RSS Feed for Luận bàn về một số sửa đổi cần thiết đối với PSC Việt Nam [Kỳ cuối] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 16:45
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Luận bàn về một số sửa đổi cần thiết đối với PSC Việt Nam [Kỳ cuối]

 - Việc ban hành hợp đồng mẫu của hợp đồng chia sản phẩm (PSC) là một bước tiến của Việt Nam trong quá trình hoàn thiện khung pháp lý thượng nguồn. Tuy nhiên, để có thể tiếp tục hoàn thiện hơn nữa, Chính phủ cần cân nhắc xem xét các sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách, đặc biệt là Nghị định 33/2013/NĐ-CP để có thể tăng lòng tin và làm an lòng các nhà thầu dầu khí đang và sẽ tiếp tục đầu tư vào việc tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí ở Việt Nam.

Luận bàn về một số sửa đổi cần thiết đối với PSC Việt Nam [Kỳ 1]

KỲ CUỐI: ĐỀ XUẤT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG VỚI PSC MẪU BAN HÀNH KÈM THEO NGHỊ ĐỊNH 33 CỦA CHÍNH PHỦ

THS. PHẠM KIỀU QUANG; THS. PHẠM THU TRANG - VIỆN DẦU KHÍ VIỆT NAM

Việc phát triển khai thác mỏ khí đòi phải có thị trường và liên quan tới các hoạt động thu gom, vận chuyển xử lý khí. Trong trường hợp Nhà thầu đầu tư xây dựng hệ thống thu gom vận chuyển khí trên đất liền, kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng quy định của PSC cho các hoạt động này và sửa đổi bổ sung vào Điều 4.6 của Nghị định 33/2013/NĐ-CP.

Theo Điều 7.10. PSC mẫu ban hành theo Nghị định 33/2013/NĐ-CP, "Nếu pháp Nếu pháp luật thuế Việt Nam quy định những mức thuế suất hoặc có chế độ ưu đãi hơn cho công nghiệp dầu khí, NHÀ THẦU sẽ, với sự hỗ trợ của PETROVIETNAM và phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được áp dụng những mức thuế suất hoặc chế độ ưu đãi đó", tác giả mạnh dạn đề nghị sửa đổi như sau để Nhà thầu có thể áp dụng ngay các ưu đãi đó: "Nếu pháp luật thuế Việt Nam quy định những mức thuế suất, hoặc có chế độ ưu đãi hơn cho công nghiệp dầu khí,  NHÀ THẦU sẽ được quyền áp dụng các mức thuế, hoặc chế độ ưu đãi đó phù hợp với pháp luật mới về thuế kể từ ngày quy định đó có hiệu lực, và không phải yêu cầu bất kỳ chấp thuận, hoặc phê duyệt nào của cơ quan nhà nước".

Điều 7.4 PSC mẫu ban hành theo Nghị định 33/2013/NĐ-CP quy định rõ thuế xuất khấu không được thu hồi, nhưng được khấu trừ vì mục đích xác định thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều 7.7. và Điều 7.8 quy định về các khoản thuế/phí bảo vệ môi trường và thuế phụ thu đối với phần dầu lãi được chia của nhà thầu khi giá dầu thô biến động tăng nhanh. Tuy nhiên, trong PSC mẫu lại không có quy định các loại thuế này được khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp. Kiến nghị quy định rõ các loại thuế/phí bảo vệ môi trường và phụ thu đối với dầu mà NHÀ THẦU phải trả được khấu trừ Thuế thu nhập Doanh nghiệp.

Theo Điều 7.5. PSC mẫu ban hành theo Nghị định 33/2013/NĐ-CP, "Mỗi Bên Nhà thầu nộp thuế thu nhập đối với thu nhập phát sinh do chuyển nhượng theo quy định của Điều 12.2 và các loại phí có liên quan theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành". Tuy nhiên, Điều 12.2 không quy định rõ thuế thu nhập đối với thu nhập phát sinh do chuyển nhượng. Hiện tại, theo thông tư số 36/2016/TT-BTC ngày 26/02/2016 quy định thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ thu nhập chuyển nhượng quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí thực hiện theo quy định của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành. Kiến nghị quy định rõ Nhà thầu nộp thuế thu nhập đối với thu nhập phát sinh do chuyển nhượng theo thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành và việc miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không áp dụng đối với thu nhập từ chuyển nhượng quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí (trừ trường hợp hợp đồng dầu khí có thỏa thuận khác).

Điều 14.3. trong Nghị định 33/2013/NĐ-CP mới chỉ đề cập tới việc thu dọn mỏ chung cho các Lô hợp đồng dầu khí có mỏ đi vào khai thác. Đối với các mỏ đã khai thác nhưng Nhà thầu trả lại do việc khai thác không còn hiệu quả kinh tế (Mỏ Sông Đốc thuộc Lô 46/02 nay Nhà thầu đã hoàn trả và ký lại hợp đồng thuộc Lô 46/13). Để tận khai thác các mỏ như vậy, Chính phủ cần phải có cơ chế riêng để khuyến khích Nhà thầu dầu khí. Liên quan đến việc sửa đổi Nghị định 33, tác giả nhận thấy Chính phủ có thể để Nhà thầu được tiếp nhận toàn bộ quỹ thu dọn mỏ từ dự án trước. Trong trường hợp dự án tận thu khai thác dầu khí hoạt động kém hiệu quả, PVN có thể xem xét lấy một phần dầu lãi nhận được từ hợp đồng dầu khí này để chia sẻ một phần, hoặc toàn bộ nghĩa vụ thu dọn mỏ. Điều này làm giảm bớt chi phí của Nhà thầu góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế mỏ, tận thu dầu khí khai thác cho Việt Nam và thể hiện sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam đối với việc tận khai thác dầu khí của các Nhà thầu dầu khí.

Quy định về điều khoản ổn định trong Nghị định 33/2013/NĐ-CP về cơ bản "thắt chặt" hơn quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài. Sau khi Nghị định được ban hành và áp dụng, đã có một số phản ứng không tích cực từ các nhà thầu, đặc biệt đối với quy định về điều khoản ổn định quy định tại Điều 18 Nghị định 33. So với Hợp đồng mẫu được ban hành theo Nghị định 139/2005/NĐ-CP thì điều khoản ổn định quy định tại Nghị định 33 có phạm vi hẹp hơn. Nếu ở Điều 18 Hợp đồng mẫu ban hành kèm theo Nghị định 139, điều khoản ổn định được viện dẫn khi có sự thay đổi pháp luật làm "ảnh hưởng bất lợi tới quyền lợi kinh tế của NHÀ THẦU" thì ở Nghị định 33 chỉ giới hạn điều khoản ổn định khi sự thay đổi của pháp luật làm ảnh hưởng tới quyền lợi về thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế xuất khẩu, còn các sắc thuế khác phải áp dụng theo quy định hiện hành.

Về khía cạnh pháp luật, điều khoản ổn định là một điều khoản quan trọng để bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp trong quá trình thực hiện dự án có sự thay đổi pháp luật dẫn đến ảnh hưởng quyền, lợi ích kinh tế của nhà đầu tư so với thời điểm bắt đầu tiến hành đầu tư.

Đây là một điều khoản đã được quy định xuyên suốt trong quá trình xây dựng và sửa đổi hệ thống pháp luật về đầu tư của Việt Nam.

Điều 21 Luật đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 1996 quy định: "Trong trường hợp do thay đổi quy định của pháp luật Việt Nam mà làm thiệt hại đến lợi ích của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh đã được cấp giấy phép, thì Nhà nước có biện pháp giải quyết thoả đáng đối với quyền lợi của nhà đầu tư".

Sau đó, luật sửa đổi Luật đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2000 bổ sung Điều 21a như sau:

"1. Trong trường hợp do thay đổi quy định của pháp luật Việt Nam làm thiệt hại đến lợi ích của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh, thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh tiếp tục được hưởng các ưu đãi đã được quy định trong Giấy phép đầu tư và Luật này, hoặc được Nhà nước giải quyết thoả đáng theo các biện pháp sau đây:

a) Thay đổi mục tiêu hoạt động của dự án.

b) Miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật.

c) Thiệt hại của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh được khấu trừ vào thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp.

d) Được xem xét bồi thường thoả đáng trong một số trường hợp cần thiết.

2. Các quy định mới ưu đãi hơn được ban hành sau khi được cấp Giấy phép đầu tư sẽ được áp dụng cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh."

Luật Đầu tư năm 2005 vẫn kế thừa các quy định từ Luật đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, cụ thể, Điều 11 quy định:

"2. Trường hợp pháp luật, chính sách mới ban hành làm ảnh hưởng bất lợi đến lợi ích hợp pháp mà nhà đầu tư đã được hưởng trước khi quy định của pháp luật, chính sách đó có hiệu lực thì nhà đầu tư được bảo đảm hưởng các ưu đãi như quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư hoặc được giải quyết bằng một, một số hoặc các biện pháp sau đây:

a) Tiếp tục hưởng các quyền lợi, ưu đãi.

b) Được trừ thiệt hại vào thu nhập chịu thuế.

c) Được điều chỉnh mục tiêu hoạt động của dự án.

d) Được xem xét bồi thường trong một số trường hợp cần thiết."

Như vậy, trong suốt quá tŕnh xây dựng và sửa đổi hệ thống Luật đầu tư từ năm 1996 đến 2005, nguyên tắc "bảo đảm quyền lợi kinh tế" hay "lợi ích của nhà đầu tư" được tôn trọng và duy trì. Mặc dù khái niệm "quyền lợi kinh tế", hay "lợi ích của doanh nghiệp", hay "lợi ích pháp luật" chưa được hướng dẫn chi tiết tại văn bản nào, tuy nhiên khái niệm này có thể được hiểu là toàn bộ các lợi ích về thuế và các lợi ích khác mà nhà đầu tư được hưởng tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Để cụ thể hóa các quy định về bảo đảm đầu tư, Luật Đầu tư năm 2014 đã quy định cụ thể về điều khoản này như sau:

"Điều 13. Bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật.

1. Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư cao hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư đang được hưởng thì nhà đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của văn bản pháp luật mới cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án.

2. Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư thấp hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư được hưởng trước đó thì nhà đầu tư được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định trước đó cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án.

3. Quy định tại khoản 2 Điều này không áp dụng trong trường hợp thay đổi quy định của văn bản pháp luật vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, bảo vệ môi trường.

4. Trường hợp nhà đầu tư không được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định tại khoản 3 Điều này thì được xem xét giải quyết bằng một hoặc một số biện pháp sau đây:

a) Khấu trừ thiệt hại thực tế của nhà đầu tư vào thu nhập chịu thuế. 

b) Điều chỉnh mục tiêu hoạt động của dự án đầu tư.

c) Hỗ trợ nhà đầu tư khắc phục thiệt hại."

Như vậy, đối chiếu với các quy định trong Luật Đầu tư có thể thấy rằng, điều khoản ổn định quy định tại Điều 18 Hợp đồng mẫu ban hành kèm theo Nghị định 33 đang có phạm vi hẹp hơn so với quy định của Luật đầu tư. Cụ thể là chỉ ổn định quyền lợi của nhà đầu tư liên quan đến 3 sắc thuế là thuế tài nguyên, thu nhập doanh nghiệp và thuế xuất khẩu. Điều này là một rào cản rất lớn trong quá trình thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí.

Thực tế triển khai hoạt động dầu khí từ khi ban hành Nghị định 33 đến nay cũng cho thấy, nhà thầu rất khó chấp nhận quy định về ổn định tại hợp đồng mẫu mới và rất khó khăn cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong việc thuyết phục nhà thầu tuân thủ quy định này. Về lâu dài, quy định như vậy là một rào cản rất lớn cho hoạt động đầu tư của nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp dầu khí. Do vậy, cần kiến nghị áp dụng điều khoản ổn định một cách linh hoạt trên cơ sở bảo đảm ưu đãi đầu tư cho nhà thầu khi có sự thay đổi về pháp luật phù hợp với quy định của Điều 13 Luật Đầu tư năm 2014.

Kết luận

Việc ban hành PSC mẫu là một bước tiến của Việt Nam trong quá trình hoàn thiện khung pháp lý thượng nguồn. Tuy nhiên, để có thể tiếp tục hoàn thiện hơn nữa, chúng tôi kiến nghị Chính phủ cân nhắc xem xét các sửa đổi nói trên để có thể tăng lòng tin và làm an lòng các nhà thầu dầu khí đang và sẽ tiếp tục đầu tư vào việc tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí ở Việt Nam.

Lưu ý: Mọi trích dẫn và sử dụng bài viết này cần được sự đồng ý của tác giả thông qua Tạp chí Năng lượng Việt Nam bằng văn bản.

Tài liệu tham khảo

1/ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, ngày 12 tháng 11 năm 1996.

2/ Luật số 18/2000/QH10, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 09 tháng 6 năm 2000.

3/ Luật số 59/2005/QH11 ngày 29/11/2005. Luật Đầu tư.

4/ Luật số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014. Luật Đầu tư.

5/ Nghị định số 139/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2005 Ban hành hợp đồng mẫu của hợp đồng chia sản phẩm dầu khí.

6/ Nghị định số 33/2013/NĐ-CP ngay 22 tháng 4 năm 2013 Ban hành hợp đồng mẫu của hợp đồng chia sản phẩm dầu khí.

7/ Thông tư số 36/2016/TT-BTC ngày 26 tháng 2 năm 2016 Hướng dẫn thực hiện quy định về thuế đối với các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí theo quy định của Luật Dầu khí.

8/ Xây dựng cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực hoạt động dầu khí tại Việt Nam, PVN 2015.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động