RSS Feed for Dầu khí trong tương lai năng lượng Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 07/10/2024 06:03
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Dầu khí trong tương lai năng lượng Việt Nam

 - Nhiều nhà phân tích cho rằng, năm 2018 là một năm bản lề đối với công nghiệp dầu khí thế giới. Đã có những dấu hiệu phục hồi tích cực; dòng tiền đầu tư tăng lên; nhiều dự án quan trọng được khởi động. Để trả lời câu hỏi Dầu khí Việt Nam sẽ phát triển thế nào trong bối cảnh chung đó, xin được điểm lại một số thành công của dầu khí trong năm qua, cũng như dự báo trong tương lai tới.

Ngành Dầu khí Quốc gia trước thử thách lớn và phức tạp
Phản biện của Tạp chí Năng lượng Việt Nam về ngành Dầu khí Quốc gia


TS. NGUYỄN HỒNG MINH (*)

Điểm sáng dầu khí Việt Nam trong 2018

Tổng cục Thống kê vừa công bố, GDP năm 2018 tăng 7,08%, mức tăng cao nhất kể từ năm 2008. Cùng với bức tranh sáng sủa của nền kinh tế Việt Nam, trong năm 2018, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu quan trọng, như sản lượng khai thác dầu khí, sản xuất điện, đạm, xăng dầu, doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách nhà nước. Đây chính là tiền đề quan trọng để chúng ta tiếp tục tin vào năng lực nội tại và tương lai phát triển của công nghiệp dầu khí Việt Nam.

Với giá dầu trung bình năm 2018 đạt trên 70 USD/thùng, hầu hết các dự án phát triển, khai thác đều vượt ngưỡng hòa vốn để có thể triển khai tích cực. Dòng tiền cũng khả quan để có thể duy trì khả năng đầu tư vào lĩnh vực thăm dò, thẩm lượng. Công nghiệp dầu khí thế giới có sự khởi sắc sẽ là động lực để các công ty dầu khí nước ngoài mạnh dạn hơn trong các quyết định đầu tư ở thị trường Việt Nam.

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, công trình có tổng vốn đầu tư kỷ lục của công nghiệp dầu khí Việt Nam chính thức vận hành thương mại. Cùng với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, công nghiệp chế biến dầu khí hiện đã có khả năng cung cấp đến 70% nhu cầu xăng, dầu, nhiên liệu của cả nước. Nguồn cung dầu thô đa dạng hơn, tổng dự trữ kinh doanh tăng đã góp phần tăng cường bảo đảm an ninh năng lượng chung của quốc gia.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã hoàn thành Đề án tái cơ cấu toàn diện PVN giai đoạn 2017-2025. Mặc dù còn đang chờ phê duyệt chính thức, nhưng những định hướng cơ bản trong Đề án đã và đang được tích cực triển khai và đạt được một số kết quả bước đầu, như cổ phần hóa thành công: PVPower, PVOil, BSR, sắp xếp lại cơ quan Tập đoàn, một số đơn vị thành viên, v.v…

Những khó khăn, bất cập về thể chế, cơ chế, chính sách, trong đó có 2 điểm mấu chốt, là quy trình, thủ tục và nguồn vốn cũng như hạch toán vốn đầu tư rủi ro, đã được các cấp, các ngành nhìn ra trong một loạt các hội thảo, tọa đàm, trao đổi gần đây. Khi đã nhận diện được các bất cập, chắc chắn các cơ quan quản lý nhà nước sẽ nỗ lực tháo gỡ, tạo thế và lực cho Dầu khí Việt Nam tiếp tục phát triển.

Với hành trang đáng kể của 2018 và di sản của 57 năm truyền thống đáng tự hào, Dầu khí Việt Nam chắc chắn sẽ tự tin để vững bước vào tương lai. Và niềm tin đó hoàn toàn có những cơ sở vững chắc dựa trên tư duy khoa học, những con số cụ thể và thực tế sinh động đang diễn ra.

Dầu khí đi vào tương lai cùng ngành năng lượng

Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội đưa ra dự báo GDP của Việt Nam tăng trưởng khoảng 6,9-7,1% cho giai đoạn 2019-2020. Nhiều tổ chức quốc tế cũng đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt  Nam sẽ nằm trong tốp dẫn đầu của thế giới. Tăng trưởng kinh tế cao sẽ dẫn đến nhu cầu năng lượng tăng cao, dự kiến tới 11% năm. Trong tổng năng lượng sơ cấp mà Việt Nam sử dụng, năng lượng từ dầu khí hiện chiếm hơn 40% (BP, 2018 [1]). Điều đó cho thấy, vai trò quan trọng của dầu khí trong cơ cấu năng lượng Việt Nam mà không dễ dàng có nguồn năng lượng nào thay thế được, kể cả trong tương lai.

Đối với khâu đầu, tỉ lệ cạn kiệt trữ lượng dầu khí tính đến nay (được tính bằng sản lượng cộng dồn chia cho tổng trữ lượng thu hồi cuối cùng đã phát hiện) mới đạt 38% (hình 1). Đặc biệt tỉ lệ cạn kiệt trữ lượng khí mới đạt 16%. Điều này cho thấy khâu thăm dò khai thác còn nhiều cơ hội phát triển. Hiện còn 2 cụm mỏ khí lớn đang trong giai đoạn đầu tư phát triển, khi đi vào vận hành sẽ cho tổng sản lượng lên đến hơn chục tỷ m3/năm. Các mỏ còn lại chưa khai thác có thể là các mỏ nhỏ, cận biên. Nhưng khi cơ sở hạ tầng khai thác khí đang xây dựng được bổ sung một số khu vực thì đây sẽ là tiền đề cho việc phát triển các mỏ khí nhỏ, cận biên quanh khu vực đường ống mới có thể với đến.

Thậm chí, trong một số trường hợp còn tạo điều kiện cho việc xem xét nhập khẩu khí từ các nước lân cận.

Hình 1. Phân bố trữ lượng dầu khí đã phát hiện theo mức độ thăm dò [2]  

Công nghệ hóa lỏng khí tự nhiên trên tàu nổi (FLNG), chế biến khí thành hydrocarbon lỏng (GTL), chuyển hóa khí thành điện (GTW) v.v… đang phát triển mạnh mẽ. Ở Việt Nam các công nghệ này đã được nghiên cứu, xem xét trên nhiều khía cạnh. Khi có những điều kiện phù hợp, chắc chắn chúng sẽ được tích hợp vào sơ đồ phát triển, khai thác các mỏ khí nhỏ, cận biên, xa bờ, xa hạ tầng khai thác có sẵn.

Theo sách "Địa chất và tài nguyên dầu khí Việt Nam" dự kiến xuất bản trong năm 2019 [2], trữ lượng dầu khí đã phát hiện mới chiếm 1/3 tổng tài nguyên dầu khí của Việt Nam. Để tìm kiếm phần trữ lượng chưa phát hiện, hiện nay PVN cùng các đơn vị khâu đầu của mình đang triển khai theo một số hướng. Trước hết là tận thăm dò quanh các mỏ đang khai thác. Hàng loạt các phát hiện: Gấu Trắng, Thỏ Trắng, Mèo Trắng, Cá Tầm, Mèo Trắng Đông đã chứng minh quan điểm này là đúng đắn. Thứ hai là nghiên cứu các quan điểm mới để thăm dò lại các bể trầm tích "cũ", như: Sông Hồng, Phú Khánh. Thứ ba là tiếp tục nghiên cứu đánh giá tiềm năng các vùng nước sâu, xa bờ.

Trong khai thác dầu khí, hiện có 2 siêu dự án khí: Cá Voi Xanh và Lô B - Ô Môn, đang trong giai đoạn phát triển. Vào năm 2023, khi các dự án này hoàn thành và đi vào hoạt động, nguồn cung sẽ được bổ sung hàng chục tỷ m3 mỗi năm, bảo đảm nhiên liệu cho 6-7 nhà máy nhiệt điện khí với công suất đến 6.000-7.000 MW. Công tác nghiên cứu, thử nghiệm và triển khai trên thực địa các giải pháp tăng cường khai thác và nâng cao thu hồi dầu đang được triển khai tích cực. Hy vọng những giải pháp này sẽ giúp gia tăng giá trị cho tài nguyên dầu khí Việt Nam, đang cũng như sẽ được phát triển, khai thác.

Nhu cầu nhập khẩu tăng đến hơn 10 triệu tấn dầu thô/năm, song song với nhu cầu nhập khẩu khí hàng triệu tấn mỗi năm do cung trong nước không đủ đáp ứng cầu tạo cơ hội vàng cho khâu giữa, bao gồm vận chuyển, tàng trữ dầu thô và kinh doanh hạ tầng nhập khẩu, phân phối LNG có điều kiện phát triển.

Cơ hội cho khâu sau là thị trường lớn, nền kinh tế năng động, phát triển, nhu cầu tăng cao. Khâu sau có cơ hội gia tăng chuỗi giá trị chế biến, phân phối sản phẩm đến với người tiêu dùng và góp phần bảo đảm an ninh năng lượng.

Năng lượng gió ngoài khơi đang là một xu thế mới có nhiều triển vọng. Dự án điện gió ngoài khơi Kê Gà do Enterprise Energy UK đề xuất có thể là đột phá mới cho năng lượng Việt Nam? Nếu thành công, dự án này sẽ mở ra một nguồn năng lượng xanh có công suất tới hàng chục ngàn MW; sẽ hình thành một ngành kinh tế - kỹ thuật mới có giá trị đến hàng 100 tỷ USD. Vai trò của PVN trong xu thế này là như thế nào?

Chúng ta đều thừa nhận, năng lực thiết kế, xây dựng, lắp đặt các công trình biển của ngành dầu khí là một lợi thế quan trọng. Dầu khí đã từng thiết kế, chế tạo, lắp đặt những giàn khoan di động, những khối thượng tầng, chân đế giàn khai thác nặng đến hàng chục ngàn tấn với các yêu cầu khắt khe về kỹ thuật. Những lợi thế này có thể phát huy trong việc phát triển năng lượng gió ngoài khơi. Có thể xem đây như một hướng đầu tư lâu dài, đa dạng hóa sản phẩm, hướng tới sự phát triển bền vững. Đồng thời, đây cũng là một lĩnh vực dịch vụ mới mà các đơn vị thành viên của PVN có thể xem xét phát triển năng lực để trở thành những nhà thầu hàng đầu.

Với một loạt các cơ hội và tiềm năng như nêu trên, tầm nhìn của Ban Lãnh đạo hiện nay, hoàn toàn có cơ sở tin tưởng PVN sẽ tiếp tục phát triển vững chắc hơn nữa trong năm 2019 và các năm tiếp theo.

Thay lời kết

Vai trò của năng lượng đối với phát triển kinh tế đất nước là không thể thiếu. Trong cơ cấu năng lượng của Việt Nam, dầu khí đóng vai trò hết sức quan trọng, cùng với năng lượng than, thủy điện và năng lượng tái tạo. Bên cạnh việc cung cấp năng lượng, các cụm công nghiệp lọc - hóa dầu, khí - điện - đạm còn là động lực phát triển kinh tế vùng. Năng lực thiết kế xây dựng công trình biển còn góp phần tạo động lực phát triển các ngành kinh tế biển khác. Chúng ta cũng thấy rõ dư địa cho dầu khí phát triển còn rất lớn trong cả lĩnh vực cung cấp năng lượng và cũng như hỗ trợ phát triển kinh tế biển và các ngành khác.

Xin chúc cho Dầu khí Việt Nam tự hào vững bước vào năm mới 2019, tiếp tục con đường của mình, phát triển trở thành một tập đoàn năng lượng hùng mạnh, xứng tầm với yêu cầu của đất nước.


(*) Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam; Hội đồng Phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam


Tài liệu tham khảo

[1] BP 2018, www.bp.com

[2] "Địa chất và tài nguyên dầu khí Việt Nam" do Nguyễn Hiệp (chủ biên) và nhiều người khác, dự kiến xuất bản 2019.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động