RSS Feed for Bàn về quan điểm, định hướng chuyển dịch năng lượng của PVEP trong xu thế phát triển mới | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 22/01/2025 14:41
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Bàn về quan điểm, định hướng chuyển dịch năng lượng của PVEP trong xu thế phát triển mới

 - Chia sẻ quan điểm về thích ứng chuyển dịch năng lượng của Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) phù hợp với tiềm lực tài chính, công nghệ, nhân lực, chiến lược phát triển, cũng như phù hợp với xu thế chung của các công ty năng lượng thế giới... Nguyễn Anh Tuấn [*] vừa có bài báo gửi tới Tạp chí Năng lượng Việt Nam dưới đây. Trong đó, tác giải nhấn mạnh 3 đỉnh của hình tam giác, đó là: (1) Bảo đảm an ninh năng lượng, (2) khả năng tiếp cận và phù hợp, (3) tính ổn định và bền vững. Rất mong nhận được sự chia sẻ của bạn đọc.
Dự án CCS/CCUS [*] bổ sung động lực mới trong chiến lược phát triển bền vững của PVEP Dự án CCS/CCUS [*] bổ sung động lực mới trong chiến lược phát triển bền vững của PVEP

Qua bài báo của chuyên gia Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) viết riêng cho Tạp chí Năng lượng Việt Nam dưới đây cho thấy: Dự án CCS/CCUS (thu hồi, lưu trữ CO2/thu hồi, lưu trữ và sử dụng CO2) của PVEP khi đi vào hoạt động và trở thành một ngành kinh doanh, không chỉ đáp ứng nhu cầu các doanh nghiệp ngành dầu khí trong nước, mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra thị trường quốc tế trong tương lai tới.

Chuyển dịch năng lượng đã và đang là xu thế chung đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh của các quốc gia trên thế giới thực hiện mục tiêu của Thỏa thuận Paris 2015. Sử dụng năng lượng “xanh”, hoặc áp dụng các biện pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong sản xuất, kinh doanh không còn mới lạ và trở thành yêu cầu ngày càng cấp thiết trong quá trình tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa trên thị trường thế giới. Việc sử dụng năng lượng “xanh”, thay thế dần những năng lượng gây biến đổi khí hậu đã làm thay đổi toàn bộ nhận thức, hành động của mỗi quốc gia và doanh nghiệp, trở thành điều kiện, lĩnh vực kinh doanh quan trọng không chỉ tác động tới mô hình sản xuất, kinh doanh truyền thống mà còn bổ sung lĩnh vực kinh doanh mới, cũng như tạo dựng hình ảnh của doanh nghiệp.

Như vậy, chuyển dịch năng lượng đang là yêu cầu mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp khi tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa trên thị trường quốc tế. Điều này khiến PVEP phải có những quan điểm và hành động thích ứng, hay phù hợp với yêu cầu và xu thế chuyển dịch năng lượng.

1. Quan điểm về chuyển dịch năng lượng của một số công ty năng lượng trên thế giới:

Theo quan điểm của BP (British Petroleum): Thực hiện chuyển dịch năng lượng với chương trình thúc đẩy lượng carbon thấp bao gồm:

(i) Giảm thiểu: Đặt ra các mục tiêu định lượng, rõ ràng giảm lượng khí thải trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh năng lượng của BP.

(ii) Cải thiện: Thực hiện cải tiến sản phẩm để giúp khách hàng sử dụng tạo ra ít khí thải hơn (như sản xuất nhiều khí đốt tự nhiên để thay thế than đá và bổ sung năng lượng tái tạo, cung cấp nhiều thành phẩm, nhiên liệu tốt cho phương tiện vận tải giảm thiểu khí thải).

(iii) Tạo ra: Thành lập các đơn vị/doanh nghiệp kinh doanh gây ít khí thải (như các doanh nghiệp điện gió, điện mặt trời, dự án thu giữ, lưu trữ carbon (CCS), các doanh nghiệp sản xuất được đầu tư các công nghệ thông minh (1).

Công ty Năng lượng ExxonMobil cho rằng: Việc chuyển dịch năng lượng phải đảm bảo cân bằng được hai vế là tăng cường cung cấp năng lượng và giảm phát khí thải - nâng cao an ninh năng lượng và quá trình chuyển dịch năng lượng phù hợp.

Ví dụ: ExxonMobil tăng công suất khai thác dầu ở bể Permian và Guyana trong quý 2 năm 2023, đồng thời thực hiện loại bỏ đốt khí thường xuyên tại các mỏ ở bể Permian theo sáng kiến của Ngân hàng Thế giới. Mục tiêu của dự án là:

- Loại bỏ các thiết bị nén khí không phù hợp và phát thải nhiều khí carbon.

- Thành lập Trung tâm vận hành và theo dõi phát thải mêtan (COMET) để giám sát lượng khí thải ở các công trình dầu khí.

- Ký kết thỏa thuận thu hồi, vận chuyển và lưu trữ CO₂ cho một nhà sản xuất phân bón lớn, một nhà sản xuất thép và một công ty khí công nghiệp tới 5 triệu tấn CO₂/năm.

ExxonMobil cũng đưa ra kế hoạch giảm thiểu khí thải đến năm 2030 với các mục tiêu rõ ràng, thực hiện dự án CCS, giảm đốt khí tại các mỏ, cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, thay thế sử dụng khí đốt tự nhiên bằng khí hydro từ nguồn carbon thấp để giảm lượng khí thải… (2).

Với Chevron, việc đặt ra mục tiêu cho chuyển dịch năng lượng là trở thành công ty hàng đầu thế giới về sản xuất, kinh doanh dầu mỏ và khí đốt tự nhiên có hàm lượng carbon thấp, đồng thời thúc đẩy các giải pháp mới để giảm lượng khí thải carbon.

Trong lĩnh vực dầu khí, Chevron thực hiện giảm khí thải carbon, khí metan, giảm các hoạt động đốt khí tại mỏ và thực hiện quản lý năng lượng. Xây dựng danh mục mức độ phát thải carbon (PCI) để quản lý và thực hiện cắt giảm carbon trong chuỗi giá trị sản phẩm của Chevron bằng dự án CCUS (thu hồi, lưu trữ carbon, hoặc thu hồi, sử dụng, lưu trữ carbon), phát triển các nguồn năng lượng mới, tái tạo... (3).

Còn theo Repsol: Chuyển dịch năng lượng là tập hợp những thay đổi trong mô hình sản xuất, phân phối và tiêu thụ năng lượng để ngăn chặn phát thải khí nhà kính, nâng cao nhận thức về việc sử dụng năng lượng có trách nhiệm và bền vững, hướng dẫn sử dụng hiệu quả năng lượng. Việc thay đổi mô hình sản xuất hướng tới sử dụng những năng lượng “xanh” bền vững (như nhiên liệu tổng hợp, nhiên liệu sinh học, năng lượng gió, mặt trời…) để giảm thiểu khí thải nhà kính. Mặt khác, áp dụng nền kinh tế tuần hoàn, xây dựng và hướng dẫn cách thức nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng là những yếu tố chính để giảm thiểu khí thải carbon chứ không phải chuyển dịch năng lượng là từ bỏ nhiên liệu hóa thạch để phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh (4).

Theo quan điểm của Petronas, các quốc gia trên thế giới vẫn cần nhiều năng lượng để phục vụ sản xuất - tiêu dùng và phát triển kinh tế với nhu cầu ngày càng lớn, nhưng mặt khác phải đáp ứng yêu cầu giảm phát khí thải để có một môi trường “xanh” bền vững. Chiến lược chuyển dịch năng lượng của Petronas là củng cố hoạt động kinh doanh cốt lõi - đó là dầu, khí đốt cho đến năm 2050 và khí đốt đóng vai chính; nắm bắt các cơ hội cho hoạt động kinh doanh mới, đồng thời quản lý một cách có trách nhiệm lượng khí thải carbon theo lộ trình Net Zero (NZCE) 2050. Ưu tiên của Petronas là đạt được sự cân bằng hợp lý giữa tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh cốt lõi và kinh doanh mới, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính (GHG) để phát triển mạnh trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Trên đây chỉ là một số trong nhiều công ty năng lượng trên thế giới đưa ra quan điểm rõ ràng thích ứng với chuyển dịch năng lượng theo xu thế tất yếu nhằm giảm khí thải, bảo vệ môi trường phù hợp với tiềm lực tài chính, công nghệ, hay lĩnh vực kinh doanh. Tuy nhiên, một điểm chung trong những quan điểm thích ứng chuyển dịch năng lượng của các công ty đó là giữ vững, thậm chí nâng cao hoạt động sản xuất, kinh doanh cốt lõi (hoạt động sản xuất, kinh doanh chính) và áp dụng các biện pháp giảm thiểu khí thải gây biến đổi khí hậu.

Chuyển dịch năng lượng không đồng nghĩa với việc dừng lại, hoặc chuyển đổi hoạt động kinh doanh cốt lõi để chuyển sang hoạt động sản xuất, kinh doanh không có khí thải carbon. Thậm chí các doanh nghiệp còn bổ sung, phát triển các lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh mới - đó là hoạt động sản xuất năng lượng “xanh” như điện gió, điện mặt trời, hoặc thực hiện các dự án CCUS hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất dầu khí giảm thiểu khí thải carbon…

Những hoạt động sản xuất năng lượng “xanh”, hoặc dự án CCUS đều là những dự án đầu tư để hỗ trợ hoạt động sản xuất chính, hoặc mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Những doanh nghiệp thực hiện và kiểm soát tốt lượng khí thải carbon còn có thể tham gia thị trường mua bán khí thải và kiếm thêm lợi nhuận.

Như vậy, thích ứng chuyển dịch năng lượng không có nghĩa khiến các công ty năng lượng từ bỏ hoạt động kinh doanh cốt lõi là sản xuất và tiêu thụ năng lượng dựa trên hóa thạch (bao gồm dầu, khí đốt tự nhiên) sang sản xuất các nguồn năng lượng tái tạo (như gió, mặt trời, hay pin lithium-ion) vì lực cản về công nghệ, tài chính, nhân lực của doanh nghiệp và quy mô thị trường, luật pháp điều chỉnh chưa phù hợp. Hoặc quan điểm về chuyển dịch năng lượng không có nghĩa là sử dụng năng lượng sạch thay thế năng lượng hóa thạch một cách tuyệt đối, bởi vì quá trình chuyển đổi vẫn chưa thực sự bắt đầu trên quy mô lớn trên toàn cầu mà mới chỉ ở quy mô nhỏ lẻ, hoặc những dự án thí điểm.

Cho đến nay, năng lượng “xanh”, năng lượng tái tạo chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu năng lượng của thế giới và có xu hướng tăng dần lên. Vậy PVEP sẽ có quan điểm như nào để thích ứng với chuyển dịch năng lượng phù hợp với xu thế chung của các công ty trên thế giới?

2. Quan điểm thích ứng với chuyển dịch năng lượng của PVEP:

Theo tác giả, PVEP nên có quan điểm thích ứng với chuyển dịch năng lượng phù hợp với xu thế chung của các công ty năng lượng thế giới và phù hợp với tiềm lực tài chính, công nghệ, nhân lực, cũng như chiến lược phát triển của PVEP theo 3 đỉnh của hình tam giác, đó là:

Thứ nhất: Bảo đảm an ninh năng lượng. PVEP vẫn phải đặt mục tiêu là một trong những công ty hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí. Đây là lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cốt lõi của PVEP cả trong trung và dài hạn nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam về trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí. Đó là tài sản có giá trị lớn nhất của PVEP. Nếu PVEP xa rời mục tiêu này để chuyển ngay sang lĩnh vực năng lượng khác (như điện gió, mặt trời, thực hiện các dự án CCUS quy mô lớn) thì sẽ không khả thi, vì không đủ các nguồn lực về tài chính, công nghệ, nhân lực, cũng như quy mô thị trường tiêu dùng tại Việt Nam không lớn và hệ thống luật pháp còn thiếu để điều chỉnh, hỗ trợ PVEP sản xuất, kinh doanh các lĩnh vực này.

Trong những năm qua, trên thế giới xảy ra nhiều biến động địa chính trị đã khiến vấn đề an ninh năng lượng được đặt lên ưu tiên hàng đầu để phát triển ổn định kinh tế, xã hội của đất nước, không để bị đứt gãy chuỗi cung ứng năng lượng cho sản xuất và tiêu dùng. Vì thế, vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng, trong đó gia tăng sản lượng, trữ lượng dầu, khí là hoạt động cốt lõi phải được đề cập đến trong thích ứng chuyển dịch năng lượng của PVEP.

Ngoài việc thực hiện gia tăng trữ lượng, sản lượng khai thác dầu khí, PVEP cũng nghiên cứu xem xét giảm phát thải khí carbon để đáp ứng nhu cầu giảm phát khí thải chung theo lộ trình cam kết của Việt Nam trong Thỏa thuận Paris 2015.

Bàn về quan điểm, định hướng chuyển dịch năng lượng của PVEP trong xu thế phát triển mới

Thứ hai: Khả năng tiếp cận và phù hợp. Đỉnh thứ hai của tam giác đề cập đến khả năng tiếp cận với các lĩnh vực như: Năng lượng từ gió, mặt trời, các dự án CCUS, áp dụng mô hình quản lý năng lượng hiệu quả, tiết kiệm tiêu thụ nhiên liệu và giảm phát khí thải carbon, trồng rừng, tham gia thị trường tín chỉ carbon… phù hợp với tiềm lực tài chính, nhân sự, công nghệ, quy mô thị trường, chính sách luật pháp của Việt Nam mà PVEP có thể tham gia và được hỗ trợ.

Ví dụ đầu tư những công nghệ cho dự án CCS quy mô lớn với chi phí hàng tỷ USD có thể giúp PVEP giảm lượng phát khí thải tại các địa điểm sản xuất dầu khí, nhưng chưa phù hợp với quy mô sản xuất, khả năng tài chính của PVEP và chính sách luật pháp hiện hành của Việt Nam trong lĩnh vực này, nhưng nếu nghiên cứu áp dụng hệ thống điện mặt trời, điện gió quy mô vừa, vốn đầu tư không cao, phù hợp với từng công trình dầu khí ngoài biển để giảm thời gian hoạt động của các máy phát điện chạy dầu thì cũng có tác dụng giảm phát thải khí carbon. Áp dụng những giải pháp công nghệ giảm, hoặc không đốt khí thừa tại các họng đốt khí trên các công trình dầu khí ngoài biển của PVEP làm giảm lượng khí thải kể cả thực hiện dự án CCS thí điểm cũng cần nghiên cứu về quy mô đầu tư cho phù hợp với tiềm lực tài chính, công nghệ và nhân lực vận hành của PVEP. Hoặc thực hiện đầu tư những dự án trồng rừng lâu năm tại các vùng ngập mặn, vùng trung du tại các tỉnh để hấp thụ carbon vừa phù hợp với điều kiện đầu tư không nhiều vốn vừa có thể bán tín chỉ carbon… Đây là đỉnh thứ hai của tam giác hướng đến thích ứng với chuyển dịch năng lượng mà các công ty năng lượng trên thế giới cũng đang áp dụng.

Thứ ba: Tính ổn định và bền vững. Đỉnh thứ ba của tam giác là bảo đảm tính ổn định, bền vững phát triển các dự án năng lượng cốt lõi và các biện pháp, dự án giảm thiểu khí thải theo hướng ổn định, bền vững với những định hướng, mục tiêu rõ ràng, phù hợp với khả năng của PVEP.

Theo các nhà nghiên cứu, thì đầu tư vào các công nghệ giảm thiểu khí thải carbon làm tăng chi phí và không thể gia tăng lợi nhuận nhanh chóng. Việc tham gia vào thị trường tín chỉ carbon là một lĩnh vực mang lại lợi nhuận trong dài hạn nếu PVEP thực hiện bảo đảm an ninh năng lượng, gia tăng trữ lượng, sản lượng và giảm khí thải carbon, tạo ra một lượng tín chỉ carbon có thể bán trên thị trường Việt Nam. (Dự kiến thị trường tín chỉ carbon được vận hành chính thức năm 2028).

Theo Báo cáo tổng quan chuyển dịch năng lượng 2023: Giá tín chỉ carbon bình quân ở khu vực Đông Nam Á đến năm 2030 ước đạt 10 USD/tCO2 sẽ tăng lên 50 USD/tCO2 năm 2050 (6).

Như vậy, quan điểm thích ứng với chuyển dịch năng lượng phải mang tính ổn định và bền vững phát triển đối với các hoạt động, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của PVEP. Các lĩnh vực thăm dò phát triển khai thác dầu khí được tăng cường đầu tư song hành cùng với các biện pháp, giải pháp và các dự án giảm thiểu khí thải carbon, phát triển năng lượng “xanh” mang tính ổn định và hỗ trợ phát triển bền vững mà không làm ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng của PVEP.

Việc đốt khí thải tại các công trình dầu khí sẽ được giảm dần và tiến tới không đốt và thiết lập hệ thống thu gom khí thải cho các mục đích khác như gia tăng hệ số thu hồi dầu. Các hệ thống phát điện sử dụng năng lượng gió, mặt trời sẽ cung cấp sản lượng điện ổn định, đều đặn và thời gian sử dụng tăng lên để giảm thời gian sử dụng các máy phát điện chạy dầu trên các công trình dầu khí để giảm lượng khí thải carbon ra môi trường…

Như vậy, quan điểm thích ứng với chuyển dịch năng lượng của PVEP dựa trên 3 đỉnh tam giác này sẽ tạo ra sự phát triển ổn định, xây dựng hình ảnh công ty năng lượng “xanh” phù hợp với xu thế phát triển của các công ty năng lượng trên thế giới và góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam trong Thỏa thuận Paris 2015./.

[*] NGUYỄN ANH TUẤN - BAN KẾ HOẠCH VÀ QUẢN LÝ DỰ ÁN CỦA PVEP


Tài liệu tham khảo:

(1) .https://www.bp.com/content/dam/bp/business-sites/en/global/corporate/pdfs/sustainability/group-reports/bp-advancing-the-energy-transition.pdf

(2). https://corporate.exxonmobil.com/sustainability-and-reports/advancing-climate-solutions/emission-reduction-plans-and-progress

(3). https://www.chevron.com/sustainability/environment/energy-transition

(4). https://www.repsol.com/en/energy-and-the-future/future-of-the-world/what-is-the-energy-transition/index.cshtml

(5).https://www.petronas.com/integrated-report-2022/assets/pdf/PIR2022-PETRONAS-Energy-Transition-Strategy.pdf

(6) https://www.dnv.com/publications/dnv-annual-report-2023

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động