Bình Thuận luôn "mở cửa" đón nhà đầu tư điện tái tạo
12:22 | 26/10/2017
Tốc độ gió, bức xạ mặt trời ở Bình Thuận cao và ổn định
Bình Thuận đề xuất chính sách ưu đãi cho điện gió
Giới thiệu với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, Sungrow Power cho biết, là một tập đoàn lớn, có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực điện gió và điện năng lượng mặt trời. Trong năm 2016, Tập đoàn đã thực hiện 700MW điện mặt trời và con số này trong năm 2017 là 1.500MW. Hiện nay, Sungrow Power đang được niêm yết trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, với giá trị vốn hóa lên đến 4 tỷ USD. Hằng năm lợi nhuận của Tập đoàn là 3 tỷ USD.
Theo Sungrow Power, Tập đoàn này đang mở cửa tạo điều kiện để các tập đoàn, doanh nghiệp thực hiện các dự án năng lượng sạch. Qua nghiên cứu, tìm hiểu, Tập đoàn nhận thấy tỉnh Bình Thuận có điều kiện lý tưởng để phát triển các dự án này.
Tập đoàn Sungrow Power đã làm việc với Công ty TNHH Vĩnh Hưng Đồng Nai về việc lựa chọn đất thực hiện dự án. Được biết, Công ty TNHH Vĩnh Hưng Đồng Nai đang thực hiện một số dự án trồng rừng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, có đến 190ha đất rừng đưa vào khai thác không hiệu quả. Do đó, Công ty Vĩnh Hưng muốn chuyển đổi số diện tích trên để phối hợp với Sungrow Power thực hiện dự án điện năng lượng mặt trời công suất 100MW.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận - Lương Văn Hải khẳng định, UBND tỉnh luôn mở cửa, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có năng lực và tài chính đến với tỉnh. Đồng thời, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối xem xét, khảo sát diện tích đất xin chuyển đổi, đồng thời hướng dẫn Sungrow Power thực hiện bổ sung quy hoạch và hoàn tất những thủ tục cần thiết, tạo điều kiện tối đa cho tập đoàn thực hiện dự án.
Theo nguồn tin của Tạp chí Năng lượng Việt Nam, Bình Thuận là địa phương có tiềm năng năng lượng mặt trời thuộc loại cao nhất trong cả nước, số giờ nắng trung bình cao hơn so với số giờ trung bình ở phía Nam, bức xạ nhiệt ổn định, rất phù hợp và thuận lợi để phát triển điện mặt trời.
Theo tính toán, Quy hoạch phát triển điện mặt trời tỉnh Bình Thuận, tổng công suất tiềm năng quy hoạch là 5.321,5MWp.
Dự kiến đến năm 2020, tổng công suất lắp đặt đạt xấp xỉ 828 MW, với sản lượng điện tương ứng khoảng 1.270 triệu kWh. Đến năm 2025, tổng công suất lắp đặt tích lũy đạt xấp xỉ 2.642 MW, với sản lượng điện tương ứng xấp xỉ 4.055 triệu kWh. Đến năm 2030, tổng công suất lắp đặt tích lũy đạt xấp xỉ 4.520 MW, với sản lượng điện tương ứng khoảng 6.936 triệu kWh.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 6 dự án nhà máy điện mặt trời được UBND tỉnh cấp Quyết định chủ trương đầu tư với tổng công suất 380MW; 2 dự án (247,5MW) đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch; 6 dự án (185MW) đã lập hồ sơ quy hoạch điện lực bổ sung để UBND tỉnh trình Bộ Công Thương phê duyệt.
Ngoài ra còn có một số dự án khác đã được UBND tỉnh xem xét, chấp thuận chủ trương cho thực hiện nghiên cứu, khảo sát để lập quy hoạch bổ sung, quyết định chủ trương đầu tư.
TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM