RSS Feed for Tiết kiệm năng lượng là sự nghiệp của toàn dân | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 06/11/2024 01:25
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tiết kiệm năng lượng là sự nghiệp của toàn dân

 - Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã có dịp phân tích vì sao giá điện năng ở Việt Nam phải tăng và cũng đã đề xuất khẩu hiệu "tiết kiệm điện là quốc sách". Nhân dịp này, chúng tôi xin lý giải tại sao cần coi: Tiết kiệm năng lượng là sự nghiệp của toàn dân?

Hậu quả sẽ thế nào, nếu Việt Nam không điều chỉnh giá điện?
Bàn về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở Việt Nam


Theo chúng tôi, nguyên nhân thì có nhiều, nhưng quan trọng nhất là do ở Việt Nam năng lượng nói chung và điện năng nói riêng, đang được sử dụng rất lãng phí (rất không có hiệu quả). Trước hết, nền kinh tế Việt Nam đang là một nền kinh tế tiêu hao nhiều điện năng hơn mức cần thiết.

Theo Tổng cục Thống kê (TCKT), quy mô của nền kinh tế Việt Nam năm 2018 đạt 5.535,3 tỷ đồng, tương đương 244,85 tỷ U$ (tính theo tỷ giá của TCTK 22.606,4 Đ/U$). Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tổng sản lượng điện thương phẩm năm 2018 khoảng 192 tỷ kWh. Như vậy, hiện nay, mỗi 1 kWh điện của chúng ta chỉ làm ra được 1,27 U$ GDP. Con số này là quá thấp! 

Theo các số liệu của các tổ chức quốc tế (IMF, WB, UN), trong năm 2018, bình quân trên thế giới, 1 kWh điện đã làm ra được 3,3 U$ GDP. Như vậy, mức tiêu hao điện của nền kinh tế Việt Nam lớn gấp 2,6 lần so với mức BÌNH QUÂN CHUNG của thế giới.

Cũng theo công bố của TCTK, chỉ số hiệu quả của vốn đầu tư (ICOR) năm 2018 của Việt Nam là 5,97, tức là chúng ta phải chi tới 5,97 U$ tiền vốn để tăng thêm được 1 U$ giá trị sản lượng, trong khi Malaisia giai đoạn 1981 - 1985 chỉ khoảng 4,6 U$ để đạt 1 U$ giá trị sản lượng.

Đây thực sự là những con số rất đáng lo ngại về chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Với mức tiêu hao nhiều điện và nhiều vốn đầu tư như vậy, nền kinh tế của chúng ta sẽ không bao giờ đuổi kịp mức bình quân chung của thế giới (càng không bao giờ có thể được xếp vào ‘top’ nọ, hay ‘top’ kia).

Nhận thức được điều này, kể từ những năm 1980 của thế kỷ trước, Bộ Điện - Than, sau này là Bộ Năng lượng đã kết hợp với các tổ chức quốc tế (WB, NEDO, JICA) tiến hành khảo sát, đánh giá định lượng về mức tiêu hao năng lượng quá lớn trong các ngành kinh tế của Việt Nam.

Sang thế kỷ 21, chúng ta đã bắt đầu triển khai một Chương trình rất cụ thể về khuyến khích tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, trong tình hình sử dụng năng lượng điện rất lãng phí và kém hiệu quả như nêu trên, mục tiêu của Chương trình đề ra quá thấp, còn mức tiết kiệm đạt được lại càng thấp.

Cụ thể, kết quả phân tích các số liệu thống kê cho thấy: trong giai đoạn 2006 ÷ 2010, mục tiêu tiết kiệm năng lượng đề ra rất khiêm tốn 3 ÷ 5%, nhưng cũng chỉ đạt được 3,4%. Tương tự, giai đoạn 2011 ÷ 2015, mục tiêu là 5 ÷ 8%, kết quả là 5,65%.

Với kết quả đạt được chỉ cao hơn mức tối thiểu được đề ra một chút như vậy, có thể nói Chương trình không thành công, vì mức tiết kiệm như vậy chỉ là mức tự nhiên (do tiến bộ KHKT và do các doanh nghiệp, người dân tự "xoay xở" để đối phó với giá năng lượng ngày càng tăng.

Còn nếu phân tích về tác động của Chương trình khuyến khích tiết kiệm năng lượng đến các kết quả đó thì có thể nói "việc khuyến khích" là kém hiệu quả.

Vì vậy, giải pháp kinh tế cần được áp dụng và chúng ta đã phải áp dụng, duy trì chính sách giá điện lũy tiến (càng dùng nhiều điện thì giá càng phải tăng nhanh), là rất cần thiết và phù hợp.

Từ những năm 1980 của thế kỷ trước, trên thế giới người ta đã rút ra kết luận có liên quan đến tiết kiệm năng lượng như sau: đầu tư vào tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng rẻ hơn 2,5 ÷ 2,7 lần so với đầu tư để tạo ra cùng một đơn vị năng lượng mới. Thực tế ở Việt Nam cũng đã chứng minh điều đó.

Kết quả khảo sát của các nghiên cứu sinh tại Bộ môn Quản lý Năng lượng (thuộc Đại học Điện lực Hà Nội) trong nhiều năm qua đều cho thấy tất cả các giải pháp kỹ thuật/thương mại liên quan đến tiết kiệm điện ở tất cả các cơ sở (từ sản xuất điện, đến truyền tải, phân phối điện và sử dụng điện) đều có các chỉ số NPV (giá trị hiện tại ròng), B/C (tỉ số lợi ích/chi phí) rất cao và thời gian hoàn vốn rất ngắn. Cao hơn nhiều và ngắn hơn nhiều so với các dự án đầu tư xây dựng các nhà máy phát điện mới (kể cả thủy điện).

Như vậy, khả năng góp phần làm giảm chi phí về năng lượng nói chung, và chi phí điện nói riêng (cả chi phí thực và chi phí cơ hội) của người sử dụng cao hơn 2,5 ÷ 2,7 lần so với người sản xuất.

Hay nói sòng phẳng, trong cơ chế thị trường, người tiêu dùng không thể cứ "đổ lỗi" tăng giá cho Chính phủ, hay nhà sản xuất, mà trước hết phải tự đánh giá hiệu quả sử dụng/tiêu dùng của mình.

Do đó, đã đến lúc chúng ta nên nói ít hơn về 'tốc độ tăng trưởng' để nói nhiều hơn về 'chất lượng tăng trưởng' của nền kinh tế. Tương tự, trong lĩnh vực năng lượng, nên nói ít hơn về 'giá năng lượng' để nói nhiều hơn về 'tiết kiệm năng lượng' và 'sử dụng hiệu quả năng lượng'.

Vấn đề an ninh năng lượng đối với Việt Nam hiện nay phụ thuộc trước hết vào hiệu suất sử dụng năng lượng (như nói trên). Trong tình hình của nền kinh tế Việt Nam, như số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, có "hệ số mở" rất lớn (xuất khẩu + nhập khẩu >> GDP), với hiệu suất sử dụng năng lượng rất thấp như trên, an ninh năng lượng của Việt Nam đang và sẽ đối mặt với nhiều rủi ro lớn (phụ thuộc vào nước ngoài ngày càng nhiều).

Để nâng cao được hiệu suất sử dụng năng lượng, trong khi chúng ta đang quản lý vốn đầu tư rất kém hiệu quả (như phân tích trên), con đường duy nhất là tiết kiệm và tiết kiệm hơn nữa. Năng lượng (điện, than, dầu, khí) ở Việt Nam cần và có thể được tiết kiệm từ khâu thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển, bảo quản, đến khâu sử dụng.

Hay nói cách khác, việc tiết kiệm năng lượng phải được triển khai ở cấp vĩ mô và vi mô, bằng vốn của ngân sách và vốn của doanh nghiệp, phải được coi là "sự nghiệp toàn dân".

TS. NGUYỄN THÀNH SƠN - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động