RSS Feed for Dự án CCS/CCUS [*] bổ sung động lực mới trong chiến lược phát triển bền vững của PVEP | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 22/12/2024 18:41
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Dự án CCS/CCUS [*] bổ sung động lực mới trong chiến lược phát triển bền vững của PVEP

 - Qua bài báo của chuyên gia Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) viết riêng cho Tạp chí Năng lượng Việt Nam dưới đây cho thấy: Dự án CCS/CCUS (thu hồi, lưu trữ CO2/thu hồi, lưu trữ và sử dụng CO2) của PVEP khi đi vào hoạt động và trở thành một ngành kinh doanh, không chỉ đáp ứng nhu cầu các doanh nghiệp ngành dầu khí trong nước, mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra thị trường quốc tế trong tương lai tới.
Dự án thu giữ, lưu trữ CO2 Tomakomai (Nhật Bản) và tiềm năng áp dụng tại Việt Nam Dự án thu giữ, lưu trữ CO2 Tomakomai (Nhật Bản) và tiềm năng áp dụng tại Việt Nam

Bài báo dưới đây của TS. Phùng Quốc Huy - Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng châu Á - Thái Bình Dương (APERC) viết riêng cho Tạp chí Năng lượng Việt Nam sẽ giới thiệu chi tiết về quá trình thực hiện dự án trình diễn công nghệ thu giữ, lưu trữ carbon (CCS) Tomakomai (thuộc tỉnh Hokkaido, Nhật Bản) và tiềm năng áp dụng công nghệ này nhằm giảm phát thải CO2 từ các nhà máy nhiệt điện, cũng như các nhà máy công nghiệp nặng tại Việt Nam. Rất mong nhận được sự chia sẻ của bạn đọc.

[*] Dự án CCS/CCUS - Carbon capture and storage/Carbon capture, utilisation and storage (thu hồi, lưu trữ carbon/hoặc thu hồi, sử dụng, lưu trữ carbon).

Trong 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính của Đảng ủy, Hội đồng Thành viên, Ban điều hành Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có 3 nhiệm vụ bao trùm đến định hướng chiến lược phát triển trong tương lai của PVEP, đó là:

1. Mục tiêu trở thành tập đoàn công nghiệp - năng lượng quốc gia.

2. Nâng cao hiệu quả động lực truyền thống, bổ sung các động lực mới (năng lượng mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng) gắn với dịch chuyển mô hình kinh doanh phù hợp với xu hướng dịch chuyển năng lượng, chuyển đổi xanh.

3. Tiếp tục thúc đẩy việc hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách cho phát triển Tập đoàn, đặc biệt là những lĩnh vực mới [1].

Chương trình hành động của PVN đã được PVEP cụ thể hóa thông qua quan điểm, cũng như định hướng trong chiến lược phát triển bền vững của PVEP trong năm 2024 và những năm tiếp theo với nhiều dự án, lĩnh vực hoạt động dầu khí. Trong đó, bổ sung dự án “CCS/CCUS (thu hồi, lưu trữ CO2/thu hồi, lưu trữ và sử dụng CO2) - một ngành kinh doanh mới đầy tiềm năng mà PVEP có lợi thế lớn” sẽ được triển khai nghiên cứu thực hiện [2]. Đây là một trong những động lực mới trong chiến lược phát triển bền vững của PVEP trong những năm tới.

Việc bổ sung những động lực mới cho sự phát triển bền vững của PVEP trong bối cảnh hiện nay mang tính cấp thiết, bởi công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí trong nước gặp nhiều khó khăn, sản lượng khai thác suy giảm, thị trường dầu khí nước ngoài có nhiều biến động bởi các tác động địa chính trị, cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với cộng đồng quốc tế đạt phát thải ròng bằng “0”, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí mêtan phù hợp với yêu cầu phát triển trong xu hướng chung của Việt Nam, cũng như các doanh nghiệp năng lượng trên thế giới.

Nếu chúng ta xem xét về thị trường giao dịch giấy phép carbon dioxide (CO2) trên thế giới, sẽ thấy rằng: Đây là một thị trường đầy tiềm năng và có thể mang lại doanh thu lớn cho các doanh nghiệp tham gia.

Năm 2023, thị trường giao dịch giấy phép carbon dioxide thế giới đạt mức kỷ lục 881 tỷ euro (tương đương 948,75 tỷ USD), tăng 2% so với năm 2022. Trong đó, năm 2023 (chỉ riêng hệ thống giao dịch khí thải - ETS) của EU đạt giá trị lớn nhất thế giới (khoảng 770 tỷ euro), tăng 2% so với năm trước và chiếm 87% tổng giá trị toàn cầu.

Giá giấy phép carbon tại hệ thống giao dịch khí thải của EU đạt mức cao nhất là hơn 100 euro/tấn CO2 vào tháng 2 năm 2023, nhưng đã giảm dần vào cuối năm 2023 do bối cảnh tăng trưởng kinh tế của EU thấp, dẫn tới nhu cầu giảm từ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và ngành điện nằm trong phạm vi điều chỉnh ETS của EU. Mức giá giao dịch ngày 21/2/2024 ước là 56,88 euro/tấn CO2. Hệ thống giao dịch khí thải của Anh đã giảm 22%, ước đạt 36,4 tỷ euro với giá trung bình khoảng 65 euro/tấn CO2. Hệ thống giao dịch khí thải ở thị trường Bắc Mỹ đạt mức giá cao kỷ lục 39 USD/tấn vào năm ngoái tại các thị trường tuân thủ như Hoa Kỳ, Canada. Còn hệ thống giao dịch khí thải của Trung Quốc cũng đạt mức cao nhất vào tháng 10/2023 là 80,51 nhân dân tệ (11,19 USD/tấn CO2) [3].

Nhưng khi nền kinh tế của EU phục hồi, các doanh nghiệp nằm trong phạm vi điều chỉnh của ETS mở rộng sản xuất, giá euro/tấn CO2 dự tính sẽ tăng lên.

Bảng giá giấy phép carbon trên sàn giao dịch tại thị trường EU (giai đoạn 2023-2024) - Đơn vị tính: euro/tấn CO2:

Dự án CCS/CCUS [*] bổ sung động lực mới trong chiến lược phát triển bền vững của PVEP

Qua những số liệu thống kê cho thấy: Nếu dự án CCS/CCUS của PVEP có thể tham gia một phần vào thị trường giao dịch khí thải trên thế giới, hoặc của Việt Nam thông qua thực hiện dự án thu hồi, lưu trữ CO2 và cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất, cũng như xuất khẩu của Việt Nam các chứng nhận giảm phát thải CO2 để giảm các mức thuế về môi trường thì sẽ là cơ hội mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và là động lực mới cho sự phát triển bền vững của PVEP trong nhiều năm.

Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon của EU (CBAM) có hiệu lực từ 17/5/2023 để điều chỉnh thuế carbon và từ ngày 1/1/2025 EU sẽ bắt đầu thu thuế khí thải từ hàng nhập khẩu. Mục tiêu chính của CBAM là bước đầu sẽ có một số hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU phải trả thuế cho lượng khí thải carbon tạo ra trong quá trình sản xuất mà không trái với các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO). Do đó, các nhà sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu ở các quốc gia ngoài EU phải có các biện pháp giảm thiểu khí thải và nếu hàng hóa xuất khẩu đó chưa trả thuế khí thải thì phải trả thuế trước khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EU.

Như vậy, EU đã tạo ra sự công bằng giữa các doanh nghiệp sản xuất tại EU đang phải trả mức thuế khí thải khá cao so với các doanh nghiệp sản xuất cùng mặt hàng ở các quốc gia khác đang trả mức thuế thấp hơn.

Ngoài thị trường EU, nhiều thị trường nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam khác như: Hoa Kỳ, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản… cũng đang xây dựng và áp dụng các quy định chặt chẽ về thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu.

Tính đến tháng 4/2023, có tới 73 loại thuế carbon của các quốc gia đang thực hiện ETS [4].

Từ năm 2025, Việt Nam sẽ tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon và vận hành chính thức năm 2028. Thông qua dự án CCS/CCUS của PVEP có thể trực tiếp, hoặc gián tiếp cung cấp các giấy chứng nhận đã trả phí thu hồi khí thải CO2 cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Nếu doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hàng hóa Việt Nam không chứng minh được đã trả thuế khí thải thì phải nộp với mức tương tự doanh nghiệp sản xuất hàng hóa đó tại thị trường EU (theo quy định của EU).

Quan điểm và các biện pháp thực hiện của EU đối với thuế khí thải CO2 rất rõ ràng: Hàng nhập khẩu từ các quốc gia có chính sách định giá carbon tương đương với chính sách của châu Âu có thể giảm bớt nghĩa vụ nộp các khoản thuế của các quốc gia này - điều mà EU cho là cần thiết để đặt các nhà sản xuất ở nước ngoài ngang hàng với các doanh nghiệp sản xuất tại EU đang phải mua giấy phép từ thị trường carbon của EU [5].

Như bảng giá giấy phép carbon nêu trên, nếu doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường EU phải trả theo mức giá trên sàn giao dịch khí thải, thì chi phí xuất khẩu sẽ tăng lên rất nhiều, dẫn đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa chúng ta sẽ giảm so với hàng hóa của các quốc gia khác đã có các biện pháp giảm thiểu khí thải trong quá trình sản xuất.

Đối với Việt Nam, việc lựa chọn công nghệ thu hồi, địa điểm lưu trữ và kiểm soát môi trường sau lưu trữ CO2 là những vấn đề quan trọng, nhưng khả thi nhờ đội ngũ cán bộ nhân viên giàu kinh nghiệm, có sẵn những công nghệ, yêu cầu kỹ thuật trong nhiều chục năm thực hiện công tác tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí. Có thể nói, việc triển khai và quản lý dự án CCS/CCUS không phải là vấn đề quá phức tạp đối với PVEP.

Còn về nguồn vốn đầu tư, ngoài vốn tự có của doanh nghiệp, thì nhiều dự án loại bỏ khí CO2 trên thế giới đã tìm được các nguồn vốn (không chỉ từ ngân hàng, các tổ chức môi trường quốc tế, chính phủ) mà có cả nguồn vốn từ các thỏa thuận hợp tác với các công ty công nghệ để thực hiện. Chẳng hạn như Microsoft và Neustark Ink ký kết thỏa thuận thực hiện dự án loại bỏ khí CO2 trong 6 năm [6], hoặc thỏa thuận của Heirloom - Microsoft cho việc loại bỏ 315.000 tấn CO2.

Ngoài ra, còn có thỏa thuận giữa 1PointFive - Amazon để loại bỏ 250.000 tấn CO2 trong khoảng thời gian 10 năm và thỏa thuận Climeworks - BSG để loại bỏ 80.000 tấn CO2 [7].

Như vậy, việc huy động vốn để thực hiện dự án CCS/CCUS là rất đa dạng.

Do đó, việc đẩy mạnh nghiên cứu và triển khai dự án CCS/CCUS nên được thể hiện rõ nét trong chiến lược phát triển của PVEP đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Trong ngắn hạn, cần nghiên cứu và sớm triển khai dự án CCS/CCUS thí điểm tại một vài khu vực, giếng không còn khai thác. Nếu thành công tại Việt Nam, thì trong dài hạn, PVEP có thể triển khai và cạnh tranh thực hiện dự án đầu tư tại các quốc gia châu Á như các dự án dầu khí khác.

Dự án CCS/CCUS của PVEP khi đi vào hoạt động và trở thành một ngành kinh doanh không chỉ đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong ngành Dầu khí Việt Nam (như sản xuất điện, đạm, khí, các giàn khai thác dầu khí…), mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam thu hồi, lưu trữ CO2, hoặc giảm thuế carbon từ các quốc gia nhập khẩu. Đây sẽ là một thị trường lớn, ít doanh nghiệp cạnh tranh và đầy tiềm năng, mang tính đột phá trong chiến lược phát triển bền vững của PVEP trong nhiều thập kỷ tới./.

NGUYỄN ANH TUẤN - BAN KẾ HOẠCH VÀ QUẢN LÝ DỰ ÁN CỦA PVEP


Tài liệu tham khảo:

(1) https://pvn.vn/chuyen-muc/tap-doan/tin/2677e26b-1a8b-426f-98d8-7ab8b8a8b846

(2) http://www.pvep.com.vn/tin-pvep-91/tai-tao-dong-luc-cu-thuc-day-dong-luc-moi-de-pvep-phat-trien-ben-vung-3795.html

(3) https://www.reuters.com/markets/commodities/global-carbon-markets-value-hit-record-949-bln-last-year-lseg-2024-02-12/

(4) https://openknowledge.worldbank.org/entities/publication/58f2a409-9bb7-4ee6-899d-be47835c838f

(5) https://www.reuters.com/sustainability/eu-step-up-efforts-more-carbon-markets-worldwide-2024-02-13/

(6) https://carbonherald.com/microsoft-and-neustark-to-tackle-co2-emissions-via-innovative-cdr-technology/

(7) https://carbonherald.com/cdr-fyi-releases-its-2023-year-in-review-highlighting-major-trends-in-carbon-removal/

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động