RSS Feed for Hợp tác cùng khai thác dầu khí, Philippines mắc bẫy do mình tạo nên | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 26/12/2024 20:33
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Hợp tác cùng khai thác dầu khí, Philippines mắc bẫy do mình tạo nên

 - Có vẻ Tổng thống Philippines Duterte và nội các của ông hình như đang mắc vào cái bẫy do tự mình tạo nên. Với thái độ của Trung Quốc, thì việc đạt được thỏa thuận khai thác dầu khí chung mà không làm mất chủ quyền gần như là không thể. Do đó, dừng lại, hay lùi bước đều gây ra những hệ lụy rất lớn, còn nếu tiến lên thì Tổng thống Philippines sẽ phải giải thích sao với người dân nước mình khi chính mình làm ngược lại phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế và làm mất chủ quyền quốc gia.

Giải quyết tranh chấp dầu khí thông qua hiệp định đầu tư quốc tế


PGS, TS. VŨ THANH CA - ĐẠI HỌC TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG HÀ NỘI


Việc hợp tác giữa một quốc gia ven biển với một, hoặc một số quốc gia khác để nghiên cứu khoa học hoặc thăm dò, khai thác tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của quốc gia ven biển đó được quy định trong luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Trong các khu vực biển đang tồn tại tranh chấp chưa thể giải quyết trong thời gian ngắn, các quốc gia tranh chấp có thể thỏa thuận hợp tác với nhau để cùng khai thác tài nguyên. Đối với các khu vực chỉ thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của một quốc gia ven biển, quốc gia này có thể hợp tác với các quốc gia hoặc các công ty, tổ chức để thăm dò, khai thác tài nguyên nếu chưa có đủ năng lực, hoặc việc hợp tác có lợi hơn về mặt kinh tế.

Nguyên tắc của các thỏa thuận hợp tác nghiên cứu khoa học, thăm dò, khai thác tài nguyên là không vi phạm chủ quyền, đảm bảo công bằng về quyền lợi và phù hợp với năng lực cả về tài chính, kỹ thuật, công nghệ của các quốc gia liên quan.

Đối với nghiên cứu khoa học, UNCLOS quy định rằng: Các quốc gia ven biển không khước từ một cách phi lý các dự án nghiên cứu khoa học biển mà các quốc gia khác, hay các tổ chức quốc tế có thẩm quyền dự định tiến hành trong vùng đặc quyền về kinh tế, hay trên thềm lục địa của mình, nhằm vào những mục đích hoàn toàn hòa bình và để tăng thêm kiến thức khoa học về môi truờng biển, vì lợi ích của toàn thể nhân loại.

Ngay từ trước khi Tòa trọng tài Quốc tế (PCA) ra phán quyết, Philippines đã "đánh tiếng" là sẽ hợp tác với Trung Quốc thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng biển của mình trên cơ sở đảm bảo chủ quyền quốc gia và "sẽ không từ bỏ bất cứ quyền lợi biển nào thuộc về mình", như lời của Bộ trưởng Ngoại giao Philippines tuyên bố năm 2016. Như vậy, có vẻ Philippines đã hy vọng rằng, phán quyết của PCA sẽ tạo ra lợi thế và sức mạnh pháp lý cho mình để tìm một giải pháp giảm căng thẳng với Trung Quốc.

Vào đầu tháng 1 năm 2018, Philippines đã cấp phép cho một nghiên cứu hải dương học giữa Viện Hải dương học Quốc gia Trung Quốc và Đại học Philippines tại vùng biển phía đông Philippines. Một số chính trị gia Philippines đã lên án Tổng thống Duterte về việc này, nhưng thực chất việc cấp phép hợp tác nghiên cứu khoa học này là một việc làm bình thường, khẳng định rằng Philippines đang quản lý một cách hiệu quả vùng biển của mình theo quy định của luật pháp quốc tế.

Cấp phép nghiên cứu hải dương học có thể coi như một mũi tên trúng ba đích, khẳng định chủ quyền, tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học và làm hòa dịu quan hệ; nhưng hợp tác cùng khai thác tài nguyên lại không dễ dàng. Việc thực hiện được cả hai mục tiêu, hợp tác với Trung Quốc để tận dụng được nguồn tài chính, kỹ thuật, công nghệ, làm hòa dịu quan hệ giữa hai nước, đồng thời bảo vệ được chủ quyền và các quyền lợi biển thực sự là việc rất khó khăn.

Rõ ràng là phán quyết của PCA hoàn toàn là có lợi cho Philippines và nó giúp giải phóng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước này, trừ vài khu vực nhỏ xung quanh các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough, khỏi các tranh chấp. Nếu Philippines đơn giản coi việc hợp tác này là để chia sẻ quyền lợi thì mặc nhiên Philippines đã biến vùng biển không còn tranh chấp của mình thành vùng biển có tranh chấp.

Hay nói cách khác, Philippines đã mặc nhiên trao tặng một phần chủ quyền quốc gia đối với tài nguyên trong vùng biển của mình cho Trung Quốc. Điều này là vi phạm luật pháp của Philippines, vì Hiến pháp Philippines quy định rằng: Chủ quyền của quốc gia không phải là đối tượng để có thể trao tặng cho nước ngoài.

Như vậy, nếu hợp tác với Trung Quốc mà không bảo vệ được chủ quyền, Tổng thống Duterte và nội các của ông sẽ phải đối mặt với cáo buộc bán nước.

Do thái độ cứng rắn của Trung Quốc, không có khả năng Philippines đạt được một thỏa thuận khai thác chung tài nguyên với Trung Quốc trong vùng biển của mình mà không mất chủ quyền quốc gia. Hơn nữa, những viện trợ kinh tế của Trung Quốc cho Philippines càng làm gia tăng mức độ gắn kết kinh tế Philippines với Trung Quốc, và do vậy, tăng mức dễ bị tổn thương của nền kinh tế Philippines. Nếu Philippines không thực hiện những thỏa thuận sau khi đã ký kết, ngoài đối mặt với sức ép quân sự, Philippines chắc chắn sẽ chịu nhiều thiệt hại kinh tế với những đòn trừng phạt của Trung Quốc.

Có thể do những khó khăn nêu trên, phát ngôn của các lãnh đạo cấp cao nhất Philippines về hợp tác với Trung Quốc trong thăm dò và khai thác dầu khí trên vùng biển Philippines rất mập mờ. Theo các hãng thông tấn nước ngoài, vào cuối tháng 2 năm 2018, Tổng thống Duterte phát biểu rằng hợp tác giữa hai nước giống như "đồng sở hữu", và như vậy là tốt hơn chiến tranh.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, ông Cayetano lại nói rằng: Do hạn chế về tài chính, Philippines không thể tự mình khai thác dầu khí tại các vùng biển của mình mà sẽ đàm phán hợp tác giữa một công ty của Philippines với một công ty Trung Quốc.

Những khó khăn về hợp tác giữa Trung Quốc với Philippines tưởng chừng đã ngăn trở những bước tiến trong việc đạt được thỏa thuận giữa hai nước về hợp tác khai thác tài nguyên trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Philippines ở phía đông Biển Đông, vùng biển mà Philippines gọi là Biển Tây Philippines. Tuy nhiên, có lẽ để giữ uy tín cho cả hai bên, trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Philippines vào cuối tháng 11 năm 2018, cả hai bên đã thống nhất ký một Biên bản ghi nhớ (MOU) về thỏa thuận hợp tác về phát triển dầu khí.

Nội dung của thỏa thuận này rất sơ lược, Nguyên tắc của nó vẫn là tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC). Nó không nói rõ về vùng biển mà hai bên sẽ hợp tác, mà nói rằng hai bên "quyết định đàm phán về việc đẩy nhanh các sắp xếp cơ bản để hỗ trợ thăm dò và khai thác dầu khí tại các vùng biển thích hợp phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế". Để đảm bảo MOU không trái với Hiến pháp Philippines, MOU có một đoạn rất rõ ràng rằng: Cả MOU, hay Ủy ban, hay sắp xếp của các Nhóm công tác không làm ảnh hưởng tới lập trường pháp lý của các bên, và MOU không tạo ra quyền, hay nghĩa vụ gì theo luật pháp quốc tế và quốc nội.

Với các nội dung sơ lược, được soạn thảo rất công phu và khéo léo như nêu ở trên, nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng thực chất của MOU này là một văn bản chính trị và rất khó triển khai. Tuy vậy, MOU lại xác lập thời gian 12 tháng để đạt được thỏa thuận về khu vực hợp tác và sắp xếp hợp tác. Chưa biết rằng, sau 12 tháng Philippines sẽ làm gì để đạt được thỏa thuận với Trung Quốc.

Cho dù MOU về hợp tác phát triển dầu khí giữa Philippines và Trung Quốc có được viết để nó không ảnh hưởng tới lập trường của Philippines về Biển Đông, nhưng ý nghĩa chính trị của nó rất lớn và rất bất lợi cho Philippines. Cho dù nó không nói rõ vùng biển nào, nhưng đọc giữa các dòng, có thể thấy ý đồ của nó là nhắm vào vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế ở phía tây Philippines. Việc Philippines đưa vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền của mình ra để đàm phán "hợp tác" sẽ là bước đầu tiên biến vùng biển hoàn toàn không có tranh chấp của mình thành vùng biển đang bị tranh chấp.

Như vậy, có vẻ Tổng thống Philippines và nội các của ông đang mắc vào cái bẫy do tự mình tạo nên. Với thái độ của Trung Quốc (như chúng ta đã chứng kiến) thì việc đạt được thỏa thuận khai thác chung mà không làm mất chủ quyền gần như là không thể. Dừng lại, hay lùi bước đều gây ra những hệ lụy rất lớn, còn nếu tiến lên thì Tổng thống Philippines sẽ phải giải thích sao với người dân nước mình khi chính mình làm ngược lại phán quyết của PCA và làm mất chủ quyền quốc gia.

Khả năng cao nhất là sau 12 tháng, một tuyên bố chính trị giữa hai bên lại tiếp tục được đưa ra và vấn đề lại tiếp tục bị đẩy về tương lai.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động