Xác lập biểu giá điện sinh hoạt bậc thang: Thực trạng và đề xuất [Kỳ cuối]
06:31 | 18/06/2019
Xác lập biểu giá điện sinh hoạt bậc thang: Thực trạng và đề xuất [Kỳ 1]
Xác lập biểu giá điện sinh hoạt bậc thang: Thực trạng và đề xuất [Kỳ 2]
KỲ CUỐI: KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM [*]
Từ phân tích ở kỳ trước, chúng tôi rút ra một số điều sau:
Thứ nhất: Các bước xác lập biểu giá bậc thang ở bảng 2, 3 và 4 (trong kỳ 2) chủ yếu minh họa trình tự các bước lập biểu giá điện sinh hoạt bậc thang gồm:
1/ Xác định số bậc thang và mức giá điện của từng bậc.
2/ Xác định cơ số điện của từng bậc thang.
3/ Phân tích, đánh giá và lựa chọn biểu giá bậc thang đảm bảo hợp lý về số bậc thang, mức giá và cơ số điện của từng bậc thang.
Biểu giá điện bậc thang trong các bảng 2, 3 và 4 nêu trên chỉ làm ví dụ minh họa cho cách tiếp cận và phương pháp lập biểu giá điện được đề xuất với căn cứ là chi phí biên của sản xuất, kinh doanh điện và quy mô tiêu dùng điện cho sinh hoạt của hộ sử dụng điện. Trong đó, chưa đưa vào chính sách của Nhà nước về hỗ trợ giá điện cho các hộ sử dụng điện có thu nhập thấp và việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Điều này tùy thuộc vào tình hình sản xuất, kinh doanh điện, trình độ phát triển của thị trường điện và kinh tế - xã hội trong từng năm và trong từng thời kỳ mà áp dụng một cách phù hợp.
Thứ hai: Với thực trạng năm 2016, thì số bậc thang 5 bậc có thể là tương đối hợp lý. Số bậc thang và cơ số điện của từng bậc không nhất thiết phải cố định trong nhiều năm mà có thể thay đổi theo từng năm, hoặc trong khoảng một số năm tùy theo sự biến động của chi phí biên theo từng cấp (mức) sản lượng biên và quy mô tiêu dùng điện sinh hoạt của các hộ nói chung và của các hộ có thu nhập thấp nói riêng.
Thứ ba: Với biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang được xác lập dựa vào những căn cứ và cách thức nêu trên đảm bảo sự minh bạch, khách quan, hợp lý, không áp đặt sự chủ quan. Hộ sử dụng điện ít thì trả giá điện thấp là chính đáng và trả lại sự công bằng cho họ lâu nay bị mang tiếng được mua giá điện thấp là do nhận sự hỗ trợ của Nhà nước, hộ sử dụng điện nhiều phải trả giá cao hơn cho phần sản lượng tiêu dùng nhiều hơn cảm thấy như thế là có lý.
Vấn đề là phải công khai, minh bạch rõ ràng.
Thứ tư: Bậc 1 và 2 trong cả 3 bảng đều có giá thấp hơn giá bán lẻ điện bình quân (của trường hợp này là 1.682,10 đ/kWh), còn từ bậc 3 trở lên có mức giá cao hơn giá bán lẻ điện bình quân. Tuy nhiên, không vì thế mà nói như cách nói lâu nay là giá của bậc 1 và 2 thấp hơn giá thành và phải bù lỗ hay phải có sự trợ giá; ngược lại cũng không thể nói giá trong bậc 3 trở lên là giá cao hơn giá thành cộng với lợi nhuận định mức hợp lý của chúng. Tất cả mức giá trong các bậc thang của 3 bảng trên đều là mức giá đúng theo giá thành và lợi nhuận định mức dựa trên chi phí biên của chúng, hoàn toàn chưa có sự tác động bởi chính sách của Nhà nước, hay sự áp đặt chủ quan nào khác.
Thứ năm: Tuy mức giá trong biểu giá ở bảng 4 chưa tính đúng lợi nhuận định mức theo quy định, nhưng so với mức tính đúng có thể không còn chênh lệch lớn. Do đó, có thể đối chiếu biểu giá trong bảng này với biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt tại Mục 4.1 trong Quyết định số 4495/2017/QĐ-BCT (có thể tạm coi là tương đương về thời giá - xem bảng 5 dưới đây) và qua đó cho thấy là: Giá bậc thang 1 của bảng 4 thấp hơn nhiều: 1.186,60 đ/kWh so với 1.549 đ/kWh thấp hơn 362,4 đ/kWh; còn giá bậc thang 2 cao hơn 43,45 đ/kWh (1.643,45 đ/kWh so với 1.600 đ/kWh). Ngược lại, giá của bậc thang 3 thấp hơn 28,7 đ/kWh (1.829,3 đ/kWh so với 1.858,0 đ/kWh) và từ bậc 4, bậc 5 thấp hơn hẳn, tương ứng là: 1.921,46 đ/kWH so với 2.340 đ/kWh và 2.316,48 đ/kWh so với 2.615 đ/kWh, chưa kể còn có bậc 6 là 2.701 đ/kWh.
Tuy rằng, mức giá của 2 biểu giá là chưa hoàn toàn tương đồng, song qua việc đối chiếu, so sánh đó rút ra một số vấn đề về biểu giá điện sinh hoạt trong Quyết định số 4495/2017/QĐ-BCT như sau:
Thứ nhất: Mức giá điện bậc thang 1 của Quyết định số 4495/2017/QĐ-BCT là quá cao và càng không thể nói mức giá đó thấp hơn giá thành và phải bù lỗ hay trợ giá xét theo chi phí biên nêu trên.
Thứ hai: Mức giá từ bậc 4 trở lên là quá cao.
Thứ ba: Giá bình quân của riêng 5 bậc tính theo cơ số điện trong từng bậc là 2.096,87 đ/kWh, nếu tính cả bậc 6 thì còn cao hơn nữa. Giá bình quân đó cao hơn nhiều so với giá bán lẻ điện bình quân toàn bộ trong Quyết định số 4495/2017/QĐ-BCT là 1.720,65 đ/kWh.
Lưu ý rằng, về nguyên tắc nếu không có sự bù chéo thì mức giá điện bình quân theo từng mục đích sử dụng điện sẽ bằng nhau và bằng giá điện bán lẻ bình quân toàn bộ.
Thứ tư: Tổng cơ số điện của 5 bậc từ bậc 1 đến bậc 5 là 400 kWh, nếu tính cả bậc 6 thì còn lớn hơn. Như vậy, so với quy mô tiêu dùng điện bình quân của 1 hộ hiện hành thì cơ số điện đó là quá cao, vượt trên 2 lần và đó có thể là một nguyên nhân dẫn đến sự bất cập của biểu giá này như nêu dưới đây.
Từ mức giá bình quân chung của các bậc thang quá cao như đã nêu trên có thể suy ra biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt trong Quyết định số 4495/2017/QĐ-BCT có thể có một, hai hoặc cả 3 bất cập hay vấn đề sau:
1/ Mức giá của từng bậc thang chưa chuẩn xác.
2/ Cơ số điện trong từng bậc thang chưa hợp lý. Hoặc,
3/ Có sự bù giá cho giá điện của các mục đích sử dụng khác, hay nhóm khách hàng khác.
Tương tự, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện hành trong Quyết định số 648/2019/QĐ-BCT cũng có tình trạng đó. Đối với vấn đề bù giá, nếu có, lẽ ra cần nêu rõ nguyên nhân, mục đích và chính sách của việc bù chéo cho dân biết, dân bàn, dân kiểm tra như đã từng làm trước đây.
Bảng 5. Biểu giá điện sinh hoạt trong Quyết định số 4495/2017/QĐ-BCT:
Bậc thang | Cơ số điện (kWh) | Số kWh từ - đến | Giá điện (đ/kWh) | Chênh lệch giá bậc sau so với bậc trước (đ/kWh) |
Bậc 1 | 50 | Từ 0 đến 50 | 1.549 | |
Bậc 2 | 50 | Từ 51 đến 100 | 1.600 | 51 |
Bậc 3 | 100 | Từ 101 đến 200 | 1.858 | 258 |
Bậc 4 | 100 | Từ 201 đến 300 | 2.340 | 482 |
Bậc 5 | 100 | Từ 301 đến 400 | 2.615 | 275 |
Bậc 6 | Từ 401 trở lên | 2.701 | 86 |
Kết luận và kiến nghị
1/ Việc áp dụng cơ chế giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang là cần thiết, hợp lý xét trên mọi góc độ: Chi phí biên sản xuất, kinh doanh điện, chính sách hỗ trợ hộ thu nhập thấp và sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
2/ Việc áp dụng chi phí biên làm căn cứ xác lập biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang vừa phù hợp với cơ chế vận hành thị trường điện: Huy động nguồn điện giá thấp trước, huy động nguồn điện giá cao sau tùy theo nhu cầu điện, vừa thực sự tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh trong sản xuất, cung cấp điện nhằm giảm giá thành và nâng cao chất lượng cung cấp điện năng.
3/ Có 3 căn cứ chính cho việc xác định biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang là: (1) Chí phí biên ngắn hạn của sản xuất, kinh doanh điện; (2) Quy mô tiêu dùng điện sinh hoạt của hộ gia đình; (3) Chính sách của Nhà nước hỗ trợ hộ có thu nhập thấp và sử dụng điện tiết kiệm. Trong đó chi phí biên là căn cứ chính để xác định số bậc thang và mức giá của từng bậc thang; quy mô tiêu dùng điện sinh hoạt của các hộ và tỷ trọng của các mức sản lượng biên tương ứng với từng mức chi phí biên sản xuất, kinh doanh điện là căn cứ để xác định cơ số điện của từng bậc thang; chính sách của Nhà nước là căn cứ điều chỉnh mức giá và cơ số điện của từng bậc thang cho phù hợp với thực tế từng thời kỳ.
4/ Để thực hiện hiệu quả biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang căn cứ vào chi phí biên sản xuất, kinh doanh điện cần phải thực hiện vận hành thị trường điện theo đúng nguyên tắc huy động nguồn điện giá rẻ trước và nguồn điện giá đắt sau tùy theo nhu cầu sử dụng điện. Đồng thời công khai, minh bạch các thông tin cần thiết về thị trường điện cũng như chi phí sản xuất, kinh doanh điện tạo điều kiện cho sự giám sát của cộng đồng đối với giá điện nói chung và giá điện sinh hoạt nói riêng.
5/ Khẩn trương nghiên cứu, chuẩn bị điều kiện và tổ chức triển khai áp dụng giá điện 2 thành phần vừa để đối phó với khách hàng ký hợp đồng mua điện, nhưng không sử dụng điện và hiện tượng tách hộ thành nhiều hộ để hưởng lợi giá điện thấp ở một vài bậc thang đầu nhưng lại làm tăng chi phí của hệ thống điện, đảm bảo công bằng hơn cho các hộ sử dụng điện khi áp dụng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang.
6/ Cần xem xét nghiên cứu áp dụng cách tiếp cận và phương pháp mới này cho việc xác định giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang, theo đó xây dựng quy trình để áp dụng vào thực tế.
[*] Đơn vị công tác: Tạp chí Năng lượng Việt Nam; Khoa Quản lý Công nghiệp và Năng lượng - EPU.
Tài liệu tham khảo:
1/ Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá. EVN, tháng 9/2015.
2/ Báo cáo chi phí và giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 của EVN (đã được kiểm toán).