RSS Feed for Hướng giải quyết bế tắc trong Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn của PVN | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 25/11/2024 14:11
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Hướng giải quyết bế tắc trong Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn của PVN

 - Nhằm tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc, mở ra hướng giải quyết để kịp thời triển khai các nội dung công việc của Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn theo phương án khả thi và tối ưu trong thời điểm hiện tại, HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa ban hành Nghị quyết chấp thuận đề xuất, kiến nghị của Tổng giám đốc về giải pháp tháo gỡ bế tắc trong Chuỗi dự án này.
Chuỗi khí, điện Lô B - Ô Môn: Chính phủ đề nghị nghiên cứu đề xuất của giới chuyên gia Chuỗi khí, điện Lô B - Ô Môn: Chính phủ đề nghị nghiên cứu đề xuất của giới chuyên gia

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, ngày 13/9/2023, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số: 7027/VPCP-CN gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về việc nghiên cứu, xử lý theo thẩm quyền và quy định trong triển khai Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn theo đề xuất của Tạp chí Năng lượng Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ. (Báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền).

Theo HĐTV PVN, đến nay, Chuỗi khí, điện Lô B - Ô Môn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, vướng mắc phức tạp dẫn đến mốc tiến độ hoàn thành dự án là rất thách thức và đòi hỏi quyết tâm cao của các bên tham gia. Đặc biệt đối với PVN, với vai trò một bên nhà đầu tư tham gia vào tất cả các khâu trong Chuỗi dự án, đồng thời là Nhà điều hành.

Theo báo cáo cập nhật, phân tích, đánh giá của PVN: Mục tiêu đạt mốc tiến độ đón dòng khí đầu tiên (First Gas) vào năm 2026 phụ thuộc chủ yếu vào thời điểm trao thầu và triển khai các gói thầu của các dự án thành phần ở thượng nguồn, trung nguồn. Theo đó, Chuỗi dự án đang đứng trước áp lực cấp bách về thời gian, cũng như khối lượng lớn công việc phức tạp, đòi hỏi được khẩn trương triển khai kịp thời. Nếu không có quyết định để trao thầu trước khi hết hạn chào thầu, thì nguy cơ phải tổ chức đấu thầu lại dẫn đến rủi ro về chi phí, tăng giá, thời hạn bảo lãnh... ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án.

Nhằm tháo gỡ các vấn đề còn vướng mắc, mở ra hướng giải quyết để thúc đẩy triển khai Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn theo phương án khả thi và tối ưu trong thời điểm hiện tại, HĐTV PVN thống nhất chấp thuận các đề xuất, kiến nghị của Tổng giám đốc PVN về các giải pháp cụ thể như sau:

1/ Thông qua nội dung của Điều kiện chính (Key Term), các nguyên tắc dự phòng để PVN ký kết, triển khai Thỏa thuận khung (HOA) với MOECO (Nhật Bản) và PTTEP (Thái Lan).

2/ Thực hiện trao thầu hạn chế (LLOA) cho gói thầu EPCI#1 (thiết kế, xây dựng, lắp đặt cụm giàn công nghệ trung tâm, giàn nhà ở) cùng cam kết công việc, gói thầu khác thuộc dự án thượng nguồn và trung nguồn với ngân sách phê duyệt trong 6 tháng. Theo đó:

3/ Nguyên tắc dự phòng trong trường hợp sau 6 tháng, các bên đối tác nước ngoài chậm có Quyết định đầu tư cuối cùng (FID), PVN sẽ đàm phán thống nhất với các bên đối tác nước ngoài ký một Thỏa thuận (Side Agreement) đồng ý để PVN triển khai tiếp dự án cho tới khi có FID, có cơ chế hoàn trả lại PVN phần chi phí đã bỏ ra trong giai đoạn đó. Side Agreement sẽ được đàm phán trong giai đoạn thực hiện LLOA gói thầu EPCI#1 và hoàn tất các hợp đồng thương mại (GSPA, GTA).

Mặt khác, Nghị quyết giao Tổng giám đốc PVN những nội dung cụ thể như sau:

1/ Chủ động đàm phán, thống nhất và ký kết HOA theo các nội dung chính đã được HĐTV thông qua, tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật, Nhà nước và Tập đoàn, báo cáo HĐTV kết quả thực hiện. Chỉ đạo Công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc (PQPOC), Công ty Điều hành Đường ống Tây Nam (SWPOC) tiếp tục đàm phán với nhà thầu để phấn đấu đạt mục tiêu đón dòng khí đầu tiên vào quý 4/2026 và giá gói thầu. Chỉ đạo đàm phán các thỏa thuận hợp đồng thương mại (GSPA, GTA, GSA, PPA...) đảm bảo hạn chế tối đa các chênh lệch thương mại nhằm giảm thiểu rủi ro cho PVN với vai trò trung gian mua, bán khí trong Chuỗi dự án.

2/ Chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp cập nhật tình hình triển khai Chuỗi dự án đến thời điểm hiện nay. Trong đó, phân tích, đánh giá đầy đủ, chặt chẽ về tình hình hiện trạng triển khai trong bối cảnh/tình huống PVN thực hiện ký kết HOA và triển khai các nội dung công việc thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm thực hiện giải pháp tối ưu/khả thi trong phạm vi thẩm quyền, nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy triển khai Chuỗi dự án theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và cấp thẩm quyền.

3/ Tiếp tục tập trung chỉ đạo ban chuyên môn đầu mối và các đơn vị liên quan khẩn trương xúc tiến, chủ động, nỗ lực hơn nữa trong phối hợp xử lý các công việc tiếp theo, thúc đẩy tháo gỡ các vấn đề vướng mắc liên quan của Chuỗi dự án, cũng như phát huy tối đa vai trò Nhà điều hành và đảm bảo hiệu quả công việc.

Cũng liên quan đến vấn đề này, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, ngày 13/9/2023, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số: 7027/VPCP-CN gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về việc nghiên cứu, xử lý theo thẩm quyền và quy định trong triển khai Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn theo đề xuất của Tạp chí Năng lượng Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ. (Báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền).

Trước đó, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, sau khi phân tích các điều kiện cần và đủ để có FID, từ phía hạ nguồn (4 nhà máy điện), phía thượng nguồn (dự án Lô B), cũng như áp lực thời gian, tiến độ, Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo các nội dung cụ thể như sau:

Thứ nhất: Về kỹ thuật, Bộ Công Thương sớm hoàn tất phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) đối với các nhà máy điện Ô Môn 2 và Ô Môn 3 để các nhà đầu tư làm cơ sở hoàn tất báo cáo đầu tư các nhà máy điện này.

Thứ hai: Về thương mại, chỉ đạo chủ đầu tư các nhà máy điện sớm hoàn tất Báo cáo nghiên cứu đầu tư trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp (đối với Ô Môn 3, Ô Môn 4) và các cơ quan có thẩm quyền xem xét phê duyệt (đối với Ô Môn 2).

Thứ ba: Về các thỏa thuận hợp đồng thương mại gồm GSPA và GSA, trên nguyên tắc “chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích”, kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo PVN đàm phán với các đối tác nước ngoài ở khâu thượng nguồn theo hướng: Áp dụng giá khí cơ sở (khoảng gần 12 USD/triệu BTU) vào thời điểm khai thác thương mại (đón dòng khí đầu tiên - First Gas) vào năm 2027 và chỉ tính trượt giá khí 2,5%/năm, còn chi phí vận chuyển khí là 2%/năm (từ thời điểm này), thay vì từ năm 2017, nhằm gia tăng hiệu quả kinh tế của cả Chuỗi dự án.

Thứ tư: Do nguồn thu của Chính phủ ở khâu thượng nguồn là rất lớn (hơn 40% giá khí cơ sở, ước tính hơn 20 tỷ USD/23 năm hoạt động), do đó kiến nghị Thủ tướng xem xét quyết định giảm một phần thuế thu nhập doanh nghiệp cho các nhà điều hành Phú Quốc POC và Công ty Đường ống Tây Nam (SWPOC) để giảm áp lục cho các nhà đầu tư khâu thượng nguồn và trung nguồn.

Thứ năm: Do điều kiện thu xếp vốn vay ODA sẽ rất khó khăn, còn vay vốn ECA cũng cần nhiều điều kiện đi kèm (do PVN là doanh nghiệp nhà nước), kiến nghị Thủ tướng xem xét phát hành Bảo lãnh Chính phủ (GGU) cho PVN để dễ thu xếp vốn vay từ các ngân hàng quốc tế đối với cả khâu thượng nguồn và các nhà máy điện.

Thứ sáu: Chỉ đạo EVN và PVN cam kết bao tiêu sản lượng điện trong hợp đồng PPA (tạm tính) để PVN làm cơ sở ký kết GSPA với Nhà điều hành Phú Quốc POC, hoặc là cơ sở để PVN (đàm phán với các đối tác nước ngoài) giao nhà điều hành Phú Quốc POC ký kết các hợp đồng GSA với các nhà máy điện.

Thứ bảy: Giao PVN chỉ đạo các nhà điều hành Phú Quốc POC và SWPOC bảo lưu kết quả đấu thầu và gia hạn thời hạn hiệu lực đấu thầu thêm 1 năm (đối với các gói thầu EPC1, EPC2 trong nước và quốc tế, cũng như EPC đường ống) để ngay khi đạt được các đồng thuận sẽ trao hợp đồng.

Cuối cùng, Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, các bộ, ngành nên có những ưu tiên, cũng như quan tâm đúng mức, kịp thời về chủ trương, chính sách và định hướng chiến lược để PVN làm tốt hơn nữa vai trò của mình, cùng với EVN, với sứ mệnh bảo đảm an ninh năng lượng để phát triển kinh tế, an sinh xã hội và hội nhập quốc tế sâu rộng hơn nữa./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động