RSS Feed for Chính sách năng lượng tái tạo và "rủi ro tham nhũng" | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 06/11/2024 06:24
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chính sách năng lượng tái tạo và 'rủi ro tham nhũng'

 - Xu thế đầu tư vào hạ tầng năng lượng tái tạo là những "mỏ vàng" mới đối với các nhà đầu tư và sản xuất năng lượng ở các nước đang phát triển và có lẽ Việt Nam sẽ khó cưỡng lại xu thế này (nhất là khi các nước láng giềng xung quanh như Trung Quốc đang toàn lực chạy đua trong lĩnh vực này). Tất nhiên, khi đó, rủi ro tham nhũng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng trở nên gần với hiện thực hơn bao giờ hết.

"Địa tô" của bức xạ và chính sách giá điện mặt trời ở Việt Nam


Việc giám sát lỏng lẻo trong trợ giá cho lĩnh vực năng lượng tái tạo và ý muốn phát triển nhanh trong lĩnh vực này của Chính phủ Trung Quốc đã kết hợp cả căn bệnh thành tích với căn bệnh tham nhũng. Kết quả là tiền của chính phủ đã bị thất thoát lớn vào tay những công ty trục lợi và những cán bộ tham nhũng. Một vài câu chuyện tương tự cũng được phần nào phản ánh qua những báo cáo của các tổ chức tư vấn quốc tế về chuyện làm năng lượng mặt trời tại Ai Cập...

Liệu Việt Nam có kịp học bài học từ các nước khác, hay sẽ lại đi vào vết xe đổ của họ?

Rủi ro tham nhũng tiềm ẩn rất cao ở các dự án năng lượng tái tạo

Ngày 22-2-2018, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2017, Việt Nam đạt 35/100 điểm, xếp hạng 107/180 toàn cầu.

Theo xếp hạng này thì Việt Nam đứng trên Myanmar, Lào và Campuchia, chỉ nhỉnh hơn Philippines một chút và xếp sau Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và Malaysia. So với nhóm đứng đầu châu Á như Nhật Bản, Singapore và Hồng Kông, điểm số của Việt Nam còn kém rất xa.

Trước báo cáo này, cách đây mấy tháng, Tổ chức Minh bạch Quốc tế còn có một báo cáo chuyên đề về Việt Nam, cảnh báo đặc biệt về tham nhũng trong lĩnh vực năng lượng ở Việt Nam.

Theo các tác giả của báo cáo chuyên đề này, lĩnh vực năng lượng của Việt Nam bị ảnh hưởng xấu bởi "năng lực quản trị kém do thiếu minh bạch, thiếu kiểm tra giám sát và cân bằng quyền lực, tệ quan liêu và những mối liên hệ chặt chẽ giữa Chính phủ và doanh nghiệp". Đây được xem là "rủi ro tham nhũng" cho các nhà đầu tư và nhà tài trợ vốn quốc tế muốn tham gia vào thị trường năng lượng và giúp Việt Nam xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng.

Báo cáo cũng khuyến cáo rằng, rủi ro tham nhũng tiềm ẩn rất cao ở các dự án năng lượng tái tạo trong tương lai ở Việt Nam.

Những nhận định này không những đặt ra một thách thức không nhỏ cho Việt Nam vì hình ảnh trong mắt giới đầu tư và tài trợ vốn hạ tầng cho năng lượng tái tạo sẽ xấu đi, mà nó còn cảnh báo trước nguy cơ một dạng tham nhũng trong đầu tư hạ tầng mới: tham nhũng trong đầu tư hạ tầng năng lượng tái tạo.

Bài học kinh nghiệm từ Trung Quốc

Những kinh nghiệm gần đây ở Trung Quốc và Ai Cập cho thấy Việt Nam không nên xem thường rủi ro này.

Năm 2016, các nhà nghiên cứu thuộc Trường Kinh tế và Chính trị London (LSE) đã công bố nghiên cứu về tham nhũng trong đầu tư năng lượng gió ở Trung Quốc và kết luận rằng: tỷ lệ tội phạm tham nhũng tăng cao ở những vùng áp dụng chính sách khuyến khích đặc biệt rộng rãi đối với năng lượng gió và cho rằng những giải pháp mang tính phi thị trường (như các chính sách ưu đãi, khuyến khích) có thể tạo ra những kết quả xấu ngoài mong đợi nếu như thể chế thiếu minh bạch và giám sát kém. Điển hình là có nhiều công ty câu kết với cán bộ chính quyền địa phương để lấy vốn tài trợ và hưởng ưu đãi nhưng chẳng hề thực hiện dự án gì cả.

Quốc gia

Điểm CPI

Xếp hạng

Singapore

84

6

Hồng Kông

77

13

Nhật Bản

73

20

Đài Loan

63

29

Brunei

62

32

Hàn Quốc

54

51

Malaysia

47

62

Trung Quốc

41

77

Indonesia

37

96

Thái Lan

37

96

Việt Nam

35

107

Philippines

34

111

Myanmar

30

130

Lào

29

135

Campuchia

21

161

Nguồn: Transparency International.

Với nỗ lực đi đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Trung Quốc đã chi rất nhiều tiền trợ giá cho nhiều loại năng lượng tái tạo, sản xuất xe chạy bằng điện... và kết quả là số án tham nhũng trong lĩnh vực này tăng cao. Trung Quốc đã phát hiện có ít nhất 5 công ty rút ruột hàng triệu đô la Mỹ dưới dạng tiền tài trợ của chính phủ để làm xe buýt chạy bằng điện và khi tiến hành thanh tra thì họ chẳng có sản xuất gì cả. Chính phủ Trung Quốc nghi ngờ có nhiều nhà sản xuất khác cũng tận dụng các chính sách như bù giá của chính phủ khi sản xuất xe chạy bằng điện để kê khống sản lượng (họ được bù giá 76.000 đô la Mỹ cho một chiếc xe buýt và 7.500 đô la Mỹ cho một chiếc xe hơi).

Trợ giá là một yếu tố hết sức quan trọng trong "cuộc chơi" năng lượng tái tạo toàn cầu hiện tại và những báo cáo cho rằng, giá năng lượng tái tạo thấp hơn giá năng lượng truyền thống thường là được thổi phồng vì giá cả năng lượng tái tạo và chi phí trữ năng lượng (giả sử là nếu có thể làm hiệu quả) bị bóp méo bởi nhiều loại chính sách trợ giá khác nhau. Khi có trợ giá và cơ chế lựa chọn công ty nào được trợ giá, tất yếu nảy sinh môi trường cho tham nhũng.

Việc giám sát lỏng lẻo trong trợ giá cho lĩnh vực năng lượng tái tạo và ý muốn phát triển nhanh trong lĩnh vực này của Chính phủ Trung Quốc đã kết hợp cả căn bệnh thành tích với căn bệnh tham nhũng. Kết quả là tiền của chính phủ đã bị thất thoát lớn vào tay những công ty trục lợi và những cán bộ tham nhũng.

Một vài câu chuyện tương tự cũng được phần nào phản ánh qua những báo cáo của các tổ chức tư vấn quốc tế về chuyện làm năng lượng mặt trời tại Ai Cập.

Vấn đề là hiện tại phát triển năng lượng tái tạo được đặt ra như một giải pháp giúp các nước đang phát triển giải quyết bài toán năng lượng ngày càng cấp bách (chẳng hạn với những nước tăng trưởng nhanh như Việt Nam, Trung Quốc - bài toán này là hết sức quan trọng vì nó ảnh hưởng tới chi phí đầu vào và an ninh năng lượng).

Xét ở xu thế toàn cầu, đầu tư năng lượng tái tạo là xu thế không thể cưỡng lại vì nó có nhiều đặc tính dễ được truyền thông và giới cấp tiến, ủng hộ bảo vệ môi trường tung hô.

Những khẩu hiệu như "nhiệt điện than không còn rẻ, năng lượng tái tạo không còn đắt" được nhiều tổ chức xúc tiến đầu tư năng lượng tái tạo đưa ra trên các phương tiện truyền thông, mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi chưa ngã ngũ trong giới chuyên môn và câu chuyện chi phí phụ thuộc nhiều vào đặc thù từng nước và biến động của thị trường tài chính hỗ trợ năng lượng tái tạo - thị trường mà có người cho rằng nó là một quả "bong bóng" hay cái "động không đáy" đốt tiền trợ giá.

Bất kể năng lượng tái tạo có được thổi phồng quá mức hay không, xu thế chính trị toàn cầu xem ra luôn hướng về ủng hộ khái niệm "xanh" và "sạch", do đó các chính phủ rồi sẽ tiếp tục bỏ tiền vào lĩnh vực này và kéo giới đầu tư tư nhân theo.

Vì vậy, xu thế đầu tư vào hạ tầng năng lượng tái tạo là những "mỏ vàng" mới đối với các nhà đầu tư và sản xuất năng lượng ở các nước đang phát triển và có lẽ Việt Nam sẽ khó cưỡng lại xu thế này (nhất là khi các nước láng giềng xung quanh như Trung Quốc đang toàn lực chạy đua trong lĩnh vực này). Khi đó, rủi ro tham nhũng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng trở nên gần với hiện thực hơn bao giờ hết.

TS. HỒ QUỐC TUẤN - GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC BRISTOL (VƯƠNG QUỐC ANH)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động