RSS Feed for Xác lập biểu giá điện sinh hoạt bậc thang: Thực trạng và đề xuất [Kỳ 2] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 06/11/2024 06:26
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Xác lập biểu giá điện sinh hoạt bậc thang: Thực trạng và đề xuất [Kỳ 2]

 - Đặc điểm của sản xuất điện chỉ có một loại sản phẩm đồng nhất là điện năng có giá trị sử dụng như nhau, quá trình sản xuất và tiêu thụ điện diễn ra đồng thời (sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó nên không có sản phẩm dở dang, không có thành phẩm tồn kho), theo đó không có chi phí dở dang và giá vốn thành phẩm tồn kho. Với các đặc điểm đó, đề xuất giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang cần được xác định chủ yếu dựa vào các căn cứ: (1) Chi phí biên của sản phẩm điện để xác định số bậc thang và mức giá điện của từng bậc; (2) Quy mô tiêu dùng điện của từng loại hộ sử dụng điện, nhất là của các hộ có thu nhập thấp để xác định cơ số điện của từng bậc thang với mức giá phù hợp.

 


Xác lập biểu giá điện sinh hoạt bậc thang: Thực trạng và đề xuất [Kỳ 1]

KỲ 2: ĐỀ XUẤT CƠ SỞ KHOA HỌC VÀ PHƯƠNG PHÁP XÁC LẬP BIỂU GIÁ BÁN LẺ ĐIỆN SINH HOẠT BẬC THANG Ở VIỆT NAM

 




PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM [*]


Theo quy định tại Khoản 18, Điều 4, Luật Giá năm 2012: Mức giá bán lẻ điện bình quân là giá bán điện được xác định theo nguyên tắc tính tổng chi phí sản xuất, kinh doanh và mức lợi nhuận hợp lý bình quân cho 01 kWh điện thương phẩm trong từng thời kỳ, được sử dụng cùng với cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để tính giá bán lẻ điện cụ thể cho từng đối tượng khách hàng sử dụng điện.

Theo quy định của Thông tư số 12/2014/TT-BCT tại Điều 3 Khoản 1: “Giá bán điện bình quân được lập hàng năm trên cơ sở chi phí sản xuất, kinh doanh điện hợp lý, hợp lệ và lợi nhuận định mức của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý và dịch vụ phụ trợ để đảm bảo khả năng vận hành, cung ứng điện và đáp ứng nhu cầu đầu tư”.  

Vấn đề cốt yếu trong việc xác định giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang là xác định số lượng bậc thang, cơ số điện và giá điện của từng bậc thang có căn cứ hợp lý, đảm bảo công bằng và đáp ứng nhu cầu điện phù hợp theo khả năng chi trả của các hộ sử dụng điện, cũng như có tác dụng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Ta biết rằng, đặc điểm của sản xuất điện chỉ có một loại sản phẩm đồng nhất là điện năng có giá trị sử dụng như nhau, quá trình sản xuất và tiêu thụ điện diễn ra đồng thời (sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó nên không có sản phẩm dở dang, không có thành phẩm tồn kho), theo đó không có chi phí dở dang và giá vốn thành phẩm tồn kho.

Với các đặc điểm đó, đề xuất giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang cần được xác định chủ yếu dựa vào các căn cứ sau đây.

Thứ nhất: Căn cứ vào chi phí biên của sản phẩm điện để xác định số bậc thang và mức giá điện của từng bậc.

Chi phí biên là chi phí để sản xuất một đơn vị sản phẩm tăng thêm. Chi phí biên có hai loại (chi phí biên ngắn hạn và chi phí biên dài hạn). Chi phí biên ngắn hạn là chi phí sản xuất thêm một đơn vị sản phẩm từ năng lực sản xuất đã có (có sẵn), còn chi phí biên dài hạn là chi phí sản xuất thêm một đơn vị sản phẩm vượt ra ngoài năng lực sản xuất đã có - tức là phải đầu tư mở rộng thêm công suất mới. Vì giá bán điện được xác định hàng năm, nên chi phí biên ngắn hạn là căn cứ để xác định giá bán điện hàng năm.

Căn cứ vào các khâu của quá trình sản xuất, kinh doanh điện có thể phân ra 2 loại chi phí biên (biên điện sản xuất và biên điện thương phẩm).

1. Biên điện sản xuất:  

Do chi phí khác nhau giữa các loại nhiên liệu (than, dầu, khí, thủy năng và các loại năng lượng tái tạo), giữa các nguồn cung nhiên liệu (trong nước và nhập khẩu), giữa các loại công nghệ sản xuất, quy mô công suất và địa điểm của các nhà máy điện nên các nguồn điện khác nhau có giá thành sản xuất cao thấp khác nhau. Nguyên tắc của thị trường điện nói chung và thị trường phát điện cạnh tranh nói riêng là nguồn điện giá thấp hơn được huy động trước, nguồn điện giá cao hơn huy động sau, tùy theo nhu cầu đến đâu huy động đến đó. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu điện gia tăng phải huy động các nguồn điện có giá thành cao hơn.

Chẳng hạn, tại Việt Nam, lấy năm 2016 làm ví dụ minh họa.

Trong năm này, tổng sản lượng điện giao nhận, mua và nhập khẩu là 173.086,83 triệu kWh với chi phí giao nhận, mua và nhập khẩu bình quân là 1.172,9 đ/kWh, chênh lệch giữa mức giá cao nhất (3.114,8 đ/kWh của Nhiệt điện dầu Ô Môn 1, không kể các trường hợp cá biệt) và thấp nhất (241,5 đ/kWh của Thủy điện Hòa Bình) là 12,9 lần.

Có thể phân ra nhiều khung chi phí biên sản xuất điện khác nhau tương ứng với từng mức sản lượng điện tăng thêm, trên cơ sở đó phân tích và lựa chọn số khung chi phí biên hợp lý làm căn cứ cho việc lập biểu giá điện bậc thang phù hợp. Vì rằng, nếu số lượng bậc thang quá nhiều không những sẽ làm phức tạp biểu giá, mà còn làm cho cơ số điện trong từng bậc và mức chênh lệch giá giữa các bậc quá nhỏ sẽ làm giảm tác dụng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm.

Trong phạm vi bài viết này chủ yếu để minh họa nên có 2 phương án phân khung chi phí biên sản xuất điện cho năm 2016 dựa vào mức chi phí giao nhận và giá mua điện từ các nguồn (sau đây gọi chung là giá mua).

Phương án 1: Gồm 4 khung chi phí biên sản xuất: Khung 1: giá mua từ 1.000 đ/kWh trở xuống; Khung 2: giá mua từ trên 1.000 đ/kWh đến 1.250 đ/kWh; Khung 3: giá mua từ trên 1.250 đ/kWh đến 1.500 đ/kWh; Khung 4: giá mua trên 1.500 đ/kWh. Theo đó,

1/ Các nguồn điện với mức chi phí giao nhận và giá mua từ 1.000 đ/kWh trở xuống có tổng sản lượng là 42.074,26 triệu kWh (chiếm 24,3%) và mức chi phí giao nhận và giá mua bình quân là 639,6 đ/kWh, được gọi là chi phí biên sản xuất 1.

2/ Các nguồn điện với mức chi phí giao nhận và giá mua từ trên 1.000 đ/kWh đến 1.250 đ/kWh có tổng sản lượng là 55.962,28 triệu kWh (chiếm 32,3%) và mức chi phí giao nhận và giá mua bình quân là 1.116,8 đ/kWh, được gọi là chi phí biên sản xuất 2.

3/ Các nguồn điện với mức chi phí giao nhận và giá mua từ trên 1.250 đ/kWh đến 1.500 đ/kWh có tổng sản lượng là 52.864,01 triệu kWh (chiếm 30,6%) và mức chi phí giao nhận và giá mua bình quân là 1.393,7 đ/kWh, được gọi là chi phí biên sản xuất 3.

4/ Các nguồn điện với mức chi phí giao nhận và giá mua trên 1.500 đ/kWh có tổng sản lượng là 22.185,68 triệu kWh (chiếm 12,8%) và mức chi phí giao nhận và giá mua bình quân là 1.801,0 đ/kWh, được gọi là chi phí biên sản xuất 4.

Như vậy, phần sản lượng đầu tiên 42 tỷ kWh (lấy tròn số) (chiếm 24,3%) có chi phí sản xuất biên bình quân là 639,6 đ/kWh, phần sản lượng tăng thêm 56 tỷ kWh (chiếm 32,3%) có chi phí sản xuất biên bình quân là 1.116,4 đ/kWh, phần sản lượng tăng thêm tiếp theo 53 tỷ kWh (chiếm 30,6%) có chi phí sản xuất biên bình quân là 1.393,5 đ/kWh và phần sản lượng tăng thêm cuối cùng 22 tỷ kWh (chiếm 12,8%) có chi phí sản xuất biên bình quân là 1.801,0 đ/kWh.

Phương án 2: Gồm 5 khung chi phí biên sản xuất: Khung 1: giá mua từ 1.000 đ/kWh trở xuống; Khung 2: giá mua từ trên 1.000 đ/kWh đến 1.200 đ/kWh; Khung 3: giá mua từ trên 1.200 đ/kWh đến 1.350 đ/kWh; Khung 4: giá mua điện từ trên 1.350 đ/kWh đến 1.500 đ/kWh; Khung 5: giá mua trên 1.500 đ/kWh. Theo đó:

1/ Các nguồn điện với mức chi phí giao nhận và giá mua từ 1.000 đ/kWh trở xuống có tổng sản lượng là 42.074,26 triệu kWh (chiếm 24,3%) và mức chi phí giao nhận và giá mua bình quân là 639,6 đ/kWh, được gọi là chi phí biên sản xuất 1.

2/ Các nguồn điện với mức chi phí giao nhận và giá mua từ trên 1.000 đ/kWh đến 1.200 đ/kWh có tổng sản lượng là 39.000,18 triệu kWh (chiếm 22,5%) và mức chi phí giao nhận và giá mua bình quân là 1.066,7 đ/kWh, được gọi là chi phí biên sản xuất 2.

3/ Các nguồn điện với mức chi phí giao nhận và giá mua từ trên 1.200 đ/kWh đến 1.350 đ/kWh có tổng sản lượng là 25.711,13 triệu kWh (chiếm 14,9%) và mức chi phí giao nhận và giá mua bình quân là 1.257,9 đ/kWh, được gọi là chi phí biên sản xuất 3.

4/ Các nguồn điện với mức chi phí giao nhận và giá mua từ trên 1.350 đ/kWh đến 1.500 đ/kWh có tổng sản lượng là 44.114,98 triệu kWh (chiếm 25,5%) và mức chi phí giao nhận và giá mua bình quân là 1.409,9 đ/kWh, được gọi là chi phí biên sản xuất 4.

5/ Các nguồn điện với mức chi phí giao nhận và giá mua trên 1.500 đ/kWh có tổng sản lượng là 22.185,68 triệu kWh (chiếm 12,8%) và mức chi phí giao nhận và giá mua bình quân là 1.801,0 đ/kWh, được gọi là chi phí biên sản xuất 5.

Như vậy, trong phương án 2 phần sản lượng đầu tiên 42 tỷ kWh (lấy tròn số) (chiếm 24,3%) có chi phí sản xuất biên bình quân là 639,6 đ/kWh, phần sản lượng tăng thêm 39 tỷ kWh (chiếm 22,5%) có chi phí sản xuất biên bình quân là 1.066,7 đ/kWh, phần sản lượng tăng thêm tiếp theo 26 tỷ kWh (chiếm 14,9%) có chi phí sản xuất biên bình quân là 1.257,9 đ/kWh, phần sản lượng tăng thêm 44 tỷ kWh (chiếm 25,5%) có chi phí sản xuất biên bình quân là 1.409,9 đ/kWh và phần sản lượng tăng thêm cuối cùng 22 tỷ kWh (chiếm 12,8%) có chi phí sản xuất biên bình quân là 1.801,0 đ/kWh.

Qua 2 phương án phân mức chi phí biên sản xuất điện nêu trên lý giải tại sao càng mua nhiều điện lại càng bị giá cao chứ không giống như nhiều ngành sản xuất khác càng mua nhiều thì giá càng rẻ. Nguyên nhân chính là vì các nguồn tài nguyên năng lượng có lợi thế khai thác giá rẻ ngày càng càng cạn kiệt, phải khai thác cả các nguồn tài nguyên năng lượng kém lợi thế có giá thành cao cho sản xuất điện để bù đắp phần sản lượng điện suy giảm do suy giảm nguồn tài nguyên năng lượng có lợi thế và đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng.

2. Biên điện thương phẩm:

Giá thành điện thương phẩm là tổng chi phí của các khâu, bao gồm chi phí sản xuất điện, chi phí tuyền tải, chi phí phân phối, chi phí quản lý ngành và phụ trợ. Tức là: Giá thành điện thương phẩm = Chi phí sản xuất điện + Chi phí truyền tải điện + Chi phí phân phối + Chi phí quản lý ngành và phụ trợ.

Vì rằng:

a- Lưới điện và bộ máy quản lý ngành trong từng năm đã có sẵn để đảm bảo truyền tải và phân phối điện đáp ứng nhu cầu cho nên có thể coi chi phí truyền tải, phân phối, quản lý ngành và phụ trợ bao gồm cả chi phí tổn thất điện năng sẽ như nhau (thực tế chỉ là như nhau tương đối) trong các mức sản lượng biên của từng năm. Năm 2016 tổng chi phí 3 khâu: truyền tải, phân phối, quản lý ngành và phân phối bao gồm cả chỉ phí tổn thất điện năng (trên lưới truyền tải và lưới phân phối) là 492,54 đ/kWh. Theo đó chi phí biên điện thương phẩm của các mức sản lượng biên trong từng phương án là:

Phương án 1:

- Chi phí biên thương phẩm 1: 639,6 đ/kWh + 492,54 đ/kWh = 1.132,14 đ/kWh.

- Chi phí biên thương phẩm 2: 1.116,4 đ/kWh + 492,54 đ/kWh = 1.608,94 đ/kWh.

- Chi phí biên thương phẩm 3: 1.393,5 đ/kWh + 492,54 đ/kWh = 1.886,04 đ/kWh.

- Chi phí biên thương phẩm 4: 1.801,0 đ/kWh + 492,54 đ/kWh = 2.293,54 đ/kWh.

Phương án 2:

- Chi phí biên thương phẩm 1: 639,6 đ/kWh + 492,54 đ/kWh = 1.132,14 đ/kWh.

- Chi phí biên thương phẩm 2: 1.066,7 đ/kWh + 492,54 đ/kWh = 1.559,24 đ/kWh.

- Chi phí biên thương phẩm 3: 1.257,9 đ/kWh + 492,54 đ/kWh = 1.750,44 đ/kWh.

- Chi phí biên thương phẩm 4: 1.409,9 đ/kWh + 492,54 đ/kWh = 1.902,44 đ/kWh.

- Chi phí biên thương phẩm 5: 1.801,0 đ/kWh + 492,54 đ/kWh = 2.293,54 đ/kWh.

b- Khi truyền tải điện từ nơi nhà sản xuất đến nơi người tiêu dùng sẽ bị tổn thất (hay hao hụt) một lượng điện nhất định cho nên sản lượng điện đến tay người tiêu dùng gọi là sản lượng điện thương phẩm bằng tổng sản lượng điện giao nhận, mua và nhập khẩu trừ sản lượng điện tổn thất trong quá trình truyền tải và phân phối. Năm 2016 sản lượng điện thương phẩm là 159,79 tỷ kWh và sản lượng điện tổn thất là 13,3 tỷ kWh tương ứng với tỷ lệ tổn thất là 7,68% (Báo cáo của EVN nêu là 7,57%). Từ đó suy ra, các mức sản lượng biên sản xuất nêu trên sẽ tương ứng với các mức sản lượng biên thương phẩm (tức trừ phần tổn thất) của từng phương án là:

Phương án 1: Biên sản xuất 1: 42 tỷ kWh = Biên thương phẩm 1: 39 tỷ kWh (lấy tròn số), Biên sản xuất 2: 56 tỷ kWh = Biên thương phẩm 2: 52 tỷ kWh, Biên sản xuất 3: 53 tỷ kWh = Biên thương phẩm 3: 49 tỷ kWh và Biên sản xuất 4: 22 tỷ kWh = Biên thương phẩm 2: 20 tỷ kWh.

Phương án 2: Biên sản xuất 1: 42 tỷ kWh = Biên thương phẩm 1: 39 tỷ kWh (lấy tròn số), Biên sản xuất 2: 39 tỷ kWh = Biên thương phẩm 2: 36 tỷ kWh, Biên sản xuất 3: 26 tỷ kWh = Biên thương phẩm 3: 24 tỷ kWh, Biên sản xuất 4: 44 tỷ kWh = Biên thương phẩm 4: 41 tỷ kWh và Biên sản xuất 5: 22 tỷ kWh = Biên thương phẩm 2: 20 tỷ kWh.

3. Giá bán điện thương phẩm:

Ta biết rằng, giá bán điện thương phẩm bằng giá thành toàn bộ cộng với mức lợi nhuận hợp lý bình quân cho 01 kWh điện thương phẩm.

Trong phạm vi bài báo này để đơn giản hóa vấn đề giả dụ tỷ lệ lợi nhuận định mức là 1% giá thành điện thương phẩm (chỉ là giả dụ để minh họa cho việc xác định giá bán điện một cách đầy đủ và dễ hiểu, trên thực tế lợi nhuận định mức phải tính theo quy định của Nhà nước cho từng khâu sản xuất, kinh doanh điện).

Với các giả định nêu trên thì giá bán điện của từng mức sản lượng biên thương phẩm trong từng phương án sẽ là:

Phương án 1:

- Biên thương phẩm 1: giá 1.143,46 đ/kWh.

- Biên thương phẩm 2: giá 1.625,44 đ/kWh.

- Biên thương phẩm 3: giá 1.905,10 đ/kWh.

- Biên thương phẩm 4: giá 2.316,48 đ/kWh. 

Phương án 2:

- Biên thương phẩm 1: giá 1.143,46 đ/kWh.

- Biên thương phẩm 2: giá 1.574,83 đ/kWh.

- Biên thương phẩm 3: giá 1.767,94 đ/kWh.

- Biên thương phẩm 4: giá 1.921,46 đ/kWh.

- Biên thương phẩm 5: giá 2.316,48 đ/kWh.

Giá bán lẻ điện bình quân toàn bộ sẽ là:

Tính theo giá thành điện thương phẩm bình quân: = 1.172,9 đ/kWh + 492,54 đ/kWh + 16,65 đ/kWh = 1.682,10 đ/kWh.

Với phương pháp xác định số nhóm và sản lượng biên cũng như mức giá của từng nhóm sản lượng biên theo từng mức chi phí biên nêu trên thì giá bán bình quân của của các biểu giá sẽ bằng giá bán lẻ điện bình quân toàn bộ (nếu không có sự bù chéo giữa các nhóm khách hàng và giữa các mục đích sử dụng điện). Cụ thể là giá bán điện bình quân của biểu giá trong phướng án 1:

= (1.143,46 đ/kWh x 24,3%) + (1.625,44 đ/kWh x 32,3%) + (1.905,10 đ/kWh x 30,6%) + (2.316,48 đ/kWh x 12,8%) = 1.682,10 đ/kWh.

Giá bán điện bình quân của biểu giá trong phướng án 2:

= (1.143,46 đ/kWh x 24,3%) + (1.574,83 đ/kWh x 22,5%) + (1.767,94 đ/kWh x 14,9%) + (1.921,46 đ/kWh x 25,5%) + (2.316,48 đ/kWh x 12,8%) = 1.682,10 đ/kWh.

Việc xác định giá điện bình quân của từng biểu giá và so sánh với giá bán lẻ điện bình quân toàn bộ cũng là cách để kiểm tra sự chính xác, hợp lý của việc xác định mức giá của từng nhóm sản lượng biên trong biểu giá điện.

Với nguyên tắc mua rẻ bán rẻ, mua đắt bán đắt, theo đó:

Trong phương án 1: Trường hợp nhu cầu điện trong phạm vi đến 39 tỷ kWh (gọi là Biên thương phẩm 1) thì giá điện bình quân sẽ là 1.143,46 đ/kWh, khi nhu cầu điện tăng lên đến 91 tỷ kWh thì phần nhu cầu điện tăng thêm 52 tỷ kWh (gọi là Biên thương phẩm 2) sẽ có giá tăng lên là: 1.625,44 đ/kWh, khi nhu cầu điện tăng lên đến 140 tỷ kWh thì phần nhu cầu điện tăng thêm 49 tỷ kWh (gọi là Biên thương phẩm 3) sẽ có giá tăng lên là 1.905,10 đ/kWh. Cuối cùng, khi nhu cầu điện tăng lên đến 160 tỷ kWh thì giá điện của phần nhu cầu điện tăng thêm 20 tỷ kWh (gọi là Biên thương phẩm 4) sẽ tăng lên là 2.316,48 đ/kWh.

Trong phương án 2: Trường hợp nhu cầu điện trong phạm vi đến 39 tỷ kWh (gọi là Biên thương phẩm 1) thì giá điện bình quân sẽ là 1.143,46 đ/kWh, khi nhu cầu điện tăng lên đến 75 tỷ kWh thì phần nhu cầu điện tăng thêm 36 tỷ kWh (gọi là Biên thương phẩm 2) sẽ có giá tăng lên là: 1.574,83 đ/kWh, khi nhu cầu điện tăng lên đến 99 tỷ kWh thì phần nhu cầu điện tăng thêm 24 tỷ kWh (gọi là Biên thương phẩm 3) sẽ có giá tăng lên là 1.767,94 đ/kWh, khi nhu cầu điện tăng lên đến 140 tỷ kWh thì phần nhu cầu điện tăng thêm 41 tỷ kWh (gọi là Biên thương phẩm 4) sẽ có giá tăng lên là 1.921,46 đ/kWh. Cuối cùng, khi nhu cầu điện tăng lên đến 160 tỷ kWh thì giá điện của phần nhu cầu điện tăng thêm 20 tỷ kWh (gọi là Biên thương phẩm 5) sẽ tăng lên là 2.316,48 đ/kWh.

Trên cơ sở sự phân tích và kết quả tính toán trên đây cho thấy:

(1) Phần giá thấp (so với giá bán lẻ bình quân chung) của Biên thương phẩm 1 và 2 là chung cho tất cả các hộ sử dụng điện do chi phí biên của 2 phần sản lượng này thấp (nhất là Biên 1), chứ không phải là để hỗ trợ riêng cho các hộ sử dụng điện có thu nhập thấp; trong trường hợp này chưa có yếu tố chính sách của Nhà nước (sẽ nêu ở phần sau).

(2) Hộ sử dụng điện ít thì trả giá điện thấp và hộ sử dụng điện nhiều thì phải trả giá điện cao tương ứng với phần sản lượng tăng thêm. Điều đó hoàn toàn phù hợp với chi phí biên của từng phần sản lượng điện tăng thêm, không có sự chủ ý tăng, giảm giá vô cớ.

(3) Nếu không tính đến các căn cứ khác thì số bậc thang và giá điện của từng bậc có thể căn cứ vào số nhóm (mức) sản lượng biên và giá bán điện của từng nhóm nêu trên. Khi đó, số bậc thang và mức giá điện của từng bậc được xác định hoàn toàn khách quan căn cứ vào chi phí biên của sản phẩm điện (mua rẻ bán rẻ, mua đắt bán đắt).

Việc phân nhóm (mức) sản lượng biên và các tính toán theo 2 phương án trên đây chủ yếu để minh họa cho dễ hiểu và dễ theo dõi. Trong thực tế tùy theo tình hình cụ thể của từng thời kỳ, bao gồm cả biên độ chênh lệch lượng điện tiêu thụ giữa nhóm các hộ tiêu thụ cao nhất và nhóm các hộ tiêu thụ thấp nhất, có thể phân ra nhiều hoặc ít khung chi phí biên hơn tùy theo yêu cầu đặt ra về mức chênh lệch giá điện giữa các bậc thang (để có tác dụng đến hành vi tiêu dùng điện) và cơ số điện trong từng bậc, nhất là của bậc 1 và 2 (để phù hợp với nhu cầu điện tối thiểu của các hộ có thu nhập thấp).

Chẳng hạn, trong trường hợp mức giá của bậc 1 và 2 quá cao (hoặc quá thấp) so với khả năng chi trả của các hộ có thu nhập thấp thì phân lại các khung chi phí biên, tức giảm (hoặc tăng) mức giá trần của khung đầu tiên xuống (ví dụ thay vì từ 1.000 đ/kWh trở xuống thì lấy từ 900 đ/kWh trở xuống, hoặc ngược lại lấy tăng lên từ 1.100 đ/kWh trở xuống), nếu cơ cấu nguồn điện cho phép đảm bảo cơ số điện của bậc thang đầu tiên đủ lớn ở mức chấp nhận được (tương đương với mức nhu cầu điện thiết yếu tối thiểu của các hộ có thu nhập thấp). Hoặc có thể điều chỉnh bằng cách giảm hoặc tăng số lượng bậc thang cho phù hợp.   

Điều quan trọng ở đây là: (1) Nguyên tắc và phương pháp xác định số lượng bậc thang và giá điện của từng bậc thang phải căn cứ vào chi phí biên ngắn hạn của sản lượng điện, còn phương pháp xác định cơ số điện của từng bậc thang sẽ nêu dưới đây; (2) Tỷ lệ sản lượng điện thương phẩm được phân bổ cho các mục đích sử dụng điện theo tỷ lệ sản lượng của các nhóm (mức) sản lượng điện thương phẩm biên đã xác định, còn việc áp dụng cơ chế giá thì tùy theo từng mục đích sử dụng, riêng mục đích sử dụng điện cho sinh hoạt thì áp dụng cơ chế giá điện bậc thang.  

Thứ hai: Căn cứ vào quy mô tiêu dùng điện của từng loại hộ sử dụng điện, nhất là của các hộ có thu nhập thấp để xác định cơ số điện của từng bậc thang, nhất là của bậc thang đầu tiên đảm bảo cho các hộ thu nhập thấp được tiêu dùng điện ở mức cần thiết với mức giá phù hợp với khả năng chi trả của họ.

Hiện nay, theo số liệu công bố lượng điện tiêu dùng bình quân mỗi hộ khoảng 183 kWh/tháng. Như vậy sẽ có hộ tiêu dùng điện bình quân dưới 100 kWh/tháng và có hộ tiêu dùng điện bình quân trên 300 kWh/tháng. Với đặc điểm của nguồn điện huy động thêm để đáp ứng nhu cầu điện tăng thêm có giá thành sản xuất tăng cao nêu trên thì không thể bắt hộ tiêu dùng lượng điện thấp cũng phải trả giá điện như hộ tiêu dùng lượng điện cao - tức là không thể trả giá điện theo giá bình quân. Vì như vậy, vô tình bắt hộ tiêu dùng điện ít bù giá cho hộ tiêu dùng điện nhiều.

Căn cứ vào tỷ trọng của từng cấp (mức) sản lượng biên và quy mô sử dụng điện bình quân của một hộ trên đây có thể xác định cơ số điện của từng cấp (mức) sản lượng biên trong từng phương án và coi đó là cơ số điện của từng bậc thang tương ứng. Cụ thể là:

Phương án 1:

Biên 1 (tương ứng bậc 1): bằng 183 kWh x 24,3% = 44,5 kWh (lấy tròn số 45 kWh).

Biên 2 (tương ứng bậc 2): bằng 183 kWh x 32,3% = 59,1 kWh (lấy tròn số 59 kWh).

Biên 3 (tương ứng bậc 3): bằng 183 kWh x 30,6% = 56,0 kWh.

Biên 4 (tương ứng bậc 4): bằng 183 kWh x 12,8% = 23,4 kWh (lấy tròn số 23 kWh).

Phương án 2:

Biên 1 (tương ứng bậc 1): bằng 183 kWh x 24,3% = 44,5 kWh (lấy tròn số 45 kWh).

Biên 2 (tương ứng bậc 2): bằng 183 kWh x 22,5% = 41,2 kWh (lấy tròn số 41 kWh).

Biên 3 (tương ứng bậc 3): bằng 183 kWh x 14,9% = 27,3 kWh (lấy tròn số 27 kWh).

Biên 4 (tương ứng bậc 3): bằng 183 kWh x 25,5% = 46,7 kWh (lấy tròn số 47 kWh).

Biên 5 (tương ứng bậc 5): bằng 183 kWh x 12,8% = 23,4 kWh (lấy tròn số 23 kWh).

Như vậy, nếu chỉ căn cứ vào các cấp (mức) sản lượng biên và chi phí biên của từng cấp sẽ có biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang của phương án 1 nêu ở bảng 2 và của phương án 2 nêu ở bảng 3.

 Bảng 2

Bậc thang

Cơ số điện (kWh)

Số kWh từ - đến

Giá điện (đ/kWh)

Chênh lệch giá bậc sau so với bậc trước (đ/kWh)

Bậc 1

45

Từ 0 đến 45

1.143,46

 

Bậc 2

59

Từ 46 đến 104

1.625,44

481,98

Bậc 3

56

Từ 105 đến 160

1.905,10

279,66

Bậc 4

23

Từ 161 trở lên

2.316,48

411,70

Ghi chú: Các cột số 1 và số 5 trong bảng này và các bảng sau chỉ để giải trình.

 

Bảng 3

Bậc thang

Cơ số điện (kWh)

Số kWh từ - đến

Giá điện (đ/kWh)

Chênh lệch giá bậc sau so với bậc trước (đ/kWh)

Bậc 1

45

Từ 0 đến 45

1.143,46

 

Bậc 2

41

Từ 46 đến 86

1.574,83

431,37

Bậc 3

27

Từ 87 đến 113

1.767,94

223,11

Bậc 4

47

Từ 114 đến 160

1.921,46

153,52

Bậc 5

23

Từ 161 trở lên

2.316,48

395,02

     

Trong trường hợp nếu cơ số điện của bậc 1 và bậc 2 quá thấp hay quá cao so với nhu cầu điện thiết yếu tối thiểu của hộ thu nhập thấp có thể điều chỉnh tăng lên hay giảm xuống cho phù hợp nhưng phải đảm bảo mức giá của từng bậc không được tăng giảm quá mức. Giả dụ trong biểu giá ở bảng 3 cần nâng cơ số điện của bậc 1 lên 50 kWh, bậc 2 lên 45 kWh và bậc 3 lên 30 kWh thì tuần tự điều chỉnh sẽ là:

(1) lấy 5 kWh từ bậc 2 bổ sung cho bậc 1: 45 kWh + 5 kWh = 50.

(2) lấy 9 kWh của bậc 3 bổ sung cho bậc 2: 36 kWh + 9 kWh = 45 kWh, tiếp theo lấy 12 kWh của bậc 4 bổ sung cho bậc 3: 18 kWh + 12 kWh = 30 kWh và bậc 4 chỉ còn lại: 47 kWh - 12 kWh = 35 kWh.

Theo đó, giá điện của bậc thang 1 sẽ thay đổi là: [(45 kWh x 1.143,46 đ/kWh) + (5 kWh x 1.574,83 đ/kWh)] : (45 kWh + 5 kWh) = 1.186,60 đ/kWh và tỷ trọng của cơ số điện trong bậc 1 sẽ là: 50 kWh/183kWh x 100 = 27,3%.

Với cách tính tương tự ta sẽ có giá điện của bậc 2 là 1.613,45 đ/kWh và tỷ trọng cơ số điện là 24,6%; giá điện của bậc 3 là 1.829,34 đ/kWh và tỷ trọng cơ số điện là 16,4%; tỷ trọng cơ số điện của bậc 4 còn lại là 19,1%. Trên cơ sở đó ta sẽ có biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang mới nêu ở bảng 4.

Bảng 4

Bậc thang

Cơ số điện (kWh)

Số kWh từ - đến

Giá điện (đ/kWh)

Chênh lệch giá bậc sau so với bậc trước (đ/kWh)

Bậc 1

50

Từ 0 đến 50

1.186,60

 

Bậc 2

45

Từ 51 đến 95

1.643,45

456,85

Bậc 3

30

Từ 96 đến 125

1.829,34

185,89

Bậc 4

35

Từ 126 đến 160

1.921,46

92,12

Bậc 5

23

Từ 161 trở lên

2.316,48

395,02

 

Có thể còn có vấn đề, song tạm coi biểu giá trong bảng 4 là hợp lý nhất có thể chấp nhận được dựa trên thực tế năm 2016 của ngành điện và các hộ sử dụng điện.

Thứ ba: Căn cứ vào chính sách của Nhà nước về hỗ trợ hộ sử dụng điện có thu nhập thấp và khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm để điều chỉnh mức giá và cơ số điện trong từng bậc thang đã được xác định nêu trên cho phù hợp.

Trong phạm vi bài báo này chỉ nêu nguyên tắc chung như sau:

- Trong trường hợp nếu mức giá của bậc thang đầu tiên vẫn còn quá cao so với khả năng chi trả của hộ có thu nhập thấp thì giảm tiếp giá điện của bậc thang này xuống mức phù hợp nhằm tạo điều kiện cho các hộ có thu nhập thấp cũng được tiêu dùng điện ở mức cần thiết với mức giá phù hợp với khả năng chi trả của họ. Khi đó nếu phần giá giảm xuống do ngân sách Nhà nước bù đắp thì gọi là có sự hỗ trợ của Nhà nước, còn nếu chuyển vào giá của các bậc thang cao thì gọi là bù chéo theo tinh thần của chính sách tăng giá bậc thang cao để khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm.

- Ngược lại, trong trường hợp cần gây áp lực về giá để giảm tiêu thụ điện, dựa vào mức thu nhập và tâm lý của các hộ: rẻ thì tiêu xài thoải mái, đắt thì chi tiêu dè xẻn, theo đó cần tăng mạnh giá điện của các bậc thang cao đến mức “khiến” các hộ sử dụng nhiều điện phải suy nghĩ đến túi tiền mà tự cắt giảm lượng điện tiêu dùng để tiết giảm chi tiêu. 

Kỳ tới: Những điều rút ra và kết luận, kiến nghị


[*] Đơn vị công tác: Tạp chí Năng lượng Việt Nam; Khoa Quản lý Công nghiệp và Năng lượng - EPU.


Tài liệu tham khảo:

1/ Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá. EVN, tháng 9/2015.

2/ Báo cáo chi phí và giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 của EVN (đã được kiểm toán).

nangluongvietnam.vn/

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động