RSS Feed for Vốn cho đầu tư phát triển than của TKV: Thực trạng và giải pháp | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 24/11/2024 05:51
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Vốn cho đầu tư phát triển than của TKV: Thực trạng và giải pháp

 - Để đạt được mức sản lượng than khai thác theo Quy hoạch phát triển, từ năm 2016 - 2030, toàn ngành than cần tổng nhu cầu vốn đầu tư là 269.006 tỷ đồng, bình quân 17.934 tỷ đồng/năm. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc là 2 đơn vị chính được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện QH 403/2016. Tuy nhiên, việc huy động vốn để thực hiện nhiệm vụ được giao đối với TKV và Tổng công ty Đông Bắc gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Bài viết này đề cập tới những khó khăn, vướng mắc trong huy động vốn của TKV và đề xuất một số giải pháp để khắc phục, giải quyết.

Thị trường than Việt Nam và những bất cập trong công tác quản lý
Nhập khẩu than cho điện của Việt Nam: Thách thức và giải pháp [Kỳ 6]

 


TS. LƯU THỊ THU HÀ - TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỎ - ĐỊA CHẤT

Theo Quy hoạch điều chỉnh "Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến 2020, có xét triển vọng đến 2030" (phê duyệt theo Quyết định số: 403/2016/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ (QH 403/2016), sản lượng than thương phẩm khai thác trong nước đến năm 2030 dự kiến là (triệu tấn): năm 2020: 47-50; năm 2025: 51-54; năm 2030: 55-57. 

Tình hình huy động vốn của TKV trong những năm qua

TKV là một trong những tập đoàn kinh tế Nhà nước đầu tiên được thành lập (năm 2005) với nhiệm vụ được giao là phát triển công nghiệp than, công nghiệp khoáng sản, công nghiệp điện, công nghiệp vật liệu nổ công nghiệp và các ngành, nghề khác có liên quan một cách bền vững; đáp ứng nhu cầu than của nền kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển, từ khi đi vào hoạt động theo mô  hình tập đoàn kinh tế, quy mô vốn kinh doanh của TKV đã tăng từ 21,5 nghìn tỷ đồng (năm 2006) lên 140,2 nghìn tỷ đồng (năm 2017), trong đó vốn chủ sở hữu tăng từ 8,4 nghìn tỷ đồng lên 40,8 nghìn tỷ đồng; nợ phải trả tăng từ 13,1 nghìn tỷ đồng lên 99,3 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu (CSH) bằng 2,43 lần.

Trong những năm qua, công tác huy động vốn được TKV tích cực triển khai và đã đạt được những thành công nhất định, đảm bảo đủ, kịp thời nhu cầu vốn cho đầu tư triển khai các dự án phát triển than, khoáng sản, nhiệt điện than, thủy điện, luyện kim, hóa chất mỏ, cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị trong Tập đoàn. Đặc biệt là các dự án khai thác than hầm lò lớn như: Khe Chàm III (công suất 2,5 triệu tấn/năm), Khe Chàm II-IV (công suất 3,5 triệu tấn/năm), Hà Lầm (công suất 2,4 triệu tấn/năm), Núi Béo (công suất 2 triệu tấn/năm), Vàng Danh, Mạo Khê, Nam Mẫu, v.v...; hai dự án bô xít ở Tây Nguyên (công suất 650 ngàn tấn alumin/năm/dự án), dự án mở rộng, nâng công suất Nhà máy Luyện đồng Lào Cai (công suất 20.000 tấn đồng ka tốt/năm), các dự án điện tổng công suất 1.650 MW, Nhà máy sản xuất Amon Nitrat (Thái Bình) công suất 200.000 tấn/năm, v.v…

Có được kết quả huy động vốn như trên là do TKV đã biết phát huy, tận dụng những tiềm năng, điểm mạnh, lợi thế nhất định trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung và huy động vốn nói riêng như:

1/ Có sự đảm bảo của Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách cho việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh được Nhà nước giao.

2/ TKV được Nhà nước giao quản lý, tổ chức thăm dò, khai thác nguồn tài nguyên than, khoáng sản, đất đai rất lớn. Đó không những là các nguồn lực quan trọng để thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn là tài sản quý giá, tin cậy đảm bảo cho việc huy động vốn trên thị trường trong và ngoài nước thuận lợi.

3/ Với hoạt động kinh doanh có hiệu quả, tình hình tài chính lành mạnh và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Nhà nước, thể hiện bằng việc cam kết tăng vốn chủ sở hữu cùng với sự bảo lãnh. Mặt khác, TKV được đánh giá là nhà đầu tư có hệ số tín nhiệm cao (ngang mức tín nhiệm của Chính phủ), do đó TKV có nhiều cơ hội để tiếp cận các khoản vốn vay thương mại với chi phí vốn cạnh tranh, cũng như các điều kiện tín dụng thuận lợi trên thị trường.

Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư theo Quy hoạch 403/2016 đã đề ra thì việc huy động vốn của TKV có một số khó khăn, vướng mắc như sau:

Thứ nhất: Trên phạm vi toàn Tập đoàn thiếu vốn để đáp ứng nhu cầu đầu tư theo Quy hoạch, đặc biệt là vốn CSH để làm vốn đối ứng theo quy định cho các dự án đầu tư khai thác than, khoáng sản.

Như đã nêu trên, theo QH 403/2016, nhu cầu vốn đầu tư để phát triển ngành than đến năm 2030 khoảng 269.003 tỷ đồng, bình quân 17.934 tỷ đồng/năm, trong đó giai đoạn đến 2020 bình quân là 19.313 tỷ đồng/năm. Số vốn đó là theo tỷ giá VND/USD cuối năm 2015. Nếu tính theo tỷ giá đầu năm 2019 thì vốn đầu tư bình quân hàng năm sẽ là 19.076 tỷ đồng, riêng cho giai đoạn đến 2020 là 20.543 tỷ đồng/năm.

Như vậy, nhu cầu vốn đầu tư là rất lớn. Theo quy định của Luật Khoáng sản, vốn của chủ sở hữu đối ứng cho các dự án tối thiểu phải bằng 30% tổng mức đầu tư đối với hoạt động khai thác và 50% đối với hoạt động thăm dò. Với nhu cầu vốn đầu tư mới là 20.543 tỷ đồng/năm thì mỗi năm vốn chủ sở hữu làm vốn đối ứng phải có ít nhất khoảng 6 nghìn tỷ đồng. Trong khi mức lợi nhuận hiện hành của toàn Tập đoàn bình quân khoảng 3 nghìn tỷ đồng trước thuế/năm, riêng sản xuất than khoảng 1,5 ngàn tỷ đồng/năm và trong giai đoạn tới lợi nhuận trước thuế may ra chỉ duy trì ở mức hiện hành nếu không nói là có thể giảm xuống (do giá thành than ngày càng tăng cao) thì vốn đối ứng từ nguồn khấu hao cơ bản và quỹ đầu tư phát triển trích lập hàng năm sản xuất than tối đa chỉ đạt 3,0 nghìn tỷ đồng/năm; mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% so với yêu cầu.

Tuy nhiên, hiện tại nguồn vốn chủ sở hữu của TKV chủ yếu gồm có nguồn vốn khấu hao cơ bản và quỹ đầu tư phát triển được trích lập từ lợi nhuận sau thuế. Trong đó, nguồn vốn khấu hao cơ bản thuộc lĩnh vực sản xuất than chỉ đủ đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư duy trì sản xuất. Như vậy, vốn đầu tư mới chủ yếu được đáp ứng từ quỹ đầu tư phát triển và vốn huy động từ bên ngoài.

Thứ hai: Triển vọng kinh doanh kém gây khó khăn trong việc tăng vốn CSH, cũng như huy động vốn vay.

Việc tăng vốn CSH hiện nay là rất khó khăn đối với TKV do giá thành than ngày càng tăng cao, bởi điều kiện khai thác ngày càng khó khăn, phức tạp và chính sách thuế, phí của Nhà nước ngày càng tăng cao (chỉ riêng thuế tài nguyên và thuế, phí môi trường chiếm tới 16,5% giá bán than). Giá thành than bình quân trong giai đoạn 2016 - 2030 theo dự tính trong QH 403/2016  vào khoảng 1.702 nghìn đồng/tấn, cao hơn 10,7% so với giá bán than bình quân năm 2016 của TKV. Trong khi giá bán than tăng giảm không ổn định, thậm chí có giai đoạn bị suy giảm mạnh.

Như vậy, trong thời gian tới, ngành than không những phải đối mặt với thiếu vốn mà còn có nguy cơ bị lỗ. Với tình trạng hiệu quả sản xuất than thấp nêu trên thì việc tăng vốn chủ sở hữu cũng như huy động vốn vay thương mại cho đầu tư phát triển than của TKV là vô cùng khó khăn.

Thứ ba: Nhiều công ty con trong Tập đoàn thiếu vốn chủ sở hữu để làm vốn đối ứng các dự án do các công ty con làm chủ đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư phát triển khai thác, chế biến than.

Phần lớn các công ty con TKV trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh than đều có vốn điều lệ rất thấp (không quá 450 tỉ đồng) nên không đủ đáp ứng yêu cầu về vốn đối ứng của các dự án đầu tư quy mô lớn. Nhiều dự án đầu tư khai thác than có tổng mức đầu tư trên 2 nghìn tỷ đồng, 5-6 nghìn tỷ đồng, thậm chí lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Theo quy định hiện hành của Luật khoáng sản, chủ đầu tư cần có vốn chủ sở hữu làm vốn đối ứng bằng 30% tổng mức đầu tư, tương đương 600 tỷ đồng và có thể lên tới 4,8 nghìn tỷ đồng. Với mức tổng mức đầu tư như trên thì không một công ty con khai thác than nào có đủ vốn chủ sở hữu làm vốn đối ứng. Do đó, xuất hiện tình trạng thiếu vốn cho các dự án phát triển, nhất là các dự án than hầm lò, khai thác, chế biến khoáng sản công suất lớn. Do thiếu nguồn vốn đầu tư dài hạn trầm trọng nên nhiều công ty con sản xuất, kinh doanh than luôn phải "giật gấu vá vai" bằng các nguồn vốn ngắn hạn.

Thứ tư: Nguồn vốn, kênh huy động và hình thức huy động vốn còn chưa đa dạng, chưa phù hợp với nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường.

Trong thời gian qua, việc huy động vốn của TKV cho phát triển ngành than - khoáng sản gồm các kênh sau:

1/ Huy động vốn thông qua tín dụng ngân hàng.

2/ Huy động vốn qua kênh tín dụng nhà nước (VDB).

3/ Huy động vốn theo hình thức tín dụng xuất khẩu (ECA).

4/ Huy động vốn trái phiếu trong nước và quốc tế.

5/ Huy động vốn từ cổ phần hóa.

6/ Huy động vốn đầu tư từ xã hội.

Tuy nhiên, cho đến nay kênh và hình thức chủ yếu vẫn là vay vốn từ các ngân hàng thương mại trong và ngoài nước (chiếm trên 80%), các hình thức huy động bằng phát hành trái phiếu, thuê tài chính, cổ phần hóa... còn rất hạn chế. Việc thu hút xã hội hóa đầu tư trong ngành than mới chỉ thực hiện bước đầu ở 2 dự án là dự án băng tải vận chuyển than từ Mỏ than Mạo Khê đến Nhà máy Nhiệt điện Đông Triều (dài 4,6 km với tổng mức đầu tư là 180 tỷ đồng) và dự án băng tải vận chuyển than từ Mỏ than Mông Dương đến Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2 (với tổng mức đầu tư là 184 tỷ đồng). Điều này cũng ảnh hưởng lớn đến khả năng đáp ứng nhu cầu vốn một cách đầy đủ, kịp thời, linh hoạt phù hợp với đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của ngành than - khoáng sản.

Một số kiến nghị, đề xuất

Để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư nêu trên theo QH 403/2016 trong điều kiện nguồn vốn chủ sở hữu của TKV và vốn vay trong nước có hạn, đi đôi với việc phấn đấu tăng vốn chủ sở hữu trên cơ sở nâng cao hiệu quả kinh doanh để tích lũy vốn cần phải xây dựng và thực hiện chiến lược huy động vốn theo hướng đa dạng hóa nguồn vốn, kênh huy động vốn và đa dạng hóa hình thức huy động vốn, trong đó ngoài các hình thức huy động vốn truyền thống (vay các NHTM trong và ngoài nước) cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

1/ Đa dạng hóa nguồn vốn và phương thức huy động vốn, tăng cường hình thức huy động vốn bằng phát hành trái phiếu trên thị trường vốn trong nước và quốc tế có nhiều lợi thế so với vốn vay thương mại.

Để đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư (trong đó cho sản xuất than chiếm 60-70% nhu cầu vốn toàn Tập đoàn) và hạn chế rủi ro về an toàn vốn, TKV cần đa dạng hóa nguồn vốn và các kênh huy động vốn.

Với nhu cầu vốn đầu tư cho ngành than, cũng như các ngành kinh doanh khác của TKV là rất lớn nên ngoài việc tiếp tục duy trì các hình thức huy động vốn truyền thống đã sử dụng như huy động vốn đầu tư của Nhà nước, từ lợi nhuận để lại và các quỹ của doanh nghiệp, vay thương mại (ngắn hạn, trung và dài hạn đầu tư dự án, vay bắc cầu…). Cạnh đó, Tập đoàn cần nghiên cứu, đẩy mạnh sử dụng các hình thức huy động mới phù hợp như: phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế, vay từ tổ chức tín dụng nước ngoài qua các hình thức như tín dụng xuất khẩu (ECA), thế chấp dòng tiền, hợp đồng xuất khẩu, vay có bảo lãnh của Công ty mẹ… để huy động vốn có chi phí vốn thấp và thời hạn dài phục vụ đầu tư cho các dự án than - khoáng sản.

Do nguồn vốn vay thương mại từ ngân hàng có nhiều hạn chế như khó khăn khi vay số tiền lớn với thời hạn dài, lãi suất cao... nên TKV cần xem xét phương án tăng cường phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường vốn trong nước và quốc tế để huy động vốn cho các dự án đầu tư quy mô lớn như các dự án khai thác than hầm lò, khai thác, chế biến khoáng sản khác,... Để thực hiện hiệu quả kênh huy động vốn này đòi hỏi TKV phải tìm cách nâng cao hệ số tín nhiệm của mình.

2/ Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa đầu tư vào doanh nghiệp.

Đối với TKV, từ kinh nghiệm của các dự án băng tải chở than cho các nhà máy nhiệt điện than ở Quảng Ninh, cũng như thuê vận chuyển than, đất ở các mỏ than lộ thiên cho thấy có thể đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư bằng các hình thức BO, BOT và thuê hoạt động, thuê tài chính trong các công đoạn sản xuất than, khoáng sản như: khoan, nổ mìn, bóc đất đá, vận chuyển đất đá ở các mỏ lộ thiên, vận chuyển than bằng băng tải đến các nhà máy nhiệt điện than tại vùng mỏ,... Phấn đấu thu hút vốn đầu tư thông qua các hình thức xã hội hóa đầu tư tối thiểu đạt 30% nhu cầu vốn đầu tư mới, nhờ đó vừa góp phần đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển, vừa giảm áp lực tăng vốn chủ sở hữu theo quy định của Luật Khoáng sản, cũng như áp lực về tuyển dụng, quản lý lao động, nâng cao mức độ an toàn tài chính và hiệu quả kinh doanh.

Ngoài ra, đối với những loại công việc phát sinh theo mùa, hay có khối lượng biến động theo mùa và theo giai đoạn phát triển mỏ, nhất là ở các mỏ khai thác than lộ thiên thì cần tăng cường hình thức thuê ngoài thực hiện toàn bộ, hoặc một phần hoạt động khai thác tùy theo từng loại công việc.

3/ Tận dụng tối đa các nguồn vốn nhàn rỗi tạm thời và năng lực sản xuất dư thừa của các đơn vị thành viên trong Tập đoàn, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn và tiết giảm chi phí tài chính.

Do hoạt động của ngành than có đặc điểm mùa vụ và chịu ảnh hưởng của thời tiết, đặc điểm chu kỳ đời mỏ, đặc điểm biến động của khối lượng công tác mỏ theo điều kiện tự nhiên nên một số đơn vị sản xuất, kinh doanh than có vốn nhàn rỗi tạm thời, nhưng chỉ hưởng lãi suất tiết kiệm không kỳ hạn rất thấp tại ngân hàng, trong khi các đơn vị khác lại thiếu vốn phải vay ngắn hạn ngân hàng với lãi suất rất cao. Do đó, TKV cần phải nghiên cứu hình thức thích hợp để khuyến khích các đơn vị thành viên tận dụng tối đa nguồn vốn nhàn rỗi trong Tập đoàn, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn cũng như tiết giảm lãi vay ngân hàng.

Mặt khác, một số đơn vị dư thừa năng lực sản xuất, dư thừa lao động, trong khi một số đơn vị thành viên khác thiếu năng lực sản xuất. Do vậy, cần có phương thức thích hợp, nhất là sử dụng hình thức thuê hoạt động để phát huy năng lực sản xuất sẵn có dư thừa của các đơn vị trong nội bộ Tập đoàn, phục vụ cho những đơn vị thiếu năng lực sản xuất, vừa tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm sức ép huy động vốn, tiết giảm chi phí tài chính và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lực sản xuất sẵn có trong nội bộ Tập đoàn.

4/ Giao Công ty mẹ TKV làm chủ đầu tư các dự án khai thác, chế biến than, khoáng sản quy mô lớn có vốn đầu tư lớn (chẳng hạn trên 2 nghìn tỷ đồng).

Để đáp ứng được yêu cầu về vốn chủ sở hữu làm vốn đối ứng theo quy định hiện hành của Luật Khoáng sản, khắc phục tình trạng thiếu vốn đầu tư tại các công ty con sản xuất than, cũng như đảm bảo các dự án đầu tư phát triển ngành than được thực hiện theo đúng Quy hoạch và thời gian đầu khi dự án chưa đạt công suất thiết kế, còn bị lỗ theo kế hoạch thì Công ty mẹ làm chủ đầu tư dự án, nhất là các dự án có tổng mức đầu tư trên 2 ngàn tỷ đồng (đòi hỏi vốn đối ứng từ vốn chủ sở hữu 600 tỷ đồng, vượt số vốn điều lệ của các công ty con cổ phần hiện nay). Khi dự án đi vào hoạt động ổn định, đạt công suất thiết kế và có lãi thì tổ chức lại theo hướng cổ phần hóa theo quy định của Nhà nước và Công ty mẹ TKV sẽ nắm cổ phần chi phối; hoặc thuê công ty con quản lý, vận hành dự án.

Như vậy, để thực hiện có hiệu quả các giải pháp huy động vốn nêu trên đáp ứng nhu cầu vốn thực hiện QH 403/2016, TKV cần xây dựng chiến lược huy động vốn trên cơ sở xác định nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển trong từng thời kỳ một cách hợp lý căn cứ vào chiến lược phát triển kinh doanh của Tập đoàn.

5/ Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế quản lý, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Đến nay, các mỏ than có điều kiện khai thác thuận lợi đã cạn kiệt trữ lượng, đa phần các mỏ còn lại có điều kiện khai thác ngày càng khó khăn do xuống sâu, đi xa làm cho giá thành tăng cao. Do đó, để góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh, TKV cần tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất lao động, chất lượng than, hệ số thu hồi than, tiết giảm chi phí trên cơ sở đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu của sản xuất than, nhất là khai thác hầm lò, phát huy tối đa lợi thế khai thác lộ thiên tại các mỏ có điều kiện cho phép, đẩy mạnh đầu tư và hoàn thiện các nhà máy sàng tuyển để tăng chất lượng than, nâng cao hệ số thu hồi than.

Cạnh đó là kịp thời hoàn thiện, bổ sung hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật, nhất là các chỉ tiêu công nghệ, định mức tiêu hao vật tư, nhiên liệu, năng lượng, định mức lao động, định mức, đơn giá thuê ngoài làm cơ sở cho công tác khoán chi phí và xác định đúng đắn hợp lý giá bán nội bộ trong Tập đoàn theo hướng đảm bảo lợi nhuận định mức hợp lý cho các công ty con, các công ty chi nhánh, các nhà đầu tư, đồng thời đảm bảo tạo điều kiện tích tụ vốn tại Công ty mẹ Tập đoàn đề thực hiện đầu tư các dự án mới phát triển than, khoáng sản.

6/ Nhà nước xem xét giảm thuế tài nguyên.

Thuế tài nguyên đang vào loại cao nhất thế giới và bỏ tiền cấp quyền khai thác có bản chất trùng với thuế tài nguyên theo tinh thần thay vì mục tiêu tận thu tài chính cho NSNN chuyển sang mục tiêu khai thác tận thu tối đa tài nguyên được xác định là nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cũng như hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành sử dụng than trong nước, nhất là ngành nhiệt điện than. Theo đó, giảm giá thành than và nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, nhờ đó có tích lũy để đầu tư mở rộng sản xuất than.

Trước mắt, xem xét giảm thuế tài nguyên xuống mức tối thiểu, cụ thể đối với than hầm lò là 4% và than lộ thiên là 6%. Về lâu dài khi giá thành than cao hơn giá bán (giá CIF than nhập khẩu) thì giảm thuế tài nguyên xuống bằng 0 để giảm giá thành, nhằm tăng cường khai thác than trong nước xuất phát từ lợi ích kinh tế - xã hội của việc khai thác than trong nước so với nhập khẩu. Điều này đã có thực tiễn ở Indonesia. Trước đây, khai thác than ở nước này chủ yếu để xuất khẩu nên mức thuế tài nguyên quy định rất cao (đến 13,5%). Do nhu cầu than trong nước tăng cao, nhất là than cho sản xuất điện, Luật Khai thác mỏ năm 2009 của Indonesia ngoài các quy định khác để đảm bảo đáp ứng nhu cầu than trong nước đã quy định lại thuế tài nguyên như sau: đối với than có nhiệt trị dưới 5.100 kcal/kg, thuế suất là 3%, than có nhiệt trị từ 5.100 đến 6.100 kcal/kg, thuế suất là 5%, than có nhiệt trị trên 6.100 kcal/kg, thuế suất là 7%, trong đó cấm xuất khẩu than có nhiệt trị dưới 5.700 kcal/kg, chỉ để phục vụ trong nước.    

7/  Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đầu tư thăm dò than một cách thích hợp.

Đầu tư thăm dò than gặp nhiều rủi ro, nhất là trong điều kiện ở độ sâu rất lớn trong lòng đất và ở các khu vực có điều kiện cấu tạo địa chất phức tạp, cho nên doanh nghiệp ngại thực hiện nếu tự bỏ vốn đầu tư thăm dò.

Tài nguyên than là thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; đồng thời than với tư cách là khoáng sản được xác định là nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng, cho nên để phát huy có hiệu quả nguồn lực này Nhà nước phải nắm chắc số lượng, chất lượng và giá trị của nguồn "tài sản" đó để có căn cứ chính xác, chắc chắn lập quy hoạch khai thác, lập dự án đầu tư, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích khai thác tận thu tối đa, sử dụng hợp lý.

8/ Nhà nước xem xét vốn hóa tài nguyên than giao cho TKV.

Do tài nguyên khoáng sản không được xác định giá trị và vốn hóa nên không được tính vào vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp khai thác nên không được tính khi xác định hệ số nợ/vốn chủ sở hữu và không được sử dụng để huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp.

Thực tế hiện nay, Nhà nước chỉ quản lý về mặt hiện vật của tài nguyên khoáng sản (trữ lượng tài nguyên khoáng sản) trong khi chất lượng tài nguyên khoáng sản thì có sự khác nhau giữa các mỏ cho nên cùng trữ lượng nhưng thực chất lại khác nhau về giá trị. Do không xác định được giá trị tài nguyên khoáng sản nên thuế tài nguyên và tiền cấp quyền khai thác đang quy định mang tính áp đặt theo mức bình quân trong khung thuế tài nguyên. Trong khi điều kiện khai thác, mức độ thuận lợi, khó khăn và chất lượng tài nguyên mỗi mỏ khác nhau, giá trị khác nhau nên mỗi mỏ có giá bán khác nhau, hiệu quả khác nhau dẫn đến mất công bằng; điều đó vừa ảnh hưởng đến việc khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và tận thu tối đa tài nguyên khoáng sản, giảm nguồn thu NSNN, vừa gây khó khăn cho các doanh nghiệp khai thác trong việc huy động vốn đầu tư và vốn kinh doanh khi có nhu cầu về vốn.

Tài liệu tham khảo:

1. Điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến 2020, có xét triển vọng đến 2030 theo Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày ngày 14 tháng 03 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Các báo cáo tài chính hàng năm và Báo cáo tổng kết công tác chuyên ngành kinh tế tổng hợp năm 2016, 2017 của TKV.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động