RSS Feed for Bàn về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 14:10
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Bàn về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở Việt Nam

 - Trong thực tế, nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả ở nước ta còn có những điều chưa rõ ràng, dẫn đến việc đưa ra các giải pháp và tổ chức thực hiện, cũng như đánh giá kết quả thực hiện chưa phù hợp với thực tế. Vì vậy, trong phạm vi bài báo này, Tạp chí Năng lượng Việt Nam sẽ đi sâu bàn về các khái niệm liên quan đến sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, phạm vi áp dụng trong thực tế và các giải pháp thực hiện.

Để mùa xuân tuần hoàn theo quy luật của tự nhiên



PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp có hiệu quả tổng hợp trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Cụ thể là giảm tiêu hao năng lượng, nhờ đó giảm chi phí sử dụng năng lượng trong sản xuất và đời sống, nâng cao hiệu quả kinh doanh, giảm nhu cầu năng lượng, kéo theo giảm chi phí đầu tư phát triển năng lượng, giảm mức độ khai thác các nguồn tài nguyên năng lượng, giảm lượng phát thải gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đã trở thành quốc sách của các nước trên thế giới và Việt Nam.

Ở Việt Nam đã ban hành Luật Sử dụng Năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010, tiếp theo là các chương trình mục tiêu, giải pháp thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. 

Theo Luật Sử dụng Năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Việt Nam, tại Khoản 5 Điều 3 nêu: "Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là việc áp dụng các biện pháp quản lý và kỹ thuật nhằm giảm tổn thất, giảm mức tiêu thụ năng lượng của phương tiện, thiết bị mà vẫn bảo đảm nhu cầu, mục tiêu đặt ra đối với quá trình sản xuất và đời sống".

Khái niệm nêu trên, theo chúng tôi là còn chung chung, chưa phân biệt rõ sử dụng năng lượng tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả. Do vậy, có thể cụ thể hóa khái niệm này thành hai khái niệm giống như hai mặt của một đồng tiền - đó là "sử dụng năng lượng tiết kiệm" cùng một kết quả "đầu ra", nhưng với mức tiêu hao năng lượng "đầu vào" ít hơn và "sử dụng năng lượng hiệu quả" là cùng một mức tiêu hao năng lượng "đầu vào" nhưng đạt được kết quả "đầu ra" nhiều hơn. Như vậy, mục tiêu cuối cùng đều là nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trên cơ sở giảm mức tiêu hao năng lượng trên một đơn vị đầu ra.

Trong thực tế sản xuất, kinh doanh và đời sống, việc ứng dụng hai khái niệm này có sự khác nhau một cách tương đối cả về cách thức, giải pháp và mục đích.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm thường được áp dụng đối với việc sản xuất, hoặc sử dụng những loại sản phẩm, vật tư, thiết bị, máy móc, phương tiện hiện có với mục tiêu giảm mức tiêu hao năng lượng đầu vào bằng các giải pháp thích hợp nhằm mục đích giảm chi phí, giá thành và nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Ví dụ, việc thay thế các bóng đèn sợi đốt hiện đang sử dụng tiêu hao nhiều điện năng bằng các bóng đèn LED có cùng độ sáng như nhau, nhưng mức tiêu hao điện năng thấp hơn nhiều.

Tương tự, việc thay thế thế hệ cũ các điều hòa, quạt gió, nồi cơm điện, xe máy, ô tô, thiết bị, phương tiện, v.v... bằng thế hệ mới có mức tiêu hao nhiên liệu, điện năng, nhiệt lượng thấp hơn. Hoặc, việc cải tạo hiện đại hóa, đổi mới thiết bị, máy móc, phương tiện, tòa nhà, dây chuyền sản xuất hiện có để giảm tiêu hao năng lượng, hoặc điện năng, v.v...

Còn sử dụng năng lượng hiệu quả thường được áp dụng đối với đầu tư để phát triển, hoặc mở rộng các ngành, lĩnh vực, loại sản phẩm, dịch vụ tiêu hao ít năng lượng, nhưng có giá trị kinh tế cao với mục đích nâng cao giá trị đầu ra trên một đơn vị năng lượng tiêu hao.

Ví dụ các ngành luyện kim, vật liệu xây dựng, chế tạo máy, giấy, hóa chất, giao thông vận tải, v.v... là những ngành tiêu thụ nhiều năng lượng nhất. Các ngành nông - lâm - thủy hải sản và các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, thương mại, tài chính, ngân hàng, giải trí, v.v... là các ngành, lĩnh vực tiêu thụ ít năng lượng. Cho nên, để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng thay vì đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực tiêu hao nhiều năng lượng chuyển sang đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực tiêu hao ít năng lượng.

Chính vì vậy, các nền kinh tế có lĩnh vực dịch vụ chiếm tỷ trọng cao thường có chỉ tiêu sử dụng năng lượng hiệu quả cao hơn nhiều so với các nền kinh tế có ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng cao.

Ngoài ra, liên quan đến vấn đề này, còn có khái niệm "sử dụng năng lượng hợp lý" và "sử dụng năng lượng lãng phí". Sử dụng năng lượng hợp lý là sử dụng năng lượng đúng mục đích, đúng quy định, phù hợp với nhu cầu; còn sử dụng năng lượng lãng phí là sử dụng phí phạm, sai mục đích, sai quy định, không phù hợp với nhu cầu, gây ra sự thất thoát, vô ích trong việc sử dụng năng lượng.   

Chỉ hai trường hợp: Sử dụng tiết kiệm năng lượng và sử dụng hiệu quả năng lượng dẫn đến giảm thiểu cường độ sử dụng năng lượng trên một đơn vị GDP xét trên phạm vi nền kinh tế quốc dân, cũng như tiết kiệm tài nguyên năng lượng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trường hợp sử dụng hợp lý không làm tăng - giảm, còn trường hợp sử dụng lãng phí làm tăng cường độ sử dụng năng lượng trên một đơn vị GDP, kéo theo làm tăng mức độ khai thác các nguồn tài nguyên năng lượng và tăng mức độ phát thải gây ô nhiễm môi trường.

Như vậy, xét theo trình độ từ thấp đến cao có thể phân loại sử dụng năng lượng theo các cấp độ: Sử dụng lãng phí => Sử dụng hợp lý => Sử dụng tiết kiệm => Sử dụng hiệu quả.

Theo đó, tương ứng với từng cấp độ có các tiêu chí, chỉ tiêu để đánh giá một cách phù hợp. Khi phân tích thực trạng sử dụng năng lượng cần đặc biệt quan tâm đến điều này.

Cụ thể là: Nếu chỉ thuần túy khắc phục các hiện tượng sử dụng lãng phí thì chỉ là sử dụng hợp lý; nếu giảm mức tiêu hao trên một đơn vị sản phẩm so với định mức của đơn vị, hoặc ngành thì có sự tiết kiệm, nhưng chỉ trong phạm vi của đơn vị hoặc ngành; nếu giảm mức tiêu hao so với định mức chuẩn (Benchmarking - định mức của đơn vị tiên tiến nhất trong ngành ở trong nước, hoặc ở nước ngoài) thì thực sự là sử dụng tiết kiệm; nếu giảm mức tiêu hao trên một đơn vị giá trị đầu ra do đầu tư vào sản phẩm mới ít tiêu thụ năng lượng thì đó là sử dụng hiệu quả.

Trên phạm vi nền kinh tế quốc dân người ta thường sử dụng các chỉ tiêu Cường độ năng lượng (CĐNL) và chỉ tiêu Cường độ điện năng (CĐĐN) để đánh giá hiệu quả sử dụng năng lượng nói chung và điện năng nói riêng, được xác định theo các công thức sau:

CĐNL = NLCC/GDP  (kgOE/USD)

CĐĐN = TTĐN/GDP  (kWh/USD)

Trong đó:

NLCC: Tiêu thụ năng lượng cuối cùng (tính theo kg dầu tiêu chuẩn - kgOE).

TTĐN: Tiêu thụ điện năng (tính theo kWh).

GDP: Tổng thu nhập quốc nội - GDP (tính theo đồng tiền nội tệ hoặc đô la Mỹ để có thể so sánh với các nước khác).

Các chỉ tiêu CĐNL và CĐĐN có giá trị càng bé thì hiệu quả sử dụng năng lượng và điện năng càng cao.

Các chỉ tiêu CĐNL và CĐĐN của nền kinh tế phụ thuộc vào hai nhóm yếu tố: mức tiêu hao năng lượng, hay điện năng trên đơn vị sản phẩm của các ngành, lĩnh vực (thể hiện mức độ sử dụng tiết kiệm năng lượng) và cơ cấu kinh tế thể hiện qua tỷ trọng của các ngành, lĩnh vực tiêu thụ nhiều năng lượng và tỷ trọng của các ngành, lĩnh vực tiêu thụ ít năng lượng (thể hiện mức độ sử dụng hiệu quả năng lượng).

Khi so sánh trình độ sử dụng năng lượng giữa các thời kỳ khác nhau của một nền kinh tế cần phải đưa GDP về cùng một mặt bằng giá, thường là theo giá so sánh tại năm gốc. Còn khi so sánh trình độ sử dụng năng lượng giữa các nền kinh tế khác nhau cần phải đưa GDP về cùng một đơn vị tiền tệ (thường là đô la Mỹ) và một mặt bằng giá (hay ngang giá) theo sức mua tương đương (Power Purchasing Parity - PPP) để đảm bảo tính so sánh được.

Chênh lệch của chỉ tiêu CĐNL và CĐĐN giữa các thời kỳ khác nhau của một nền kinh tế, hay giữa các nền kinh tế khác nhau sẽ phản ánh tổng thể mức độ sử dụng tiết kiệm và mức độ sử dụng hiệu quả năng lượng. Việc phân tích phải làm rõ phần tác động của việc sử dụng tiết kiệm năng lượng và phần tác động của việc sử dụng hiệu quả năng lượng đối với sự tăng giảm của chỉ tiêu CĐNL và chỉ tiêu CĐĐN. Trong đó phần tác động của sử dụng tiết kiệm năng lượng hay điện năng được thể hiện thông qua sự khác nhau về mức tiêu hao năng lượng, hay điện năng trên một đơn vị sản phẩm của cùng ngành, nghề, lĩnh vực, còn phần tác động của sử dụng hiệu quả năng lượng được phát sinh từ sự khác nhau về cơ cấu kinh tế mà chủ yếu do tỷ trọng cao của các ngành, lĩnh vực ít tiêu hao năng lượng.

Việc phân biệt rõ hai phần tác động nêu trên đối với sự tăng giảm của chỉ tiêu CĐNL và chỉ tiêu CĐĐN là nhằm mục đích:

Một là: Khi dự báo nhu cầu năng lượng, hoặc điện năng trong tương lai theo quy mô GDP của nền kinh tế, nếu không có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của GDP theo hướng tăng tỷ trọng các ngành, lĩnh vực tiêu thụ ít năng lượng thì mức độ giảm nhu cầu năng lượng, hoặc điện năng chỉ dựa vào tiềm năng sử dụng tiết kiệm năng lượng, hoặc điện năng. Chỉ khi có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế GDP theo hướng tăng tỷ trọng các ngành, lĩnh vực tiêu thụ ít năng lượng thì ngoài phần tiềm năng sử dụng tiết kiệm, mức độ giảm nhu cầu năng lượng, hoặc điện năng có thêm phần giảm theo tiềm năng sử dụng hiệu quả.

Hai là: Làm căn cứ để đề xuất các giải pháp sử dụng tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng, hoặc điện năng một cách thích hợp.

Dưới đây sẽ nêu các chỉ tiêu hiệu quả sử dụng năng lượng và điện năng của Việt Nam và một số nước, nhằm minh họa cho những phân tích nêu trên.

Bảng 1. Hiệu quả sử dụng năng lượng của Việt Nam giai đoạn từ 2010 -2018:

Chỉ tiêu

2010

2015

2018

GDP theo giá hiện hành (1000 tỷ đ)

2157,8

4192,9

5535,3

Cơ cấu GDP (%):

     

- Nông nghiệp

18,38

17,00

14,57

- Công nghiệp & Xây dựng

32,13

33,25

34,28

- Dịch vụ

36,94

39,73

41,17

- Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm

12,55

10,02

9,98

GDP theo giá so sánh 2010 (1000 tỷ đ)

2157,8

2875,9

3493,5

GDP theo giá so sánh 2010 (tỷ USD)

110,7

147,5

179,2

Tiêu thụ năng lượng cuối cùng (Triệu TOE)

48,0

54,0

63,0

Cường độ năng lượng (kgOE/1000USD)

433,6

366,1

351,6

Tiêu thụ điện năng (Tỷ kWh)

85,5

151,5

192,9

Cường độ điện năng (kWh/1000USD)

772,4

1027,2

1076,5

Nguồn: GDP năm 2010 và 2015 lấy theo NGTK VN 2017, năm 2018 (theo Báo LĐ điện tử). (29/12/2018 | 20:16). GDP theo USD tính theo tỷ giá VND/USD năm 2010 - NGTK VN 2017. Tiêu thụ năng lượng và điện năng: theo “Năng lượng Việt Nam: Hiện trạng và triển vọng phát triển”, Năng lượng Việt Nam Online 07:38 |09/01/2019.

Qua bảng 1 trên đây cho thấy:

Thứ nhất: Tỷ trọng dịch vụ tăng, nhưng tỷ trọng công nghiệp và xây dựng cũng tăng làm cho việc sử dụng hiệu quả năng lượng bị suy giảm.

Thứ hai: Tỷ trọng công nghiệp tăng làm cho nhu cầu tiêu thụ điện năng tăng cao hơn so với phần tiêu thụ điện năng bị giảm do tỷ trọng dịch vụ tăng.

Thứ ba: Tiêu thụ điện năng tăng cao, ngoài phần nhu cầu cho phát triển kinh tế, còn do nhu cầu cho sinh hoạt tăng cao cùng với mức thu nhập của người dân ngày càng tăng. Điều này làm cho việc sử dụng điện giảm hiệu quả.

Bảng 2. CĐNL và CĐĐN năm 2015 của một số nước (GDP theo giá năm 2018):

Chỉ tiêu

Thái Lan

Trung Quốc

Hàn Quốc

Nhật Bản

Đức

Việt Nam

CĐNL(kgOE/1000USD)

199

231

238

154

164

264

CĐĐN(kWh/1000USD)

560

650

350

350

200

740

Cơ cấu kinh tế (%)

           

- Nông nghiệp

8,7

8,8

2,3

1,1

0,6

17,0

- CN&XD

36,4

40,9

38,3

28,9

30,5

33,3

- Dịch vụ

54,9

50,2

59,4

70,0

68,9

39,7

Nguồn: Cơ cấu kinh tế theo NGTK VN 2017; CĐNL và CĐĐN: theo “Năng lượng Việt Nam: Hiện trạng và triển vọng phát triển”, Năng lượng Việt Nam Online 07:38 |09/01/2019.

Qua bảng 2 nêu trên cho thấy:

Thứ nhất: Nhìn chung các nước có tỷ trọng dịch vụ cao thì có chỉ tiêu CĐNL và CĐĐN thấp hơn - tức hiệu quả sử dụng năng lượng và điện năng cao hơn.

Thứ hai: Đức là nước vừa sử dụng hiệu quả vừa sử dụng tiết kiệm năng lượng và điện năng cao nhất, đặc biệt là sử dụng điện năng. Tuy có cùng cơ cấu kinh tế tương đương như Nhật Bản, nhưng chỉ tiêu CĐĐN thấp hơn hẳn, chỉ bằng khoảng 57% của Nhật Bản.

Thứ ba: So với Nhật Bản thì Hàn Quốc có mức độ sử dụng điện năng tiết kiệm hơn, vì mặc dù có tỷ trọng công nghiệp cao hơn 10% và tỷ trọng dịch vụ thấp hơn 10%, nhưng chỉ tiêu CĐĐN như nhau. 

Thứ tư: Việt Nam có hiệu quả sử dụng năng lượng và điện năng còn rất thấp do cả hai nguyên nhân: Sử dụng chưa tiết kiệm và sử dụng chưa hiệu quả, trong đó chủ yếu do sử dụng chưa hiệu quả thể hiện ở tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu GDP còn quá thấp. Điều này cũng được thể hiện rõ khi so sánh với Thái Lan có tỷ trọng công nghiệp gần tương đương nhau, nhưng tỷ trọng dịch vụ cao hơn hẳn và tỷ trọng nông nghiệp thấp hơn hẳn (nông nghiệp tuy tiêu thụ ít năng lượng nhưng có giá trị gia tăng cũng thấp hơn).

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là: Các chỉ tiêu CĐNL và CĐĐN của các nước còn chịu ảnh hưởng của việc GDP chưa tính theo ngang giá - tức theo sức mua tương đương (PPP).

Qua những phân tích nêu trên cho thấy, đối với Việt Nam, để giảm nhu cầu năng lượng và điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai cần phải đẩy mạnh thực hiện đồng thời hai nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất: Tăng cường sử dụng tiết kiệm năng lượng và điện năng trên cơ sở triệt để khắc phục việc sử dụng lãng phí và đổi mới, hiện đại hóa công nghệ theo hướng giảm mức tiêu hao năng lượng, điện năng, nhất là trong các ngành, lĩnh vực tiêu thụ nhiều năng lượng và điện năng, cũng như trong đời sống sinh hoạt của xã hội.

Ngoài ra, phải xác định giá năng lượng, nhất là giá điện hợp lý (hiện đang rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới) với mục đích:

Một là: Vừa để đảm bảo cho sản xuất, kinh doanh năng lượng và điện năng có lãi hợp lý nhằm khuyến khích mọi thành phần tham gia đầu tư phát triển năng lượng và điện năng, nhất là năng lượng tái tạo nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

Hai là: Vừa để thúc đẩy sử dụng năng lượng và điện năng hợp lý, tiết kiệm nhằm giảm chi phí, giá thành do giá năng lượng và điện năng cao, trong đó có việc hạn chế các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang lợi dụng giá điện rẻ để trục lợi.

Theo chúng tôi, đã đến lúc phải tách chính sách an sinh xã hội ra khỏi giá năng lượng và giá điện để đảm bảo giá vận hành theo cơ chế thị trường.

Thứ hai: Tăng cường sử dụng hiệu quả năng lượng và điện năng trên cơ sở đẩy mạnh đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực tiêu thụ ít năng lượng và điện năng, nhất là các ngành, lĩnh vực trong nước có tiềm năng, lợi thế, vừa đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa góp phần giảm nhu cầu năng lượng và điện năng.

 TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động