RSS Feed for Phản biện của Tạp chí Năng lượng Việt Nam về ngành Dầu khí Quốc gia | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 09:52
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Phản biện của Tạp chí Năng lượng Việt Nam về ngành Dầu khí Quốc gia

 - Văn phòng Chính phủ có Văn bản số: 6885/VPCP-CN, ngày 20 tháng 7 năm 2018 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng ký, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu các kiến nghị của Tạp chí Năng lượng Việt Nam về "phản biện khoa học, kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động ngành Dầu khí Việt Nam trong giai đoạn tới". (Trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền).

 

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã gửi Thư cảm ơn các nhà khoa học và Tạp chí Năng lượng Việt Nam. Thủ tướng mong rằng, trong thời gian tới, các nhà khoa học của Tạp chí Năng lượng Việt Nam tiếp tục có những ý kiến đóng góp cho sự phát triển ngành Dầu khí Việt Nam.

Trước đó, ngày 18/6/2018, Tạp chí Năng lượng Việt Nam có Văn bản số 51/CV-NLVN, về việc "Báo cáo tổng hợp các bài báo phản biện khoa học, kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động ngành Dầu khí Việt Nam trong giai đoạn tới" gửi Thủ tướng Chính phủ. Dưới đây là nội dung phản biện, kiến nghị của các nhà khoa học trong Hội đồng Phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam được Thủ tướng ghi nhận và chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu thực hiện:

I. PHÂN TÍCH CHIẾN LƯỢC (SWOT) VỀ CÔNG NGHIỆP DẦU KHÍ CỦA VIỆT NAM

1/ Thế mạnh/thuận lợi (S)

Dầu khí là một nguồn năng lượng và nhiên liệu chiến lược, có thị trường toàn cầu và luôn gắn rất chặt với tình hình địa - chính trị trên thế giới. Ngành Dầu khí Việt Nam có thuận lợi rất cơ bản là có trữ lượng dầu khí đủ để phát triển toàn bộ chuỗi giá trị, có tác động lan tỏa, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngay từ đầu những năm 1970-1980 ngành đã hội nhập rộng rãi với thế giới, đã tiếp nhận kiến thức hiện đại và áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ của các quốc gia phát triển. Nhờ đó, trình độ kỹ thuật và công nghệ của Việt Nam trong thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng sản phẩm dầu khí đã ở mức phát triển cao và đồng đều. Đội ngũ chuyên gia của Việt Nam đã thực hiện được hầu hết các công việc, từ nghiên cứu - triển khai (R-D), tư vấn - thiết kế, đến sản xuất, kinh doanh trong toàn bộ chuỗi giá trị của công nghiệp dầu khí từ hoạt động thượng nguồn đến hạ nguồn. Từ các mỏ ngoài khơi ở bể Cửu Long và Nam Côn Sơn, hệ thống hạ tầng cơ sở kỹ thuật gồm giàn khai thác, đường ống ngầm dẫn khí đã gần như hoàn thiện để hàng năm đưa khí về bờ cung ứng cho các khu công nghiệp, nhà máy điện và xử lý khí.

Từ thượng nguồn, đến hạ nguồn, qua gần 60 năm xây dựng ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam đã vươn lên tự chủ, hợp tác, liên doanh với những công ty dầu khí hàng đầu của nước ngoài. Đặc biệt, là luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Đảng, Chính phủ, tạo những tiền đề hết sức quan trọng cho công nghiệp dầu khí phát triển.

2/ Điểm yếu (W)

2.1. Trữ lượng dầu mỏ và khí thiên nhiên đã được thăm dò và đang khai thác của Việt Nam không lớn. Tiềm năng dầu khí tập trung chủ yếu (tới 99%) ngoài thềm lục địa. Điều kiện khai thác dầu - khí ở Việt Nam rất khó khăn (trong vùng nước sâu, xa bờ, khí hậu khắc nghiệt).

2.2. Hiệu quả sử dụng năng lượng, trong đó có các sản phẩm dầu khí trong các ngành kinh tế, đặc biệt trong giao thông vận tải còn rất thấp.

2.3. Cho đến nay, thị trường dầu và sản phẩm dầu khí ở Việt Nam đã tiếp cận với thị trường thế giới, nhưng thị trường khí tự nhiên vẫn còn mang tính khu vực, cục bộ, chưa phát triển.

2.4. Trong khi đó, trên thế giới: (i) Xu thế chung là các nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời, gió, sinh khối, điện nhiệt, sóng biển, vv...) đang được quan tâm, đầu tư và phát triển mạnh mẽ; (ii) Giá của dầu, khí và các sản phẩm dầu khí biến động khó lường; (iii) Các công nghệ thăm dò, khai thác dầu khí ngày càng phát triển càng làm cho giá dầu khó dự báo và tăng nguy cơ suy giảm hiệu quả, năng lực cạnh tranh của ngành Dầu khí Việt Nam, nếu không được đầu tư thích đáng cho khoa học - công nghệ.

3/ Cơ hội (O)

3.1. Chính sách mở cửa của nhà nước Việt Nam trong lĩnh vực phát triển ngành năng lượng nói chung, cũng như ngành dầu khí nói riêng đã và đang tiếp tục nhận được sự quan tâm ngày càng cao của các nước.

3.2. Nhu cầu của nền kinh tế Việt Nam về các sản phẩm dầu khí ngày càng tăng do tốc độ tăng trưởng vẫn được duy trì ở mức độ cao.

3.3. Nền kinh tế Việt Nam đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu. Việc hợp tác thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí trong nước và việc kinh doanh xuất - nhập khẩu các sản phẩm dầu khí đang có cơ hội phát triển.

3.4. Trong thời gian qua hạ tầng đường ống, các cơ sở chế biến, tiêu thụ dầu khí đã được hình thành và phân bố trên cả 3 miền đất nước.

3.5. Đề án tái cấu trúc của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa được Bộ Công Thương phê duyệt và đang triển khai giúp ngành dầu khí hoạt động năng động, hiệu quả hơn, nhằm tối đa hóa lợi nhuận.

4/ Thách thức (T)    

4.1. Luật Dầu khí được ban hành năm 1993, tuy có được sửa đổi, bổ sung một số điều vào các năm 2000 và 2008, nhưng trên thực tế không đáp ứng được yêu cầu hiện nay trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này. Mặt khác, trữ lượng trong nước còn lại phần lớn là những mỏ nhỏ, mỏ cận biên, mỏ khí ở xa hạ tầng cơ sở, vùng nước sâu hơn, xa hơn, khó khăn hơn... Nhưng Luật hiện hành chưa quy định chi tiết và tách bạch giữa quản lý nhà nước tầm vĩ mô và quản lý doanh nghiệp, do đó, chưa tạo biên độ mở để thu hút nhiều hơn vốn đầu tư nước ngoài. Đây cũng được xem là một trong những rào cản đối với lãnh đạo các doanh nghiệp trong ngành có vốn của nhà nước trong chiến lược phát triển kinh doanh. Còn đầu tư ra nước ngoài được điều chỉnh bởi 2 luật chính là Luật Đầu tư và Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp do nhiều thủ tục phức tạp, nên không có khả năng phản ứng nhanh nhạy, linh hoạt.

4.2. Trong phát triển khâu sau, Luật Xây dựng và các văn bản dưới luật đi kèm đang gây khó khăn, chậm trễ khi triển khai một số dự án. Những bất cập trong các văn bản dưới luật không chỉ làm tăng tổng mức đầu tư, mà còn làm lỡ cơ hội kinh doanh, kéo hiệu quả kinh tế của các dự án này xuống so với nghiên cứu khả thi ban đầu được phê duyệt.

4.3. Việc phát triển ngành công nghiệp dầu khí luôn đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Trong khi đó, chi phí thăm dò khảo sát, khai thác ngày một tăng (do điều kiện tự nhiên ngày càng phức tạp, ngày càng phải xa bờ). Các thiết bị chủ yếu phục vụ công tác thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến đều phải nhập khẩu. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang thiếu trầm trọng; đầu tư cho tìm kiếm thăm dò ở mức thấp kỷ lục trong nhiều năm qua và nhiều dự án phát triển quan trọng đều đang chậm tiến độ.

4.4. Việc phát triển thượng nguồn của ngành dầu khí luôn phải định hướng theo hình thái phát triển các mối quan hệ về địa - chính trị giữa các quốc gia trong khu vực Biển Đông và vịnh Thái Lan. Trong khi các mối quan hệ này biến động khôn lường, nảy sinh nhiều khó khăn trong việc hoạch định một kế hoạch dài hạn, hay tìm kiếm các đối tác chiến lược cùng thăm dò, khai thác dầu khí.

Xuất phát từ những đánh giá chiến lược như trên, các nhà khoa học trong Hội đồng Phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã đề xuất, kiến nghị bổ sung nhiều giải pháp về phát triển ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam nói chung, cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói riêng. Nội dung các kiến nghị và đề xuất có thể được tóm tắt như sau:

II. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT

1. Về chủ trương, chính sách:

1.1. Xác định đúng vai trò của ngành dầu khí trong nền kinh tế của Việt Nam với vị thế là một nước có nguồn tài nguyên dầu khí đủ để phát triển hoàn chỉnh chuỗi giá trị, nhưng về cơ bản sẽ nhập khẩu ròng dầu khí; Để từ đó:

1.2. Rà soát, điều chỉnh lại mục tiêu, chiến lược, quy hoạch ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035 theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 27/12/2007 của Bộ Chính trị. Trong các hoạt động quan trọng nhất của PVN, Nghị quyết 18-NQ/TW nêu rõ: “[ngành dầu khí] cung cấp đủ năng lượng sơ cấp cho nhu cầu trong nước,… năm 2020 khoảng 100-110 triệu TOE (tấn dầu quy đổi), năm 2025 khoảng 110-120 triệu TOE và đến năm 2050 khoảng 310-320 triệu TOE; tăng tỷ lệ phát triển năng lượng mới và tái tạo lên khoảng 5% năm 2020, 8% tương đương 9,02 triệu TOE năm 2025 và 11% tương đương 35 triệu TOE năm 2050”.

1.3. Nghiên cứu để trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 27/12/2007 để phù hợp hơn với tình hình thực tế và nhấn mạnh đến vai trò của ngành dầu khí cũng như PVN trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

2. Về quản lý nhà nước:

2.1. Cần sửa đổi Luật Dầu khí và các điều luật hiện hành có liên quan đến dầu khí, chính sách, chế độ, theo hướng tách biệt chức năng quản lý nhà nước của các bộ với quản lý sản xuất - kinh doanh của PVN; Tạo thêm đủ các khung pháp lý cho hoạt động của PVN được hiệu quả hơn, đối phó tốt hơn với diễn biến thị trường bị chi phối mạnh mẽ bởi các yếu tố tự nhiên và phi kinh tế (tránh những khiếm khuyết như thời gian 2010-2017).

2.2. Công tác kế hoạch ngành khai thác dầu khí cần được đổi mới căn bản theo hướng giao toàn quyền quyết định cho PVN để hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro trong kinh doanh và nâng cao cơ hội cạnh tranh của PVN. Cần khắc phục tình trạng giao kế hoạch “đầu năm cao”, đến giữa năm lại “điều chỉnh hạ thấp”, không phản ảnh trung thực tình hình sản xuất. Việc gia tăng sản lượng khai thác dầu thô khi có nhu cầu ngân sách sẽ gây khó khăn thêm cho kế hoạch khai thác trong các năm sau do nhiều mỏ đang trong chế độ suy giảm.

2.3. Đối với các dự án mới, khi lập đề án, nghiên cứu khả thi, thiết kế tổng thể, cần có tổ chức khoa học, hoặc tư vấn độc lập thẩm định tránh tình trạng sản lượng trong phê duyệt phát triển mỏ không sát với thực tế thăm dò, thẩm lượng. Cần xây dựng cơ sở pháp lý thông qua Luật Dầu khí, hoặc Nghị định dưới luật đối với các hợp đồng phân chia sản phẩm. Theo đó, chi phí đầu tư và tỷ lệ lợi nhuận cần dựa trên biến động về giá dầu và khí khi triển khai. Điều này giúp giảm thiểu các rủi ro đầu tư khi giá dầu sụt giảm.

2.4. Đối với các mỏ đang thăm dò và khai thác ở nước ngoài, cần đánh giá, thẩm định lại. Cần cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thoái vốn ở những dự án thua lỗ, hoặc không hiệu quả.

2.5. Xây dựng cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển thị trường khí có cạnh tranh một cách đầy đủ. Cần xây dựng giá bán khí từ các mỏ ngoài khơi về bờ thành một khung giá bằng nhau, hoặc thống nhất để dễ quản lý về mặt nhà nước.

3. Về tổ chức cán bộ:

3.1. Trên cơ sở phân tích đánh giá quá trình phát triển của ngành dầu khí trong nước, nghiên cứu tham khảo các mô hình tổ chức, mô hình quản lý ngành dầu khí của các nước để cấu trúc lại và áp dụng mô hình quản trị hiện đại, tập trung vào các hoạt động chính của ngành, phù hợp với cơ chế thị trường, tập quán quốc tế; Để từ đó:

3.2. Bố trí và sử dụng nhân lực, nhất là cán bộ lãnh đạo, điều hành các cấp của PVN phù hợp với chuyên môn được đào tạo, trên cơ sở năng lực thực tiễn trong điều hành sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, duy trì và nâng cao hơn các chế độ đãi ngộ cho người lao động tương xứng với điều kiện sản xuất kinh doanh ngày càng khó khăn.

3.3. Thông qua đề án tái cơ cấu, cần làm mới, trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo cao cấp cho những ưu tiên và định hướng dài hạn.

4. Về sản xuất, kinh doanh:

4.1. Về cơ bản, ngành dầu khí là ngành khai thác tài nguyên khoáng sản. Do tài nguyên có hạn, PVN cần dịch chuyển dần trở thành một tập đoàn năng lượng, vừa thăm dò khái thác dầu khí, vừa sản xuất các loại năng lượng tái tạo.

4.2. Việc đầu tư cho ngành dầu khí cần tập trung ưu tiên trước hết cho lĩnh vực thượng nguồn. Đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho hạ nguồn.

4.3. Về khai thác, việc nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cần tập trung cho việc nâng cao hệ số thu hồi, giảm tổn thất tài nguyên trong lòng đất; nâng cao hiệu quả vận hành các nhà máy chế biến dầu khí. Đồng thời phải tối ưu hóa các khâu trong “chuỗi sản phẩm” từ thăm dò khai thác đến chế biến dầu khí, khí, điện.

4.4. Đồng thời với việc khai thác, chế biến, phân phối, cần tận dụng năng lực hiện có về con người, tri thức, máy móc, thiết bị, cơ sở hạ tầng kho, bãi, cảng sẵn có trên bờ, đẩy mạnh hoạt động chế tạo, dịch vụ phục vụ kinh tế biển Việt Nam, cũng như cung cấp dịch vụ ra khu vực và quốc tế.

4.5. Về thăm dò: Những năm qua, ngành dầu khí đã đẩy mạnh khai thác các mỏ dầu khí hiện hữu mà không có nguồn vốn thúc đẩy thăm dò. Ngoài việc vừa thành lập hai công ty thăm dò (thành viên PVEP), PVN cần sớm lên kế hoạch và thu xếp nguồn vốn cho thăm dò phát hiện mỏ mới.

5. Về các dự án trọng điểm:

5.1. Đối với các mỏ dầu khí xa bờ nói chung, vốn không đơn thuần chỉ là thăm dò, khai thác dầu khí mà còn liên quan đến an ninh biển đảo, do vậy, Chính phủ cần mở cơ chế đặc biệt cho PVN. Theo đó, cho phép PVN rút ngắn các quy trình trình thẩm định, phê duyệt với các cơ quan hữu quan để triển khai các dự án sớm nhất có thể.

5.2. Đối với mỏ khí Cá Rồng Đỏ đang tạm dừng, cần giải quyết đền bù cho chủ đầu tư, nhà thầu và đưa dự án quay lại sớm nhất có thể. Việc tiếp tục phát triển mỏ Cá Rồng Đỏ sẽ giúp bảo đảm nguồn khí cho đường ống Nam Côn Sơn 1 và cụm khu công nghiệp Phú Mỹ, cũng như các nhà máy điện ở Nhơn Trạch, Đồng Nai sau năm 2020. Ngoài ra, việc tiếp tục phát triển mỏ này, còn là một thông điệp đối với các đối tác quốc tế về môi trường đầu tư đáng tin cậy ở Việt Nam.

5.3. Đối với mỏ khí Cá Voi Xanh hợp tác với ExxonMobil (Hoa Kỳ), cần xác định các ưu tiên về an ninh biển đảo ở khu vực trục dọc trên cụm đảo Hoàng Sa xuống dưới Trường Sa khi đàm phán. Ngoài ra, cần thấy là trữ lượng dầu đã cạn, thì với trữ lượng khí lớn như mỏ Cá Voi Xanh (tương đương 176 tỷ m3 khí), mang lại 20 tỷ USD cho ngân sách quốc gia trong vòng đời 20 năm khai thác là rất lớn. Theo đó, các dự án điện hạ nguồn có thể cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia theo hình thức BOT.

5.4. Đối với mỏ khí Lô B, đang tiến triển khi 8 ngân hàng quốc tế đã đồng ý thu xếp vốn. Tuy nhiên, trong trường hợp có rủi ro về tài chính, chậm tiến độ, và giá khí, Chính phủ có thể kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài ở các nhà máy điện, cũng như tăng thời hạn hợp đồng phân chia sản phẩm cho chủ đầu tư thượng nguồn để giảm áp lực đầu ra.

5.5. Do Chính phủ đã quy định sẽ không bảo lãnh vốn vay cho các dự án mới, PVN nên trình Chính phủ phương án xin giữ lại tài sản vốn sau khi cổ phần hóa, hoặc thoái vốn ở các công ty thành viên để tái đầu tư vào các dự án này.

6. Về 5 dự án, nhà máy đang âm vốn chủ sở hữu và nợ sâu ngân hàng, gồm: Nhà máy xơ sợi Đình Vũ (PVTEX), Nhiên liệu Sinh học Dung Quất, Nhiên liệu Sinh học Bình Phước, Nhiên liệu Sinh học Phú Thọ, đóng tàu Dung Quất. Tổng mức đầu tư của 5 dự án này hiện đã hơn 20.000 tỷ đồng và tổng mức dư nợ đã tiệm cận 14.000 tỷ. Do đó, PVN nên xác định các ưu tiên sớm nhất có thể. Nếu không tái hoạt động được, Chính phủ nên cho thoái vốn triệt để, hoặc cho phá sản nhằm dành vốn cho các ưu tiên khác.

7. Về phát triển khoa học - công nghệ:

7.1. Tiếp tục đầu tư hơn nữa cho lĩnh vực R&D của ngành dầu khí. Các quỹ khoa học công nghệ hiện tại ở PVN, cần minh bạch, cũng như chỉ phân bổ cho công tác tìm kiếm thăm dò và khoa học mà thôi.

7.2. Hoàn thiện hệ thống nghiên cứu khoa học - công nghệ đáp ứng các nhu cầu phục vụ cho việc thực hiện chiến lược của toàn ngành; sử dụng, cải tiến kỹ thuật, chuyển giao công nghệ cao; sáng chế, phát minh, đưa ra các giải pháp mới, sản xuất các thiết bị mới.

7.3. Hoàn thiện hệ thống đào tạo nhân lực, xây dựng “Học viện Dầu khí Việt Nam” trên cơ sở gắn kết nghiên cứu - ứng dụng - đào tạo, tập trung tri thức toàn ngành, các cán bộ, chuyên gia có kinh nghiệm, tạo những sản phẩm KHCN và cung cấp dịch vụ, tư vấn có đẳng cấp để nâng cao hiệu quả cho toàn bộ hoạt động sản xuất kinh của ngành; Và:

7.4. Củng cố, hoàn thiện và coi trọng công tác thông tin, lưu trữ nhằm thu nhận, xử lý, dự báo, cung cấp thông tin toàn diện về công nghiệp dầu khí thế giới cho lãnh đạo và cán bộ làm việc trong ngành; triển khai ứng dụng phù hợp của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động