RSS Feed for Việt Nam phát triển điện gió ngoài khơi: Tiềm năng, thách thức và kế hoạch hành động | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 22/01/2025 17:45
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Việt Nam phát triển điện gió ngoài khơi: Tiềm năng, thách thức và kế hoạch hành động

 - Việt Nam đã cam kết với quốc tế giảm phát thải khí carbonic về không (Net-zero) vào năm 2050. Các nguồn điện gió trên bờ, gần bờ và ngoài khơi dự tính sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tồng nguồn phát điện vào năm 2045 (theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII). Phát triển điện gió ngoài khơi, ngoài việc khai thác tiềm năng to lớn về năng lượng còn đảm bảo thực hiện tầm nhìn phát triển kinh tế biển... Phân tích của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam.
Điện gió ngoài khơi giải quyết những thách thức trong kết nối lưới điện Điện gió ngoài khơi giải quyết những thách thức trong kết nối lưới điện

Các dự án điện gió ngoài khơi thường được phát triển với quy mô và công suất lớn hơn nhiều so với các dự án năng lượng tái tạo khác và cần được kết nối với hệ thống truyền tải điện quốc gia ở cấp điện áp 220 kV hoặc 500 kV. Các dự án này có thể có hệ số công suất tương đương với các nhà máy nhiệt điện và do đó cần phát triển hệ thống lưới điện và cơ sở hạ tầng tương tự. Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn tại tỉnh Bình Thuận, dự kiến sẽ sản xuất tổng công suất 3.500 MW sau khi đi vào vận hành hoàn chỉnh (tương đương việc cung cấp điện cho hơn 7 triệu hộ gia đình Việt hàng năm).

Điện gió ngoài khơi và tiềm năng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam Điện gió ngoài khơi và tiềm năng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam

Tập đoàn Ørsted và Tập đoàn T&T Group đồng tổ chức Hội nghị về chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi (ĐGNK) tại Việt Nam cũng như các tiềm năng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ ĐGNK dưới hình thức trực tuyến. Đây là hoạt động đầu tiên nằm trong chuỗi sáng kiến nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp phụ trợ năng lượng tái tạo tại Việt Nam do hai tập đoàn hàng đầu của Việt Nam và Đan Mạch là T&T Group và Ørsted khởi xướng và tổ chức.

Cam kết trung hòa carbon - Cơ hội để Việt Nam phát triển điện gió ngoài khơi? Cam kết trung hòa carbon - Cơ hội để Việt Nam phát triển điện gió ngoài khơi?

Như chúng ta đã biết, tại COP26, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cam kết lộ trình trung hòa carbon (net zero) vào năm 2050. Nhưng để hướng tới mục tiêu này, theo nhìn nhận của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam, việc bổ sung nguồn điện sơ cấp trong giai đoạn tới khi giảm phát triển nguồn nhiệt điện than (trong khi chưa có điện hạt nhân), sẽ là năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, không như các dự án điện mặt trời, việc đầu tư xây dựng các dự án điện gió ngoài khơi rất phức tạp và đối diện với nhiều rủi ro. Vì vậy, chính sách cho điện gió cần phải cụ thể, dài hạn và ổn định lâu dài...


Sự cần thiết phải xây dựng phát triển đột phá nguồn điện gió ngoài khơi Việt Nam:

Trong tương lai gần, ngành điện Việt Nam ngày càng gặp nhiều thách thức trong việc đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế. Một số thách thức lớn đối với ngành điện như: Nhu cầu điện đang và sẽ tăng trưởng cao, nguồn năng lượng sơ cấp đang dần cạn kiệt dẫn đến sớm phải nhập khẩu nhiên liệu… Xu hướng phát triển năng lượng tái tạo trên thế giới, trong đó có điện gió ngoài khơi là giải pháp đột phá.

Để có được những định hướng chiến lược đúng đắn nhất cho việc phát triển, tận dụng nguồn năng lượng từ biển, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018), Nghị quyết đã đưa ra các đột phá về phát triển kinh tế biển, trong đó tại vị trí số 6 có nhấn mạnh về “Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới”.

Ngày 11/2/2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với nội dung: “…. Xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam”.

Với mục tiêu đáp ứng nhu cầu điện, đảm bảo an ninh năng lượng, đa dạng hóa nguồn điện và cung cấp điện ổn định, tin cậy, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH và an ninh quốc phòng của đất nước, việc xây dựng chiến lược phát triển đột phá nguồn điện gió ngoài khơi (ĐGNK) Việt Nam ngang tầm công nghệ của khu vực và thế giới là hết sức cần thiết.

Tiềm năng nguồn ĐGNK Việt Nam:

Với hơn 3.000 km bờ biển, bán kính từ 10 - 120 km, tính từ đường mép nước biển thấp nhất trong 18,6 năm, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và thuận lợi để phát triển công nghiệp điện gió ngoài khơi.

Tiềm năng điện gió ngoài khơi hiện chưa được tiến hành đánh giá đầy đủ. Theo số liệu đánh giá tiềm năng về lý thuyết - kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới: Công suất điện gió ngoài khơi của Việt Nam khoảng 475 GW, trong đó tập trung chủ yếu vùng Trung bộ, Nam Trung bộ và một phần duyên hải Bắc bộ.

Theo nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (DEA) cho Bộ Công Thương (năm 2020): Qua phân tích và tính toán, tiềm năng kỹ thuật cho điện gió ngoài khơi của Việt Nam có thể đạt 31.808 km2 tương đương 162.200 MW. Chi tiết tiềm năng kỹ thuật cho điện gió ngoài khơi được phân theo khu vực như sau:

- Khu vực Bắc bộ: 13.000 MW.

- Khu vực Bắc Trung bộ: 5.000 MW.

- Khu vực Nam Trung bộ: 118.000 MW.

- Khu vực Nam bộ: 26.200 MW. Trong đó điện gió ngoài khơi móng cố định (độ sâu đáy biển ≤50 m) khoảng 132 GW và móng nổi khoảng 30 GW.

Kế hoạch đấu nối nguồn điện gió ngoài khơi vào hệ thống điện:

Nguyên lý chung để truyền tải điện năng từ nhà máy điện đến các hộ phụ tải, phương pháp truyền thống vẫn là sử dụng hệ thống đường dây dẫn vật liệu kim loại, á kim, hoặc vật liệu siêu dẫn. Điện áp truyền tải là điện áp xoay chiều cao áp, hoặc siêu cao áp, và điện một chiều điện áp cao (HVDC - High Voltage Direct Current). Ngày nay, hệ thống truyền tải HVDC là phần không thể thiếu trong hệ thống điện của nhiều quốc gia trên thế giới. Cùng với việc ra đời các van điện tử công suất có điều khiển (Thyristor, GTO, IGBT…) đã làm cho công nghệ truyền tải điện một chiều có tính khả thi cao. Truyền tải HDVC luôn được xem xét khi phải tải lượng công suất rất lớn đi khoảng cách xa, liên kết giữa các hệ thống điện không đồng bộ, hoặc xây dựng các đường cáp điện vượt biển.

Phương án phát triển lưới điện truyền tải trong dự thảo Quy hoạch điện VIII đã cân nhắc những công nghệ truyền tải điện năng nêu trên, trong tổng thể cân bằng công suất và điện năng theo từng loại hình nguồn điện và theo từng vùng, miền địa lý. Trên cơ sở tối thiểu hóa chi phí toàn hệ thống, phương án phát triển lưới điện truyền tải sẽ tạo ra các “hành lang” giải phóng công suất cho các loại hình nguồn điện theo từng khu vực, bao gồm cả nguồn điện gió ngoài khơi.

Tác động của điện gió ngoài khơi đến môi trường:

Nội dung này liệt kê một số tác động tích cực và tiêu cực chính của điện gió ngoài khơi, từ đó đưa ra một vài khuyến nghị để giảm thiểu các tác động bất lợi, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao vị thế của Việt Nam trên lĩnh vực năng lượng tái tạo nói chung, cũng như điện gió ngoài khơi nói riêng.

Tác động tích cực:

1/ Điện gió ngoài khơi được coi là giải pháp đột phá nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu nhập khẩu, giảm phát thải chất ô nhiễm do đốt nhiên liệu hóa thạch và khí nhà kính.

2/ Trong giai đoạn (như chuẩn bị, xây dựng và tháo dỡ) sẽ tạo thêm hàng trăm nghìn việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cải thiện đời sống của người dân. Khi các nhà máy ĐGNK đi vào hoạt động tạo thêm việc làm chất lượng cao từ nguồn nhân lực trong nước.

3/ Cấu trúc móng dưới nước của các tua bin gió ngoài khơi có thể hoạt động như các rạn san hô nhân tạo, thu hút một số loài nhuyễn thể và cá nhỏ, tác động trực tiếp đến chuỗi thức ăn của các loài sinh vật lớn. Hệ sinh thái biển sẽ dần được phục hồi và trở thành khu bảo tồn thiên nhiên.

Tác động tiêu cực:

1/ Gây ra một số tranh chấp với các hoạt động phát triển như đánh bắt cá, nuôi trồng thủy hải sản, khai thác dầu khí, giao thông thủy, hàng không, quân sự…

2/ Làm phân mảnh, hoặc thay đổi môi trường sống của các loài động sinh vật biển do các tác động của điện từ trường, tiếng ồn và sóng âm...

3/ Chi phí sản xuất điện gió ngoài khơi cao hơn các nguồn điện khác.

4/ Các công trình ĐGNK có thể gây nhiễu, hoặc mất tín hiệu rađa, làm phát sinh thêm các vấn đề về an ninh khác.

5/ Các tuyến cáp ngầm dưới biển đấu nối với các trụ tua bin và hệ thống trạm điện xa phụ tải (hệ thống truyền tải điện quốc gia) có khi lên đến hàng trăm kilomet, do đó, nếu không quản lý chặt chẽ sẽ xảy ra nhiều sự cố, đặc biệt là hiện tượng đứt cáp…

Kế hoạch hành động thực hiện mục tiêu “vươn ra biển lớn”:

Để đạt được mục tiêu “vươn ra biển lớn” bằng con đường phát triển năng lượng gió ngoài khơi Việt Nam, chúng ta cần có một chương trình nghiên cứu về điện gió ngoài khơi, đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ, đồng thời cần sự hợp tác chặt chẽ với các nước đang có thế mạnh về phát triển nguồn điện gió ngoài khơi, giữa các bộ, ngành, địa phương.

Quá trình chuyển dịch năng lượng đang diễn ra trên toàn cầu, đòi hỏi sự đổi mới công nghệ toàn diện với xu hướng sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và thay đổi nguồn nhiên liệu trong sản xuất. Đây là cơ hội lớn để công nghệ điện gió ngoài khơi thể hiện vai trò quan trọng của mình trong sự phát triển của kinh tế - xã hội đất nước trong giai đoạn đến năm 2050 - “Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư 4.0”.

Một số mục tiêu trước mắt cần thiết phải tiến hành:

Thứ nhất: Xây dựng quy hoạch tổng thể cấp quốc gia về phát triển điện gió ngoài khơi, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ hai: Xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia với các nguồn điện gió ngoài khơi.

Thứ ba: Thúc đẩy việc sản xuất, nội địa hóa thiết bị cho việc phát triển và sử dụng các nguồn điện gió ngoài khơi.

Thứ tư: Xây dựng kế hoạch hợp tác ngắn và dài hạn với các tổ chức quốc tế trong việc phát triển nguồn nhân lực, đào tạo và tập huấn về nguồn điện gió ngoài khơi.

Thứ năm: Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng về phát triển và sử dụng năng lượng gió ngoài khơi.

Thứ sáu: Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng gió ngoài khơi.

Thứ bảy: Xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam./.

NGUYỄN ANH TUẤN (B) - THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động