RSS Feed for Có nhiều nhà đầu tư xin xây dựng dự án điện sinh khối | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 25/11/2024 08:44
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có nhiều nhà đầu tư xin xây dựng dự án điện sinh khối

 - Theo thông tin từ Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), đã có khoảng 10 nhà đầu tư nộp hồ sơ xin phép xây dựng dự án điện từ đốt sinh khối (biomass) với công suất lắp đặt trung bình khoảng 10 MW.

Câu hỏi khó về mục tiêu 1.000 MW điện gió vào năm 2020
Cần khắc phục những tồn tại để phát triển năng lượng tái tạo
Phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam cần chính sách đủ mạnh

Chưa biết đầu tư từ đâu

Tuy nhiên, theo lời đại diện Công ty cổ phần mía đường Tuyên Quang, phát biểu tại cuộc hội thảo về đầu tư vào điện sinh khối tại Việt Nam do Cơ quan hợp tác quốc tế Đức (GIZ) và Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) tổ chức hôm 14/8 thì: “44 nhà máy mía đường trong cả nước sẵn sàng trở thành các nhà đầu tư vào điện sinh khối vì đây là cơ chế đầu tư tất yếu của các nhà máy đường. Từ năm 2015 trở đi, việc sản xuất kinh doanh đường cạnh tranh quốc tế lớn, không thể trông chờ vào nguồn doanh thu từ đường được”.

Ý ông là lúc đó giá đường sẽ hạ vì ngành đường không còn ưu đãi nên các chủ đầu tư mía đường phải chú trọng đầu tư chiều sâu, tận dụng nguồn nguyên liệu bã mía để đốt nhiên liệu, sản xuất điện nhằm tăng doanh thu.

“Chúng tôi sẵn sàng đầu tư các nhà máy từ 5 MW đến 30 MW và có 12-14 nhà đầu tư nghiên cứu sâu về vấn đề này. Nhưng chúng tôi cần cơ chế cụ thể để hướng dẫn đầu tư, nếu không sẽ không biết bắt đầu từ đâu”.

Đại diện công ty nó trên cho biết nhà máy của ông đã liên hệ với một số UBND tỉnh và Sở Công Thương, nhưng các nơi đều lúng túng và đề nghị ông thuê tư vấn điện. Nhưng doanh nghiệp của ông chưa sẵn sàng thuê tư vấn nếu không biết dự án sẽ tiến hành theo cơ chế nào.

Hiện cả nước đã có một số nhà máy điện biomass sản xuất từ bã mía bán điện cho Tập đoàn Điện lực (EVN). Tuy nhiên, giá bán rất rẻ, tùy từng hợp đồng cao nhất cũng chỉ được 4 cent Mỹ/ kWh. Nay đã có Quyết định 24 của Chính phủ ban hành năm 2014 hướng dẫn đầu tư vào năng lượng tái tạo, quy định giá mua điện biomass là 5,3 cent/kWh và sản xuất ra đến đâu EVN mua đến đó.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ, vấn đề quan trọng nhất hiện nay vẫn là cơ chế. Doanh nghiệp của ông sẵn sàng đầu tư dự án có tổng công suất đến 30 MW và họ cũng không thiếu vốn. Ước tính vốn đầu tư 1 MW điện biomass là 1 triệu đô la Mỹ (theo công nghệ Ấn Độ), chỉ thấp hơn đôi chút so với suất đầu tư 1 MW điện gió. Song ngoài giá đã được nhà nước quy định thì việc chưa đàm phán hợp đồng mua bán điện với EVN, các cơ chế hỗ trợ nhập khẩu máy móc phục vụ các dự án năng lượng sạch cũng chưa có, cơ chế khuyến khích các nhà truyền tải điện phối hợp với nhà đầu tư phát điện cũng đầy rẫy khó khăn. Nên khi nào qua được các bước này, xác định được các cơ chế, hợp đồng rõ ràng, doanh nghiệp sẽ đầu tư. Ông hy vọng nếu mọi chuyện suôn sẻ, khoảng tháng 9/2017, dự án có thể đi vào vận hành.

Tổng lượng tiềm năng sinh khối các loại ở Việt Nam ước tính khoảng 150 triệu tấn/năm, tương đương với mức quy đổi 50 triệu tấn dầu thô.

Điện gió, điện sinh khối: chỉ mới bắt đầu

Hiện nay, trong các dòng năng lượng tái tạo, thủy điện nhỏ (dưới 30 MW) được khai thác nhiều nhất ở Việt Nam với sự vận hành của hơn 300 dự án với tổng công suất trên 600 MW. Tuy nhiên, sự đầu tư ồ ạt vào các dự án thủy điện vừa và nhỏ đã liên tục gây ra hậu quả trong nhiều năm qua khiến cho việc loại các dự án thủy điện ra khỏi quy hoạch nhiều hơn là cấp phép mới. Tính đến tháng 6 vừa qua, đã có 415 dự án thủy điện nhỏ bị loại.

Các dự án điện gió mới phát triển trong vài năm trở lại đây do Việt Nam có nhiều khu vực ven biển, hải đảo, cao nguyên miền Trung và Nam Bộ có tiềm năng về gió. Hiện có khoảng 67 dự án điện gió đã đăng ký với dải công suất lắp đặt dự kiến từ 6 đến 150 MW. Tuy nhiên, hầu hết các dự án đang ở trong giai đoạn chuẩn bị và nhiều chủ đầu tư đã rời dự án vì các cơ chế, thủ tục và điều kiện tài chính để đầu tư một dự án điện gió là rất lớn so với các dự án điện khác, thời gian thu hồi vốn cho dự án lại rất lâu, ẩn chứa nhiều rủi ro.

Vì vậy, đến nay chỉ có 2 dự án điện gió đã và đang vận hành, đấu nối vào hệ thống lưới điện quốc gia là dự án của Công ty cổ phần năng lượng tái tạo Việt Nam tại tỉnh Bình Thuận, có công suất lắp đặt 30 MW. Dự án thứ hai là dự án của Công ty cổ phần Công Lý đầu tư tại Bạc Liêu, với công suất chưa đến 20 MW.

Nhiều chủ đầu tư dự án điện gió đã đăng ký nhưng vì những lý do khác nhau đã không tiếp tục theo đuổi dự án.

Riêng dự án điện biomass thì chưa có dự án nào được chính thức cấp phép và nằm trong quy hoạch điện quốc gia. Theo quy hoạch điện của tổng sơ đồ VII (2011-2020 có xét đến 2030) và Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, mục tiêu đặt ra cho năng lượng sinh khối đến năm 2020 là đạt 500 MW, năm 2030 là 2000 MW.

Theo ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm năng lượng tái tạo và cơ chế phát triển sạch (Viện Năng lượng, Bộ Công Thương), tổng lượng tiềm năng sinh khối các loại ở Việt Nam ước tính khoảng 150 triệu tấn/năm, tương đương với mức quy đổi 50 triệu tấn dầu thô. Ngoài bã mía, trấu, tất cả các loại chất xơ cây trồng, phế thải từ hoạt động nông , lâm nghiệp sau thu hoạch (chất thải cây cà phê, hạt điều… sau chế biến và thậm chí là rác thải sinh hoạt ) nếu được xử lý ở công nghệ cao đều có thể phát điện và cần được khuyến khích phát triển bằng hành lang cơ chế chính sách, rõ ràng.

Theo Kinh tế Sài Gòn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động