RSS Feed for Hiện trạng và xu hướng phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 05/11/2024 23:18
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Hiện trạng và xu hướng phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam

 - Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng của Việt Nam ngày một gia tăng, khả năng cung cấp các nguồn năng lượng nội địa hạn chế (phải nhập than cho điện với khối lượng lớn) trong khi tiềm năng nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam rất lớn, kèm theo nhu cầu sử dụng điện và nhiệt cho sản xuất rất cao thì việc xem xét khai thác nguồn năng lượng tái tạo sẵn có cho sản xuất điện, đồng phát năng lượng (cả điện và nhiệt) là rất khả thi cả về công nghệ lẫn hiệu quả kinh tế, môi trường.

Cần một khung chính sách lâu dài cho năng lượng tái tạo
Cơ chế khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời
Năng lượng tái sinh, nhiên liệu chủ đạo của tương lai

Thủy điện nhỏ: Được đánh giá là dạng năng lượng tái tạo khả thi nhất về mặt kinh tế - tài chính. Căn cứ vào các báo cáo đánh giá gần đây thì hiện nay có trên 1.000 địa điểm đã được xác định có tiềm năng phát triển thủy điện nhỏ, qui mô từ 100kW tới 30MW với tổng công suất đặt trên 7.000MW. Các vị trí này tập trung chủ yếu ở vùng núi phía Bắc, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Năng lượng gió: Là quốc gia có tiềm năng phát triển năng lượng gió nhưng hiện tại số liệu về tiềm năng khai thác năng lượng gió của Việt Nam chưa được lượng hóa đầy đủ, bởi còn thiếu điều tra và đo đạc. Số liệu đánh giá về tiềm năng năng lượng gió có sự dao động khá lớn (từ 1.800MW đến trên 9.000MW, thậm chí trên 100.000MW).

Theo các báo cáo thì tiềm năng năng lượng gió của Việt Nam tập trung nhiều nhất tại vùng duyên hải miền Trung, miền Nam, Tây Nguyên và các đảo.

Năng lượng sinh khối: Là một nước nông nghiệp, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng sinh khối. Các loại sinh khối chính là: gỗ năng lượng, phế thải - phụ phẩm từ cây trồng, chất thải chăn nuôi, rác thải ở đô thị và các chất thải hữu cơ khác. Khả năng khai thác bền vững nguồn sinh khối cho sản xuất năng lượng ở Việt Nam đạt khoảng 150 triệu tấn mỗi năm. Một số dạng sinh khối có thể khai thác được ngay về mặt kỹ thuật cho sản xuất điện hoặc áp dụng công nghệ đồng phát năng lượng (sản xuất cả điện và nhiệt) đó là: trấu ở Đồng bằng sông Cửu Long, bã mía dư thừa ở các nhà máy đường, rác thải sinh hoạt ở các đô thị lớn, chất thải chăn nuôi từ các trang trại gia súc, hộ gia đình và chất thải hữu cơ khác từ chế biến nông - lâm - hải sản.

Năng lượng mặt trời: Việt Nam có tiềm năng về nguồn năng lượng mặt trời, có thể khai thác cho các sử dụng như: đun nước nóng, phát điện và các ứng dụng khác như: sấy, đun nấu... Với tổng số giờ nắng cao lên đến trên 2.500 giờ/năm, tổng lượng bức xạ trung bình hàng năm vào khoảng 230-250 kcal/cm2 theo hướng tăng dần về phía Nam là cơ sở tốt cho phát triển các công nghệ năng lượng mặt trời.

Năng lượng địa nhiệt: Mặc dù nguồn địa nhiệt chưa được điều tra và tính toán kỹ. Tuy nhiên, với số liệu điều tra và đánh giá gần đây nhất cho thấy tiềm năng điện địa nhiệt ở Việt Nam có thể khai thác đến trên 300MW. Khu vực có khả năng khai thác hiệu quả là miền Trung.

Hiện tại, sử dụng năng lượng tái tạo ở Việt Nam mới chủ yếu là năng lượng sinh khối ở dạng thô cho đun nấu hộ gia đình. Năm 2010, mức tiêu thụ đạt khoảng gần 13 triệu tấn quy dầu.

Ngoài việc sử dụng năng lượng sinh khối cho nhu cầu nhiệt, thì còn có một lượng năng lượng tái tạo khác đang được khai thác cho sản xuất điện năng. Theo số liệu mới nhất đến năm 2010, tổng điện năng sản xuất từ các dạng năng lượng tái tạo đã cung cấp lên lưới điện quốc gia đạt gần 2.000 triệu kWh, chiếm khoảng 2% tổng sản lượng điện phát lên lưới toàn hệ thống.

So với nhiều nước trên thế giới, những kết quả nêu trên còn quá nhỏ bé và chưa phát huy hết tiềm năng hiện có.

Để đáp ứng nhu cầu trong khi việc cung ứng năng lượng đang và sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề và thách thức, đặc biệt là sự cạn kiệt dần nguồn nhiên liệu hóa thạch nội địa, giá dầu biến động theo xu thế tăng và Việt Nam sẽ sự phụ thuộc nhiều hơn vào giá năng lượng thế giới... Chính vì vậy, việc xem xét khai thác nguồn năng lượng tái tạo trong giai đoạn tới sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng cả về kinh tế, xã hội, an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.

Vấn đề này đã được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo và bước đầu đã được đề cập trong một số các văn bản pháp lý.

Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng của Việt Nam ngày một gia tăng, khả năng cung cấp các nguồn năng lượng nội địa hạn chế (phải nhập than cho điện với khối lượng lớn) trong khi tiềm năng nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam rất lớn, kèm theo nhu cầu sử dụng điện và nhiệt cho sản xuất rất cao thì việc xem xét khai thác nguồn năng lượng tái tạo sẵn có cho sản xuất điện, đồng phát năng lượng (cả điện và nhiệt) là rất khả thi cả về công nghệ lẫn hiệu quả kinh tế và môi trường.

Trong bối cảnh đó, Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) được xem là cơ sở pháp lý cho phát triển năng lượng tái tạo ở Việt nam.

Năm

Công suất (MW)

Tỷ trọng trong tổng công suất đặt (%)

Tổng sản lượng điện sản xuất (TWh)

Tỷ trọng trong tổng sản lượng điện sản xuất (%)

2015

2.046

5,2

6.047

3,7

2020

6.004

9,9

17.265

6,5

2025

12.009

12,5

27.761

6,9

2030

27.199

21,0

60.907

10,7

(Nguồn: Viện Năng lượng, Bộ Công Thương)

Mục tiêu phát triển nguồn điện gió và điện mặt trời vào năm 2030 theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) rõ ràng là có tham vọng lớn hơn nhiều so với năm 2020, với công suất 6.000 MW điện gió và 12.000 MW điện mặt trời. Điều này đồng nghĩa, điện gió tăng gần 8 lần và điện mặt trời tăng 15 lần. Đây là mục tiêu, nhưng cũng là thách thức rất lớn cho các cơ quan nhà quản lý nhà nước, và các chủ đầu tư. Vì vậy, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần sớm nghiên cứu, xây dựng cơ chế ràng buộc đối với nhà đầu tư sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch.

Ví dụ, vào năm 2020, nhà đầu tư muốn phát triển nhiệt điện than với công suất 1.000 MW phải sở hữu ít nhất 5% nguồn điện từ năng lượng tái tạo. Tương ứng đến năm 2030, nhà đầu tư phải sở hữu ít nhất trên 10% nguồn điện gió, hoặc điện mặt trời nếu muốn phát triển nhiệt điện than, hoặc các nguồn điện khác... Có như vậy, mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo theo đúng Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) mới trở thành hiện thực. 

NGUYỄN ĐỨC CƯỜNG, VIỆN NĂNG LƯỢNG (BỘ CÔNG THƯƠNG)

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động