RSS Feed for Cần khắc phục những tồn tại để phát triển năng lượng tái tạo | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 18:25
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Cần khắc phục những tồn tại để phát triển năng lượng tái tạo

 - Theo các chuyên gia, để triển khai hiệu quả các dự án năng lượng tái tạo, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn, trợ giá nhằm khuyến khích được các nhà đầu tư, cũng như thúc đẩy phát triển các dạng năng lượng tái tạo. Đồng thời, cần khắc phục những tồn tại gây cản trở ngành phát triển như: thủ tục phức tạp, cơ sở hạ tầng kém, thiếu năng lực sản xuất trong nước với hầu hết các công nghệ năng lượng tái tạo…

>> Cần 2,1 tỷ USD để đạt 1.000 MW điện gió đến năm 2020
>> Bình Định cấp phép dự án nhà máy điện gió 109 triệu USD
>> Sóc Trăng có 3 vùng quy hoạch phát triển điện gió

Nằm trong chương trình Triển lãm quốc tế lần thứ 4 về Công nghệ & Thiết bị điện và Hội chợ Triển lãm Quốc tế Công nghệ sản phẩm Tiết kiệm năng lượng & Năng lượng xanh, ngày 17/7, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) tổ chức hội thảo “Tiềm năng phát triển nguồn năng lượng tái tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.”

Theo tài liệu tại hội thảo, Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 10 triệu dân, phát sinh từ 8.000-9000 tấn CTRSH/ngày (CTRSH-lượng chất thải rắn sinh hoạt), do đó Thành phố đã triển khai mạnh lĩnh vực tái sinh năng lượng từ chất thải rắn, mang lại lợi ích kinh tế thiết thực về khả năng tái sinh năng lượng nhiệt, điện, tro, compost cũng như nguyên liệu có giá trị cao.

Giá trị mua bán các loại sản phẩm tái chế, tái sinh từ CTRSH như giá nhiệt là 0,3 đồng/Kcal, tro 1 triệu đồng/tấn, compost300.000-500.000 đồng/tấn…

Theo hướng tái sinh, tái chế, hàng năm Thành phố thu từ 1.553-2.782 tỷ đồng, đủ bù chi cho 2.208 tỷ đồng chi trả xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bằng phương pháp chôn lấp.

Theo báo cáo Viện Năng lượng, hiện nay, Việt Nam có hơn 60 trạm đo gió cao 60-100m, có các cảm biến đo gió ở các độ cao khác nhau và dự kiến Bản đồ nguồn gió của Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới thực hiện sẽ hoàn thành vào năm 2015. 

Ở lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ năng lượng Mặt Trời nói riêng vẫn ở mức thấp, quy mô nhỏ và phân tán, hầu hết các dự án chỉ mang tính giới thiệu, trình diễn do mức chi phí quá cao.

Tuy nhiên, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2015, mật độ trạm tăng ít nhất 50% so với hiện nay và tự động hóa 75% số trạm trong mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn. 

Năm 2020, mật độ trạm tương đương với các nước phát triển và tự động hóa trên 90% số trạm quan trắc, đồng thời tăng cường hệ thống đo đạc từ xa.

Ngoài lĩnh vực năng lượng gió, Mặt Trời, Việt Nam còn đang đẩy mạnh phát triển một số lĩnh vực năng lượng tái tạo tiềm năng khác gồm năng lượng khí sinh học, năng lượng rác thải, năng lượng sinh khối…

Viện Năng lượng cho biết Việt Nam có nhu cầu năng lượng và điện năng tăng cao trong thời gian tới, dự báo đến năm 2030 nhu cầu năng lượng sẽ tăng khoảng 4 lần so với năm 2005, điện tăng khoảng 7 lần so với năm 2010 và dự kiến sau năm 2015 phải nhập khẩu than cho sản xuất điện. 

Bởi vậy, đẩy mạnh tiềm năng phát triển nguồn năng lượng tái tạo là hết sức cần thiết, góp phần cung cấp năng lượng tại chỗ, từng bước thay thế nguồn năng lượng hóa thạch (than, dầu và khí) đang cạn kiệt. 

Đồng thời, khai thác hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo đa dạng với tiềm năng lớn của Việt Nam, hướng đến bảo đảm an ninh năng lượng, giảm phát thải môi trường.

Theo các chuyên gia, để triển khai hiệu quả các dự án và đạt mục tiêu nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn, trợ giá nhằm khuyến khích được các nhà đầu tư, cũng như thúc đẩy phát triển các dạng năng lượng tái tạo. Đồng thời, cần khắc phục những tồn tại gây cản trở ngành phát triển như: thủ tục phức tạp, cơ sở hạ tầng kém, thiếu năng lực sản xuất trong nước với hầu hết các công nghệ năng lượng tái tạo…

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động