RSS Feed for Hiện thực hoá 7 GW điện gió ngoài khơi Việt Nam vào năm 2030 là thách thức lớn | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 19/03/2024 09:26
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Hiện thực hoá 7 GW điện gió ngoài khơi Việt Nam vào năm 2030 là thách thức lớn

 - Loại hình nguồn điện gió ngoài khơi chưa có kinh nghiệm phát triển ở Việt Nam do tính chất phức tạp về kỹ thuật và công nghệ, quy mô đầu tư lớn dẫn đến việc hiện thực hoá lượng công suất quy hoạch lên tới 7.000 MW vào năm 2030 là thách thức lớn... Thông tin được đưa ra tại hội thảo: “Kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi” do Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 6/7 tại Hà Nội.
Việt Nam phát triển điện gió ngoài khơi: Tiềm năng, thách thức và kế hoạch hành động Việt Nam phát triển điện gió ngoài khơi: Tiềm năng, thách thức và kế hoạch hành động

Việt Nam đã cam kết với quốc tế giảm phát thải khí carbonic về không (Net-zero) vào năm 2050. Các nguồn điện gió trên bờ, gần bờ và ngoài khơi dự tính sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tồng nguồn phát điện vào năm 2045 (theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII). Phát triển điện gió ngoài khơi, ngoài việc khai thác tiềm năng to lớn về năng lượng còn đảm bảo thực hiện tầm nhìn phát triển kinh tế biển... Phân tích của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

Equinor (Na Uy) chính thức tham gia vào thị trường điện gió ngoài khơi Việt Nam Equinor (Na Uy) chính thức tham gia vào thị trường điện gió ngoài khơi Việt Nam

Equinor - Công ty năng lượng lớn nhất Na Uy chính thức khai trương văn phòng đại diện tại Hà Nội, đánh dấu một mốc quan trọng trong danh mục hợp tác kinh doanh Na Uy - Việt Nam. Sự kiện một lần nữa khẳng định sự sẵn sàng và quyết tâm của Na Uy đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi ở Việt Nam, tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh, cũng như hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết của mình trong Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu và tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu (COP26).


Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết: Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và đặt mục tiêu phát triển điện phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước, đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt của nhân dân, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Với sự quan tâm đó, hệ thống điện quốc gia Việt Nam hiện đã có những bước phát triển vượt bậc. Đến hết năm 2021, tổng công suất đặt nguồn điện của Việt Nam đã đạt trên 78.120 MW, hệ thống điện quốc gia đã có dự phòng công suất (tuy không đồng đều cho tất cả các vùng, miền).

Trong bối cảnh tiềm năng các nguồn thủy điện lớn đã cơ bản khai thác hết, nguồn nhiệt điện than gặp khó khăn, nguồn nhiệt điện khí hoá lỏng có giá thành còn cao và phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới... Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng: Cần đẩy mạnh khai thác và sử dụng tối đa, có hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo trong nước, từng bước gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong sản xuất, tiêu thụ năng lượng quốc gia để giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch. Đồng thời, cải thiện cơ cấu ngành năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, xã hội bền vững.

Từ năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã có chiến lược phát triển xanh hóa với biện pháp tăng cường nhiều hơn nữa điện năng lượng tái tạo.

Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Chiến lược năng lượng tái tạo) nêu rõ mục tiêu: Tăng tỉ lệ điện năng sản xuất từ năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản xuất toàn quốc tăng từ khoảng 35% vào năm 2015 tăng lên khoảng 38% vào năm 2020; đạt khoảng 32% vào năm 2030 và khoảng 43% vào năm 2050 và Chính phủ cũng đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện sinh khối, điện từ chất thải rắn và điện mặt trời.

Kết quả là đến cuối năm 2021, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (chưa tính thủy điện) đạt 27% tổng công suất toàn hệ thống.

Xem xét chuyển đổi các nhà máy điện than sang nhiên liệu sạch hơn:

Tại Hội nghị Thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo trong khuôn khổ Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã tuyên bố mục tiêu tham vọng Việt Nam sẽ cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Với nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Công Thương là đơn vị đảm trách chủ chốt thực hiện mục tiêu phát triển năng lượng đến năm 2030, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết: Bộ Công Thương đang chủ trì hai Quy hoạch quốc gia quan trọng đó là Quy hoạch Điện VIII và Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Nội dung căn bản của hai Quy hoạch này sẽ không phát triển thêm các nhà máy điện than mới sau năm 2030 và xem xét chuyển đổi các nhà máy điện than sang các nguyên liệu sạch hơn, đồng thời phát triển điện khí ở quy mô phù hợp, đáp ứng nguồn cung” - Thứ trưởng Công Thương thông tin.

Trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam tiếp tục theo đuổi mục tiêu ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo với các chính sách như: Mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, cơ chế đấu thầu chọn nhà đầu tư dự án nguồn điện.

Hiện thực hoá lượng công suất quy hoạch 7.000 MW vào năm 2030 là thách thức lớn:

Liên quan đến điện gió ngoài khơi, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng, điện gió ngoài khơi là loại hình điện năng lượng tái tạo mà Việt Nam có tiềm năng khai thác lớn do có vùng biển rộng lớn, số giờ vận hành trong năm cao...

Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công Thương rà soát, hoàn thiện, Việt Nam dự kiến nâng tổng công suất điện gió từ khoảng trên gần 4.000 MW năm 2022 lên đến khoảng 16.121 MW điện gió trên bờ và gần bờ và khoảng 7.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030. Đến 2045, tổng công suất điện gió khoảng 122,45 GW, trong đó điện gió ngoài khơi là 66,5 GW.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nhìn nhận: Loại hình nguồn điện gió ngoài khơi chưa có kinh nghiệm phát triển ở Việt Nam do tính chất phức tạp về kỹ thuật và công nghệ, quy trình và thủ tục đầu tư, quy mô đầu tư lớn dẫn đến việc hiện thực hoá lượng công suất quy hoạch lên tới 7.000 MW vào năm 2030 thực sự là một thách thức lớn.

Bổ sung thêm, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo cho biết: Vẫn còn điểm nghẽn khi phát triển điện gió ngoài khơi, đó chính là Quy hoạch không gian biển.

“Khung pháp lý cho điện gió ngoài khơi vẫn còn vướng vì ngoài việc giá trị đầu tư vốn lớn, còn liên quan đến các ngành như dầu khí, hàng hải, thủy sản và đặc biệt là an ninh quốc phòng...” - Ông Phạm Nguyên Hùng nhìn nhận và cho rằng: Thực tế, điện gió ngoài khơi có chu trình đầu tư khác biệt rất nhiều so với điện gió trên bờ, ở chỗ phạm vi quản lý biển dưới 6 hải lý thì thuộc cấp tỉnh, nhưng trên 6 hải lý là phải cấp cao hơn.

Chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen cho biết: Na Uy có nhiều kinh nghiệm trong lắp đặt các công trình dầu khí ngoài khơi. Tất cả những kinh nghiệm và công nghệ này có thể được ứng dụng hiệu quả trong ngành điện gió ngoài khơi hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.

Đại sứ cho rằng, việc Equinor - Công ty năng lượng lớn nhất Na Uy chính thức khai trương văn phòng đại diện tại Hà Nội mới đây cũng là một thành tựu lớn, vì đây là công ty năng lượng lớn nhất Na Uy, cam kết phát triển các dự án điện gió ngoài khơi ở Việt Nam; nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn trong nước; xây dựng một chuỗi cung ứng mạnh mẽ trong nước của ngành điện gió ngoài khơi; tạo thêm nhiều việc làm có kỹ năng trong nước; sản xuất điện với chi phí thấp hơn.../.

PHAN TRANG - VGP

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động