RSS Feed for Thị trường bán buôn điện: Người sử dụng và cung cấp đều hưởng lợi | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 24/12/2024 06:00
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thị trường bán buôn điện: Người sử dụng và cung cấp đều hưởng lợi

 - Theo đúng lộ trình, thị trường bán buôn điện cạnh tranh Việt Nam (Vietnam Wholesale Electricity Market - VWEM) đã chính thức vận hành toàn diện từ 1/1/2019. Chuyển từ thị trường phát điện cạnh tranh sang VWEM là bước chuyển đổi lớn căn bản, thay đổi mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh điện. VWEM cũng sẽ tác động lớn đến các mặt hoạt động chung của ngành điện nên cần có những bước đi thận trọng, phù hợp với điều kiện thực tế.

Thị trường điện cạnh tranh và tái cơ cấu ngành điện

 

Theo Quyết định số 8266/QĐ-BCT của Bộ Công Thương, để có thể thực hiện VWEM, cần tiến hành hai bước chính, trước đó là vận hành Thị trường thí điểm trên giấy năm 2016. Trong giai đoạn này, các nhà máy điện, các tổng công ty điện lực, các khách hàng lớn có thể tham gia các VWEM, còn về mặt vận hành thị trường điện thì vẫn sẽ tiếp tục triển khai Thị trường phát điện cạnh tranh. Bước tiếp theo được thực hiện trong năm 2017-2018, trước khi bước vào VWEM là dần dần đưa các tổng công ty điện lực tham gia thị trường điện một cách thực tế. Nghĩa là họ có thể mua từ 5-10% sản lượng điện của các nhà máy thông qua thị trường bán buôn, phần còn lại vẫn tiếp tục mua qua Thị trường phát điện cạnh tranh.

Để tiến tới thực hiện VWEM theo đúng lộ trình đề ra, các cơ quan chức năng từ Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đến các tập đoàn trong ngành năng lượng đã triển khai nhiều chương trình quan trọng trong các mặt về cơ chế, chính sách, quản lý kỹ thuật, công nghệ như sau.

Tái cấu trúc ngành điện có thể coi là một trong những hoạt động trọng tâm để triển khai Thị trường phát điện cạnh tranh, cũng như VWEM. Đến nay, các tổng công ty phát điện (Genco) thuộc EVN, TKV và PVN đều đã và đang được cổ phần hóa theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

 

Về mặt kỹ thuật, công nghệ, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, chương trình nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện đã được triển khai với tỷ lệ kết nối hệ thống Kiểm tra giám sát và thu thập dữ liệu (SCADA) từ các nhà máy điện, trạm biến áp trung bình đạt trên 90% và đủ tín hiệu vận hành là trên 80%. Việc đo đếm từ xa giữa các nhà máy điện có công suất trên 10 MW, các trạm biến áp 500, 220, 110 kV và các điểm đo ranh giới giữa các tổng công ty điện lực cơ bản đã hoàn thành.

Cùng với đó, độ tin cậy cung cấp điện của các đơn vị trong EVN đã vượt mục tiêu đề ra từ năm 2017. Các dự án đầu tư, nâng cấp hệ thống SCADA/DMS MiniSCADA tại các tổng công ty điện lực đã được triển khai và hoàn thành đúng tiến độ.

Trong năm 2018, Cục Điều tiết Điện lực và các đơn vị hữu quan của Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng cơ chế tài chính cho chương trình quản lý nhu cầu và điều chỉnh phụ tải điện, xây dựng và thẩm định, ban hành yêu cầu kỹ thuật cho hệ thống rơ le bảo vệ và tự động hóa trong các nhà máy điện, trạm biến áp. Tiếp tục củng cố và nâng cao tỷ lệ đầy đủ tín hiệu các nhà máy điện, trạm biến áp để có thể khai thác hiệu quả các chức năng của hệ thống quản lý năng lượng (EMS) tại Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia. Hoàn thiện các vấn đề còn tồn tại đối với hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm từ xa các nhà máy điện/trạm biến áp, điểm đo ranh giới giữa các tổng công ty điện lực. Tiếp tục nâng cao tỷ lệ công tơ điện tử đo đếm thu thập số liệu từ xa cho khách hàng tại các tổng công ty điện lực để từng bước hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

Đến cuối năm 2018 có 90 nhà máy điện với tổng công suất trên 23.000 MW, chiếm trên 52% tổng công suất nguồn điện trực tiếp tham gia thị trường điện với tổng sản lượng điện giao dịch của thị trường đạt 48,4% điện sản xuất toàn quốc.

Hiện nay 5 tổng công ty điện lực trong cả nước đang quản lý 25.395.0005 công tơ bán điện cho khách hàng, trong đó số lượng công tơ điện tử là 8.874.357, với 6.732.358 công tơ điện tử đo đếm thu thập dữ liệu từ xa.

Để bảo đảm cho VWEM vận hành có hiệu quả, trong thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện xây dựng hệ thống kết nối SCADA để hệ thống này làm việc đủ tín hiệu, tăng cường hệ thống thu thập dữ liệu từ xa, hoàn thiện hạ tầng CNTT phục vụ hiệu quả cho VWEM.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến công tác vận hành lưới điện thông minh với sự xuất hiện của các nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời.

Tóm lại, việc đưa VWEM vào vận hành sẽ đem lại lợi ích cho người sử dụng điện, vì nhiều người bán thì sẽ có sự cạnh tranh lẫn nhau, dẫn tới giá điện được phản ánh sát thực tế. Việc này cũng mang lại lợi ích cho các đơn vị cung cấp điện trong việc chủ động công tác vận hành, rút ngắn thời gian bảo trì, sửa chữa, cắt giảm chi phí để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Theo nhìn nhận của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nếu VWEM được triển khai có hiệu quả sẽ có tác dụng rất lớn, bổ ích đến hoạt động của giai đoạn tiếp theo là Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh - giai đoạn cuối cùng của Lộ trình Thị trường điện cạnh tranh.

TRẦN VIẾT NGÃI - CHỦ TỊCH HIỆP HỘI NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động