RSS Feed for Đáp ứng bền vững nhu cầu than cho Quy hoạch điện VIII: Vấn đề và giải pháp | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 27/12/2024 03:48
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Đáp ứng bền vững nhu cầu than cho Quy hoạch điện VIII: Vấn đề và giải pháp

 - Để đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước ngày càng tăng cao, dự thảo Quy hoạch điện VIII đã đề ra mục tiêu phát triển sản lượng điện rất cao, kéo theo nhu cầu các nguồn nhiên liệu cho phát điện tăng cao, vượt quá khả năng nguồn cung trong nước. Trong bối cảnh việc phát triển ngành điện vừa phải đáp ứng nhu cầu điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, vừa phải giảm thiểu ô nhiễm môi trường theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và cam kết của Việt Nam về thỏa thuận biến đổi khí hậu, Quy hoạch lần này đề ra định hướng đi đôi với đẩy mạnh huy động các nguồn năng lượng tái tạo, tiếp tục tăng cường khai thác các nguồn nhiên liệu hóa thạch nội địa nhằm nâng cao tính tự chủ cùng với việc nhập khẩu từ nước ngoài gắn liền việc nâng cao trình độ công nghệ các nhà máy phát điện. Trong phạm vi bài báo này đề cập đến các vấn đề và giải pháp đáp ứng nhu cầu than cho Quy hoạch, đảm bảo bền vững và thân thiện hơn với môi trường.


Ý kiến về Chương trình phát triển nguồn điện trong dự thảo Quy hoạch điện VIII


PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM [*]


I. Dự báo nhu cầu than:

Theo dự thảo “Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (viết tắt là QH điện VIII) [1], để đáp nhu cầu điện tăng cao của nền kinh tế, cùng với việc thúc đẩy huy động các nguồn điện khác, nhất là nguồn điện năng lượng tái tạo, nguồn nhiệt điện than cũng được tăng cường, mặc dù với quy mô, tốc độ giảm so với các quy hoạch trước đây với định hướng là:

1. Trong giai đoạn Quy hoạch (QH) sẽ có khá nhiều các nhà máy nhiệt điện chạy than nội địa hiện có hết tuổi thọ dự án, cần phải thực hiện cải tạo và thay mới. Do khả năng cung cấp than nội địa trong dài hạn vẫn được duy trì cho mức tổng công suất khoảng 14 GW nên các nhà máy nhiệt điện than nội khi hết tuổi thọ dự án phần lớn sẽ được thay thế mới tại vị trí cũ. Tuy nhiên, các tổ máy mới thay thế phải có công nghệ hiện đại, hiệu suất cao, giảm phát thải và có thông số huy động với độ linh hoạt cao phù hợp với hệ thống điện tích hợp cao nguồn điện năng lượng tái tạo. Một số nhà máy có quy mô công suất nhỏ, xây dựng lâu đời sẽ xem xét dừng vận hành.

2. Các nhà máy nhiệt điện than nhập khẩu hiện có sử dụng than bitum và á bitum có nhiệt trị thấp chỉ 4.500 kcal/kg. Việc sử dụng loại than này gây ra ô nhiễm không khí và lượng tro xỉ lớn. Vì vậy trong giai đoạn tới, QH đề xuất các nhà máy sử dụng than nhập khẩu phải sử dụng than có nhiệt trị cao để giảm lượng sử dụng và mức độ tác động xấu đến môi trường. Đối với các dự án nhiệt điện than nhập khẩu đã được phê duyệt trong QH điện VII điều chỉnh với tổng quy mô công suất là 31,4 GW, thì nếu các dự này hoặc đang xây dựng, hoặc đã có các xúc tiến đầu tư xây dựng và không thể loại bỏ, sẽ được đưa vào QH là những dự án chắc chắn xây dựng với tổng công suất là 14.590 MW.

Ngoài ra, QH thực hiện đánh giá thêm các vị trí tiềm năng có thể xây dựng tại các miền. Kết quả đánh giá sơ bộ cho thấy tổng công suất nhiệt điện than nhập khẩu có thể xây dựng thêm trên toàn quốc là hơn 75 GW (gồm cả các dự án đã có trong QH điện VII điều chỉnh). Quy mô tiềm năng này được đưa vào mô hình phân tích là giới hạn trên của QH.

Để đáp ứng định hướng phát triển nhiệt điện than nêu trên, theo dự thảo QH phân ngành than trong QH tổng thể về năng lượng quốc gia (NLQG) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (viết tắt QH phân ngành than), nhu cầu than của nền kinh tế nói chung và của sản xuất điện nói riêng đến năm 2050 được dự báo như sau (1.000 tấn):

Nhu cầu than

2021

2022

2025

2030

2035

2040

2045

2050

Tổng nhu cầu

97.946

108.430

114.886

137.350

144.937

150.542

137.447

134.886

- Cho SX điện

59.074

66.762

71.553

93.007

103.360

110.191

101.229

98.577


II. Nguồn cung than đáp ứng nhu cầu:

1. Yêu cầu, nguyên tắc đáp ứng nhu cầu than:

Việc đáp ứng nhu cầu than phải đảm bảo các yêu cầu: Đủ, kịp thời, ổn định với giá cả hợp lý. Trong bối cảnh địa chính trị khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; thiên tai, dịch bệnh cũng như tác động của biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khốc liệt; thị trường năng lượng và thị trường than biến động với tần suất, biên độ ngày càng cao, để đáp ứng bền vững nhu cầu than đảm bảo các yêu cầu nêu trên, đòi hỏi phải nâng cao mức độ tự chủ trong việc cung ứng than, giảm thiểu rủi ro gián đoạn nguồn cung, giá bán tăng cao bằng các giải pháp ứng phó đồng bộ thích hợp. Theo đó, việc đáp ứng nhu cầu than phải tuân thủ nguyên tắc và theo trình tự ưu tiên như sau:

Thứ nhất: Trước hết, đáp ứng bằng nguồn than nội địa. Việc khai thác than trong nước không chỉ để đáp ứng nhu cầu mà còn đảm bảo tính tự chủ trong việc cung ứng than, hiệu quả kinh tế - xã hội, việc làm và giảm thiểu rủi ro gián đoạn nguồn cung than do mọi nguyên nhân. Điều này đã được tái khẳng định rõ rệt, thuyết phục nhất qua cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đang diễn ra ở cả Việt Nam và các nước trên thế giới. 

Thứ hai: Phần nhu cầu còn thiếu sẽ được đáp ứng bằng nguồn than nhập khẩu được thực hiện trên cơ sở chiến lược bài bản, đảm bảo sự chắc chắn, ổn định lâu dài về nguồn cung với giá cả hợp lý.

Thứ ba: Cần xác lập hệ thống dự trữ than đồng bộ, trong đó có dự trữ than quốc gia phù hợp với nhu cầu than và sản lượng than nhập khẩu ngày càng tăng cao nhằm mục tiêu “đảm bảo an ninh năng lượng là trên hết”.

2. Nguồn cung từ khai thác than trong nước:

Theo dự thảo QH phân ngành than [2], dự kiến sản lượng than khai thác trong nước đến năm 2050 như sau (1000 tấn):

Sản lượng than

2021

2022

2025

2030

2035

2040

2045

2050

Than nguyên khai

48.593

51.680

53.699

55.661

50.301

52.810

53.542

53.460

Than thương phẩm

42.848

45.437

46.797

48.731

44.029

46.340

46.092

46.277

 


Để đạt được mức sản lượng than dự kiến nêu trên, cần tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn ngành từ 2021 - 2050 là 549.300 tỷ đồng, bình quân 18.310 tỷ đồng/năm. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025: 95.588 tỷ đồng; 2026 - 2030: 97.884 tỷ đồng; 2031 - 2035: 100.846  tỷ đồng; 2036 - 2040: 83.649 tỷ đồng; 2041 - 2045: 114.871 tỷ đồng; 2046 - 2050: 56.462 tỷ đồng.

Với tình hình tài nguyên than có mức độ thăm dò còn thấp (trữ lượng chỉ chiếm khoảng 5% tổng tài nguyên than), điều kiện khai thác ngày càng khó khăn, phức tạp (khai thác lộ thiên xuống sâu và sẽ cạn kiệt trữ lượng sau năm 2030, chủ yếu chuyển sang khai thác hầm lò nhiều rủi ro về khí mỏ, bục nước, phay phá, v.v...), yêu cầu bảo vệ môi trường ngày càng nghiêm ngặt, nhất là ở vùng Quảng Ninh, cộng với chính sách thuế phí tăng cao làm cho giá thành than ngày càng tăng cao, trong khi năng lực tài chính của doanh nghiệp còn hạn hẹp, do vậy trong thời gian tới ngành than không những phải đối mặt với nguy cơ bị lỗ mà việc huy động vốn cho đầu tư phát triển sẽ vô cùng khó khăn.

3. Cân đối cung cầu than nội địa và nhu cầu nhập khẩu than:

Nguyên tắc cân đối: Việc cân đối than nội địa cho các hộ tiêu thụ trong nước thực hiện theo nguyên tắc sau: Ưu tiên cấp tối đa than cho sản xuất điện (bao gồm các chủng loại than cám 4b, cám 5, cám 6, cám 7 và cám không phân loại); sản lượng than còn lại cân đối cho các hộ theo thứ tự ưu tiên là: Phân bón, hóa chất → xi măng → các hộ khác. Riêng luyện kim sử dụng than cốc nên cân đối hết các nguồn than cốc trong nước sản xuất được cho luyện kim, còn thiếu sẽ nhập khẩu. Than xuất khẩu là loại trong nước không có nhu cầu, hoặc ít dùng. Chủng loại than xuất khẩu chủ yếu là than đặc chủng, chất lượng và giá cao, đáp ứng yêu cầu của các hộ tiêu thụ quốc tế, đặc biệt là các khách hàng lâu năm có hợp đồng dài hạn, hoặc các hợp tác thương mại mang tính quan hệ đối tác chiến lược.

Theo tinh thần đó, cân đối cung - cầu than nội địa đến năm 2050 như sau (1.000 tấn):

Sản lượng than

2021

2022

2025

2030

2035

2040

2045

2050

Cung cấp:

               

Cho SX điện

34.746

36.042

36.382

38.428

34.836

38.051

38.024

37.211

Cho nhu cầu khác

6.787

7.552

8.479

8.586

7.441

6.658

6.387

7.335

Cho xuất khẩu

1.315

1.843

1.936

1.887

1.751

1.631

1.682

1.732

Cân đối cung-cầu 

               

Thiếu tổng số

-56.413

-64.836

-70.025

-90.506

-102.660

-105.833

-93.036

-90.340

Thiếu cho điện

-24.328

-30.720

-35.171

-54.579

-68.524

-72.140

-63.205

-61366

Thiếu cho SX khác

-32.085

-34.116

-34.854

-35.757

-34.136

-33.693

-29.831

-28.974

Nguồn: [2].


Việc nhập khẩu than, ngoài phần đáp ứng nhu cầu sử dụng trực tiếp còn thiếu nêu trên còn phải nhập cả các chủng loại than pha trộn với than nội địa để tận dụng nguồn than trong nước chất lượng thấp nhằm nâng cao sản lượng đáp ứng nhu cầu.

Tuy nhiên, đối với Việt Nam việc nhập khẩu than, nhất là cho sản xuất điện có một số khó khăn, thách thức là: Việt Nam mới tham gia thị trường nhập khẩu than nhiệt (steam coal), trong khi thị trường này đã được các tập đoàn tài chính - thương mại lớn trên thế giới sắp đặt “trật tự” và chi phối từ lâu; có sự cạnh tranh gay gắt của các nước, nhất là các nước trong khu vực; cơ sở hạ tầng, hệ thống logistics phục vụ nhập khẩu than còn yếu, năng lực vận chuyển đường thủy nội địa từ cảng biển về các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) than quá mỏng. Mặt khác, cơ chế chính sách và tổ chức nhập khẩu than cho các NMNĐ còn nhiều bất cập, hình thức nhập khẩu than còn chưa đa dạng, chủ yếu mua theo chuyến, theo lô chưa có các hợp đồng nhập khẩu than dài hạn, chưa đầu tư khai thác than ở nước ngoài.

Trong những năm gần đây, việc cấp than cho các nhà máy điện cũng gặp nhiều khó khăn, lượng than tồn trong kho than các nhà máy điện ở mức thấp kỷ lục vào năm 2018, nhiều nhà máy không đủ than để vận hành, đã có những thời điểm phải giảm công suất huy động, hoặc ngừng dự phòng bớt các tổ máy do không đủ than, như trường hợp của các nhà máy nhiệt điện than: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nghi Sơn. Trong đó, điển hình là nhiệt điện than Quảng Ninh có những thời điểm phải ngừng 2/4 tổ máy do thiếu than.

Nhu cầu than cho sản xuất điện đã liên tục tăng, từ 24 triệu tấn năm 2015 lên 40 triệu tấn năm 2018 (tăng 67%). Năm 2019, nhu cầu than cho sản xuất điện là 52 triệu tấn, trong đó nhu cầu than antraxit là 40 triệu tấn. Khả năng sản xuất than antraxit trong nước để cấp cho sản xuất điện của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc hiện nay chỉ khoảng 35 triệu tấn (bằng ~88% tổng nhu cầu) nên phải nhập khẩu và pha trộn than để đảm bảo nhu cầu tiêu thụ. Trong các năm tới, nhu cầu than antraxit sẽ tiếp tục tăng cao khi một số nhà máy mới vào vận hành như: Na Dương 2, Hải Dương, Thái Bình 2, An Khánh - Bắc Giang. 

4. Giải pháp đảm bảo sản lượng than khai thác trong nước: 

Để đảm bảo được sản lượng than khai thác nội địa như mục tiêu đã đề ra, ngoài việc phải khắc phục các khó khăn, thách thức, kể cả về vốn đầu tư như đã nêu trên cần phải tăng cường bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác, chế biến, vận chuyển than để góp phần cùng với các hộ sử dụng than giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường của than. Theo đó, việc khai thác than trong nước thực hiện định hướng và các giải pháp sau đây:

4.1. Đẩy mạnh đầu tư thăm dò một cách hợp lý, phù hợp với từng giai đoạn và nâng cao mức độ tin cậy của công tác thăm dò nhằm thực hiện mục tiêu nắm chắc tài nguyên, đảm bảo đủ trữ lượng than tin cậy cho việc khai thác theo QH, nhất là tại Bể than Đông Bắc.

4.2. Tập trung phát triển các mỏ hầm lò sản lượng lớn theo tiêu chí “Mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ sản lượng cao”. Liên thông các mỏ hầm lò có cùng điều kiện khoáng sàng thành các mỏ có công suất lớn trên 2,0 triệu tấn/năm. Tiếp tục nghiên cứu đổi mới công nghệ khai thác theo hướng tiên tiến hiện đại gắn liền với cơ giới hóa, tự động hóa và tin học hóa; thực hiện đồng bộ các giải pháp với mục tiêu đảm bảo an toàn, tăng năng suất lao động và giảm chi phí.

4.3. Phát triển mở rộng các mỏ lộ thiên hiện có theo hướng nâng cao hệ số bóc giới hạn, phù hợp với điều kiện kỹ thuật và giá bán than; nâng cao tối đa năng lực khai thác phù hợp với quy hoạch đổ thải, vận tải, thoát nước và bảo vệ cảnh quan môi trường. Tiếp tục đổi mới đồng bộ và hiện đại hóa thiết bị dây chuyền khai thác, vận tải theo hướng đưa vào sử dụng các thiết bị cơ động công suất lớn, các hệ thống vận tải liên tục phù hợp với điều kiện và quy mô của từng mỏ.

4.4. Khai thác tận thu tối đa nguồn tài nguyên than, bao gồm cả phần tài nguyên tại các khu vực trụ bảo vệ các công trình hầm lò, phần tài nguyên còn lại sau khi đã khai thác hầm lò...

4.5. Tăng cường băng tải hóa trong vận tải than tiến tới chấm dứt vận tải ô tô trong hệ thống vận tải ngoài tại tất cả các vùng than để giảm thiểu phát thải bụi, khí thải, tiếng ồn, nâng cao năng suất, giảm tai nạn và chi phí.

4.6. Tăng cường đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; có chính sách, biện pháp thích đáng thu hút công nhân hầm lò, đồng thời đảm bảo an toàn lao động với mục tiêu “tai nạn bằng không”.

4.7. Tăng cường hợp lý hóa sản xuất và công tác quản trị chi phí để giảm tiêu hao vật tư, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí và hạ giá thành than.

4.8. Tăng cường sự hợp tác chặt chẽ, bền vững, hiệu quả giữa các doanh nghiệp SXKD than, các đơn vị phụ trợ và các hộ sử dụng than, nhất là các NMNĐ than để đảm bảo quá trình sản xuất - tiêu thụ - sử dụng than diễn ra liên tục, ổn định.

4.9. Có giải pháp huy động tối đa các nguồn lực của xã hội tham gia đầu tư để góp phần thúc đẩy tiến độ thi công và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư khai thác than. Đồng thời tăng cường hội nhập và mở rộng hợp tác với các đối tác có tiềm lực mạnh nước nước ngoài.

Về lĩnh vực bảo vệ môi trường:

Chủ động bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo sự phát triển của ngành than thân thiện với môi trường, với mục tiêu đưa ngành than trở thành ngành kinh tế xanh, tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các giải pháp:

- Thu gom, xử lý, tái sử dụng tối đa theo hướng kinh tế tuần hoàn các chất thải phát sinh trong sản xuất.

- Cải tạo phục hồi môi trường kịp thời các mỏ, bãi thải kết thúc hoạt động.

- Thực hiện vận chuyển bằng băng tải, đường sắt chở than ngoài mỏ.

- Xây dựng hệ thống rửa xe trên các tuyến đường từ mỏ, bến cảng để giảm thiểu ảnh hưởng của bụi bẩn từ quá trình đổ thải, vận tải, tiêu thụ.

- Xây dựng đầy đủ đê, kè, đập chắn đất đá tại chân bãi thải, hồ lắng đầu nguồn sông suối thoát nước hạn chế tối đa đất đá xói lở bồi lấp hệ sinh thái hạ lưu.

- Cải thiện cảnh quan môi trường mặt bằng sản xuất, tuyến đường chuyên dụng đảm bảo xanh - sạch - đẹp.

5. Định hướng nhập khẩu than và đầu tư khai thác than ở nước ngoài:

Theo dự thảo QH phân ngành than [2], dự kiến sản lượng than cần nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu còn thiếu và để phối trộn với than nội địa đến năm 2050 như sau (1.000 tấn):

 

2021

2022

2025

2030

2035

2040

2045

2050

Than nhập khẩu

56.665

65.243

71.063

90.790

102.012

107.683

95.564

100.937

Đơn vị nhập khẩu

               

- TKV

10.500

11.600

14.000

17.500

20.000

30.000

30.000

30.000

- Tcty Đông Bắc

5.000

5.000

10.000

10.500

10.500

10.500

10.500

10.500

- Các đơn vị khác

41.165

48.642

47.263

62.791

71.511

77.183

55.064

60.438


Việc pha trộn giữa than nhập khẩu và than sản xuất trong nước theo tỷ lệ tối ưu, trên cơ sở đó khối lượng than nhập khẩu để phối trộn căn cứ vào khối lượng than sản xuất của các đơn vị và nhu cầu của các hộ sử dụng.

Lựa chọn nguồn cung cấp than: Theo dự báo của World Energy Outlook 2019 của Tổ chức Năng lượng Quốc tế IEA, giao dịch than trên thế giới từ nay đến năm 2040 tương đối ổn định, ước khoảng 1.100 Mcte mỗi năm (tấn than quy ước). Các nước tăng xuất khẩu so với hiện nay chủ yếu gồm Úc và Nga. Các nước giảm xuất khẩu chủ yếu là Indonesia do chính sách giảm xuất khẩu để phục vụ nhu cầu trong nước cho phát điện. Nam Phi gần như không tăng xuất khẩu do trữ lượng than hạn chế. Các nước nhập khẩu lớn như Trung Quốc, các nước EU có xu hướng giảm nhập khẩu than sau khi đạt đỉnh do nhu cầu bảo vệ môi trường. Trong khi đó, nhu cầu than nhập khẩu tăng mạnh ở các nước Đông Nam Á và các nước châu Phi do phát triển kinh tế. 

Theo đó, trước mắt và trung hạn nguồn than nhập khẩu là từ thị trường than Indonesia, Úc và Nam Phi. Trong dài hạn, ngoài thị trường Úc cần tập trung mở rộng sang thị trường Nga và một số thị trường tiềm năng khác như Mông Cổ, Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ, Côlômbia... 

Giải pháp đảm bảo nguồn cung: Mục tiêu lớn nhất của nhập khẩu than cho sản xuất điện là đảm bảo được nguồn cung ổn định trong dài hạn (theo vòng đời nhà máy điện) với giá cạnh tranh. Để thực hiện được mục tiêu đó, cần phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ đảm bảo nguồn cung như sau: Đa dạng hoá nguồn cung; Đầu tư chiếm lĩnh thị trường đảm bảo thị phần chắc chắn, ổn định; Áp dụng phương thức mua và định giá than phù hợp.

Đặc biệt, để có nguồn than ổn định phải đầu tư mua mỏ ở nước ngoài. Các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn độ, Đài Loan… đã đầu tư mua mỏ ở các nước khu vực châu Á - TBD từ hàng chục năm nay. Đây là dạng đầu tư mạo hiểm và nhiều rủi ro cần có chiến lược bài bản và Chính phủ phải có sự hỗ trợ thích đáng bằng các hình thức thích hợp từ cơ chế chính sách, hỗ trợ đầu tư, hợp tác quốc tế, đường lối ngoại giao năng lượng, v.v...

Theo kinh nghiệm nhập khẩu của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc thì tỷ lệ giữa việc nhập khẩu than từ đầu tư và nhập khẩu than theo hợp đồng thương mại khoảng 50/50. Trong quá trình đầu tư cần đa dạng hóa các hình thức như: Đầu tư các mỏ mới, hoặc mua lại mỏ để thăm dò, khai thác; mua cổ phần của các công ty đang khai thác và xuất khẩu để giành quyền mua lượng than tương ứng với tỷ lệ cổ phần đầu tư. Đối với việc mua theo hợp đồng thương mại để đảm bảo cạnh tranh và tránh rủi ro cần đa dạng các hình thức hợp đồng nhập khẩu than như: Hợp đồng dài hạn, hợp đồng theo năm, hay hợp đồng theo từng chuyến (giao ngay) với tỷ lệ từng loại than và cơ chế định giá phù hợp.

Về tổ chức nhập khẩu than: Theo kinh nghiệm của các nước thì tập trung chủ yếu vào các đơn vị có tiềm lực tài chính, có cơ sở hạ tầng bến cảng, kho bãi đảm bảo môi trường. Hiện nay ở nước ta, khối lượng than nhập khẩu chủ yếu cho nhiệt điện với các đơn vị nhập khẩu chính là PVN, EVN, TKV và các công ty tư nhân, hoặc một số đơn vị nước ngoài đầu tư nhà máy điện.

Ngoài ra, còn có các đơn vị khác nhập than cung cấp cho xi măng và luyện kim như Tập đoàn Hòa Phát. Hầu hết các đơn vị trên đều có hệ thống hạ tầng kho bãi, bến cảng đáp ứng nhu cầu tại chỗ.

Đặc biệt, TKV đã thương thảo với các đối tác ở Indonesia, Malaysia, Australia, Nga, Ukraine để nhập khẩu than cho Việt Nam. Đến nay, TKV đã ký 10 Biên bản ghi nhớ, 1 Hợp đồng nguyên tắc với một số công ty than của Indonesia, Australia; Công ty Sojitz, Marubeni, Sumitomo của Nhật Bản và 1 Thỏa thuận cung cấp than dài hạn với Công ty ASPECT Resources của Australia với tổng khối lượng than đã ký kết khoảng trên 20 triệu tấn/năm, trong đó phần lớn là than nâu với nhiệt trị 5.000 - 6.000 kcal/kg dùng cho các nhà máy điện.

Cạnhn đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng đã ký được 4 Hợp đồng khung về cung cấp than với các đối tác Ensham Coal Sales và Peabody của Australia, Tuah Turangga Agung của Indonesia, Sojitz Corporation của Nhật Bản và 1 Biên bản ghi nhớ với Noble Group của Indonesia với tổng khối lượng than đã ký khoảng 10 triệu tấn/năm, đáp ứng đủ nhu cầu than cho các nhà máy nhiệt điện của PVN.

Vì vậy, thời gian tới vẫn giao nhiệm vụ cho các đơn vị này thực hiện nhập khẩu than, nhất là cho điện. Tuy nhiên, để tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, đẩy giá than tăng cao, gây rối loạn thị trường cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với nhau và với các hộ sử dụng than theo chiến lược chung dưới sự chỉ đạo, giám sát kịp thời của Chính phủ. Có thể thành lập Hiệp hội nhập khẩu than để hợp tác, hỗ trợ nhau cùng nghiên cứu thị trường, cung cấp thông tin, thống nhất hành động và đàm phán theo chủ trương, định hướng chung với người bán cũng như trong xây dựng, vận hành hệ thống logistics, vận chuyển than nhằm đảm bảo có nguồn cung ổn định, chất lượng phù hợp và giá cả hợp lý. 

Về hệ thống hạ tầng logistics phục vụ xuất, nhập khẩu than: Để phù hợp yêu cầu phát triển trong thời gian tới cần thiết phải tiếp tục đầu tư xây dựng các cảng, bến bãi rót, pha trộn và vận chuyển than tại các vùng như sau: 

Vùng than Đông Bắc: 

Thứ nhất: Các vùng Uông Bí, Hòn Gai, Cẩm Phả: Tiếp tục duy trì và cải tạo nâng cấp hiện đại hóa cảng Bến Cân, cảng Hồng Thái Tây, cảng Điền Công, cảng Làng Khánh, cụm cảng Km6, cảng Cẩm Phả, cảng Khe Dây, cảng Hóa Chất Mông Dương, đáp ứng tổng công suất: Nhập than khoảng 16 - 20 triệu tấn/năm; xuất than 45 - 50 triệu tấn/năm. Các giải pháp cải tạo nâng cấp theo hướng: 

- Cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật các cảng; từng bước đầu tư các kho than có mái che; nâng cấp công nghệ bốc xúc, vận chuyển và rót than xuống tàu với quy mô hiện đại liên hoàn từ kho đến bến rót. 

- Quy hoạch bổ sung chức năng nhập, pha trộn than tại các cảng để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ than trong nước và xuất khẩu, gồm: Xây dựng bổ sung hệ thống hạ tầng, thiết bị bốc rót, kho than có mái che… 

Thứ hai: Sau năm 2030, xây dựng mới cảng Đông Triều - Phả Lại với công suất 1,0 - 2,0 triệu tấn/năm để phục vụ tiêu thụ than cho mỏ Đông Triều và mỏ Chí Linh I, Chí linh II. 

Vùng đồng bằng Sông Hồng và các vùng khác: 

Thứ nhất: Quy hoạch các cảng mới chuyên dùng xuất than tại các vị trí phù hợp với định hướng phát triển các mỏ than vùng Đồng bằng Sông Hồng giai đoạn sau năm 2030, công suất mỗi cảng khoảng 1,0 - 2,0 triệu tấn/năm, đáp ứng cho tàu trọng tải đến 2.000 tấn, gồm các cảng: 

- Cảng Nam Phú - Thái Bình: Công suất 2,0 triệu tấn/năm, phục vụ xuất nhập vật tư, thiết bị và tiêu thụ than cho mỏ Nam Phú I và mỏ Nam Phú II - Tiền Hải Thái Bình. 

- Cảng Nam Thịnh - Thái Bình: Công suất 1,0 triệu tấn/năm, phục vụ xuất nhập vật tư, thiết bị và tiêu thụ than cho mỏ Nam Thịnh - Tiền Hải Thái Bình. 

Thứ hai: Tiếp tục sử dụng hệ thống kho bãi tiêu thụ than tại cảng Bắc Vân Phong của Tổng công ty Đông Bắc để phục vụ công tác chế biến, tiêu thụ, nhập khẩu than.

Thứ ba: Phát triển đội tàu vận chuyển nội địa/ven biển chuyên dụng cho việc vận chuyển, bốc dỡ từ các cảng trung chuyển than nhập khẩu về các NMNĐ than.

6. Các chính sách, giải pháp chung từ phía Nhà nước:

a. Về cơ chế, chính sách khai thác than trong nước:

- Đi đôi với nâng cao chất lượng quy hoạch cần ưu tiên thực hiện Quy hoạch ngành than. Các quy hoạch khác không được chồng lấn, hoặc gây cản trở việc thực hiện Quy hoạch ngành than nhằm tạo điều kiện triển khai kịp thời các hoạt động thăm dò, khai thác phần tài nguyên, trữ lượng than đang bị vướng các quy hoạch địa phương. 

- Khôi phục việc dự trữ than quốc gia để kịp thời đối phó với những rủi ro gián đoạn nguồn cung trong việc nhập khẩu do các biến động thị trường và phi thị trường, cũng như những biến động cực đoan của thời tiết.  Đối với ý kiến cho rằng: Trước đây đã từng thiết lập dự trữ than quốc gia nhưng đã bãi bỏ, song đó là điều xảy ra khi nước ta là nước xuất khẩu than ròng không bao giờ thiếu than, còn nay đã là nước nhập khẩu than ròng với mức độ ngày càng cao, theo đó rủi ro cao về gián đoạn nguồn cung do mọi nguyên nhân.

- Có chính sách khuyến khích nghiên cứu, áp dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác, chế biến, sử dụng than. Đặc biệt, hỗ trợ điều tra, đánh giá tài nguyên, trữ lượng và nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ khai thác tại Bể than Đồng bằng sông Hồng và dưới mức -500 m Bể than Đông Bắc để đảm bảo yêu cầu cho công tác thăm dò, phát triển các dự án khai thác theo Quy hoạch. 

- Sửa đổi Điểm c Khoản 2 Điều 53 của Luật Khoáng sản 60/2010/QH12 về điều kiện cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo hướng giảm dần tỉ lệ vốn đối ứng của chủ sở hữu/chủ đầu tư theo quy mô công suất tăng dần của các dự án đầu tư theo trình tự: 30%; 25%; 20% và 15%.

- Hiện nay, khai thác than chủ yếu để phục vụ nhu cầu trong nước nên Nhà nước gộp thuế tài nguyên và tiền cấp quyền khai thác; đồng thời giảm thuế tài nguyên xuống mức ngang bằng các nước trong khu vực để góp phần hạ giá thành, nâng cao tính cạnh tranh của than nội địa. 

- Giá bán than khai thác trong nước đảm bảo bù đắp chi phí và có lãi ở mức hợp lý được xác định trên cơ sở khai thác tận thu tối đa nguồn than, nâng cao tính tự chủ, giảm thiệt hại do rủi ro gián đoạn nguồn cung và hiệu quả kinh tế - xã hội.

b. Về cơ chế, chính sách nhập khẩu và đầu tư khai thác than ở nước ngoài:

- Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, giải pháp đồng bộ nhập khẩu than và đầu tư khai thác than ở nước ngoài. Đảm bảo hài hòa giữa các chính sách ngoại giao năng lượng, thương mại, đầu tư, tài chính và hợp tác với các nước và các tổ chức khai thác, xuất khẩu than.

- Cho phép các đơn vị nhập khẩu than được đàm phán giá mua bán than theo thông lệ quốc tế (đa dạng hóa loại hình và kỳ hạn hợp đồng; tăng cường sử dụng loại hợp đồng giá thả nổi gắn liền với chỉ số giá giao ngay; ký hợp đồng bảo hiểm rủi ro với các định chế tài chính để cho phép lựa chọn giá thả nổi cố định bất kỳ khi nào muốn). Cùng với đó là cho phép ký các cam kết dài hạn với các nhà cung cấp than lớn trên thế giới có uy tín để nhập khẩu than cho các nhà máy nhiệt điện than trong nước đảm bảo ổn định dài hạn với giá cả hợp lý.

- Hỗ trợ xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, hệ thống logistics phục vụ nhập khẩu than. Cho phép nghiên cứu xây dựng các trung tâm quản lý than cho mỗi cụm các NMNĐ than (3 - 5 nhà máy) với mục đích quản lý giao nhận, phối trộn và điều hành chuổi cung ứng tập trung cho các NMNĐ than trong cụm.

c. Về chính sách sử dụng than:

- Có chính sách khuyến khích các hộ tiêu dùng than trong nước đầu tư công nghệ mới để nâng cao hiệu quả sử dụng than. 

- Có chính sách sử dụng tiết kiệm than, tận thu nguồn than chất lượng thấp đưa vào sử dụng, hoặc chuyển sang sử dụng loại than chất lượng thấp hơn.

- Cho phép xuất khẩu các chủng loại than phù hợp thị trường nước ngoài do doanh nghiệp tự quyết định sau khi ưu tiên cung ứng than cho thị trường trong nước và đảm bảo hiệu quả kinh tế trong việc xuất - nhập khẩu than trên phạm vi nền kinh tế.

- Thay thế quy định của Luật thuế BVMT số 55/2014/QH13 đánh vào than bằng quy định đánh thuế trực tiếp vào mức độ phát thải khí CO2 theo thực tế của các hộ sử dụng than.

- Xây dựng và phát triển thị trường than trong nước được vận hành có sự quản lý chặt chẽ, hợp lý của Nhà nước gắn với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững ngành than./.

[*] HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM; KHOA QUẢN LÝ CÔNG NGHIỆP VÀ NĂNG LƯỢNG - EPU


Tài liệu tham khảo:

[1] Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Dự thảo lần 3 tháng 2/2021).

[2] Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 – Phân ngành than (Dự thảo tháng 4/2021).

 

nangluongvietnam.vn/

Bài viết cùng chủ đề

Dự thảo Quy hoạch điện VIII

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động