RSS Feed for Chuyển đổi​ số trong thăm dò, khai thác dầu khí [Tạm kết]: Một số kiến nghị cho Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 24/01/2025 00:22
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chuyển đổi​ số trong thăm dò, khai thác dầu khí [Tạm kết]: Một số kiến nghị cho Việt Nam

 - Việc chuyển đổi số trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí đã và đang được thực hiện tại các đơn vị trong ngành Dầu khí Việt Nam, tuy nhiên còn “manh mún” và ở các mức độ khác nhau. Mặt khác, việc xây dựng môi trường pháp lý hiện nay vẫn rất chậm, chưa theo kịp nhu cầu xã hội, đặc biệt trong các lĩnh vực mới khi thực hiện chuyển đổi số, v.v... Để tạm kết chuyên đề, tác giả bài báo đưa ra một số kiến nghị cho công tác chuyển đổi số lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí ở Việt Nam trong thời gian sắp tới.


Chuyển đổi số trong thăm dò, khai thác dầu khí [Kỳ 1]: Xu thế của thế giới


NGUYỄN ANH ĐỨC - TẬP ĐOÀN DẦU KHÍ VIỆT NAM


Tiếp theo kỳ 1:

3. Chuyển đổi số trong thăm dò, khai thác dầu khí ở Việt Nam:

3.1. Áp dụng công nghệ số trong thăm dò, khai thác dầu khí ở Việt Nam:

Các doanh nghiệp dầu khí hoạt động ở Việt Nam đã sử dụng các công nghệ số từ khá lâu, tuy nhiên chuyển đổi số, hay áp dụng các công nghệ số đồng bộ, hiện đại, tiên tiến hiện mới đang bắt đầu được chú ý nhiều hơn. Trí tuệ nhân tạo được sử dụng để phân tích thuộc tính địa chấn, minh giải tài liệu địa chấn (xác định hệ thống đứt gãy, mức độ nứt nẻ trong móng…), phân tích tài liệu địa vật lý giếng khoan để xác định tiềm năng dầu khí, tính chất của đá chứa đặc biệt là đá chứa trong móng (bề dày, độ rỗng, độ bão hòa dầu khí…); các công nghệ số trong thiết kế, thi công và điều hành khoan, hoàn thiện giếng; quản lý khai thác mỏ. Tuy nhiên, mức độ áp dụng và tính đồng bộ còn ở mức thấp.

Đối với công tác thăm dò, trong quá trình thi công các giếng khoan thăm dò, thẩm lượng, tài liệu giếng khoan từ giàn khoan ngoài khơi thường được mã hóa và chuyển về trung tâm dữ liệu, trung tâm xử lý trên đất liền qua internet. Một số nhà điều hành nhận tài liệu giếng khoan bằng cách truy cập cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp dịch vụ kỹ thuật lưu trên hệ thống lưu giữ đám mây.

Đối với công tác phát triển, khai thác mỏ, các nhà điều hành có hệ thống quản lý dữ liệu khai thác, hay hệ thống thu thập, truyền dữ liệu công nghệ (Production Data Management System - PDMS); việc truyền dữ liệu tức thời (real time) của các giếng ở các mỏ ngoài khơi về đất liền sử dụng dịch vụ đường truyền do các doanh nghiệp viễn thông cung cấp. Các hệ thống PDMS thường sử dụng giải pháp quản lý điều hành mỏ tức thời (real time operation) của Schlumberger, Baker Hughes và Halliburton.

Ngoài ra, các nhà điều hành đồng thời duy trì hệ thống báo cáo theo thời gian định kỳ gửi về các trung tâm dữ liệu, trung tâm điều hành trong đất liền qua email, internet. Khối lượng dữ liệu đặc biệt là dữ liệu khai thác ở các giếng, các mỏ rất lớn, vì vậy các nhà điều hành đều phải tiến hành lưu giữ (back up) tài liệu vào băng từ để định kỳ vận chuyển vào đất liền. Tuy nhiên, việc phân tích sử dụng tổng hợp khối lượng khổng lồ dữ liệu đa dạng của các mỏ để phục vụ cho công tác quản lý, điều hành mỏ còn ở mức độ khiêm tốn. Với sự phát triển nhanh và ngày càng mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn sẽ làm tăng lượng thông tin khai thác được từ dữ liệu thu thập, tăng hiệu quả sử dụng các dữ liệu thu được ở các mỏ.

Một số công trình dầu khí điển hình đã được áp dụng công nghệ số tiên tiến. Năm 2008, Hoàn Vũ JOC và PVEP đã đưa vào giàn đầu giếng không người (unmanned WHP) khai thác dầu ở mỏ Cá Ngừ Vàng, Lô 09-2; giàn được kết nối với giàn xử lý trung tâm CPP3 mỏ Bạch Hổ, Lô 09-1 của Vietsovpetro.

Năm 2019, Liên doanh Việt - Nga “Vietsovpetro” đã đưa vào giàn nhẹ BK-20 khai thác dầu ở mỏ Bạch Hổ, Lô 09-1; giàn được thiết kế dưới dạng giàn đầu giếng không người (unmanned), được điều khiển từ xa từ giàn xử lý trung tâm CPP3 mỏ Bạch Hổ.

Tiếp đó, ngày 02/10/2020 Vietsovpetro đã hoàn thành và đưa vào khai thác dầu giàn BK-21 tại mỏ Bạch Hổ. Đây là giàn mini BK không người ở thế hệ mới của Vietsovpetro với 9 lỗ khoan và được điều khiển từ xa từ giàn mẹ MSP6; công trình được Viện NIPI nghiên cứu, thiết kế phục vụ cho Vietsovpetro phát triển các mỏ nhỏ, mỏ cận biên, đã được tối ưu hóa về thiết kế, chi phí xây dựng và chi phí vận hành. Vietsovpetro dự kiến triển khai dự án thí điểm áp dụng “Bản sao kỹ thuật số - Digital Twin” cho giàn không người BK-20 mỏ Bạch Hổ.

Đối với công tác nghiên cứu khoa học, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong doanh nghiệp, tiến tới quản lý số và hoạt động kinh tế số, từng bước hoàn thiện môi trường doanh nghiệp tốt nhất cho đổi mới sáng tạo. Các dữ liệu không thuộc danh mục tài liệu mật đều được số hóa và lưu trữ trên SharePoint Online và Onedrive. Việc dữ liệu được số hóa và lưu trữ trên nền tảng đám mây cho phép người dùng dễ dàng quản lý dữ liệu, truy cập mọi lúc mọi nơi và tránh được rủi ro mất dữ liệu, cung cấp khả năng khôi phục thông tin/dữ liệu đã xóa bỏ khi có nhu cầu. VPI áp dụng Power Business Intelligence - Power BI trong phân tích số liệu nghiên cứu khoa học, phân tích dữ liệu hoạt động điều hành. VPI cũng đã áp dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích, minh giải tài liệu địa chấn, địa vật lý giếng khoan để xác định tiềm năng dầu khí, tính chất các vỉa chứa; các công nghệ số trong thiết kế, thi công và điều hành khoan, hoàn thiện giếng để thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học. VPI đang thử nghiệm sử dụng công nghệ học máy, công nghệ về trí tuệ nhân tạo để tập hợp, khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu.

Từ năm 2019, Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU) triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ “Nghiên cứu xây dựng hệ thống trí tuệ nhân tạo tích hợp cơ sở dữ liệu địa chất dầu khí để đánh giá triển vọng dầu khí” thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025 “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0” (Chương trình KC-4.0/19-25 do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý). Nội dung chính của nhiệm vụ này là nghiên cứu, xây dựng các thuật toán, phần mềm trí tuệ nhân tạo hiện đại có khả năng phân tích dữ liệu lớn để phân loại, nhận dạng, xác định chính xác các bộ tiêu chí và dấu hiệu triển vọng dầu khí; ứng dụng thử nghiệm tại khu vực phía Bắc bể Sông Hồng.

3.2. Một số khó khăn, rào cản đối với công tác chuyển đổi số trong thăm dò khai thác dầu khí ở Việt Nam:

Một là: Các khó khăn, rào cản chung của quốc gia:

Thứ nhất: Hạ tầng viễn thông đã được phát triển nhanh, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong thời đại số. Cụ thể, hạ tầng viễn thông đã phủ rộng khắp toàn quốc hơn 600.000 km cáp quang, với tốc độ truy nhập cao (đạt > 27 MBps). Số thuê bao băng rộng cố định hơn 13 triệu (trong đó hơn 12 triệu thuê bao sử dụng cáp quang FTTx, tốc độ truy cập hơn 10 MBps). Tổng băng thông quốc tế đạt hơn 8,1 TBps. Mạng di động phát triển, tỷ lệ phủ sóng đạt 99,7%. Mạng di động 5G đã được cấp phép thử nghiệm, khi triển khai sẽ là bước đột phá về tốc độ kết nối, là nền tảng quan trọng kết nối hạ tầng IoT trong chuyển đổi số [2]. Mạng viễn thông cần đi trước một bước trong chuẩn bị hạ tầng cho chuyển đổi số. Để tạo điều kiện cho chuyển số thời gian tới cần tiếp tục phát triển hạ tầng số, đặc biệt là sớm triển khai chính thức mạng di động 5G, đồng thời phải quan tâm bảo đảm an toàn an ninh thông tin. Vấn đề bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng vẫn là thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt.

Thứ hai: Môi trường pháp lý cho phát triển ICT: Trong thời gian qua, các văn bản pháp lý đã được ban hành tạo điều kiện ứng dụng và phát triển ICT trong các lĩnh vực như Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, các nghị định… Tuy nhiên, việc xây dựng môi trường pháp lý hiện nay vẫn rất chậm, chưa theo kịp nhu cầu xã hội, đặc biệt trong các lĩnh vực mới khi thực hiện chuyển đổi số. Cụ thể như thiếu hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế chia sẻ; chia sẻ, mở dữ liệu của cơ quan chính phủ, của doanh nghiệp; bảo vệ dữ liệu cá nhân, thông tin riêng tư; vấn đề quyền, đạo đức khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo... Điều này gây cản trở rất lớn cho quá trình chuyển đổi số.

Hai là: Các khó khăn, rào cản nội tại của ngành dầu khí:

Thứ nhất: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có 4 đơn vị/chi nhánh/liên doanh hoạt động trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí là: Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Liên doanh Việt - Nga “Vietsovpetro”, Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (Bien Dong POC) và Công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc (Phu Quoc POC).

PVEP là nhà điều hành một số lô đang trong giai đoạn tìm, kiếm thăm dò và chỉ điều hành một số ít mỏ dầu với sản lượng không nhiều. Cụ thể, trực tiếp điều hành mỏ Đại Hùng (Lô 05-1a), điều hành thay PVN/Nhà nước các mỏ Thăng Long - Đông Đô (Lô 01/97 và 02/97), Ruby, Diamond, Pearl, Topaz (Lô 01/17 và 02/17), Sông Đốc (Lô 46/13).

Vietsovpetro đang điều hành khai thác các mỏ dầu Bạch Hổ, Rồng, Gấu Trắng, Thỏ Trắng (Lô 09-1), Nam Rồng - Đồi Mồi (Lô 09-1 và 09-3), Cá Tầm (09-3/12), mỏ khí Thiên Ưng (Lô 04-3) và một số lô đang trong giai đoạn tìm kiếm thăm dò.

Bien Dong POC đang điều hành khai thác cụm mỏ khí Hải Thạch - Mộc Tinh (Lô 05-2 và 05-3).

Phu Quoc POC đang điều hành phát triển cụm mỏ khí Kim Long - Ác Quỷ - Cá Voi (ở các Lô B, 48/95 và 52/97). Nhìn chung, mức độ số hóa của ngành dầu khí nói chung và lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí nói riêng chưa theo kịp xu thế chuyển đổi số của ngành dầu khí, cũng như các ngành công nghiệp khác trên thế giới.

Thứ hai: Các mỏ đang khai thác đa số là mỏ nhỏ trừ các mỏ của Vietsovpetro ở Lô 09-1, các mỏ của Công ty Liên doanh Điều hành Cửu Long (Cuu Long JOC) ở Lô 15-1, khối lượng dữ liệu khác nhau được các công ty điều hành quản lý riêng biệt.

Thứ ba: Hệ thống phần cứng, phần mềm sử dụng trong thăm dò, khai thác dầu khí ở các đơn vị, công ty dầu khí khác nhau.

Thứ tư: Trong bối cảnh chuyển đổi số, dữ liệu số đóng vai trò rất quan trọng, là tài sản, tài nguyên, điều kiện tiên quyết cho chuyển đổi số. Cơ sở dữ liệu thăm dò khai thác dầu khí đã được đề nghị xây dựng từ lâu nhưng do vướng mắc cơ chế, chính sách và thiếu tính quyết liệt nên đến nay vẫn chưa có cơ sở dữ liệu thăm dò, khai thác dầu khí tổng thể, đồng bộ. Mỗi đơn vị (PVEP, Vietsovpetro, VPI), công ty điều hành có hệ thống cơ sở dữ liệu (mức thấp) riêng biệt, không thống nhất. Việc kết nối, chia sẻ, mở các cơ sở dữ liệu giữa PVN và các đơn vị, giữa các đơn vị với nhau rất hạn chế, chủ yếu là cát cứ thông tin; điều này làm lãng phí nguồn lực, cản trở triển khai ứng dụng và phát triển công nghệ số.

Thứ năm: Lực lượng lao động có chuyên môn công nghệ thông tin trong thăm dò khai thác dầu khí có kiến thức, kỹ năng công nghệ cao (đặc biệt là về công nghệ số) chiếm tỷ lệ rất ít; cán bộ kỹ thuật thăm dò, khai thác dầu khí chưa được cập nhật thường xuyên về công nghệ số, kỹ năng làm việc với các trang thiết bị sử dụng công nghệ số.

3.3. Đề xuất chuyển đổi số lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí ở Việt Nam: 

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2017, các khuyến nghị cho cả ngành dầu khí để thực hiện chuyển đổi số thành công đã được đề cập, bao gồm [4]:

Thứ nhất: Đặt ưu tiên kỹ thuật số cho các giám đốc điều hành cấp cao, xây dựng lộ trình chiến lược kỹ thuật số: Chuyển đổi số cần phải được ủng hộ từ lãnh đạo cấp cao. Điều này bao gồm thiết lập tầm nhìn rõ ràng, cam kết tài trợ và nguồn lực và nỗ lực thay đổi quản trị liên quan đến chuyển đổi số. Các chiến lược kỹ thuật số hỗ trợ chiến lược tổng thể cần đảm bảo kỹ thuật số được tích hợp hoàn toàn vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp.

Thứ hai: Thúc đẩy văn hóa sáng tạo và đổi mới công nghệ: Cần cởi mở với các ý tưởng và cách thức làm việc mới.

Thứ ba: Đầu tư vào nguồn nhân lực và các chương trình phát triển thúc đẩy tư duy mới, tư duy kỹ thuật số, phát triển lực lượng lao động số: Xây dựng một lực lượng lao động am hiểu kỹ thuật số, vừa là lực lượng nền tảng, vừa là động lực chính để tối đa hóa việc nắm bắt được các giá trị của chuyển đổi số. Cập nhật chương trình đào tạo, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất đào tạo kiến thức, kỹ năng số từ lãnh đạo đến tất cả nhân viên; tạo hệ sinh thái để hỗ trợ người lao động trong việc đào tạo lại và đào tạo nâng cao trong suốt cuộc đời; hạn chế chảy máu chất xám, thu hút nhân tài là các chuyên gia công nghệ thông tin trình độ cao.

Thứ tư: Tiếp tục phát triển khả năng áp dụng kỹ thuật số thông qua đầu tư, xây dựng, mua, hoặc hợp tác với các đối tác: Đưa ra cách tiếp cận để phát triển các khả năng mới thu nhận được trong quá trình chuyển đổi số. Điều này bao gồm các quyết định về việc xây dựng, áp dụng phương pháp quản trị phù hợp để mở rộng quy mô công nghệ và nền tảng kỹ thuật số.

Thứ năm: Cải cách cấu ​​trúc dữ liệu, tối ưu hóa việc sử dụng các nền tảng dữ liệu (data platform): Dữ liệu đóng vai trò trung tâm của chuyển đổi kỹ thuật số, vì vậy sự hài hòa, khả năng tích hợp và tương tác của các nền tảng dữ liệu là rất quan trọng.

Thứ sáu: Đầu tư vào hệ sinh thái hợp tác qua việc sử dụng quan hệ đối tác và nền tảng hoạt động trong môi trường kinh tế chia sẻ: Xác định các cơ hội để tăng cường hợp tác và hiểu biết về các nền tảng kinh tế chia sẻ (sharing-economy platforms). Điều này sẽ cho phép vượt qua cạm bẫy tiềm ẩn do sự thay đổi sở thích của khách hàng trong quá trình phát triển của nền kinh tế chia sẻ.

Với các đặc điểm của công tác thăm dò, khai thác dầu khí ở Việt Nam, cần sớm nghiên cứu, đánh giá, xây dựng kế hoạch tổng thể chuyển đổi số lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí với mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, lộ trình, bước đi phù hợp cho từng chủ thể tham gia vào quá trình chuyển đổi số từ các công ty điều hành/các nhà thầu dầu khí, các đơn vị thành viên, viện nghiên cứu, các ban liên quan của Tập đoàn. Trước mắt, có thể xem xét, tập trung giải quyết một số vấn đề:

- Tìm kiếm tư vấn chuyên nghiệp để phối hợp đánh giá chi tiết hiện trạng áp dụng công nghệ số, nhu cầu chuyển đổi số ở PVN, các đơn vị thành viên, các công ty điều hành dầu khí, xây dựng chương trình chuyển đổi số lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí với mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Cần lưu ý rằng, quá trình chuyển đổi số phức tạp, diễn ra lâu dài, đòi hỏi nguồn kinh phí lớn; phải có sự tham gia và hợp tác của các “chủ mỏ”, các nhà điều hành. Các hợp đồng dầu khí có thời hạn hiệu lực, tình trạng hoạt động khác nhau, một số hợp đồng dầu khí đang trong giai đoạn cuối nên cần có các đánh giá chi tiết làm cơ sở thuyết phục các “chủ mỏ”, các nhà điều hành tham gia thực hiện chuyển đổi số.

- Nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu thăm dò, khai thác dầu khí của từng lĩnh vực chuyên môn cụ thể và của toàn ngành.

- Tăng cường công tác nghiên cứu, phát triển, áp dụng các công nghệ số, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và học máy, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây để nâng cao hiệu quả công tác thăm dò, khai thác dầu khí. Trước hết cần xem xét, lựa chọn một số khâu có thể đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các nội dung trên như xử lý, minh giải tài liệu địa chấn, tài liệu địa vật lý giếng khoan, đánh giá đặc điểm vỉa chứa, tiềm năng dầu khí; lập kế hoạch/chương trình khoan, thiết kế giếng khoan, theo dõi và điều hành công tác khoan, hoàn thiện giếng; quản lý, điều hành khai thác mỏ.

- Tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại, phổ cập kiến thức mới kịp thời cho lãnh đạo, cán bộ các cấp và nhân viên về công nghệ số, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và học máy, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây, cũng như các ứng dụng cụ thể trong thăm dò, khai thác dầu khí.

4. Kết luận:

Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu [1]. Thông qua việc thực hiện chuyển đổi số, áp dụng nhiều hơn các nền tảng và ứng dụng kỹ thuật số, cùng với dữ liệu khai thác được tạo ra từ cơ sở hạ tầng hiện có, các doanh nghiệp dầu khí sẽ có cơ hội tốt hơn để vượt qua hách thức hiện tại và kích hoạt khả năng hoạt động từ xa, giúp ngành Dầu khí Việt Nam tiếp tục phát triển.

Chuyển đổi số là công việc quan trọng, thiết thực, tuy nhiên quá trình này phức tạp, diễn ra lâu dài, đòi hỏi quyết tâm của lãnh đạo, nhân viên, cần có tư vấn chuyên nghiệp và nguồn kinh phí lớn. Việc chuyển đổi số trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí đã và đang được thực hiện tại các đơn vị trong ngành Dầu khí Việt Nam, tuy nhiên còn “manh mún” và ở các mức độ khác nhau. Thăm dò, khai thác dầu khí là lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cốt lõi của PVN, vì vậy, cần sớm nghiên cứu, đánh giá, xây dựng kế hoạch tổng thể chuyển đổi số lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí với mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, lộ trình, bước đi phù hợp./.


Tài liệu tham khảo:

[1] Thủ tướng Chính phủ, Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Quyết định số 749/QĐ-TTg, 3/6/2020.

[2] Bộ Thông tin và Truyền thông, “Dự thảo Đề án chuyển đổi số quốc gia”, 2019.

[3] Dxc.Technology and The Economist Intelligence Unit, “2019: The year of digital decisions”. [Online]. Available: https://assets1.dxc.technology/digital_transformation/downloads/
Digital_Decisions_Survey_Report.pdf.

[4] World Economic Forum, “Digital transformation initiative, oil and gas industry”, 1/2017. [Online]. Available: https://reports.weforum.org/digital-transformation/wp-content/blogs.dir/94/mp/files/pages/files/dti-oil-and-gas-industry-white-paper.pdf.

[5] Andrew Trice, “The future of cognitive computing”, 23/11/2015. [Online]. Available:

https://www.ibm.com/blogs/cloud-archive/2015/11/future-of-cognitive-computing/.

[6] Accenture, “The 2016 upstream oil and gas digital trends survey”. [Online]. Available: https://www.accenture.com/ch-en/insight-2016-upstream-oil-gas-digital-trends-survey.

[7] Tech Target, “Definition: Internet of Things (IoT)”. [Online]. Available: http://internetofthingsagenda.techtarget.com/definition/Internet-of-Things-IoT.

[8] Çağlayan Arkan, “From disruption to opportunity: How digital is transforming the future of oil and gas”, 4/9/2018. [Online]. Available: https://cloudblogs.microsoft.com/industry-blog/manufacturing/2018/09/04/from-disruption-to-opportunity-how-digital-is-transforming-the-future-of-oil-and-gas/.

[9] Oliver Wyman, “Upstream digital transformations - Will your digital portfolio of initiatives be enough?”. [Online]. Available: https://www.mmc.com/content/dam/mmc-web/insights/publications/2019/aug/Upstream-Digital-Transformations-FINAL-v2.pdf.

[10] Equinor, “Digitalisation is changing our company”. [Online]. Available: https://www.equinor.com/en/how-and-why/digitalisation-in-our-dna.html.

[11] Equinor, “Digitalisation driving value creation”, 22/5/2017. [Online]. Available: https://www.equinor.com/en/news/digitalisation-driving-value-creation.html.

[12] Equinor, “Is this Norway’s most digital workplace?”. [Online]. Available: https://www.equinor.com/en/magazine/most-digital-workplace.html.

[13] Equinor, “Equinor is hosting Techstars Energy Accelerator”, 31/1/2019. [Online]. Available: https://www.equinor.com/en/magazine/techstars-energy-accelerator.html.

[14] Mark Venables, “Change of culture reaps rewards for BP's digital transformation”. [Online]. Available: https://www.forbes.com/sites/markvenables/2019/01/31/change-of-culture-reaps-rewards-for-bps-digital-transformation/#4f55c7f76199.

[15] BP, “Digital innovation”. [Online]. Available: https://www.bp.com/en/global/corporate/what-we-do/technology-at-bp/digital-innovation.html.

[16] Offshore Technology, “Exploring the impact of artificial intelligence on offshore oil and gas”, 15/5/2019. [Online]. Available: https://www.offshore-technology.com/features/application-of-artificial-intelligence-in-oil-and-gas-industry/.

[17] Trent Jacobs, “Digital transformation at BP is starting to add up to billions”, 16/5/2019. [Online]. Available: https://pubs.spe.org/en/jpt/jpt-article-detail/?art=5495.

[18] ENI, “The digital transformation plan”. [Online]. Available: https://www.eni.com/en-IT/operations/italy-digital-transformation-plan.html.

[19] Total, “Digital factory: Total accelerates its digital transformation”, 12/11/2019. [Online]. Available:  https://www.total.com/news/digital-factory-total-accelerates-its-digital-transformation.

[20] Total, “Total’s pangea III supercomputer ranked first in industry worldwide”, 18/6/2019. [Online]. Available: https://www.total.com/media/news/press-releases/totals-pangea-iii-supercomputer-ranked-first-industry-worldwide.

[21] Halliburton, “Halliburton Awarded Digital Transformation Contract in Indonesia”, 25/22020. [Online]. Available: https://www.halliburton.com/en-US/news/press-releases/2020/halliburton-awarded-digital-transformation-contract-in-indonesia.html

Theo Tạp chí Dầu khí (số 12/2020)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động