt việc cung cấp năng lượng và nội dung điện khí hóa trong nông nghiệp. Bên cạnh đó các ngành công nghiệp nhẹ, dịch vụ, thường được xem là “đầu tư ngắn ngày mau ăn”, đặc biệt các ngành công nghệ cao, thiếu định hướng chiến lược.

Hơn 30 năm đổi mới, cơ cấu kinh tế Việt Nam gần như chưa thay đổi, chúng ta cần nghiên cứu cơ cấu lại nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng. Có thể thực hiện thông qua bài toán tối ưu cân đối phát triển liên ngành, qua đó sử dụng hiệu quả năng lượng một cách hệ thống - Đây chính là tiềm năng giảm tiêu thụ năng lượng và tạo điều kiện giảm tiêu thụ năng lượng nhiều hơn, chứ không phải chỉ là tiết kiệm theo từng dự án, CĐNL quốc gia mới có thể giảm nhiều và tránh tụt hậu. Lưu ý rằng, việc đánh giá tiềm năng giảm tiêu thụ năng lượng một cánh hệ thống thông qua cơ cấu lại nền KTQD chúng ta chưa bao giờ tổ chức thực hiện. Đây là một khâu cần thay đổi tư duy để phát triển.

Đánh giá chung tiềm năng giảm tiêu thụ năng lượng/điện:

Xuất phát từ kết quả đã thực hiện, khả năng giảm tiêu thụ năng lượng khoảng 3-5%, kết quả mới khảo sát điển hình vừa qua khoảng 5%; khả năng giảm tiêu thụ năng lượng thông qua cơ cấu lại KTQD được đánh giá lớn hơn nhiều, có thể khoảng 15-20% tổng tiêu thụ năng lượng. Theo đánh giá của chuyên gia WB, tiềm năng giảm năng lượng lên tới 25-35%.

Với quan điểm hệ thống, trong bài viết này dùng cụm từ “tiềm năng giảm tiêu thụ năng lượng”, không dùng “tiềm năng TKNL” có tính đơn lẻ, và như vậy có thể tương thích hơn với nhiều nước, họ thường dùng “Bảo tồn năng lượng” (Energy Conservation).

Theo kinh nghiệm nhiều nước và thực tế Việt Nam, chi phí đầu tư để giảm/tiết kiệm 1 kW thường chỉ khoảng 35-50% chi phí đầu tư mới.

Với tiềm năng giảm tiêu thụ năng lượng như trình bày, cần được nghiên cứu làm rõ để nguồn năng lượng này, việc sử nó chính là giải pháp căn cơ khắc phục thiếu điện/năng lượng, hạn chế phát triển nguồn mới, giá rẻ và bền vững.

Một số khuyến nghị

Thứ nhất: Chính phủ, mà trực tiếp là Bộ Công Thương và CTMTQG về SDNLTK&HQ nên tổ chức khảo sát, đánh giá toàn diện khả năng giảm tiêu thụ năng lượng (TNTKNL), trình độ công nghệ ở tất cả các lĩnh vực (ít nhất là đối với các ngành trọng điểm), từ đó có cơ sở khoa học, thực tiễn để tiến hành các dự án HQ&TKNL, lộ trình thay đổi công nghệ hướng tới công nghệ hiện đại và giảm tiêu thụ năng lượng.

Thứ hai: Chính phủ, mà trực tiếp là Bộ KH&ĐT tổ chức nghiên cứu tính toán cơ cấu phát triển KTQD hợp lý, hướng tới nền kinh tế phát triển bền vững tiêu thụ ít năng lượng.

Thứ ba: Bộ Công Thương nên khẩn trương tổ chức xây dựng Quy hoạch năng lượng tổng thể quốc gia và các phân ngành (gồm QHĐ VIII), đến 2030-2035, theo đó tính toán dự báo nhu cầu chính xác hơn, cơ cấu sử dụng nguồn năng lượng hợp lý, giảm tiêu thụ năng lượng.

Thứ tư: Tình hình năng lượng và kinh tế quốc gia hiện tại đã có nhiều thay đổi so với thời điểm ban hành Luật SDNLTK&HQ (2010), vậy nên đề nghị nghiên cứu sửa đổi bổ sung.

Thứ năm: Hiện nay, Việt Nam có đủ điều kiện nhân tài vật lực để thực hiện các khuyến nghị trên, vấn đề là tổ chức thực hiện.

Hà Nội, tháng 7/2019

Tài liệu tham khảo chính:

1/ Luật 50/2010/QH 2012.

2/ Quy hoach điện VII, 2012 và Quy hoạch điện VII ĐC 2016.

3/ QĐ phê duyệt CTMTQG về sử dụng năng lượng TK&HQ giai đoạn 2019-2030.

4/ BC Hội thảo CTQG về SDNLTK&HQ giai đoạn 2019-30, Hà Nội 6-2018, Chủ biên Trịnh Quốc Vũ-Bộ Công Thương.

5/ Bùi Huy Phùng, Hiệu quả năng lượng và năng suất lao động Việt Nam, Tạp chí Năng lượng Việt Nam, tháng 5-2018.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động