RSS Feed for Kiến nghị giữ lại mặt bằng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 24/11/2024 16:26
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Kiến nghị giữ lại mặt bằng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2

 - Theo kiến nghị của tỉnh Ninh Thuận, Thủ tướng đồng ý về chủ trương điều chỉnh chuyển đổi mục đích sử dụng mặt bằng hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2. Nhưng vấn đề đặt ra là: Để xác định được 2 địa điểm này, chúng ta đã phải trải qua một quá trình lâu dài tìm kiếm, sàng lọc và đánh giá; thực hiện khối lượng lớn công việc một cách khoa học, công phu và tốn kém... Vậy, có nên chuyển đổi mục đích sử dụng mặt bằng 2 địa điểm đã chọn nêu trên, hay giữ lại cho chương trình phát triển điện hạt nhân của Việt Nam trong tương lai? Tạp chí Năng lượng Việt Nam cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong Hội đồng Phản biện Khoa học kiến nghị giữ lại mặt bằng hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.

Thủ tướng đề nghị Tạp chí Năng lượng VN tiếp tục đóng góp cho ngành dầu khí
Bộ GTVT đồng ý với kiến nghị của Tạp chí NLVN về nhập khẩu than cho điện


 


 

Dưới đây là nội dung Văn bản kiến nghị của Tạp chí Năng lượng Việt Nam cùng các chuyên gia, nhà khoa học:

"Để có thêm thông tin cho quyết định cuối cùng, trong thời gian qua, Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã giới thiệu với độc giả loạt bài viết phản biện khoa học nhằm tóm tắt về quá trình tìm kiếm, lựa chọn và đánh giá địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam. Nay Tạp chí Năng lượng Việt Nam xin kính gửi tới Thủ tướng Chính phủ bản tổng hợp các bài đó, cùng với các ý kiến đóng góp của một số chuyên gia, nhà khoa học, quản lý để Thủ tướng tham khảo, xem xét chỉ đạo.

I. Tình hình phát triển điện hạt nhân hiện nay trên thế giới

Tính đến tháng 5 năm 2019, trên thế giới có 452 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động tại 35 quốc gia, với tổng công suất 399.354 MWe. Trong năm 2018, chúng đã cung cấp 2.827,203 tỷ kWh, chiếm hơn 10% sản lượng điện toàn cầu, tăng 308,5 tỷ kWh so với năm 2017. Đồng thời có 54 lò phản ứng điện hạt nhân cũng đang được xây dựng tại 19 quốc gia, với tổng công suất 55.364 MWe. Cùng với việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới, các nhà máy đang hoạt động cũng được đánh giá, bổ sung, hoàn thiện và kéo dài tuổi thọ từ 25-30 năm theo thiết kế ban đầu lên đến 40-60 năm. Công nghệ lò nước nhẹ thế hệ III+ đã bắt đầu đi vào vận hành, và đang được triển khai ở nhiều nước trên thế giới. Công nghệ lò nhỏ SMR cũng bắt đầu được triển khai.

Trong những thập niên qua, từ các cường quốc hạt nhân như: Nga, Mỹ, Pháp, Anh, điện hạt nhân đã phát triển sang các quốc gia khác như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ... Đáng chú ý là một số nước vùng Trung Đông - nơi xuất khẩu dầu mỏ nhiều nhất thế giới cũng bắt đầu phát triển điện hạt nhân như: Iran, các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Ả Rập Xê Út. Một số nước đang triển khai xây dựng, hoặc bắt đầu kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân như: Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan, Ai Cập… Trong khu vực, Bangladesh đang triển khai rất tốt việc xây dựng 2 tổ máy điện hạt nhân đầu tiên, các nước như: Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Singapore đều có mục tiêu chiến lược cho phát triển điện hạt nhân và đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng và đội ngũ cán bộ.

Như vậy, trên thực tế, các quốc gia vẫn đang tiếp tục duy trì và phát triển điện hạt nhân như một nguồn năng lượng ổn định, kinh tế và góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu do nóng ấm toàn cầu và nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt.

II. Tình hình cung cầu điện năng của Việt Nam và sự cần thiết của điện hạt nhân

Đối với Việt Nam, trong mấy thập kỷ qua, tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao so với khu vực và thế giới. Để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, việc phát triển điện lực với mức độ tăng trưởng cao (khoảng trên 10%/năm) đã dẫn đến tình trạng khai thác cạn kiệt các nguồn năng lượng sơ cấp truyền thống trong nước như: than, khí, thủy năng và từ năm 2015, từ một nước xuất khẩu tịnh năng lượng, nước ta đã trở thành nước nhập khẩu tịnh năng lượng.

Mặc dù việc phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo đã được chú trọng đáng kể, nhưng do phụ thuộc vào khí hậu, thời tiết, hệ số phụ tải chỉ khoảng 20% và không ổn định, nên loại nguồn này chỉ đóng vai trò bổ trợ, không thể thay thế các nguồn điện chủ lực như: nhiệt điện, thủy điện và điện hạt nhân. Đến nay các nguồn tiềm năng thủy điện lớn hầu như đã khai thác hết. Để tiếp tục phát triển nhiệt điện, từ nay trở đi lượng nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu (than, LNG) sẽ ngày một gia tăng, theo đó ảnh hưởng tới bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và gây tác động tiêu cực đến việc thực hiện bảo vệ môi trường, các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Hơn nữa, do nhiều nguyên nhân nên việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch không thể là vô hạn mà chỉ trong một giới hạn nhất định. Do vậy, để góp phần giải quyết vấn đề này, một trong những giải pháp hữu hiệu là phát triển điện hạt nhân, trước mắt là tái khởi động dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

III. Vấn đề địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân

Như đã biết, trong quá trình triển khai xây dựng dự án điện hạt nhân, việc lựa chọn địa điểm có vai trò hết sức quan trọng. Sự lựa chọn đúng đắn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân sẽ bảo đảm cho nhà máy vận hành an toàn, hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm an ninh cung cấp điện năng, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường. Trong quá trình lựa chọn địa điểm, hàng loạt các vấn đề về kinh tế - kỹ thuật; kinh tế - xã hội - môi trường được đặt ra phải giải quyết.

Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân phải bảo đảm những đòi hỏi rất cao về mặt an toàn của nền móng công trình, an toàn với các hiện tượng tự nhiên cực đoan như: lốc xoáy, lũ lụt, động đất, sóng thần… Địa điểm không những phải bảo đảm an toàn cho nhà máy, mà còn phải đáp ứng được tính hợp lý về kinh tế xây dựng, giảm thiểu tác động tới môi trường và được công chúng địa phương chấp thuận.

Đối với dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, việc lựa chọn địa điểm đã được tiến hành hết sức nghiêm túc, chặt chẽ trong hơn 10 năm (1996-2007), với sự hỗ trợ của IAEA cùng các chuyên gia Nhật Bản, LB Nga, Hàn Quốc, Canada…

Trong giai đoạn 2011-2015, công việc đánh giá địa điểm đã được các đối tác LB Nga và Nhật Bản triển khai thực hiện trong dự án “Nghiên cứu khả thi xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam”.

Đánh giá địa điểm là nhằm xác định phẩm chất của địa điểm trên mọi khía cạnh, đặc biệt là trên quan điểm an toàn. Đánh giá địa điểm còn nhằm xác định ra các giá trị cực đoan nhất của các hiện tượng tự nhiên và nhân tạo có thể xảy ra làm ảnh hưởng tới an toàn nhà máy. Bộ các giá trị cực đoan nhất của các hiện tượng tự nhiên và nhân tạo này được sử dụng như các giá trị ban đầu để thiết kế nhà máy, do đó, chúng còn được gọi là “Các cơ sở thiết kế - Design Basics”. Ví dụ, cấp động đất cao nhất có thể xảy ra tại khu vực địa xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong vòng 10.000 năm là 7 độ Richter thì thiết kế nhà máy phải có đủ khả năng chống lại động đất cấp 7 trở lên tại địa điểm đó.

Để thực hiện công tác đánh giá địa điểm tại Phước Dinh và Vĩnh Hải, cả 2 đối tác LB Nga và Nhật Bản đã triển khai các hoạt động sau:

Một là: Khảo sát, đánh giá điều kiện tự nhiên và hoạt động của con người liên quan tới địa điểm, bao gồm:

1/ Khảo sát, đánh giá động đất, đứt gãy bề mặt, núi lửa.

2/ Khảo sát, đánh giá khí tượng.

3/ Khảo sát, đánh giá khả năng ngập lụt.

4/ Khảo sát, đánh giá khả năng sóng thần.

5/ Khảo sát, đánh giá địa kỹ thuật.

6/ Khảo sát, đánh giá các yếu tố do hoạt động của con người gây ra.

7/ Khảo sát, đánh giá nguồn nước làm mát và nguồn điện cấp cho nhà máy điện hạt nhân.

Hai là: Khảo sát, đánh giá khả năng phát tán phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân ảnh hưởng đến công chúng, bao gồm:

1/ Khảo sát phát tán phóng xạ qua không khí.

2/ Khảo sát phát tán phóng xạ qua nước bề mặt.

3/ Khảo sát phát tán phóng xạ qua nước ngầm.

4/ Khảo sát phân bố dân cư và phông bức xạ.

6/ Xác định giới hạn liều chiếu xạ đối với công chúng.

Trong suốt 5 năm thực hiện từ 2011-2015, ngoài việc bổ sung, cập nhật và xử lý toàn bộ các thông tin đã có trong giai đoạn trước, LB Nga và Nhật Bản đã thực hiện khoan thăm dò địa chất công trình với hàng chục lỗ khoan các loại và hàng nghìn mét khoan sâu để thu thập các mẫu đất đá, mang về Nga và Nhật Bản phân tích, đánh giá. Hai đối tác cũng đã xây dựng, lắp đặt các trạm quan trắc khí tượng thủy văn và trạm quan trắc địa chấn để theo dõi và thu thập các thông tin cần thiết liên quan.

Kết quả khảo sát, nghiên cứu đánh giá 2 địa điểm Phước Dinh và Vĩnh Hải của 2 đối tác LB Nga và Nhật Bản đã được lập thành hồ sơ để lưu giữ và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề nghị phê duyệt địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

IV. Kết luận

1/ Điện hạt nhân là một nguồn cung cấp điện năng ổn định, có tính cạnh tranh kinh tế, ít phát thải cacbon, thân thiện với môi trường. Công nghệ điện hạt nhân ngày càng được hoàn thiện. An toàn điện hạt nhân ngày càng được nâng cao. Điện hạt nhân vẫn tiếp tục phát duy trì, phát triển ở các cường quốc công nghiệp và tiếp tục lan tỏa rộng rãi sang các nước đang phát triển - nơi có nhu cầu điện tăng nhanh.

2/ Việt Nam - quốc gia gần 100 triệu dân với nền kinh tế đang thời kỳ phát triển mạnh, nhu cầu năng lượng còn tiếp tục tăng cao. Việt Nam - đất nước có nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp phong phú, nhưng hữu hạn, không còn đáp ứng được nhu cầu sản xuất điện và phải nhập khẩu than, LNG với sản lượng ngày càng tăng. Điện hạt nhân sẽ là một trong những lựa chọn như một nhu cầu tất yếu, khách quan. Việc phát triển điện hạt nhân sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia giai đoạn sau 2030 và đáp ứng các yêu cầu về giảm phát thải khí nhà kính trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

3/ Để có được bộ hồ sơ trình phê duyệt 2 địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Phước Dinh và Vĩnh Hải thuộc tỉnh Ninh Thuận, 2 đối tác LB Nga và Nhật Bản đã tiến hành các hoạt động khảo sát, nghiên cứu, đánh giá 2 địa điểm nói trên một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng, nghiêm ngặt, chặt chẽ theo đúng các yêu cầu nội dung công việc của Quy trình lựa tìm kiếm, lựa chọn và đánh giá địa điểm của IAEA.

4/ Diện tích các địa điểm dự định xây dựng nhà máy điện hạt nhân là không lớn (khoảng 824 ha tính cả diện tích vùng cách ly 500 mét từ hàng rào nhà máy). Trong trường hợp các địa điểm Ninh Thuận 1 và 2 được sử dụng cho mục đích khác với thời hạn lâu dài, trong tương lai khi cần địa điểm cho các dự án điện hạt nhân thì sẽ phải tìm các địa điểm khác, rất tốn kém về thời gian, công sức và kinh phí.

V. Kiến nghị

Thứ nhất: Đảng và Chính phủ xem xét lại và sớm có chủ trương tái khởi động chương trình phát triển điện hạt nhân. Tiếp tục đưa điện hạt nhân vào trong định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia mới thay thế Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2007, làm cơ sở xây dựng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và xây dựng Quy hoạch điện VIII.

Thứ hai: Các địa điểm Phước Dinh và Vĩnh Hải tại Ninh Thuận đã được nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng, công phu và đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt của IAEA, đồng thời nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, cũng như chính quyền điạ phương, cần được giữ lại cho việc phát triển điện hạt nhân trong tương lai. Việc giữ lại 2 địa điểm này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế vì các nước có chương trình phát triển điện hạt nhân đều có những văn bản quy phạm pháp luật quy định cho phép chủ đầu tư giữ các địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong thời hạn là 20 năm, vượt quá thời hạn trên, địa điểm mới được xem xét để chuyển đổi mục đích sử dụng.

Kính mong Thủ tướng quan tâm xem xét, chỉ đạo."

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động