RSS Feed for Chuyên gia năng lượng phỏng vấn Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Điện lực miền Bắc | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 23/01/2025 19:21
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chuyên gia năng lượng phỏng vấn Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Điện lực miền Bắc

 - Trước thềm năm mới 2023, bà Đỗ Nguyệt Ánh - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã có những chia sẻ với chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam về những nỗ lực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, vấn đề vốn đầu tư, quản lý đầu tư xây dựng, cũng như công tác dịch vụ khách hàng, chuyển đổi số trong năm 2022 và kế hoạch phát triển năm 2023. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
Chủ tịch HĐTV EVNNPC được trao danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022 Chủ tịch HĐTV EVNNPC được trao danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022

Bà Đỗ Nguyệt Ánh - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) là một trong 60 gương mặt tiêu biểu được tôn vinh và trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022. Đây là danh hiệu cao quý quốc gia được trao tặng cho các doanh nhân tiêu biểu Việt Nam, là hoạt động tôn vinh doanh nhân do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức theo nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao tại Nghị quyết 09/NQ-TW ngày 9/12/2011 và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chuyên gia năng lượng phỏng vấn Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Điện lực miền Bắc
Bà Đỗ Nguyệt Ánh - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Điện lực miền Bắc.

Trước hết, thay mặt bạn đọc của “Năng lượng Việt Nam” xin chân thành cảm ơn bà Đỗ Nguyệt Ánh - Chủ tịch HĐTV EVNNPC đã có những động viên và giành thời gian cho lĩnh vực truyền thông về năng lượng.

Nhân dịp chào đón năm mới 2023, xin bà cho biết một vài nét chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng, công tác dịch vụ khách hàng và đặc biệt là hoạt động chuyển đổi số của EVNNPC trong năm 2022?

Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Hiện nay, EVNNPC đang thực hiện bán điện cho hơn 11 triệu khách hàng với sản lượng điện thương phẩm năm 2022 ước đạt 86,3 tỷ kWh, tăng trưởng 5,46% so với thực hiện năm 2021 và là đơn vị có sản lượng điện thương phẩm lớn nhất trong 5 Tổng công ty phân phối trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Năm 2022 là năm EVNNPC đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là ảnh hưởng từ xung đột quân sự giữa Nga và Ucraina làm giá nhiên liệu, vật tư thiết bị tăng cao, đã ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của EVN nói chung và Tổng công ty nói riêng. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, Tổng công ty đã đảm bảo cung cấp đủ điện, liên tục, ổn định với chất lượng ngày càng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống sinh hoạt của nhân dân.Năm 2022 hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật chính của Tổng công ty đều đạt và vượt so với kế hoạch được giao.

Cụ thể, tổn thất điện năng đạt 4,3%, giảm 0,24% so với năm 2021 và giảm 0,1% so với kế hoạch EVN giao; tỷ lệ công tơ điện tử đạt 72,3%; các chỉ tiêu về dịch vụ khách hàng đều đạt và vượt kế hoạch EVN giao (trong đó, chỉ số tiếp cận điện năng đạt 3,83 ngày, giảm 0,28 ngày so với thực hiện năm 2021 và giảm 2,17 ngày so với quy định của EVN); các chỉ tiêu về suất sự cố lưới điện 110 kV và độ tin cậy cung cấp điện đều giảm sâu so với kế hoạch EVN giao.

Năm 2022 cũng là một năm khó khăn trong công tác đầu tư xây dựng (ĐTXD) khi giá nguyên nhiên vật liệu (sắt thép, đồng, xi măng, xăng dầu) biến động tăng cao, gây khó khăn cho các nhà thầu khi thực hiện hợp đồng, nhiều gói thầu xây lắp của các dự án phải tổ chức đấu thầu lại 1-2 lần, cá biệt có dự án phải đấu thầu lần 4, khiến tiến độ các dự án bị chậm so với kế hoạch điều hành của Tổng công ty.

Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng ngày càng khó khăn, người dân nơi triển khai dự án đòi hỏi đơn giá đền bù cao gấp nhiều lần đơn giá của địa phương, khiến công tác thu hồi đất để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu gặp nhiều vướng mắc và chậm trễ.

Đứng trước những khó khăn khó, chúng tôi đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và khơi gợi tinh thần nỗ lực của tập thể cán bộ công nhân viên (CBCNV) toàn Tổng công ty, nhờ đó công tác ĐTXD đã hoàn thành đúng kế hoạch, đảm bảo chất lượng, cung cấp điện an toàn, đầy đủ, ổn định, phục vụ tốt cho công tác vận hành và kinh doanh của Tổng công ty.

Tính đến hết năm 2022, Tổng công ty hoàn thành khởi công lần lượt 98 dự án và đóng điện 60 công trình lưới điện 110 kV, đạt 100% kế hoạch EVN giao.

Cùng với đó, EVNNPC cũng đang nỗ lực hết sức mình để sớm trở thành Tổng công ty phân phối và kinh doanh điện năng hàng đầu ở Việt Nam, tiến tới ngang tầm các công ty điện lực ở các nước phát triển trong khu vực Đông Nam Á, dựa trên nền tảng văn hóa mạnh, nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ tiên tiến, hiện đại, với hệ thống dịch vụ xuất sắc, góp phần cùng với EVN hoàn thành và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, sứ mệnh được Đảng và Nhà nước giao.

Để đạt được mục tiêu đó, chúng tôi xác định chuyển đổi số là một trong các nhóm giải pháp quan trọng trong chiến lược phát triển của Tổng công ty. Với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, năm 2022, EVNNPC đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành cơ bản việc chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực hoạt động, qua đó đã nâng cao chất lượng cung cấp điện, chất lượng dịch vụ khách hàng của Tổng công ty.

Bên cạnh việc hoàn thành 100% nhiệm vụ EVN giao, Tổng công ty đã chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch chuyển đổi số của riêng mình. Đến nay, Tổng công ty đã đạt được một số kết quả nhất định, tiêu biểu như:

Trong công tác số hóa dữ liệu: Đã số hóa gần như toàn bộ dữ liệu về khách hàng, CBCNV, dữ liệu lưới điện 110 kV, trung áp, dữ liệu liên quan tới các công trình đầu tư xây dựng, dữ liệu đo đếm... Ngoài ra, 100% các hồ sơ tài liệu, văn bản đến và đi, hợp đồng với khách hàng… đều đã được số hoá. Các dữ liệu sau khi được số hoá đều đã được chuẩn hoá, làm sạch, đảm bảo tính chính xác và thống nhất, từ đó xây dựng các báo cáo khai thác, đáp ứng yêu cầu của công tác giám sát, vận hành và quản trị của Tổng công ty.

Song song với việc số hoá dữ liệu, chúng tôi đã tiến hành số hóa các quy trình nội bộ trong các lĩnh vực kinh doanh - dịch vụ khách hàng, tài chính - kế toán, kỹ thuật - an toàn… thông qua việc xây dựng chương trình số hoá quy trình của Tổng công ty.

Điển hình, trong lĩnh vực kinh doanh - dịch vụ khách hàng, các quy trình lập, ký, luân chuyển hồ sơ thanh toán tiền mua điện trước đây đều chỉ lưu trữ dạng giấy tờ và thanh toán làm bằng bảng excel, nay đã được thực hiện trên môi trường số. Các hợp đồng mua bán điện, thông tin của các nhà máy điện, dữ liệu đo xa của các nhà máy… được cập nhật đồng bộ tự động vào chương trình. Sau đó, chương trình sẽ tính tiền mua điện hàng tháng, lập tờ trình thanh toán và tổ chức ký số luân chuyển hồ sơ thanh toán từ Ban Kinh doanh đến Ban Tài chính để thanh toán tiền bán điện cho các nhà máy. Hay các quy trình trong lĩnh vực tài chính kế toán, bắt đầu từ khâu hợp đồng, qua giai đoạn hoàn thành, nghiệm thu và kết thúc ở khâu thanh, quyết toán đều đã được đưa lên môi trường số.

Bên cạnh đó, trong công tác kinh doanh - dịch vụ khách hàng, 100% các dịch vụ điện của Tổng công ty đều có thể đăng ký trực tuyến, kết nối các dịch vụ điện với Cổng Dịch vụ công Quốc gia để người dân thuận tiện trong việc tiếp cận các dịch vụ điện, dễ dàng trong việc theo dõi, tra cứu thông tin.

Bên cạnh đó, Tổng công ty đã áp dụng các công nghệ mới như: Chăm sóc khách hàng tự động qua hệ thống chat bot (trả lời tin nhắn tự động), trả lời cuộc gọi tự động, cung cấp đầy đủ các dịch vụ điện, tiện ích nhắn tin trên trang web, ứng dụng CSKH nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Trong lĩnh vực kỹ thuật, kết quả của chuyển đổi số là hiện đại hóa, tự động hóa lưới điện thông qua các chương trình: Hoàn tất chuyển đổi các trạm biến áp (TBA) sang chế độ không người trực và trung tâm điều khiển xa; kết nối thiết bị recloser, LBS về trung tâm điều khiển xa và triển khai ứng dụng tự động hóa mạch vòng trung áp tại tất cả các công ty điện lực; triển khai xây dựng thí điểm một số TBA theo tiêu chuẩn kỹ thuật số.

Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, Tổng công ty đã áp dụng nhật ký công trình điện tử và chữ ký số cho 100% các dự án mới triển khai. Bước đầu triển khai hệ thống giám sát thông minh bằng camera đối với nhà thầu tại công trường giúp kiểm soát chất lượng công trình và tiến độ thi công. Áp dụng các công nghệ mới như thiết kế 3D trong công tác khảo sát, thiết kế để nâng cao hiệu suất khảo sát và chất lượng.

Để hỗ trợ công tác chuyển đổi số, chúng tôi đã đầu tư nâng cao năng lực mạng truyền dẫn của Tổng công ty, nâng cao năng lực của trung tâm dữ liệu cả về năng lực lưu trữ, lẫn năng lực xử lý. Áp dụng các công nghệ tiên tiến trong việc theo dõi, giám sát hệ thống hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin (VT-CNTT). Trang bị các hệ thống và giải pháp bảo mật tiên tiến nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hệ thống khi tất cả dữ liệu, cũng như quy trình đều được đưa lên môi trường số. Vì vậy, trong năm 2022 Tổng công ty không để xảy ra sự cố an toàn thông tin nghiêm trọng nào.

Không chỉ có vậy, EVNNPC còn lan toả văn hóa doanh nghiệp số tới từng CBCNV thông qua việc tổ chức hàng chục chương trình đào tạo chuyển đổi số cả trực tiếp và trực tuyến (bao gồm đào tạo nhận thức cho CBCNV các cấp, đào tạo chuyên sâu cho chuyên gia, đào tạo nghiệp vụ cho các nhóm CBCNV, đào tạo chuyển giao các chương trình mới…) giúp nâng cao ý thức, kỹ năng, chuyên môn, đáp ứng được các yêu cầu công việc mới khi Tổng công ty dần trở thành một doanh nghiêp số.

Với kết quả thu được như vậy, Tổng công ty cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ chuyển đổi số theo đúng kế hoạch đã đề ra, tạo tiền đề cho việc triển khai thực hiện các kế hoạch và công tác chuyển đổi số (giai đoạn 2023 - 2025).

Để có được thành quả này, chủ động “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả”, ngay từ đầu năm 2022, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã xây dựng kế hoạch triển khai năm 2022, trong đó:

Một là: Xây dựng phương thức hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng tương ứng với các cấp độ dịch theo nguyên tắc chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và các địa phương để luôn đảm bảo vận hành, sản xuất và triển khai công tác ĐTXD trong mọi tình huống.

Hai là: Triển khai thực hiện chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực hoạt động SXKD của Tổng công ty theo đề án chuyển đổi số của EVN hướng đến 2025, trở thành doanh nghiệp số.

Ba là: Thực hiện các chương trình tiết kiệm chống lãng phí năm 2022; đề ra các giải pháp và quyết liệt thực hiện để đạt hiệu quả trong SXKD và đầu tư xây dựng, sắp xếp bố trí nguồn vốn, đảm bảo tiến độ các công trình ĐTXD.

Năm 2022 là năm bắt đầu khôi phục sau dịch Covid-19, nền kinh tế đã tăng trưởng mạnh, kéo theo là nhu cầu sử dụng điện, Tổng công ty đã ghi nhận và đáp ứng sự tăng trưởng nhu cầu đó như thế nào, thưa bà?

Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Năm 2022, việc thực hiện chỉ tiêu điện thương phẩm tiếp tục chịu tác động nặng nề từ các yếu tố khách quan. Điện thương phẩm năm 2022 ước đạt 86,3 tỷ kWh, tăng trưởng 5,46% so với năm 2021, là năm có tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong các năm gần đây (tăng trưởng bình quân (giai đoạn 2016 - 2020) là 10,83%/năm; tăng trưởng năm 2021 là 9,31%).

Bên cạnh đó, tình hình cuộc chiến Nga - Ucraina, chính sách Zero Covid của Trung Quốc… dẫn đến điện thương phẩm thành phần công nghiệp - xây dựng có mức tăng trưởng thấp, khoảng 4,87%.

Tuy nhiên, Tổng công ty luôn sẵn sàng các biện pháp đảm bảo cấp điện ổn định, tin cậy cho khách hàng, đặc biệt là trong những tháng cuối năm 2022. Có kế hoạch cụ thể trong việc chiếm lĩnh thị phần bán điện các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Thực hiện nhiều giải pháp trong công tác điều chỉnh phụ tải (DR), có phương án DR tối ưu khi phải thực hiện DR theo yêu cầu của EVN.

Được biết, với những khó khăn lớn của sự phục hồi kinh tế khu vực miền Bắc, trong năm 2022 Tổng công ty có thể không đạt sản lượng điện thương phẩm so với kế hoạch, nhưng toàn bộ các bộ chỉ tiêu khác về giá bán bình quân, độ tin cậy cấp điện (SAIDI, SAIFI), suất sự cố lưới điện phân phối, tổn thất điện năng, chỉ số tiếp cận điện năng… đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Vậy, xin bà cho biết các giải pháp cơ bản mà Tổng công ty đã thực hiện trong năm qua để đạt được kết quả này?

Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Năm 2022, như tôi đã đề cập, việc thực hiện chỉ tiêu điện thương phẩm chịu tác động nặng nề từ các yếu tố khách quan, khó khăn do ảnh hưởng của chiến tranh Nga - Ucraina, chính sách Zero Covid của Trung Quốc… dẫn đến điện thương phẩm có mức tăng trưởng thấp, việc đầu tư xây dựng các công trình điện gặp nhiều khó khăn do việc giải phóng mặt bằng chậm, giá nguyên vật liệu tăng cao… Trước những khó khăn đó, Tổng công ty đã có những chỉ đạo linh hoạt, quyết liệt, vì vậy đến hết năm 2022 hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của Tổng công ty đều đạt và vượt kế hoạch mà EVN giao. Để đạt được kết quả đó, Tổng công ty đã có những giải pháp cơ bản như sau:

Thứ nhất: Ngay từ cuối năm 2021, Tổng công ty đã rà soát để chủ động giao sớm kế hoạch sản xuất, kinh doanh, phân bố nguồn vốn cho các Công ty Điện lực, nhờ vậy mà các Công ty Điện lực triển khai hầu hết tất cả các công việc ngay từ những tháng đầu năm.

Thứ hai: Nâng cao năng lực quản trị của Tổng công ty bằng việc ở hầu hết các lĩnh vực đều giao chỉ tiêu cho các đơn vị, tổ chức đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu này gắn với cơ chế trả lương, việc đánh giá các chỉ tiêu đều được đo lường chính xác qua các ứng dụng chuyển đổi số của Tổng công ty.

Thứ ba: Tổng công ty cũng đẩy nhanh và đảm bảo tiến độ việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình điện 110 kV, lưới điện trung hạ áp, vì vậy năm 2022 các chỉ tiêu về độ tin cậy cung cấp điện và suất sự cố giảm rất nhiều so với năm 2021.

Về đầu tư xây dựng và huy động vốn cho đầu tư, được biết năm 2022 là năm mà Tổng công ty gặp khó khăn rất lớn về tài chính, nhưng đã huy động vốn đầu tư và giải ngân vốn đầu tư lớn nhất trong số 5 Tổng công ty Điện lực thuộc EVN để phục vụ công tác đầu tư xây dựng lưới điện. Xin bà cho biết các giải pháp đồng bộ là gì để các ngân hàng, các tổ chức tín dụng đồng hành phát triển cùng EVNNPC? Năm 2023, Tổng công ty có kế hoạch tiếp tục phát huy tiềm năng, huy động vốn cao hơn cho công tác đầu tư xây dựng không? Mảng đầu tư nào sẽ được Tổng công ty chú trọng và tập trung nguồn lực để thực hiện?

Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Năm 2022, hệ thống tài chính ngân hàng trong nước gặp nhiều khó khăn, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần thực hiện điều chỉnh tăng lãi suất. Hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng dành cho các ngân hàng hạn hẹp. Trong quý 4/2022, các ngân hàng không còn nhiều room để giải ngân, trường hợp còn room thì hạn chế giải ngân do lãi suất huy động cao, lãi suất cho vay không đủ bù lỗ.

Mặc dù, bị tác động hạn chế tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhưng tổng vốn đầu tư xây dựng của EVNNPC ước đạt 17.950 tỷ đồng, đạt 100% so với kế hoạch của EVNNPC và 99% so với kế hoạch EVN. Trong đó, lưới điện 110 kV đã thực hiện khởi công 98 danh mục, đóng điện 60 danh mục, báo cáo nghiên cứu khả thi 62 danh mục và thiết kế kỹ thuật 93 danh mục.

Về lưới điện trung hạ thế, chúng tôi tập trung triển khai các danh mục mạch vòng đa chia - đa nối nhằm nâng cao độ tin cậy lưới điện; thực hiện các dự án xuất tuyến các trạm 110 kV đồng bộ với các dự án 110 kV nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư đáp ứng nhu cầu phụ tải và thực hiện các dự án công nghệ thông tin phục vụ công tác chuyển đổi số của Tổng công ty.

Tính đến ngày 10/12/2022, Tổng công ty thực hiện giải ngân được 4.724 tỷ đồng đạt 79,6% so với kế hoạch được giao.

Để có được thành quả này, ngay từ 6 tháng cuối năm 2021, Tổng công ty đã có kế hoạch làm việc với các tổ chức tín dụng thương mại do Nhà nước nắm quyền chi phối, các tổ chức tín dụng thương mại cổ phần Nhà nước không nắm quyền chi phối, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các tổ chức tín dụng cho vay hợp vốn để trao đổi dành room tín dụng cho kế hoạch đầu tư xây dựng lưới điện năm 2022. Cuối năm 2021, Tổng công ty đã thực hiện chào cạnh tranh tới các ngân hàng cho kế hoạch dự kiến giải ngân trong năm 2022.

Với uy tín trong quan hệ tín dụng luôn trả nợ đầy đủ đúng hạn, các tổ chức tín dụng luôn dành room tín dụng riêng cho Tổng công ty. Trong các điều kiện tín dụng, ngân hàng đồng hành và dành chính sách ưu đãi về lãi suất cho vay, thời gian giải ngân, thời gian vay phù hợp với tiến độ thực hiện công trình. Bên cạnh đó, ngân hàng thực hiện miễn các loại phí cam kết, phí chuyển tiền, phí trả nợ trước hạn để Tổng công ty chủ động trong cân đối, tối ưu hóa dòng tiền.

Với sự đa dạng trong quan hệ với các tổ chức tín dụng, Tổng công ty sử dụng linh hoạt, kịp thời nguồn vốn vay tại các ngân hàng để giải ngân vốn đầu tư phục vụ công tác đầu tư xây dựng lưới điện.

Năm 2023, là một năm gặp nhiều khó khăn, thách thức do lãi suất cho vay tăng cao, hạn mức tín dụng hạn chế. Ngay từ cuối năm 2022, Tổng công ty có kế hoạch tiếp tục làm việc với các tổ chức tín dụng về room tín dụng cho năm sau. Tháng 9 năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Đây là nguồn kênh huy động vốn, Tổng công ty đang quan tâm, xem xét để đa dạng kênh huy động vốn trong điều kiện nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Năm 2023, Tổng công ty dự kiến nhu cầu đầu tư xây dựng là 18.756 tỷ đồng, tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án 110 kV trọng điểm đáp ứng nhu cầu các phụ tải quan trọng, hiện đại hóa lưới điện và tiếp tục triển khai các dự án thực hiện chuyển đổi số, trong đó:

Đối với lưới điện 110 kV: Dự kiến khởi công 70 công trình và đóng điện 100 công trình, đáp ứng nhu cầu phát triển phụ tải năm 2023. Thực hiện các dự án ĐTXD xuất tuyến 110 kV sau TBA 220 kV đồng bộ với dự án của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia; dự án lưới điện 110 kV đồng bộ với dự án TBA 110 kV chuyên dùng của khách hàng.

Đối với lưới điện trung hạ thế: Đầu tư phát triển để cung cấp điện đáp ứng nhu cầu cho các phụ tải tăng trưởng tự nhiên trên địa bàn, các dự án nâng cấp, cải tạo lưới điện 10 kV lên 22/35 kV; đầu tư để giảm tổn thất điện năng và ĐTXD lưới điện để bán điện trong khu công nghiệp, các chương trình nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và tự động hóa, cũng như đầu tư các xuất tuyến đóng điện đồng bộ với trạm 110 kV.

Thưa bà, năm 2022, tuy kinh tế khôi phục mạnh, nhưng lại có các biến động lớn về giá nhiên liệu, chuỗi cung ứng thiết bị vật tư bị gián đoạn, lạm phát, biến động tỷ giá, gây khó khăn cho hoạt động doanh nghiệp. Tổng công ty gặp những khó khăn nào và đã khắc phục vượt qua ra sao?

Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Trong năm 2022, tuy kinh tế khôi phục mạnh sau dịch Covid-19, nhưng lại có các biến động lớn về giá nhiên liệu, chuỗi cung ứng thiết bị vật tư bị gián đoạn, lạm phát, biến động tỷ giá, gây khó khăn cho hoạt động doanh nghiệp, trong đó có EVNNPC.

Cụ thể, biến động lớn về giá nhiên liệu làm một số gói thầu mua sắm hàng hóa và xây lắp thực hiện không thành công, phải đấu thầu lại, một số đơn vị đã trúng thầu từ chối tiếp tục thực hiện dự án do bị thua lỗ. Cụ thể là tại dự án JICA và dự án KFW, các gói thầu cung cấp dây dẫn, cột thép khi ký hợp đồng thì giá nguyên vật liệu lên cao so với thời điểm chào thầu. Nhiều đơn vị trúng thầu có ý định bỏ thầu.

Chuỗi cung ứng thiết bị vật tư bị gián đoạn ảnh hưởng rất nhiều tới việc cung ứng nguyên vật liệu để sản xuất vật tư thiết bị nội địa, ảnh hưởng tới tiến độ giao hàng của các hợp đồng, thay đổi xuất xứ đối với những vật tư thiết bị nhập khẩu (do việc vận chuyển giao hàng bị chậm, hãng sản xuất thay đổi khu vực cung ứng).

Lạm phát, biến động tỷ giá ảnh hưởng tới hoạt động nhập khẩu các vật tư thiết bị sản xuất tại nước ngoài.

Để tháo gỡ những khó khăn, EVNNPC đã làm việc trực tiếp với nhà thầu để vận động thực hiện gói thầu đã trúng thầu; xác định những dự án trọng điểm cần thực hiện gấp để đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ sản xuất, gia hạn thời gian giao hàng đối với những dự án chưa cần gấp; tăng cường giám sát hoạt động gia công, sản xuất của nhà thầu để đảm bảo chất lượng vật tư thiết bị; hỗ trợ nhà thầu trong quá trình thanh toán, đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Năm 2023 nhu cầu điện miền Bắc sẽ tiếp tục tăng mạnh trong khi nguồn điện có thể không tăng kịp. Tổng công ty có những kế hoạch nào để chuẩn bị cho thời gian cao điểm tiêu thụ điện ở miền Bắc?

Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Trong các năm giai đoạn gần đây, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, tình hình chính trị thế giới và các biến động kinh tế trong nước, dẫn tới nhiều khu vực sản xuất tăng trưởng chậm hơn so với dự kiến, quy luật phát triển phụ tải thay đổi nên rất khó khăn trong công tác dự báo. Theo số liệu giai đoạn 2019 - 2022, mức độ tăng trưởng Pmax các năm lần lượt là 7.8%, 6.4%, 13.6%, 5.6%. Vào năm 2023, dự báo Pmax sẽ tăng trưởng từ 5% - 10% so với năm 2022 (đạt ~ 16.200 - 17.000 MW).

Về cơ bản, EVNNPC là đơn vị phân phối và bán lẻ điện, nên sẽ không chủ động được về nguồn cấp, tuy nhiên với vai trò là đơn vị bán điện trực tiếp đến khách hàng, chúng tôi đã và đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị phát điện, truyền tải điện, các đơn vị vận hành hệ thống điện (A0/A1) theo sự chỉ đạo của EVN để đảm bảo cấp điện cho phụ tải miền Bắc.

Theo dự báo, trong năm 2023, hệ thống điện miền Bắc về cơ bản sẽ đáp ứng được nhu cầu phụ tải, chỉ trong khung giờ cao điểm của các ngày nắng nóng cực đoan, phụ tải tăng đột biến sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh và phải thực hiện điều tiết phụ tải. Để chuẩn bị cho cấp điện vào cao điểm năm 2023, EVNNPC đã và đang thực hiện các biện pháp sau:

Thứ nhất: Chỉ đạo các Công ty Điện lực làm việc với các khách hàng lớn sử dụng điện có kế hoạch điều chỉnh kế hoạch sản xuất, tăng cường sản xuất vào đầu năm, hoặc cuối năm và hạn chế sử dụng công suất lớn vào cao điểm hè (đặc biệt các ngày nắng nóng kéo dài), phối hợp với các Công ty Điện lực để tiết giảm công suất khi có yêu cầu từ các cấp điều độ.

Thứ hai: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm, đặc biệt trong thời gian nắng nóng.

Thứ ba: EVNNPC đang thực hiện phối hợp với các đơn vị liên quan để tiến hành mua điện Trung Quốc trong các tháng cuối năm 2022 và các tháng trong năm 2023, giúp tăng cường nguồn cấp cho miền Bắc.

Thứ tư: Hiện nay, EVNNPC đã và đang triển khai các dự án ĐTXD lưới điện để đảm bảo tăng cường nguồn cấp, đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng cao.

Đây là giai đoạn rất khó khăn trong việc đảm bảo cấp điện, đặc biệt vào các ngày cao điểm, do đó ngành điện rất mong muốn sự chung sức, phối hợp của khách hàng trong việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, tránh sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện công suất lớn vào các giờ cao điểm, từ đó hạn chế được nguy cơ phải tiết giảm phụ tải trong hè 2023.

Theo xu hướng tiến tới trung hòa carbon (Net-zero), việc quản lý phía nhu cầu để sử dụng điện năng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả ngày càng trở nên quan trọng. Xin bà cho biết, Tổng công ty có những biện pháp nào để tuyên truyền và hợp tác với các hộ tiêu thụ điện nhằm tiêu dùng thông minh, tiết kiệm?

Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Việc sử dụng điện năng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để tiết kiệm tài nguyên của đất nước và đảm bảo cho việc vận hành hệ thống điện an toàn, hiệu quả, với số lượng khách hàng lớn, địa bàn trải rộng, có nhiều phụ tải công nghiệp tiêu thụ điện với công suất lớn, để thực hiện công tác này, Tổng công ty đã triển khai đồng bộ hàng loạt các giải pháp về công tác truyền thông tới khách hàng và cộng đồng, cụ thể:

Thứ nhất: Tổ chức hoạt động tuyên truyền thường xuyên, liên tục, lâu dài về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng (như báo chí, truyền thanh, truyền hình). Các nội dung tuyên tuyền nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng, hiệu quả kinh tế, kinh nghiệm tốt, gương điển hình về tiết kiệm điện cho từng nhóm đối tượng khách hàng và người dân, hướng tới tạo chuyển biến trong nhận thức, tiến tới thay đổi hành vi sử dụng điện theo hướng có trách nhiệm, tiết kiệm và hiệu quả.

Thứ hai: Phối hợp với các đơn vị truyền thông và các chuyên gia tổ chức các buổi tọa đàm, các phóng sự, các thông điệp phát sóng trên Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, các báo điện tử, nhằm tuyên truyền, phổ biến tới các tầng lớp nhân dân về các quy định của pháp luật và các giải pháp tiết kiệm điện nhằm nâng cao ý thức cộng đồng trong việc sử dụng các thiết bị điện hiệu quả, tiết kiệm.

Thứ ba: Xây dựng và triển khai các chương thi đua tiết kiệm điện: “Gia đình tiết kiệm điện”, “Tuyến phố xanh”, “Trường học tiết kiệm điện”… nhằm hướng dẫn, tuyên truyền thực hành hành vi sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tại các gia đình như: Tắt các thiết bị khi ra khỏi phòng, cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng các thiết bị điện; chỉ sử dụng điều hòa nhiệt độ khi thật cần thiết; ưu tiên mua sắm các phương tiện, thiết bị điện hiệu suất cao, hoặc các thiết bị có dán nhãn tiết kiệm năng lượng; thay thế các thiết bị chiếu sáng bằng đèn LED; lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, hệ thống đun nước nóng từ năng lượng mặt trời.

Thứ tư: Xây dựng mô hình mẫu tiết kiệm điện tại hộ gia đình nhằm ứng dụng năng lượng mặt trời mái nhà, phổ biến các trang thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm điện… từ đó đánh giá hiệu quả mô hình trước và sau khi áp dụng nhằm tuyên truyên nhân rộng ứng dụng mô hình tiết kiệm điện trong cộng đồng.

Thứ năm: Xây dựng và ban hành cuốn sách điện tử “Cẩm nang sử dụng điện thông minh trong sinh hoạt”. Nội dung cẩm nang sẽ giới thiệu những thông tin hữu ích khi sử dụng các thiết bị điện thông dụng trong các hộ gia đình như: Điều hoà, tủ lạnh, bình nóng lạnh, bếp điện, máy giặt, quạt điện… giúp khách hàng hạn chế hóa đơn tiền điện tăng cao, đặc biệt là vào mùa nắng nóng. Cảm nang được biên tập và sản xuất dưới dạng sách điện tử, được tích hợp trên cả thiết bị máy tính, điện thoại di động thông minh, giúp người đọc có thể tiếp cận mọi lúc, mọi nơi một cách thuận lợi và tiện ích.

Một lần nữa khẳng định việc sử dụng điện năng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất giúp giảm áp lực trong việc khai thác, chế biến và cung ứng các dạng năng lượng, giúp cải thiện hiệu quả của nền kinh tế. Đồng thời, giúp đảm bảo an ninh cung ứng điện quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải nhà kính, đóng góp trong việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại Thỏa thuận Paris về ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu, cũng như tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu COP26 về thực hiện lộ trình giảm phát thải nhà kính về 0 vào năm 2050.

Xin cảm ơn bà. Nhân dịp đón xuân mới, xin chúc bà và tập thể Người lao động Tổng công ty Điện lực miền Bắc luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và đạt được nhiều thắng lợi mới trong thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2023!

CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM (THỰC HIỆN)

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động