RSS Feed for Chuyển dịch cơ cấu năng lượng Việt Nam: Cơ hội và thách thức [3] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 15/01/2025 16:47
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chuyển dịch cơ cấu năng lượng Việt Nam: Cơ hội và thách thức [3]

 - Ở Việt Nam, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước đối với ngành năng lượng. Một số chính sách nhà nước liên quan được thảo luận tại Quốc hội; và một số khoản đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước được thảo luận tại các hội đồng - uỷ ban nhân dân tỉnh. Quyết định đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước, hoặc các doanh nghiệp tư nhân vào các nhà máy điện phải được phê duyệt, hoặc có sự đồng ý của chính quyền địa phương và các bộ ở cấp trung ương...

Chuyển dịch cơ cấu năng lượng Việt Nam: Cơ hội và thách thức [1]
Chuyển dịch cơ cấu năng lượng Việt Nam: Cơ hội và thách thức [2]

KỲ 3: CÁC BÊN LIÊN QUAN TRONG CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU NĂNG LƯỢNG 

Quan trọng hơn, Cục Điều tiết Điện lực (ERAV) cũng đóng góp vào quá trình hình thành chính sách và tập trung vào việc thực thi chính sách điện, tuy nhiên không hoàn toàn độc lập và năng lực của cơ quan này vẫn còn hạn chế.

Các doanh nghiệp nhà nước như: EVN, TKV, PVN và Petrolimex cùng nhau kiểm soát việc phát và phân phối điện; khai thác, xuất nhập khẩu và phân phối than; và khai thác, lọc, xuất nhập khẩu dầu khí và phân phối sản phẩm.

Các doanh nghiệp nhà nước và các công ty con không phụ thuộc vào các cuộc họp đại hội cổ đông, và việc tuân thủ các quy định hiện hành về công bố thông tin doanh nghiệp của nhóm này vẫn còn yếu.

Các doanh nghiệp tư nhân và nhà nước liên kết với nhau theo nhiều cách, và được đại diện bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) kết nối các tổ chức doanh nghiệp quốc tế (các phòng thương mại) cũng như các doanh nghiệp trong nước và đại diện của các doanh nghiệp tham gia vào các cuộc đối thoại thường kỳ với Chính phủ.

Quan điểm chung của các doanh nghiệp là việc tăng giá năng lượng là khả thi, do việc đạt được hiệu quả năng lượng ở mức đơn giản là có thể, tuy nhiên giá năng lượng nên tăng ở mức giới hạn và tăng từ từ.

Nhiều tổ chức phi chính phủ (NGO) hoạt động trong lĩnh vực năng lượng đăng ký dưới Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA). Trong đó có một số tổ chức là thành viên của Liên minh Năng lượng Bền vững Việt Nam (VSEA). VSEA cũng bao gồm vài thành viên là các NGO quốc tế. Nhiều NGO trong nước nhận được hỗ trợ từ các NGO quốc tế và các tổ chức phát triển song phương. Một số NGO hoạt động về các vấn đề năng lượng địa phương như hầm khí sinh học. VSEA và các thành viên của Liên minh tổ chức các buổi hội thảo, tham vấn, giới thiệu về hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo. Cho tới nay, nhìn chung các hoạt động và mức độ ảnh hưởng của các tổ chức NGO còn rất hạn chế.

Ví dụ: trong năm 2016 và 2017, "Tuần lễ năng lượng tái tạo" đã được tổ chức ở nhiều nơi trên khắp cả nước. Khả năng và ảnh hưởng của các NGO đối với việc chuyển dịch cơ cấu năng lượng vẫn còn hạn chế, nhưng đang dần được tăng cường.

Về lĩnh vực truyền thông, Tạp chí Năng lượng Việt Nam (cơ quan của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - VEA) vào đầu năm 2017 đã đăng một loạt các bài báo tranh luận "Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than?" Và gần đây là phản biện "Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện". Nhưng cạnh đó, cơ quan báo chí này cũng cho đăng các bài về lợi ích của năng lượng tái tạo, cũng như tình hình phát triển trong ngành năng lượng ở tầm quốc gia và quốc tế. Đây được coi là cơ quan truyền thông năng lượng độc lập, có quan điểm rõ ràng, phản biện khách quan ở Việt Nam hiện nay.

Còn tiếng nói của công chúng về các vấn đề năng lượng và các chính sách liên quan là tương đối yếu, tuy nhiên nổi bật lên trong đó là các góc nhìn đa chiều và cảm xúc. Nghiên cứu về tiềm năng tăng giá năng lượng cho thấy: công chúng không tin tưởng vào tính minh bạch của các tập đoàn nhà nước, tuy nhiên vẫn chấp nhận tăng giá năng lượng từ từ nếu đi cùng với các chính sách giảm thiểu các tác động bất lợi.

Việc tăng giá năng lượng cũng như ảnh hưởng của nó lên giá của các hàng hoá dịch vụ khác cần được xem xét (ví dụ chi phí xăng dầu của ngư dân cũng như chi phí bơm nước của nông dân cũng sẽ tăng). Các nông hộ thu nhập thấp sẽ cố gắng tiết kiệm các chi phí như vận chuyển nông sản hay tưới tiêu, và tăng lao động chân tay. Một số hộ kinh doanh không chính thức, người nhập cư và các hộ gia đình thu nhập thấp có thể bị ảnh hưởng bởi giá điện tăng nhiều hơn những nhóm khác do họ mua điện qua trung gian (không chính thức, với mức giá cao) và họ không hưởng lợi nhiều từ biểu giá điện lũy tiến theo bậc thang.

Có thể thấy, một số nhóm công chúng tỏ ra quan tâm đến chất lượng môi trường, như trong các cuộc phản đối, trên các phương tiện truyền thông và qua các cuộc tranh luận trên mạng xã hội về ô nhiễm tại địa phương. Ví dụ như trường hợp nhà máy nhiệt điện than ở Vĩnh Tân mới đây.

Truyền thông đại chúng (báo, đài truyền hình, đài tiếng nói và các trang web liên quan do nhà nước quản lý) là tiếng nói cho nhóm các bên liên quan khác nhau. Họ quan tâm nhiều đến năng lượng tái tạo, bao gồm các lợi ích, các kế hoạch đầu tư ban đầu, các khoản đầu tư chính thức vào các hệ thống năng lượng tái tạo và sản xuất thiết bị, tình hình phát triển chính sách cũng như sai phạm, hoặc tham nhũng.

Truyền thông đại chúng cũng đề cập đến lợi ích của các loại nhiên liệu hoá thạch, các khoản đầu tư dự kiến cũng như các nhà máy điện than đã được đầu tư chính thức, đồng thời cũng đưa tin về các buổi hội thảo về chính sách hoặc mang tính kỹ thuật của chính phủ, các cơ quan phát triển, NGO và đôi khi của các doanh nghiệp. Nhóm này cũng có nhiều báo cáo về các vụ xì căng đan ô nhiễm, đôi khi liên quan đến việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch. Tuy nhiên, tranh cãi về các sự kiện này chủ yếu diễn ra trên các mạng xã hội, đặc biệt là Facebook.

Đón đọc kỳ tới: Ảnh hưởng đến chuyển dịch cơ cấu năng lượng: Vượt qua các rào cản chính

KOOS NEEFJES VÀ TS. ĐẶNG THỊ THU HOÀI - VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TW

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động