Bên cạnh đó, theo ông Thịnh, Việt Nam nên tham khảo giá mua điện gió trong khu vực, trên thế giới để điều chỉnh lại giá mua điện gió, cũng như chính sách ưu đãi và có định hướng dòng vốn đầu tư.
Cùng với lộ trình tăng giá điện tiêu dùng, Chính phủ cần có lộ trình tăng giá mua điện gió - vì hiện nay giá mua điện gió tại Việt Nam thuộc diện thấp nhất thế giới.
Bình Thuận hiện là tỉnh đầu tiên trong cả nước có quy hoạch phát triển điện gió được phê duyệt, có nhiều dự án điện gió tốt đang chờ vốn - vì vậy, ông Thịnh kiến nghị Chính phủ có những chính sách định hướng các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư vào các dự án điện gió trên địa bàn. Đối với chính sách ưu đãi, ngoài các ưu đãi về thuế như Quyết định 37/2011/QĐ-TTg, mong Chính phủ cho phép các dự án điện gió được miễn tiền sử dụng đất.
Theo nguồn tin của Tạp chí Năng lượng Việt Nam, trong Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bình Thuận, mục tiêu đến năm 2020, tổng công suất lắp đặt đạt xấp xỉ 700 MW, với sản lượng điện gió tương ứng xấp xỉ 1.500 triệu kWh. Đến năm 2030, dự kiến công suất lắp đặt tích lũy đạt khoảng 2.500 MW, với sản lượng điện gió tương ứng là 5.475 triệu kWh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 19 dự án điện gió, với tổng công suất đăng ký đầu tư 1.192,5 MW được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương khảo sát, nghiên cứu và cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư.
Trong 19 dự án, có 9 dự án đã được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư, với tổng công suất 397,5 MW; 10 dự án đang hoàn chỉnh hồ sơ theo góp ý của các sở, ngành, địa phương trình xin cấp Quyết định chủ trương đầu tư, tổng công suất đăng ký 671,5 MW.
Trong 9 dự án đã được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư, đến nay đã có 3 dự án đi vào hoạt động, với tổng công suất 60 MW, bao gồm: Dự án Phong Điện 1 Bình Thuận (giai đoạn 1: 30MW), Dự án điện gió Phú Lạc (giai đoạn 1: 24 MW), Dự án điện gió đảo Phú Quý (6 MW); 1 dự án đang triển khai thi công (dự án điện gió Thuận Nhiên Phong công suất 32MW).
TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM