RSS Feed for Khi Chính phủ Hoa Kỳ định hướng cho tư nhân đầu tư vào điện hạt nhân | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 24/04/2024 19:40
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Khi Chính phủ Hoa Kỳ định hướng cho tư nhân đầu tư vào điện hạt nhân

 - Sự gia tăng đầu tư công, cũng như các công ty tư nhân ở Hoa Kỳ cho các dự án điện hạt nhân đang giúp tạo động lực trong nghiên cứu, phát triển, đổi mới công nghệ, tạo ra các lò phản ứng phi truyền thống... nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh bền vững của quốc gia này.
Phó Thủ tướng Liên bang Nga thăm Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam Phó Thủ tướng Liên bang Nga thăm Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam

Điện hạt nhân ở Việt Nam - Nên tiến, hay lùi? Điện hạt nhân ở Việt Nam - Nên tiến, hay lùi?

Tiến hay lùi, với điện hạt nhân của Việt Nam sẽ do cấp có thẩm quyền quyết định. Nhưng PGS, TS. Vương Hữu Tấn [*] - người có nhiều năm nghiên cứu về vấn đề này cho rằng: Điện hạt nhân là cần thiết với nước ta, đặc biệt khi Chính phủ đã cam kết zero carbon vào năm 2050.

Đến năm 2021, Mỹ có 93 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động, với tổng công suất phát điện là 95.492 MW và 19 địa điểm lò đang trong quá trình tháo dỡ ngừng hoạt động.

Dư luận ủng hộ năng lượng hạt nhân bởi nguồn năng lượng này được cho là sạch và cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022 khiến cho Chính phủ Mỹ phải đầu tư nhiều hơn cho nguồn năng lượng này trong các chương trình hỗ trợ thuế, tín dụng, tài trợ nghiên cứu an toàn và phát triển các lò phản ứng thế hệ mới.

Không giống như một số quốc gia khác trên thế giới, Mỹ vẫn duy trì và vận hành hệ thống năng lượng hạt nhân của mình, duy trì vai trò nhà sản xuất năng lượng hạt nhân lớn nhất hiện nay.

Tuy nhiên, sau khi không còn được công chúng ưa chuộng và bị điện than, điện khí cạnh tranh, năng lượng hạt nhân ít được nhắc đến trong những thập kỷ trước, nhiều nhà máy điện lâm vào cảnh nợ nần và hầu như không thể duy trì hoạt động. Hiện nay, năng lượng hạt nhân cung cấp 20% nguồn điện của nước Mỹ và điều này phần lớn nhờ vào các khoản trợ cấp của Chính phủ giúp các nhà máy điện duy trì hoạt động. Nhưng giờ đây, khi các quốc gia trên toàn thế giới một lần nữa cân nhắc đến năng lượng hạt nhân thì nước Mỹ đang tăng cường đầu tư vào nguồn năng lượng carbon thấp nhằm đưa hạt nhân trở lại và sử dụng nó để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh.

Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở nước Mỹ được khánh thành vào năm 1958 và đến cuối năm 2021, Mỹ có 93 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động, trên 55 nhà máy điện hạt nhân ở 28 tiểu bang. Tổng công suất phát điện của các lò phản ứng này là 95.492 MW. Nhiều lò phản ứng đã hoạt động từ 40 năm về trước do sự ngần ngại đầu tư vào các dự án hạt nhân mới sau một vài thảm họa lớn trong những thập kỷ trước. Hai lò phản ứng hạt nhân gần đây nhất đi vào hoạt động là Watts Bar Unit 1 vào năm 1996 và Watts Bar Unit 2 vào năm 2016.

Ngoài ra, một số nhà máy đã bị đóng cửa trong thập kỷ qua, với 19 nhà máy ở các giai đoạn tháo dỡ khác nhau vào năm 2021.

Bất chấp dư luận không tốt về năng lượng hạt nhân trong những thập kỷ qua, ngành này vẫn tiếp tục đóng góp một tỷ lệ đáng kể vào nguồn điện của nước Mỹ. Năm 2022, Bộ Năng lượng (DoE) đã công bố khoản đầu tư 6 tỷ đô la để duy trì cơ sở hạ tầng hạt nhân của nước Mỹ.

Khoản tiền chi từ Chương trình tín dụng hạt nhân dân sự của Luật cơ sở hạ tầng được cả hai đảng ủng hộ, trong đó xác định năng lượng hạt nhân là nguồn năng lượng sạch lớn nhất của Mỹ. DoE nhấn mạnh rằng: Việc giúp các nhà máy hạt nhân của đất nước tồn tại sẽ hỗ trợ hàng nghìn việc làm trong ngành năng lượng sạch, cũng như ngăn chặn việc phát khí thải carbon không cần thiết.

Năng lượng hạt nhân hiện đang được DoE coi là chìa khóa để đạt được các cam kết về khí hậu của Tổng thống Joe Biden và hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của đất nước.

Và không chỉ Chính phủ đã thay đổi quan điểm về năng lượng hạt nhân, các cuộc thăm dò gần đây cho thấy công chúng ủng hộ nguồn năng lượng này ngày càng lớn hơn. Một cuộc thăm dò năm 2022 của Gallup cho thấy: Có 51% ủng hộ hạt nhân và 47% phản đối. Điều này đánh dấu một sự thay đổi đáng kể so với mức 54% phản đối vào năm 2016. Sự thay đổi này phần lớn có thể là để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng diễn ra vào năm 2022, khiến cho chi phí tiêu thụ năng lượng của người tiêu dùng tăng vọt.

Ngành công nghiệp hạt nhân đã có một số bước tiến vào năm 2022 sau nhiều năm trì trệ. Nhà máy hạt nhân lớn nhất của đất nước là Diablo Canyon ở California đã nhận được khoản đầu tư có điều kiện trị giá 1,1 tỷ đô la từ DoE để mở rộng hoạt động. Ban đầu có kế hoạch ngừng hoạt động nhà máy vào năm 2024 và 2025, nhưng kế hoạch này đã thay đổi sau khi đưa ra Luật cơ sở hạ tầng. Một số công ty sản xuất lò phản ứng tiên tiến đã xúc tiến triển khai các lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR). Và DoE đã đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu, phát triển, cũng như thực hiện các nghiên cứu nhằm xác định xem khoảng 80% các địa điểm nhà máy điện than của Mỹ được đánh giá có thể được chuyển đổi thành nhà máy điện hạt nhân hay không.

Nước Mỹ hiện đã có những kế hoạch lớn cho năm 2023 và xa hơn nữa. Trong một động thái nhằm tránh xa sự phụ thuộc vào uranium nước ngoài, DoE đang đầu tư vào việc phát triển uranium làm giàu thấp (HALEU) trong nước, dự kiến sản xuất ​​sẽ bắt đầu trong năm nay. Trong khi đó, tại Trung tâm điện hạt nhân Nine Mile Point của New York, chúng ta đang chứng kiến những tiến bộ trong việc kết hợp các dự án năng lượng sạch với kế hoạch sản xuất hydro sạch đầu tiên sử dụng phương pháp điện phân ở nhiệt độ thấp trong năm nay. Hydro sẽ được sử dụng để giúp làm mát cơ sở hạt nhân. Đây là một trong bốn dự án thử nghiệm hydro chạy bằng năng lượng hạt nhân được DoE hỗ trợ.

Đặc biệt, một số dự án điện hạt nhân tư nhân đang thu hút được sự chú ý. TerraPower và X-energy của Bill Gates đang xúc tiến đơn xin giấy phép xây dựng, dự kiến sẽ đệ trình lên Ủy ban Pháp quy Hạt nhân (NRC) trong năm tới. Điều này có thể hỗ trợ triển khai các loại công nghệ hạt nhân mới như lò phản ứng Natrium của TerraPower - loại lò phản ứng nhanh làm mát bằng natri và nhà máy SMR lò phản ứng khí nhiệt độ cao Xe-100 của X-energy.

Nhưng hiện nay, mọi con mắt đều đổ dồn vào Nhà máy điện hạt nhân Vogtle của Georgia Power, với hai lò phản ứng hạt nhân đã trải qua quá trình xây dựng kéo dài đầy trắc trở. Lò phản ứng hạt nhân Vogtle số 3 đã bắt đầu thực hiện phản ứng hạt nhân bên trong lò vào tuần trước và bắt đầu sản xuất năng lượng đạt “độ tới hạn ban đầu” (initial criticality) trong lò nước áp lực AP1000. Đây là quá trình phân hạch hạt nhân bắt đầu phân tách các nguyên tử và tạo ra nhiệt.

Nhiệt làm cho nước sôi và tạo ra hơi nước, làm quay tua bin nối với máy phát điện, tạo ra điện. Lò số 3 sẽ đi vào hoạt động hết công suất vào tháng 5, hoặc tháng 6/2023 (theo thông báo của Georgia Power). Giám đốc điều hành của Georgia Power, Chris Womack cho biết: “Đây là thời điểm thực sự thú vị khi chúng tôi chuẩn bị đưa vào vận hành một tổ máy hạt nhân mới sẽ phục vụ tiểu bang bằng năng lượng sạch và không phát thải trong 60 đến 80 năm tới”.

Khi lập trường của Chính phủ Mỹ và quan điểm của công chúng đều chuyển sang ủng hộ năng lượng hạt nhân, chúng ta có thể mong đợi đầu tư vào lĩnh vực này tăng lên đáng kể và các hoạt động mới sẽ đi vào hoạt động. Sự gia tăng đầu tư công cho các dự án hạt nhân đang giúp tạo động lực trong nghiên cứu, phát triển, hỗ trợ đổi mới trong công nghệ hạt nhân và tiềm năng tạo ra các lò phản ứng phi truyền thống. Cùng với đầu tư công, các công ty tư nhân của quốc gia này cũng đầu tư tài chính vào năng lượng hạt nhân nhằm góp phần hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh bền vững trong tương lai tới./.

TỔNG HỢP, BIÊN DỊCH: NGUYỄN THỊ THU HÀ

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động