RSS Feed for Chuyển đổi số - các công ty dầu khí mau chóng nắm bắt quyền lực mới | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 22/12/2024 13:22
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chuyển đổi số - các công ty dầu khí mau chóng nắm bắt quyền lực mới

 - Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn bộ các lĩnh vực kinh tế - xã hội - chính trị: Để có thể tiến đi trong giai đoạn mới, các công ty dầu khí cần xác định chuyển đổi số là một giải pháp ưu tiên sống còn, không thể thiếu trong thực hiện chiến lược chuyển dịch năng lượng. Bài viết dưới đây của các chuyên gia Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (viết riêng cho Tạp chí Năng lượng Việt Nam) sẽ chia sẻ về cơ hội, thách thức, cũng như cân nhắc một số bước đi quan trọng của ngành dầu khí để mau chóng nắm bắt được quyền lực mới và lớn lao này.


Chuyển đổi số trong công nghiệp dầu khí: Thực trạng và triển vọng tại Việt Nam

Xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực dầu khí

Chuyển đổi​ số trong thăm dò, khai thác dầu khí [Tạm kết]: Một số kiến nghị cho Việt Nam


Dầu khí thế giới đang trải qua một thời điểm bước ngoặt. Chuyển dịch năng lượng đã trở thành xu thế lớn và không thể tránh khỏi: Các dạng năng lượng sạch, tái tạo có chi phí ngày càng thấp và được phát triển mạnh; điện trở thành năng lượng thứ cấp chính cho mọi hoạt động kinh tế - xã hội và sức ép về biến đổi khí hậu - bảo vệ môi trường ngày càng lớn hơn đối với hoạt động khai thác, chế biến nhiên liệu hóa thạch (bao gồm dầu, khí).

Cùng lúc đó, từ các chính phủ cho tới tập đoàn kinh tế, đến phần lớn người dân, người tiêu dùng hiện nay đều sử dụng, tận dụng, thậm chí bị tác động bởi sự phát triển nhanh chóng, đa dạng của công nghệ thông tin và nền kinh tế - xã hội số.

Nếu tiềm lực và sức mạnh kinh tế của một tập đoàn trước đây được minh chứng qua danh mục tài sản máy móc thiết bị đồ sộ, thì giờ đây lại phản ánh qua lượng thông tin, dữ liệu khổng lồ và nền tảng số mà một thế hệ tập đoàn kinh tế hoàn toàn mới đang sở hữu.

Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn bộ các lĩnh vực kinh tế - xã hội - chính trị: Để có thể tiến đi trong giai đoạn mới, các công ty dầu khí cần xác định chuyển đổi số là một giải pháp ưu tiên sống còn, không thể thiếu trong thực hiện chiến lược chuyển dịch năng lượng.

Không dễ có một định nghĩa đầy đủ về chuyển đổi số, vì có lẽ tầm ảnh hưởng rộng và đa dạng của xu thế này tới các ngành nghề, lĩnh vực, đối tượng khác nhau và dường như hướng đi tiếp theo của chuyển đổi số sẽ còn nhiều thay đổi, bất định chưa lường hết được.

Tuy nhiên, cơ sở để chuyển đổi số diễn ra thì đã tương đối rõ nét và cũng chính là các vấn đề lớn mà các tập đoàn, doanh nghiệp cần có đánh giá, đầu tư phù hợp, bao gồm: Điện toán đám mây (Cloud computing), Dữ liệu lớn (Big data), Trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence-AI) và Internet vạn vật (Internet of things-IoT).

Quy mô lưu trữ hiện đã phát triển tới những con số không tưởng tượng được so với những năm trước đây, với chi phí thấp kỷ lục và đặc biệt việc đưa hệ thống lưu trữ lên đám mây đã giúp các doanh nghiệp hoàn toàn linh hoạt, chủ động trong quản lý hệ thống dữ liệu ngày càng lớn.

Một ví dụ lịch sử là bộ nhớ Commodore 64 vào năm 1982 lưu trữ được 64 kilobyte có giá khoảng 595 USD, thì ngày nay bất kỳ ai cũng có thể lưu trữ trên dịch vụ đám mây của Amazon S3 với giá chỉ 2 US Cent mỗi tháng cho 1 gigabyte.

Cùng với đó, tốc độ xử lý ngày càng mạnh của các con chip khiến khả năng phân tích dữ liệu theo các phương pháp mới - vốn đã được nghiên cứu nhưng chưa thể thực hiện trước đây, thì hoàn toàn có thể thao tác với các thiết bị phổ thông ngày nay.

Một ví dụ khác là con chip Intel 8008 8-bit mang tính cách mạng vào năm 1972 có tốc độ 800 kilohertz - tức là có thể cộng được các ký tự 8-bit khoảng 800 nghìn lần/giây; thì con chip NVIDIA Tesla V100 hiện nay có thể xử lỷ được các ký tự 64-bit với tốc độ lên tới 15,7 nghìn tỷ lần/giây.

Đặc biệt trong thời gian gần đây, khi các thiết bị điện tử từ công nghiệp cho đến dân dụng ngày càng rẻ, dễ dàng lắp đặt, kết nối, sử dụng đã tạo ra những mạng lưới rộng khắp và đa dạng các thiết bị kết nối với nhau, truyền tải, trao đổi thông tin với số lượng rất lớn, vượt xa tưởng tượng, thậm chí nhu cầu hay khả năng xử lý trong nhiều lĩnh vực hiện nay.

Nhưng không phải lĩnh vực nào, công ty nào cũng tiếp cận và tận dụng được toàn bộ những thay đổi chóng mặt này của chuyển đổi số. Chính vì vậy đã tạo ra những người thắng - kẻ thua một cách nhanh chóng trong thời gian qua.

Những câu chuyện được nhắc đến nhiều như Amazon lần lượt chiếm lĩnh và đánh bật các nhà sản xuất sách, chuỗi siêu thị, hay tiếp theo có thể là ngành giải trí sau khi mua hãng phim MGM; Airbnb không sở hữu một khách sạn nào nhưng lại được định giá cao gấp nhiều lần những chuỗi khách sạn danh tiếng lâu đời như Marriotts...

Những lĩnh vực sản xuất với hệ thống cơ sở hạ tầng lớn như dầu khí, năng lượng được cho là sẽ gặp ít cạnh tranh hơn từ các công ty công nghệ thế hệ mới. Tuy nhiên, không phải vì thế mà những lĩnh vực như dầu khí sẽ tuyệt đối an toàn trong làn sóng biến động hiện nay, cũng như không phải không có những cơ hội tốt để ngành dầu khí có thể ứng dụng các thành tựu của chuyển đổi số.

Cũng như nhận định của một CEO lớn khi cho rằng: Có gì không ổn khi công ty đặt nhiều đơn hàng lớn hàng triệu USD nhưng không biết chắc chắn sản phẩm được làm từ những quốc gia nào và hiện đang ở đâu (cho tới khi vận chuyển tới cảng nước mình), còn khi về nhà đặt pizza thì biết chính xác nhà hàng đã làm chưa, shipper tên là gì, và đang đi tới đâu rồi...

Ứng dụng chuyển đổi số trong ngành dầu khí đã được bàn luận và đề cập trong nhiều bài viết, báo cáo trước đây, đặc biệt ở các công ty dầu khí quốc tế với tiềm lực lớn, trình độ cao và thực tế ngành dầu khí cũng đã tự động hóa, số hóa từ khá sớm với thiết bị không người kiểm tra sửa chữa công trình dưới biển hay phần mềm mô phỏng chi tiết hoạt động của các mỏ dầu khí. Tuy nhiên, đây mới chỉ dừng ở ứng dụng riêng lẻ ở một số bộ phận, chưa tích hợp và tận dụng được thế mạnh của chuyển đổi số với công cụ điện toán đám mây, dữ liệu lớn, AI hay IoT... trên toàn bộ chuỗi giá trị.

Các công ty dầu khí với đặc thù phạm vi hoạt động rộng lớn, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực lớn, chú trọng vào an toàn sản xuất cao nên phần nào khá bảo thủ, quá chắc chắn trong việc áp dụng các công nghệ thiết bị mới mà thời gian qua được nhiều lĩnh vực/công ty khác thử nghiệm/áp dụng.

Do vậy, cơ hội để ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực dầu khí được đánh giá còn rất nhiều dư địa hiện nay cũng như trong tương lai.

Ở hoạt động thượng nguồn, việc thu thập tổng hợp và phân tích dữ liệu sử dụng các phương pháp mới như AI, Máy học (Machine learning)... có thể mang lại những kết quả đột phá trong đánh giá tiềm năng trữ lượng dầu khí với việc giảm thiểu số lượng giếng khoan tìm kiếm, thăm dò nhưng vẫn có thể đảm bảo xác suất thành công cao hơn so với mức chỉ khoảng 20% hiện nay; đánh giá lựa chọn vị trí khoan mang lại nhiều thông tin nhất có thể; hay nâng cao hiệu quả quản lý vận hành khai thác mỏ.

Bên cạnh đó, việc sử dụng thiết bị kết nối Internet vạn vật trong các khâu/chuỗi hoạt động sẽ giúp rất nhiều cho việc quản trị công việc, tính toán tối ưu thiết bị/vật tư, theo dõi, cảnh báo sớm các vấn đề về an toàn và môi trường.

Cơ hội ứng dụng Internet vạn vật kết hợp điện toán đám mây được đánh giá là toàn diện từ thượng nguồn tới trung nguồn và hạ nguồn của ngành dầu khí, và cũng là phương pháp mà công ty mẹ có thể thu thập, có được dữ liệu tổng quát và chi tiết nhất để tối ưu hoạt động của chuỗi giá trị.

Ngoài ra, thiết bị không người lái (robot, drone), bản sao kỹ thuật số (Digital twins) có thể sử dụng hiệu quả tại nhiều công trình dầu khí quy mô lớn, phức tạp như nhà máy lọc hóa dầu để theo dõi, giám sát hoạt động một cách tự động và theo thời gian khi dữ liệu đã được thu thập đủ nhiều - sẽ có ứng dụng quan trọng trong cảnh báo an ninh, an toàn...

Những cơ hội trên đây cũng mới chỉ dừng lại ở hoạt động cốt lõi hiện tại của ngành dầu khí, chưa tính đến khả năng ứng dụng chuyển đổi số trong ngành năng lượng nói chung, đặc biệt khi hệ thống năng lượng có thể sẽ ngày càng phi tập trung (Decentralisation) với khả năng tương tác, phối hợp với các lĩnh vực năng lượng khác như năng lượng tái tạo để mang lại dịch vụ tốt hơn, nhiều giá trị hơn cho người tiêu dùng.

Có lẽ quan trọng hơn cả với các công ty dầu khí là chuyển đổi số như thế nào? Đó không chỉ là bài toán để có được văn phòng làm việc với những tiện ích hào nhoáng như bàn bóng, bi-a, máy bán nước tự động như những công ty công nghệ... mà làm sao để có một lợi thế cạnh tranh thực sự trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt khi thị trường năng lượng sẽ khác đi nhiều trong thời gian tới trước xu thế chuyển dịch năng lượng. Có ba bước đi cơ bản để cân nhắc, bao gồm: 

Thứ nhất: Các công ty dầu khí cần có một định hướng về chuyển đổi số. Nhưng đây cũng sẽ là điểm gây khó nhất cho các công ty khi thực hiện - không thể xác định chắc chắn xu thế công nghệ và các ảnh hưởng trong thời gian tới.

Từ sản phẩm/dịch vụ điện toán đám mây cho tới các thuật toán về trí tuệ nhân tạo vẫn đang liên tục được cập nhật, với những hệ quả và cách làm mới mỗi năm, nên gần như không thể có một chiến lược "cứng" về chuyển đổi số cho 10 năm, chưa tính đến 20 hay 30 năm.

Vì vậy cách làm thực tế sẽ là xác định xu thế lớn về công nghệ (ví dụ xe điện và tự lái), rồi đặt mục tiêu mốc công việc lớn cần làm để công ty sẽ chủ động trong xu thế đó.

Ví dụ có được hợp tác với các hãng xe điện, hợp tác trong thí điểm trạm sạc điện để đánh giá ảnh hưởng tới nhu cầu và cách thức tiêu thụ sản phẩm truyền thống như xăng, dầu.

Cách làm này được ví như khi đi đường trường, cần chắc một bước lên đỉnh ngọn núi để rõ hơn tầm nhìn, rồi mới có thể xác định được bước đi tiếp theo. Đây cũng là cách mà các công ty công nghệ - với quy mô nhỏ, quản trị linh hoạt đã áp dụng từ lâu và nhờ đó có thể thích ứng rất nhanh khi công nghệ thay đổi. 

Thứ hai: Các công ty dầu khí cần hoạch định lại mô hình kinh doanh trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi số - trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới sản phẩm/dịch vụ "căn bản" mà công ty có thể cung cấp trong bối cảnh mới.

Như đối với lĩnh vực giao thông, xu thế sắp tới sẽ là cung cấp dịch vụ đi lại chứ không còn là bán xe hơi. Như vậy sản phẩm/dịch vụ "căn bản" mà khách hàng mua sẽ là chuyến đi, chứ không còn là chiếc xe. Do đó xăng dầu/điện/năng lượng sẽ không hẳn chỉ bán cho người dùng mà là bán cho các hãng vận chuyển/hãng xe công nghệ... Môi trường kinh doanh, đối thủ cạnh tranh... từ đó cũng sẽ rất khác trong một kịch bản như vậy.

Các lĩnh vực truyền thống khác như điện cũng không hoàn toàn sẽ miễn nhiễm với các xu thế đột phá như vậy, khi mà hệ thống điện sẽ ngày càng hiện đại hơn (Smart grid), thị trường điện sẽ ngày càng cạnh tranh xuống tới lĩnh vực bán lẻ, sự tích hợp của các nguồn cung năng lượng tái tạo và thậm chí cả người dùng vào việc cung cấp điện năng lên lưới...

Khi đã xác định lại vai trò của mình trong thị trường năng lượng của tương lai, các công ty dầu khí mới có thể rà soát, đánh giá kỹ các quy trình sản xuất trong chuỗi giá trị rất rộng lớn - để mà đơn giản hóa quy trình, ứng dụng công nghệ hiện đại, giảm chi phí, tích hợp và xử lý dữ liệu để tìm ra cơ hội nâng cao hiệu suất/giảm thiểu rủi ro. 

Thứ ba: Triển khai các ý tưởng trên như thế nào và ai sẽ là đầu mối chính?

Trong khi trước đây một cải tiến công nghệ sẽ thường được các nhà cung cấp thử nghiệm, đánh giá một thời gian, rồi sau đó bộ phận tin học của công ty xem xét, báo cáo lên cấp lãnh đạo phụ trách công nghệ, rồi sau nhiều lớp nếu có - mới được báo cáo lên CEO công ty quyết định. Nhưng với chuyển đổi số, kinh nghiệm thời gian qua cho thấy CEO phải là người hiểu, nắm bắt vấn đề và đưa ra bài toán cho công ty, cũng như các bộ phận liên quan. Lý do không chỉ ở tầm ảnh hưởng của các thay đổi công nghệ hiện nay đến sản phẩm dịch vụ, năng lực cạnh tranh, quy trình sản xuất mà còn ở một bài học quan trọng được rút ra: Chuyển đổi số không bắt đầu từ các con số; dữ liệu lớn nhưng dữ liệu không phải là tất cả, quan trọng và đầu tiên vẫn là giá trị mang lại từ khối lượng khổng lồ các thông tin, dữ liệu được xử lý.

Và người duy nhất hiểu được vấn đề cốt lõi này chỉ có thể là các CEO. Và càng quan trọng khi CEO và ban lãnh đạo công ty đã quán triệt thống nhất hướng đi với chuyển đổi số thì sẽ tạo ra lan tỏa và thay đổi trong văn hóa doanh nghiệp, trong cách làm hằng ngày ở các bộ phận liên quan từ công nghệ, sản xuất, cho tới dịch vụ khách hàng. Sử dụng thiết bị điện tử mới, quá trình sản xuất/làm việc trở nên công khai hơn, các đánh giá/cảnh báo sẽ sát và liên tục hơn... do vậy, đòi hỏi tầm ảnh hưởng, điều phối của lãnh đạo cao nhất công ty để chuyển đổi số sẽ đi từ hiểu biết, đến chấp nhận và sau đó là áp dụng, trở thành nền tảng trong hoạt động ở tất cả các lĩnh vực, bộ phận của công ty.

Bên cạnh đó, việc đào tào nâng cao nghiệp vụ về công nghệ thông tin ở các mức độ khác nhau cho cán bộ nhân viên, cũng như xem xét chọn lựa và bổ nhiệm một giám đốc chuyên trách về dữ liệu là có thể cần thiết tùy vào mô hình, giai đoạn phát triển về chuyển đổi số. Công ty cũng cần hoàn thiện các quy chế, quy định nội bộ về quản trị thông tin, dữ liệu và các quy định nghiệp vụ khác liên quan để đảm bảo khả năng thu thập, lưu trữ, xử lý lượng lớn thông tin doanh nghiệp một cách an toàn, chuẩn mực.

Chuyển đổi số đang trở thành trào lưu lớn. Các công ty dầu khí cần nhanh chóng xác định đây là một giải pháp mang tính đột phá, quan trọng để thực hiện các chiến lược dài hạn, từ đó có những bước đi đầu tiên trong việc đưa ra định hướng về chuyển đổi số, rà soát mô hình kinh doanh - sản phẩm/dịch vụ trong bối cảnh mới và mạnh dạn thử nghiệm, triển khai ứng dụng công nghệ dưới sự chỉ đạo, ủng hộ của lãnh đạo cao nhất của công ty.

Cùng với chuyển dịch năng lượng như là chiến lược trọng tâm, chuyển đổi số có thể là một ngôn ngữ mới đầy quyền lực mà các lãnh đạo dầu khí cần nắm bắt để dẫn dắt công ty tiếp tục tồn tại và phát triển trong ngành năng lượng đầy biến động thời gian tới./.
 

LÊ NGỌC ANH, PHAN NGỌC TRUNG - TẬP ĐOÀN DẦU KHÍ VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động