RSS Feed for Bùng nổ ngành công nghiệp năng lượng mặt trời ở Nhật Bản | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 05/11/2024 19:20
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Bùng nổ ngành công nghiệp năng lượng mặt trời ở Nhật Bản

 - Sau sự kiện đóng cửa lò phản ứng hạt nhân cuối cùng tại nhà máy hạt nhân Tomari Nuclear Power Plant (NPP) ở làng Hokkaido, Tomari, Nhật Bản đã quyết định hoàn toàn không sử dụng điện từ năng lượng hạt nhân nữa. Quyết định chấm dứt “kỷ nguyên hạt nhân” thực sự là một quyết định rất khó khăn với giới chức Nhật Bản, khi mà quốc gia này sẽ thiếu hụt khoảng 25% tổng nguồn cung điện cho toàn quốc.

                   Một trung tâm năng lượng mặt trời chuyên biệt tại Nhật Bản

Để bù đắp vào lượng điện thiếu hụt trên, chính phủ Nhật Bản đã tìm rất nhiều giải pháp tìm mới nguồn cung năng lượng thay thế, như tăng cường nhập khẩu dầu khí từ nước ngoài, phát triển địa nhiệt … Mới đây, quốc hội Nhật Bản lại đưa ra dự luật mới hướng trọng tâm phát triển đến ngành năng lượng mặt trời ở quốc gia này.

Dự luật trợ giá (FiT) cho ngành năng lượng mặt trời tại Nhật Bản

Năm 2011, quốc hội Nhật Bản đã lên kế hoạch xây dựng FiT cho ngành mặt trời tại quốc gia này. FiT cho ngành năng lượng mặt trời cho phép chính phủ hỗ trợ giá điện sản xuất từ năng lượng mặt trời khi các doanh nghiệp tư nhân muốn đầu tư vào ngành năng lượng mặt trời trong nước.

FiT trợ giá cho ngành năng lượng mặt trời của Nhật Bản sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/7/2012.

Dự luật trợ giá FiT được kỳ vọng là sẽ tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy ngành năng lượng mặt trời Nhật Bản phát triển nhanh chóng.

Ngành năng lượng mặt trời có đặc điểm là chi phí đầu tư ban đầu cao và thời gian thu hồi vốn chậm. Chính điều này đã khiến rất nhiều doanh nghiệp tư nhân e dè khi muốn đầu tư vào ngành năng lượng mặt trời, vì họ sẽ phải chờ rất lâu để những khoản đầu tư sinh lời.

Dự luật FiT mới của chính phủ Nhật Bản, hứa hẹn ngành năng lượng mặt trời nước này sẽ trở thành một thị trường đầy tiềm năng để đầu tư.

Nội dung của FiT cho ngành năng lượng mặt trời là, chính phủ Nhật Bản sẽ mua mức giá điện sản xuất từ năng lượng mặt trời cao hơn so với giá thị trường, khoảng 40 Yen/kWh (0,50 USD/kWh) cho các dự án xây dựng các trung tâm điện năng lượng mặt trời có công suất trên 10kW (cho dự án xây dựng các trung tâm chuyên dụng tách biệt với khu dân cư) và khoảng 42 Yen/kWh (0.53 USD/kWh) cho các dự án có công suất <10kW (cho dự án xây dựng các công trình dân cư, văn phòng, có công năng sản xuất điện từ năng lượng mặt trời).

Khu dân cư có thể tự cung cấp và thậm chí là sản xuất điện từ năng lượng mặt trời

Dự luật FiT sẽ trợ giá cho ngành năng lượng mặt trời Nhật Bản trong vòng 10 - 20 năm.

Các trung tâm năng lượng mặt trời thường có công suất điện và sản lượng điện rất thấp, chi phí xây dựng lại cao, nên khả năng thu hồi vốn là rất chậm. Ưu điểm lớn nhất của các trung tâm năng lượng mặt trời là có thể lắp đặt tại mọi nơi miễn là có ánh sáng mặt trời chiếu rọi vào. Một số trung tâm năng lượng mặt trời vừa được thiết kế như một tòa nhà văn phòng hay nhà riêng nhưng vẫn sản xuất điện qua các tấm kính năng lượng mặt trời được ghép ở bên ngoài.

Những khó khăn khi triển khai dự luật trợ giá năng lượng mặt trời FiT

Nhật Bản là quốc gia nổi tiếng có giá cả, chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Thông thường, để hoàn thành một dự án trung tâm điện mặt trời, chủ đầu tư sẽ phải bỏ rất nhiều vốn để thuê nhân công, mua đất, xây dựng cơ sở, kết nối trung tâm điện mặt trời với lưới điện quốc gia … Tất cả chi phí khiến cho giá thị trường cho mỗi Watt điện sản xuất từ năng lượng mặt trời tại Nhật Bản là rất cao, khoảng  6.25 USD/W. Trong khi đó giá điện sản xuất từ năng lượng mặt trời tại Mỹ chỉ là 1.90 - 2.70 USD/W (150-200 Yen/W).

Ngày 1/7/2012, dự luật FiT sẽ chính thức có hiệu lực và trở thành đạo luật FiT. Đạo luật mới được dư luận đánh giá là giải pháp tuyệt vời của chính phủ, trong nỗ lực tìm kiếm nguồn cung năng lượng mới để phục hồi kinh tế quốc gia, sau thảm họa động đất, sóng thần và hạt nhân tại Nhật Bản tháng 3/2011.

Một số chuyên gia về năng lượng tại Nhật Bản cho rằng, dự luật FiT vẫn chưa hỗ trợ đầy đủ cho doanh nghiệp muốn đầu tư vào ngành năng lượng mặt trời và hy vọng rằng quốc hội Nhật Bản sẽ xem xét và sửa chữa lại dự luật này vào năm 2013.

Các chuyên gia năng lượng hy vọng Quốc hội Nhật Bản sẽ tìm cách hạ thấp chi phí lắp đặt các trung tâm năng lượng mặt trời xuống, hoạc giảm giá thành các tấm pin năng lượng mặt trời sản xuất tại Nhật Bản xuống.

Với mức hỗ trợ từ chính phủ như dự luật FiT hiện nay, thì lợi nhuận từ việc xây lắp các trung tâm năng lượng điện mặt trời tách biệt với khu dân cư tại Nhật Bản sẽ tăng lên 6%, còn lợi nhuận từ việc xây lắp các công trình dân cư, văn phòng có công năng sản xuất điện từ năng lượng mặt trời sẽ tăng 3%.

Nhưng đây mới chỉ là lợi nhuận mà các công ty năng lượng mặt trời có được khi chỉ đầu tư mua các trang thiết bị đắt đỏ của những nhà sản xuất trong nước. Các thương hiệu sản xuất pin năng lượng mặt trời tại Nhật Bản như Panasonic, Kyocera từ lâu đã nổi tiếng khi ra đời những tấm pin có độ bền, năng suất rất cao, nhưng giá thành lại quá đắt.

Các công ty sản xuất điện từ năng lượng mặt trời Nhật Bản có thể tiết kiệm chi phí, khi sử dụng các thương hiệu pin năng lượng mặt trời khác, từ nước ngoài có chất lượng gần bằng pin sản xuất ở Nhật Bản, nhưng giá thành lại rẻ hơn nhiều như: SunPower, Suntech của Canada hay Trina Solar, Yingli Solar hoạc JA của Trung Quốc.

Tương lai trước mắt của ngành năng lượng mặt trời Nhật Bản

Dự kiến, chỉ ngay vài tháng sau khi đạo luật FiT có hiệu lực, dự luật mới ra sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, xây mới thêm các trung tâm năng lượng mặt trời với tổng sản lượng điện trên khắp Nhật Bản tăng thêm khoảng 2MW.

Nếu Nhật Bản triển khai đạo luật FiT tốt, thì đây sẽ là một thành công không nhỏ trong lộ trình chuyển đổi ngành năng của Nhật Bản từ phụ thuộc chính vào năng lượng hóa thạch và năng lượng hạt nhân sang đáp ứng đến 20 -35% nhu cầu năng lượng trong nước bằng năng lượng tái tạo.

Trong năm 2011, tổng sản lượng điện từ các trung tâm năng lượng mặt trời là khoảng 1.3 GW, con số này sẽ tăng lên khoảng 2.3 - 2.5 GW trong năm 2012 và 3.0 GW trong năm 2013.

Tập đoàn phân phối hàng hóa lớn nhất thế giới của Mỹ là U.S.’s Best Buy dự đoán không chỉ riêng Nhật Bản mà sắp tới đây sẽ có thêm hàng loạt các quốc gia khác trên thế giới xây dựng các đạo luật trợ giá, hỗ trợ cho ngành năng lượng mặt trời.

Hiện nay, Nhật Bản bị mất khoảng 25% tổng lượng điện toàn quốc do chính phủ quốc gia này quyết định đóng cửa toàn bộ các lò phản ứng hạt nhân trong nước. Mùa hè đang tới trên đất Nhật, giới chức Nhật Bản đang đau đầu vì lo nguồn cầu điện khắp toàn quốc sẽ vượt quá nguồn cung khi nhu cầu tiêu thụ điện để chống nóng của người dân đang tăng cao.

Việc dự luật FiT sẽ được chính thức hiệu lực vào tháng 7 là rất có ý nghĩa, trong bối cảnh người dân Nhật đang phải tiêu tốn một lượng điện khổng lồ để chống nóng trong ngày hè, thì các trung tâm năng lượng mặt trời lại có thể sản xuất một lượng lớn điện năng trong những ngày ánh nắng mặt trời chiếu sáng chói chang của mùa hạ.


Hữu Quang (NangluongVietnam.vn)

 

 

www.nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động