RSS Feed for Nhập khẩu than cho điện của Việt Nam: Thách thức và giải pháp [Kỳ 6] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 01:59
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nhập khẩu than cho điện của Việt Nam: Thách thức và giải pháp [Kỳ 6]

 - Đến nay giá than trên thị trường thế giới phục hồi và tăng cao, vượt cả giá than trong nước, dẫn đến đảo chiều: nhập khẩu than khó khăn do các hộ tiêu thụ than lại quay lại với than trong nước. Song vấn đề không đơn giản như thế: việc mua bán than trong nước giữa các doanh nghiệp lớn (không thể như mua bán rau ngoài chợ) đòi hỏi phải có thời gian dài hàng chục năm để "chuẩn bị chân hàng" (đầu tư cho thăm dò, khai thác, chế biến). Điều đó được thể hiện qua thực trạng thực hiện hợp đồng kinh doanh than ở Việt Nam trong thời gian qua.

Nhập khẩu than cho điện của Việt Nam: Thách thức và giải pháp [Kỳ 1]
Nhập khẩu than cho điện của Việt Nam: Thách thức và giải pháp [Kỳ 2]
Nhập khẩu than cho điện của Việt Nam: Thách thức và giải pháp [Kỳ 3]
Nhập khẩu than cho điện của Việt Nam: Thách thức và giải pháp [Kỳ 4]
Nhập khẩu than cho điện của Việt Nam: Thách thức và giải pháp [Kỳ 5]

KỲ 6: NHU CẦU VÀ THỰC TRẠNG NHẬP KHẨU THAN CỦA VIỆT NAM (PHẦN 3)


PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM; TS. NGUYỄN THÀNH SƠN - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thực trạng nhập khẩu than thời gian qua

Việc nhập khẩu than nhằm hai mục đích chính là: Trực tiếp đáp ứng nhu cầu của các hộ tiêu thụ theo hợp đồng đã ký, nhất là các nhà máy nhiệt điện than và để pha trộn, chế biến với than trong nước thành các sản phẩm than phù hợp cung cấp cho các hộ tiêu thụ/sử dụng theo nhu cầu của họ.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, chủng loại than nhập về Việt Nam trong những năm qua chủ yếu là than anthracxite, than bitum và á bitum; tuy nhiên, khối lượng than anthracxite nhập khẩu không nhiều, chủ yếu than antraxit chỉ nhập khẩu để pha trộn với than sản xuất trong nước. Cụ thể là:

Năm 2014 Việt Nam đã nhập khoảng trên 3 triệu tấn.

Năm 2015, Việt Nam đã nhập khoảng 6,93 triệu tấn, trong đó, TKV nhập khoảng 460,8 ngàn tấn than anthracxite để pha trộn với than sản xuất trong nước, lượng than nhập khẩu còn lại chủ yếu là than bitum và ábitum do các doanh nghiệp khác ngoài TKV nhập về để cung cấp cho các hộ tiêu thụ trong nước. Trong đó nhập từ Indonesia: 1,915 triệu tấn than bitum, á bitum; từ Úc: 1,441 triệu tấn; từ LB Nga: 1,4 triệu tấn.

Thời điểm cuối năm 2015 và năm 2016, do giá than trên thị trường thế giới giảm mạnh, ngoài TKV và TCT Đông Bắc, có 55 các doanh nghiệp khác cũng đã nhập khẩu than để cung cấp cho nhu cầu của các hộ tiêu thụ ngoài điện.

Năm 2016 Việt Nam đã nhập khoảng 13,2 triệu tấn, trong đó, TKV nhập khoảng 1,033 triệu tấn than anthracxite, TCT Đông Bắc nhập khoảng 1,078 triệu tấn than anthracxite để pha trộn với than sản xuất trong nước, lượng than nhập khẩu còn lại chủ yếu là than bitum và á bitum do các doanh nghiệp khác ngoài TKV và TCT Đông Bắc nhập về để cung cấp cho các hộ tiêu thụ trong nước (EVN nhập khẩu khoảng 1,350 triệu tấn than bitum và á bitum cho sản xuất điện…). Trong đó, nhập từ Indonesia 2,946 triệu tấn, từ Úc 3,96 triệu tấn anthracxite, bitum và than cho luyện thép; từ LB Nga 3,687 triệu tấn triệu tấn anthracxite, bitum và than cho luyện thép; từ Nam Phi 0,334 triệu tấn anthracxite rời độ tro Ak=30,5%, nhiệt trị 5.000÷5.500 kcal/kg.  

Năm 2017 Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 14.498 ngàn tấn, trong đó TKV nhập khoảng 200,3 ngàn tấn than anthracxite, TCT Đông Bắc khoảng 300,2 ngàn tấn than anthracxite để pha trộn với than sản xuất trong nước, lượng than nhập khẩu còn lại chủ yếu là than bitum và á bitum do các doanh nghiệp khác ngoài TKV và TCT Đông Bắc nhập về để cung cấp cho các hộ tiêu thụ trong nước (EVN nhập khẩu khoảng 3,85 triệu tấn than bitum và á bitum cho sản xuất điện…). Trong đó nhập từ Indonesia 6,144 triệu tấn; từ Úc 3,768 triệu tấn; từ LB Nga 2,4 triệu tấn; từ Trung Quốc 1,037 triệu tấn chủ yếu là than cho luyện thép.

Tổng hợp sản lượng và giá trị than nhập khẩu từ 2014-2017 được nêu ở bảng 2.

Bảng 2: Tổng hợp than nhập khẩu từ năm 2014÷2017

TT

Nước

2014

2015

2016

2017

Sản lượng (103tấn)

Giá trị    (106 USD)

Sản lượng (103tấn)

Giá trị (106USD)

Sản lượng (103tấn)

Giá trị (106USD)

Sản lượng (103tấn)

Giá trị   (106USD)

1

Indonesia

1.568

122,04

1.915

110,82

2.946

149,41

6.144

407,30

2

Malaixia

225

13,08

199

10,98

163

8,38

254

13,395

3

Nga

249

25,19

1.400

101,33

3.687

252,20

2.401

243,93

4

Nhật

0,037

0,03

0,062

0,06

5,6

1,65

5,4

1,64

5

Úc

543

75,03

1.441

127,34

3.961

323,26

3.768

479,01

6

Trung Quốc

474

120,92

1.743

178,57

1.684

165,63

1.037

226,94

 

….

 

Tổng

3.096

364,0

6.927

574,0

13.199

959,0

14.498

1.520,0

 

Nguồn: Tổng số theo Niên giám thống kê, chi tiết theo Cục CNTT & Tổng cục Hải quan.

Giá than nhập khẩu

Năm 2015÷2016, giá bán than trong nước đang ở mức cao so với giá than nhập khẩu từ các nước trong khu vực. Giá bán bình quân các chủng loại than anthracxite Việt Nam năm 2015 là 1.523 nghìn đồng/tấn (bằng khoảng 70,3 USD/tấn), tương đương với giá than cám 5 HG, trong khi đó giá than trên thị trường thế giới đang đứng ở mức thấp. Do đó giá than CIF nhập khẩu về Việt Nam cạnh tranh được với giá than trong nước.

Để đa dạng hóa nguồn than cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ trong nước, từ năm 2015 trở lại đây, TKV và TCT Đông Bắc đã tiến hành tìm kiếm các nguồn than nhập khẩu có khả năng pha trộn với các loại than sản xuất trong nước có chất lượng thấp để chế biến ra những loại than có chất bốc và nhiệt năng phù hợp với nhu cầu của các hộ tiêu thụ. Than nhập khẩu để pha trộn chủ yếu là các loại than anthracxite; nguồn than chủ yếu được nhập khẩu từ Nga, Nam Phi và Úc.

Theo số liệu thống kê, giá than nhập khẩu năm 2014: than ábitum nhập từ Indonesia giá CIF dao động khoảng 45÷65 USD/tấn (cám 3÷5) với tàu có tải trọng từ 7.000÷50.000 tấn; giá than CIF nhập từ Triều Tiên 70,5 USD/tấn tương đương than cám 4b và than bán-anthracxite nhập từ Nam Phi khoảng 75 USD/tấn.

Giá than nhập khẩu 2015:

Từ Indonesia: Than đá DDU 127,7 USD/tấn; than nhiệt 5.650÷6.400 kcal/kg: FOB 57,0 USD/tấn; CFR 73,2 USD/tấn; than nhiệt 5.000÷5.600 kcal/kg: FOB 36,5 USD/tấn, CFR 55,3 USD/tấn; than nhiệt 4.250÷4.800 kcal/kg: CFR 41,3USD/tấn.

Từ Úc: Than dùng cho luyện thép 101,4 USD/tấn; anthracxite 5.650÷6.400 kcal/kg: CIF 67,6 USD/tấn; anthracxite 5.100÷5.600 kcal/kg: CIF 46,4 USD/tấn; Bitum 5.650÷6.400 kcal/kg: CIF 74,9 USD/tấn.

Từ LB Nga: anthracxite 5.650÷6.400 kcal/kg: CIF 75,8 USD/tấn; Bitum 5.650÷6.400 kcal/kg: CIF 65,3 USD/tấn.

Giá than nhập khẩu năm 2016:

Từ Indonesia: Bình quân FOB: 42,8 USD/tấn; Bình quân CFR 51,3 USD/tấn, trong đó than nhiệt 5.650÷6.400 kcal/kg: 78,4 USD/tấn; than nhiệt 5.100÷5.600 kcal/kg: 46,2 USD/tấn; than nhiệt 4.250÷4.800 kcal/kg: 43,5USD/tấn.

Từ Úc: Bitum 5.650÷6.400 kcal/kg: FOB 58,3 USD/tấn; CIF 85,2 USD/tấn; anthracxite 5.650÷6.400 kcal/kg: FOB 57,6 USD/tấn; CIF 82,1 USD/tấn.

Từ LB Nga: AThan anthracxite 5.650÷6.400 kcal/kg: CIF 70,2 USD/tấn; Bitum 5.650÷6.400 kcal/kg: CIF 70,8 USD/tấn; Bitum 5.100÷5.600 kcal/kg: CIF 68,3 USD/tấn.

Từ Nam Phi nhập 0,334 triệu tấn anthracxite rời Ak=30,5%, 5.000÷5.500 kcal/kg: giá bình quân 49,5 USD/tấn.  

Giá than nhập khẩu năm 2017: Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, khối lượng than nhập khẩu trong ba tháng đầu năm 2017 là 3,0887 triệu tấn, giá trị 333.066.270 USD.  

Từ Indonesia: Nhập 0,715 triệu tấn với giá bình quân 69,4 USD/tấn, than nhiệt 5.650÷6.400 kcal/kg: CFR 90,6 USD/tấn; 4,250÷5.600 kcal/kg: CFR 71,3 USD/tấn, FOB 42,5 USD/tấn; 3.600÷3800 kcal/kg CFR 37,9 USD/tấn.

Từ Úc: Nhập 0,852 triệu tấn với giá bình quân 131,1 USD/tấn, trong đó anthracxite 5.600÷6.400 kcal/kg: CFR 82,7USD/tấn; Bitum 5.600÷6.400 kcal/kg: CFR 80,5USD/tấn; FOB 76,8USD/tấn.

Từ LB Nga: Nhập 0,511 triệu tấn với giá bình quân 103,8 USD/tấn, trong đó anthracxite 5.600÷6.400 kcal/kg: CFR 93,6 USD/tấn; Bitum 5.100÷6.400 kcal/kg: CFR 89,3 USD/tấn.

Từ Nam Phi: Nhập 0,156 triệu tấn với giá bình quân 55,8 USD/tấn, trong đó anthracxite rời Ak=30,5%, 5.023 kcal/kg, 45.000 tấn, giá CFR 51,5 USD/tấn; anthraxcite Ak=31,98%, 5.426 kcal/kg, 55.827 tấn, giá CFR 53,0 USD/tấn

Do tác động của thị trường than nhập khẩu và chính sách xuất nhập khẩu than không đồng bộ dẫn đến than trong nước giá thành cao phải cạnh tranh với than nhập khẩu giá rẻ trong ngắn hạn 2015-2016 là một trong những nguyên nhân dẫn đến than trong nước tồn kho ở mức cao.

Chẳng hạn, than tồn kho của TKV đầu năm 2017 khoảng 9.421 ngàn tấn, trong đó, vùng Vàng Danh - Uông Bí tồn kho khoảng 3.119 ngàn tấn, chủng loại tồn nhiều nhất ở vùng này là cám 5a.3 với khối lượng khoảng 1.538 ngàn tấn, do nhiều nguyên nhân:

Thứ nhất: Có sự cạnh tranh của than nhập khẩu giá rẻ tạm thời, trong khi quan hệ mua bán với các hộ tiêu thụ than trong nước chưa được thiết lập chặt chẽ, dẫn đến không thực hiện mua than theo kế hoạch đã thống nhất, hoặc hợp đồng đã ký.

Thứ hai: Trước đây nhu cầu tiêu thụ trong nước đối với than khu vực Vàng Danh - Uông Bí  ít nên chủ yếu xuất khẩu đi Trung Quốc cho các hộ tiêu thụ ở các tỉnh phía nam Trung Quốc. Tuy nhiên, do có sự thay đổi chính sách của Nhà nước hạn chế xuất khẩu than sang Trung Quốc (đặc biệt than cám), phía Trung Quốc phải chuyển đổi công nghệ và cơ hội xuất khẩu than này của TKV cũng không còn.

Đến nay giá than trên thị trường thế giới phục hồi và tăng cao, vượt cả giá than trong nước, dẫn đến đảo chiều: nhập khẩu than khó khăn do các hộ tiêu thụ than lại quay lại với than trong nước. Song vấn đề không đơn giản như thế: việc mua bán than trong nước giữa các doanh nghiệp lớn (không thể như mua bán rau ngoài chợ) đòi hỏi phải có thời gian dài hàng chục năm để "chuẩn bị chân hàng" (đầu tư cho thăm dò, khai thác, chế biến). Điều đó được thể hiện qua thực trạng thực hiện hợp đồng kinh doanh than thời gian qua như sau:

Trong suốt thời gian qua, TKV và TCT Đông Bắc vẫn là hai đơn vị chính thực hiện việc cung cấp than sản xuất trong nước cho sản xuất điện (năm 2017, TKV và TCT Đông Bắc đã cung cấp khoảng 28,7 triệu tấn than cho sản xuất điện trong tổng nhu cầu than năm 2017 của các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) khoảng 33 triệu tấn); chủ đầu tư các NMNĐ vẫn chưa mua than từ các nhà cung cấp khác (ngoài TKV và TCT Đông Bắc).

Với đặc thù của sản xuất than để đảm bảo cung ứng than lâu dài cho các hộ tiêu thụ trong nước, nhất là các NMNĐ liên quan tới an ninh năng lượng và phát triển bền vững của ngành than thì giữa TKV và TCT Đông Bắc với các NMNĐ phải ký kết hợp đồng dài hạn (chí ít cho thời hạn ≥ 105 năm).

Nhưng trên thực tế, TKV mới ký được 3 hợp đồng dài hạn với Dự án NMNĐ Mông Dương 2 (2014); dự án Vĩnh Tân 1 (dự kiến vận hành 2019) và dự án NMNĐ BOT Hải Dương (dự kiến vận hành 2020); ký được 6 hợp đồng nguyên tắc mua bán than dài hạn với các NMNĐ và 1 hợp đồng nguyên tắc với TCT Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM). Còn TCT Đông Bắc mới ký được 2 hợp đồng nguyên tắc mua bán than với các NMNĐ (nhưng thực tế vận hành vẫn là ký hợp đồng tiêu thụ hằng năm) trong tổng số khoảng 25 NMNĐ sử dụng than sản xuất trong nước; còn lại 15 NMNĐ chỉ có công văn thỏa thuận cung cấp than (không có ràng buộc về mặt pháp lý).

Qua thực tế việc cung cấp than cho sản xuất điện trong thời gian qua theo tinh thần chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 46/TTg-CN ngày 16/01/2017 và Văn bản số 2172/VPCP-CN ngày 10/3/2017 cho thấy việc thu xếp nguồn than ổn định dài hạn để cung cấp cho sản xuất điện gặp một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó, các NMNĐ chưa ký kết hợp đồng dài hạn với TKV và TCT Đông Bắc là chưa thấy sự cấp thiết phải ký hợp đồng dài hạn vì vẫn hy vọng có nguồn cung khác ngoài TKV và TCT Đông Bắc, cũng như nguồn than nhập khẩu và trông chờ vào sự can thiệp của Nhà nước khi thiếu than. Và một trong những vướng mắc lớn trong việc ký kết hợp đồng dài hạn là cơ chế giá than chưa được giải quyết. 

Chính vì vậy, TKV và TCT Đông Bắc chưa thể chủ động được trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh than, kế hoạch đầu tư phát triển mỏ. Trong khi để đầu tư xây dựng một mỏ mới khai thác hầm lò từ khâu chuẩn bị đầu tư đến khi thi công, đưa vào vận hành cần thời gian từ 7-10 năm và vốn đầu tư từ hàng ngàn đến hơn 10-15 ngàn tỷ đồng tùy theo quy mô công suất. Hoặc để đầu tư xây dựng 1 lò chợ mới cũng cần thời gian 2-3 năm. Do TKV và TCT Đông Bắc chưa xác định được cụ thể khối lượng than cung cấp cho sản xuất điện trong thời gian tới nên chưa thể thực hiện đầu tư mỏ, chuẩn bị nguồn than dài hạn cung cấp cho sản xuất điện. Nguyên nhân này cũng bắt nguồn từ bất cập trong chính sách và quản lý, điều hành sản xuất, tiêu thụ than hiện nay trên phạm vi nền kinh tế quốc dân.

Tóm lại, qua những phân tích nêu trên cho thấy việc nhập khẩu than và đầu tư khai thác than ở nước ngoài đưa về phục vụ trong nước với khối lượng lớn hàng chục triệu tấn đến 100 triệu tấn mỗi năm là vô cùng phức tạp, khó khăn, khó lường và có nhiều rào cản. Cụ thể là:

1/ Chưa có thị trường than trong nước được vận hành có sự quản lý chặt chẽ, hợp lý của Nhà nước gắn với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững ngành than.

2/ Chưa có chính sách "ngoại giao" năng lượng nói chung và than nói riêng với các nước có tiềm năng về tài nguyên năng lượng sơ cấp và tài nguyên than để tạo điều kiện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tăng cường hoạt động thương mại, đầu tư, hợp tác trong lĩnh vực khai thác và kinh doanh than ở nước ngoài.

3/ Chưa có chính sách đồng bộ giữa việc nhập khẩu than và tiêu thụ, sử dụng than nhập khẩu cũng như cho việc đầu tư khai thác than ở nước ngoài đưa về phục vụ trong nước.

4/ Hệ thống hậu cần (logistics) phục vụ nhập khẩu than bao gồm vận tải biển quốc tế, chuyển tải, kho bãi, vận tải nội địa, v.v... còn nhiều yếu kém, bất cập; việc giao nhận than tại các cơ sở sử dụng than, nhất là tại các nhà máy nhiệt điện than còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

5/ Tổ chức các đơn vị nhập khẩu than còn phân tán, dàn trải, chưa có sự hợp lực, hợp tác với nhau cũng như chưa có sự hợp lực, hợp tác chặt chẽ với các đơn vị sử dụng than nên chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp các nguồn lực trong nước, trong khi cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, kinh nghiệm, năng lực tài chính của từng đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém.

6/ Chưa có chính sách đầu tư xây dựng hệ thống kho dự trữ than quốc gia trong bối cảnh nhu cầu than tăng cao, nhập khẩu than khối lượng lớn, thị trường than thế giới có nhiều biến động mạnh, khó đoán định, gây cản trở, ách tắc cho việc nhập khẩu than.

7/ Đến nay Việt Nam mới tham gia thị trường nhập khẩu than nhiệt (steam coal), trong khi thị trường này đã được các tập đoàn tài chính - thương mại lớn trên thế giới sắp đặt "trật tự" và chi phối từ lâu. Cho nên Việt Nam đã và sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn than với khối lượng lớn, hạn chế về năng lực và kinh nghiệm đầu tư khai thác than ở nước ngoài, v.v...

Những bất cập, hạn chế, rào cản nêu trên là nguyên nhân chính gây ra những điểm nghẽn dẫn đến thực trạng nhập khẩu than của Việt Nam trong thời gian qua như đã nêu trên.

Đón đọc kỳ tới: Giải pháp nhập khẩu than cho điện trong tương lai tới 

Lưu ý: Mọi trích dẫn và sử dụng bài viết này cần được sự đồng ý của tác giả thông qua Tạp chí Năng lượng Việt Nam bằng văn bản.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động