RSS Feed for Cánh cổng mở ra những nghiên cứu, ứng dụng hạt nhân | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 23/01/2025 10:34
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Cánh cổng mở ra những nghiên cứu, ứng dụng hạt nhân

 - Trung tâm Khoa học và Công nghệ Hạt nhân (CNEST) được xây dựng sẽ là cánh cổng mở ra những nghiên cứu, ứng dụng hạt nhân đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng như: điều trị ung thư, tạo các giống cây trồng, phân tích địa khoáng hay các ứng dụng khác trong công nghệ khai thác.

Vai trò công nghệ hạt nhân trong sự phát triển bền vững
Hậu điện hạt nhân, những vấn đề cần giải quyết
Nhân lực luôn sẵn sàng khi dự án điện hạt nhân tái khởi động
Thành tựu của Việt Nam về ngành công nghiệp hạt nhân

Kế hoạch triển khai Trung tâm Khoa học và Công nghệ Hạt nhân (CNEST) của Việt Nam được đặt ra trong bối cảnh lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã gần như hoàn thành “sứ mệnh 50 năm” phục vụ cho sự phát triển của kinh tế xã hội đất nước. Trọng tâm dự án là lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu mới có công suất dự kiến khoảng 15MW cùng công nghệ hiện đại an toàn được hỗ trợ bởi Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (ROSATOM). Nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ Hạt nhân (Dự án Trung tâm CNEST), vừa qua, Bộ Khoa học & Công nghệ đã phối hợp với ROSATOM tổ chức Hội thảo “Trung tâm KH&CN hạt nhân: Các khía cạnh kinh tế - xã hội và khoa học kỹ thuật”. Bên lề hội thảo, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với ông Evgeny Pakermano, Chủ tịch Công ty Rusatom Overseas, thuộc Tập đoàn ROSATOM.

PV: Thưa ông, đề xuất tổng hợp của ROSATOM về Trung tâm CNEST được xây dựng có tính đến những đặc thù của Việt Nam hay không? Xin ông cho biết cụ thể những đặc thù đó?

 

Ông Evgeny Pakermano: Đề xuất tổng hợp của ROSATOM về Trung tâm CNEST đã tính đến tất cả các đặc thù của địa phương. CNEST có cấu trúc hợp lý bao gồm các phòng thí nghiệm và các cơ sở sản xuất. Trong đó, quy mô của các phòng ban cũng khác nhau. Điều này không chỉ nhằm đảm bảo công tác nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực: từ việc xác định cấu trúc cho đến mô phỏng chủ thể nghiên cứu bằng hệ thống siêu máy tính, mà còn nhằm giải quyết các vấn đề xã hội quan trọng, như đảm bảo việc chẩn đoán và chữa trị bằng công nghệ cao.

PV: Xin cho biết cụ thể những lợi thế cho Việt Nam sau khi CNEST được hoàn tất?

Ông Evgeny Pakermano: Những trung tâm như CNEST có thể thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ bức xạ vào các lĩnh vực công nghiệp, y dược, nông nghiệp và các lĩnh vực quan trọng khác trong đời sống.

Các đồng vị phóng xạ được sản xuất tại CNEST sẽ được sử dụng trong việc chuẩn đoán và điều trị các căn bệnh ung thư, nội tiết và tim mạch, giúp người dân được tiếp cận nhiều hơn với các loại thuốc là sản phẩm của y học hạt nhân, áp dụng công nghệ cao.

CNEST thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghệ hoàn toàn mới ở Việt Nam. Cụ thể, con người có thể khám phá các mạch nước ngầm, phân tích đất và quặng để phân tích cấu trúc và định lượng, đóng góp quan trọng cho ngành công nghiệp khai thác mỏ.

Bên cạnh đó, CNEST cũng thúc đẩy nền giáo dục và khoa học tại Việt Nam, giúp đào tạo các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực.

PV: Đánh giá của Bộ KH&CN Việt Nam đối với đề xuất tổng hợp của ROSATOM về Trung tâm CNEST?

Ông Evgeny Pakermano: Chúng tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ hài lòng với các giải pháp mà ROSATOM đề xuất. Chúng tôi luôn cân nhắc tất cả các yêu cầu của Việt Nam khi thiết kế CNEST.

PV: Xin cho biết cụ thể địa điểm, chi phí đề xuất cho việc xây dựng Trung tâm CNEST?

Ông Evgeny Pakermano: Dựa trên những kinh nghiệm của ROSATOM khi xây dựng các trung tâm tương tự CNEST, chúng tôi cho rằng điểm quan trọng nhất là đảm bảo cơ sở hạ tầng giao thông tốt xung quanh khu vực xây dựng CNEST. Các cơ sở khoa học, chăm sóc sức khỏe và các doanh nghiệp công nghiệp thường nằm ở các khu vực lân cận. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần cân nhắc vấn đề an toàn môi trường. Những trung tâm tương tự CNEST có thể được xây dựng ngay trong các thành phố lớn. Trên thực tế, nhiều lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu đã được đặt tại ngay trong các thành phố như Mát-xcơ-va, Viên, São Paulo và rất nhiều thành phố khác.

Chi phí mà ROSATOM đã đề xuất để xây dựng trung tâm CNEST với nhiều tổ hợp nghiên cứu và sản xuất là mức chi phí rất cạnh tranh. Quan trọng là việc vận hành CNEST sẽ đem lại lợi nhuận trong tương lai.

PV: ROSATOM đã được Việt Nam chọn làm đối tác xây dựng CNEST chưa hay có phải cạnh tranh với các đối thủ khác trong việc tham gia xây dựng dự án này?

Ông Evgeny Pakermano: Đề xuất giải pháp của ROSATOM có thể so sánh với những thành tựu vĩ đại nhất của thế giới trong khuôn khổ Hiệp định liên Chính phủ (được hai nước ký kết vào tháng 11/2011). Với bản đề xuất toàn diện bao gồm các chủ đề như: cơ sở hạ tầng, cán bộ chủ chốt, chuyển giao công nghệ nghiên cứu và sản xuất, cùng yếu tố lịch sử hợp tác lâu đời giữa hai quốc gia, ROSATOM đã chính thức được lựa chọn làm đối tác xây dựng CNEST. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia Nga, Viện nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt đã được khôi phục, mở rộng và tái khởi động thành công từ năm 1984. Trong đó, lò phản ứng Đà Lạt được xây dựng theo thiết kế của Nga vẫn đang hoạt động. Năm 2014, lễ kỷ niệm 30 năm ngày khánh thành công trình khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã được tổ chức.

PV: Xin cảm ơn ông!

NGUYỄN THÙY LINH (THỰC HIỆN)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động