Ngành Dầu khí Quốc gia trước thử thách lớn và phức tạp
00:00 | 01/04/2018
Thời gian khó của Người lao động Dầu khí rồi sẽ qua
TS. NGUYỄN HỒNG MINH - PHÓ VIỆN TRƯỞNG VIỆN DẦU KHÍ VIỆT NAM
Tại sao lại có hai từ: "Đặc thù"?
Trước hết tôi muốn nói qua về tính "đặc thù" trong thăm dò, khai thác dầu khí. Nói đến tính đặc thù không phải để xin đặc quyền, đặc lợi mà mong muốn cung cấp cơ sở khoa học cho việc tư duy quản lý và ứng xử phù hợp với những hoạt động có đặc điểm riêng.
Thứ nhất: Do bản chất tự nhiên của các quá trình địa chất, các tích tụ dầu khí phân bố không đồng đều trên toàn bộ vỏ trái đất, trong từng khu vực, trong từng nước và cả trong từng lô, mỏ dầu khí. Và cũng theo lẽ đó, không tích tụ dầu khí (mỏ) nào giống tích tụ nào.
Đặc điểm này dẫn đến tính rủi ro cao trong thăm dò dầu khí, thường được đo đếm bằng tỷ lệ thành công địa chất. Tỷ lệ thành công địa chất trung bình của thế giới hiện nay vào khoảng 30%. Điều này cho thấy, mặc dù các công ty đã sử dụng những công nghệ tốt nhất, trí tuệ, kinh nghiệm của các nhà thăm dò kỳ cựu nhất, nhưng cứ 3 giếng khoan thăm dò thì chỉ có 1 giếng phát hiện có tích tụ dầu khí. Hai giếng còn lại, với chi phí hàng chục triệu, có khi hàng trăm triệu USD coi như "mất trắng".
Ngay cả khi trữ lượng đã được Chính phủ phê duyệt rồi, đã đưa mỏ vào khai thác rồi, một thời gian sau rà soát lại, trữ lượng vẫn có thể thay đổi.
Minh chứng dễ thấy nhất là trong mấy chục năm qua, nhiều công ty dầu khí quốc tế đầu tư vào thăm dò dầu khí ở Việt Nam, tổng số tiền lên đến hàng tỷ USD, nhưng trong số đó, có 1,5 tỷ USD là "mất trắng" vì lý do như trên. Nhiều công ty đã phải chấm dứt hợp đồng PSC, rút khỏi Việt Nam sau khi khoan không thành công. Trong số này có nhưng tên tuổi lớn như: Total, Shell.
Do mỗi mỏ có những đặc điểm riêng, không mỏ nào giống mỏ nào, nên công tác quản lý khai thác mỏ hay được ví như chăm sóc sức khỏe con người. Trước hết cũng có vòng đời, từ lúc sinh ra, lớn lên, bước vào tuổi trung niên, về già, cho đến lúc lâm chung. Trong suốt vòng đời đó, phải thường xuyên thăm khám, uống vitamin (chất chống ăn mòn, chống sa lắng, giảm nhiệt độ đông đặc của dầu…), liệu pháp duy trì sức khỏe (bơm ép, infill drilling), cũng có lúc phải chữa bệnh (xử lý axít, cắt lưỡi nước…). Ngoài ra, lâu lâu cũng phải kiểm tra tổng thể (địa chấn 4D; nghiên cứu, điều chỉnh lại kế hoạch phát triển - khai thác…).
Từ đặc điểm này, rõ ràng cần một cơ chế tài chính và chế độ trách nhiệm đặc thù cho hoạt động thăm dò dầu khí. Quỹ thăm dò phải được trích lập đủ cho nhu cầu phát triển; trao quyền chủ động, linh hoạt sử dụng quỹ; đánh giá tổ chức, cán bộ không theo từng dự án riêng biệt, mà theo hiệu quả cả gói đầu tư, trong một giai đoạn đủ dài… là những cách tiếp cận cần thiết.
Trong khai thác dầu khí, các công ty điều hành luôn tìm cách tối ưu hóa, tăng sản lượng để thu hồi vốn nhanh, nên thực chất phần lớn các mỏ đã ở trạng thái khai thác cao nhất có thể. Nếu tối ưu hóa tốt sản lượng có thể tăng thêm chút ít so với kế hoạch ban đầu, nhưng nếu khai thác quá mức theo kiểu "duy ý chí" sẽ ảnh hưởng "sức khỏe" của mỏ trong dài hạn và hiệu quả cuối cùng của cả đời mỏ.
Thứ hai: Hoạt động dầu khí mang tính "chuỗi", nghĩa là "đầu ra" khâu này sẽ là "đầu vào" khâu sau. Trong toàn bộ chuỗi đó, công tác thăm dò đóng vai trò quan trọng nhất. Tìm ra một mỏ mới là cơ hội cho toàn chuỗi phát triển. Do vậy, đầu tư cho thăm dò, mặc dù rủi ro cao như nêu trên, là tối cần thiết cho sự phát triển lâu dài của cả ngành Dầu khí. Không bao giờ được ngừng đầu tư cho thăm dò, nếu muốn bảo đảm sự phát triển bền vững của toàn ngành.
Từ tính chất "chuỗi", "các khâu" sẽ phụ thuộc lẫn nhau. Mỗi khâu sẽ cần có khâu trước sản xuất ra đầu vào cho mình và khâu sau sử dụng sản phẩm của mình. Ví dụ dễ thấy, là nếu khai thác một mỏ khí, thì phải bán, hoặc thuê dịch vụ của một công ty vận chuyển bằng đường ống, sau đó có thể khí phải qua một nhà máy xử lý khí, để sau đó khí được bán cho nhà máy điện, nhà máy hóa dầu, khu công nghiệp. Đến lượt mình, nhà máy hóa dầu có thể lại bán sản phẩm trung gian của mình cho một nhà máy chế biến sâu hơn… Do vậy, quản lý Nhà nước, hay điều hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phải chú trọng điều hòa lợi ích giữa các khâu một cách minh bạch, bảo đảm khi khó khăn thì tất cả cùng chia sẻ, khi thuận lợi thì cùng "win-win".
Thứ ba: Do sản phẩm của ngành Dầu khí có ý nghĩa đặc biệt về an ninh, chính trị, nên bài toán luôn phải giải quyết là làm sao cân bằng giữa tạo điều kiện để doanh nghiệp dầu khí chủ động trong sản xuất, kinh doanh và kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm doanh nghiệp là công cụ điều hành của Chính phủ. Mỗi nước xử lý mối quan hệ này khác nhau dựa trên tình hình cụ thể của nước đó.
Chẳng hạn, Malaysia ban hành một đạo luật riêng để điều chỉnh mối quan hệ này và trao cho Petronas quyền chủ động khá cao. Na Uy thì để công ty hoạt động như một doanh nghiệp bình thường - tức là có quyền chủ động cao nhất, nhưng lãi sau khi đầu tư phải được trích vào một quỹ phát triển dùng cho mục đích xã hội. Còn Việt Nam, theo các nhà tư vấn nước ngoài đánh giá là trao quyền chủ động khá hạn chế cho công ty dầu khí quốc gia của mình.
Thách thức chung hiện nay là gì?
Tình hình chung là đã, đang và sẽ có rất nhiều biến động rất khó dự báo. Biến động có thể liên quan đến công nghệ, thị trường, cân bằng cung cầu, cán cân chính trị giữa các nước… nhưng quy lại thành câu chuyện giá dầu. Châm ngôn ngày nay là "phải biết sống chung với giá dầu 40-50" (USD/thùng). Nghĩa là làm sao để công ty cao lãi, Chính phủ vẫn có thu, toàn bộ chuỗi vẫn hoạt động có hiệu quả về kinh tế, xã hội trong bối cảnh giá dầu duy trì lâu dài ở mức nêu trên.
Bên cạnh hiện tượng giá dầu thấp, còn một thách thức quan trọng nữa là trữ lượng dầu khí dễ tìm và dễ khai thác đã bước vào giai đoạn cạn kiệt ("easy oil is over"). Hầu hết các công ty dầu khí buộc phải nhằm đến dầu trong đá phiến, nước sâu, dầu nặng, khí có hàm lượng CO2/H2S cao... Và đương nhiên, thăm dò và khai thác loại dầu khí này khó hơn, chi phí cao hơn.
Ngay cả nước Nga, nước giàu trữ lượng dầu khí thuộc loại dễ khai thác (đất liền), cũng đã phải tổ chức hẳn một phiên chuyên thảo luận về dầu khí khó khai thác và dầu khí phi truyền thống tại "Diễn đàn Dầu khí Tyumen 2017" - diễn đàn mang tính kinh tế, kỹ thuật quan trọng hằng năm của công nghiệp dầu khí Nga, mới diễn ra ngày 20 và 21-9-2017. Tác động của 2 yếu tố cùng một lúc đã và đang thúc đẩy một cuộc cách mạng tái cơ cấu lại toàn bộ ngành dầu khí thế giới.
Dầu khí Việt Nam có thêm những thách thức gì?
Việt Nam đương nhiên cũng phải chịu ảnh hưởng của bối cảnh chung. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có những đặc thù, khó khăn riêng.
Thứ nhất: Hoạt động thăm dò, khai dầu khí của Việt Nam gần như hoàn toàn trên biển. Trước hết, điều kiện trên biển làm cho chi phí thăm dò, khai thác của Việt Nam thuộc mức cao so với trung bình thế giới, tính cạnh tranh bị hạn chế.
Hơn nữa, trữ lượng dầu khí vùng gần bờ đã cạn kiệt, muốn phát triển tiếp phải tiến ra các vùng có rủi ro tranh chấp cao hơn, trong khi những động thái gần đây cho thấy sức ép lớn và khó khăn có thể còn tiếp tục gia tăng. Cùng với những thông tin truyền thông không thuận lợi cho uy tín của PVN, khó khăn này có thể dẫn đến sự quay lưng của các nhà đầu tư nước ngoài đối với công tác thăm dò dầu khí ở Việt Nam.
Thứ hai: Nền kinh tế của ta còn nhỏ, trong khi nhu cầu đầu tư cho phát triển lớn, dẫn đến luôn luôn có sức ép ngân sách đối với ngành Dầu khí. Ưu điểm của ngành Dầu khí là lợi nhuận có thể cao, nhưng cũng đòi hỏi đầu tư xứng đáng. Nếu lãi doanh nghiệp, lãi dầu khí để lại không đủ để đầu tư thì cũng như ta đang tự vắt kiệt sức mình vậy. Cũng vì PVN đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nên Chính phủ luôn có xu hướng "nắm chặt" và trao PVN quyền "chủ động hạn chế" trong công tác sản xuất kinh doanh.
Một số kiến nghị, đề xuất
Từ những phân tích trên đây, xin mạnh dạn đề xuất một số chủ trương, chính sách để các nhà khoa học trao đổi, từ đó làm rõ và cung cấp luận chứng cho các cấp quản lý xem xét.
Thứ nhất: Đối với Nhà nước, cần điều chỉnh chính sách ngân sách đối với dầu khí theo hướng giảm thu. Chúng ta đang tái cơ cấu lại nền kinh tế, mà bản chất là phải xây dựng cho được nhiều trụ cột tăng trưởng. Vẫn biết là ngân sách đang khó khăn, nhưng nếu vẫn để tư duy "vắt sữa bò" chiếm ưu thế so với nuôi trồng các nguồn thu mới, phát triển các trụ cột khác, thì nền kinh tế quen với kiểu "được bú sữa" có nguy cơ gặp khủng hoảng trong vòng 5-10 năm nữa.
Thứ hai: Cần có chiến lược Biển Đông cho dầu khí. Hàm ý ở đây là cần mọi nỗ lực để công tác thăm dò, khai thác dầu khí có thể được thực hiện trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Phải có sách lược, bước đi cụ thể của các cấp, các ngành cũng như của PVN để đạt được mục tiêu này (làm việc cấp cao, ngoại giao nhân dân, ngoại giao khoa học, hỗ trợ tối đa của lực lượng chấp pháp trên biển, chọn đối tác nước ngoài phù hợp, khuyến khích đầu tư cao nhất có thể, hợp tác về khoa học, công nghệ…).
Thứ ba: Nếu chúng ta có chủ trương sớm muộn cũng sẽ cổ phần hóa đến lĩnh vực thăm dò, khai thác, thì bây giờ chính là thời điểm phù hợp. Như đã nêu, sản lượng dầu khí truyền thống của Việt Nam mới bước vào giai đoạn suy giảm, nên nôm na là doanh nghiệp của chúng ta còn khá "bắt mắt". Còn để lâu nữa "con gái nhà mình về già" thì sẽ "khó thách cưới" hơn. Đến những đại gia như Saudi Aramco cũng đang có kế hoạch "bán mình" để chuẩn bị cho giai đoạn hậu dầu mỏ, thì "những cô gái nông thôn nghèo" như PVN cũng nên suy nghĩ, cân nhắc.
Thứ tư: Từ những chủ trương nêu trên, cần thể chế hóa thành hành lang pháp lý cho hoạt động dầu khí. Ví dụ như việc trích lập, sử dụng quỹ thăm dò cho thuận tiện, đúng mục đích. Cạnh đó là thay đổi điều khoản hợp đồng dầu khí trong bối cảnh sản lượng suy giảm, giá dầu thấp, dầu khí khó khai thác hơn (các trường hợp thăm dò vùng nước sâu, nhạy cảm; phát triển mỏ cận biên; tận thăm dò; tận khai thác; đầu tư nâng cao thu hồi dầu; Chính phủ thuê điều hành, khai thác phi lợi nhuận…). Mặt khác, tăng cường vai trò và trách nhiệm điều phối của các bộ, ngành trong cân đối quyền lợi các bên tham gia chuỗi dầu khí (giá khí), đơn giản hóa quy trình, thủ tục đầu tư - nhất là đầu tư cho các dự án thăm dò, khai thác khi cần quyết định nhanh. Hành lang này cần cải tổ theo hướng trao cho PVN quyền tự chủ cao hơn; trách nhiệm tập thể, cá nhân rõ ràng hơn, không đánh giá chỉ dựa vào sự thành công hay thất bại của một dự án, một quyết định, mà xem xét tổng thể hơn, dài hạn hơn.
Thứ năm: PVN cần điều chỉnh chiến lược thăm dò, khai thác dầu khí, cả trong nước và nước ngoài. Trong nước, cần chủ động, huy động đủ nguồn vốn để tham gia tối đa đối với bể Cửu Long, Malay - Thổ Chu, phần nước nông bể Nam Côn Sơn - là những vùng ta đã hiểu rõ (có rủi ro thấp). Chọn đối tác chiến lược để thăm dò bể Sông Hồng, Phú Khánh và phần nước sâu bể Nam Côn Sơn - là những vùng có rủi ro cao hơn.
Ở nước ngoài, cần tái cơ cấu danh mục đầu tư, lấy tiêu chí ưu tiên là rủi ro kỹ thuật thấp, trữ lượng còn lại đủ lớn, hạ tầng công nghiệp thuận lợi, chính sách minh bạch… rồi mới đến tiêu chí quan hệ chính trị giữa hai nước. Với tầm nhìn xa hơn, thời điểm này đúng ra PVN cần phải điều chỉnh lại toàn bộ chiến lược phát triển của mình, chứ không chỉ có lĩnh vực thăm dò, khai thác.
Đề xuất trên đây mang tính định hướng cho quản lý Nhà nước, có một số ý liên quan đến chiến lược và công tác điều hành của PVN. Để có đề xuất cụ thể, có kế hoạch triển khai chi tiết, cân đối tốt nhất các nguồn lực, cân bằng lợi ích doanh nghiệp và các lợi ích khác, tối ưu hóa tổng thể lợi ích quốc gia… cần có nghiên cứu chuyên sâu và cụ thể hơn.
Hy vọng, những trao đổi mạnh dạn này sẽ cung cấp thêm thông tin để các cấp quản lý nhà nước có chính sách hỗ trợ tốt hơn. Đồng thời, đây như là một sự dẫn đề để các nhà khoa học trao đổi kỹ hơn, nghiên cứu sâu hơn, tìm ra các giải pháp, cùng PVN tiếp tục tự tin, vững bước trên con đường phát triển (cho dù nó không bằng phẳng và còn nhiều chông gai).
TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM