RSS Feed for Quan điểm của Bộ Công Thương về điện hạt nhân Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 22/01/2025 15:08
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Quan điểm của Bộ Công Thương về điện hạt nhân Việt Nam

 - Bộ Công Thương vừa có Văn bản số: 5263/BCT-ĐL, ngày 24/7/2019 trả lời kiến nghị của Tạp chí Năng lượng Việt Nam về việc giữ lại mặt bằng dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2. Nội dung Văn bản như sau (trích nguyên văn).
Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương xử lý kiến nghị ‘đưa điện hạt nhân vào Quy hoạch’ Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương xử lý kiến nghị ‘đưa điện hạt nhân vào Quy hoạch’

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số: 1532/PC-VPCP, ngày 11/8/2021 về việc chuyển văn bản kiến nghị “đưa điện hạt nhân vào Quy hoạch điện VIII” của Tạp chí Năng lượng Việt Nam đến Bộ Công Thương để xem xét, xử lý.

Quan điểm của Bộ Công Thương về điện hạt nhân
Văn bản của Bộ Công Thương trả lời kiến nghị của Tạp chí Năng lượng Việt Nam về việc giữ lại mặt bằng dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.

“Bộ Công Thương nhận được văn bản số 48/CV-NLVN ngày 11 tháng 7 năm 2019 của Tạp chí Năng lượng Việt Nam về việc kiến nghị giữ lại mặt bằng quy hoạch hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, Bộ Công Thương có ý kiến như sau:

So với các dạng năng lượng truyền thống, điện hạt nhân (ĐHN) là nguồn công suất điện lớn, ổn định, có hệ số khả dụng cao và không phát thải khí nhà kính. Chi phí nhiên liệu trong giá thành ĐHN thấp, chỉ khoảng 10% trong khi đối với nhiệt điện than, chi phí này là 60%. Theo các nhà phát triển dự án, giá thành sản xuất điện hạt nhân thông thường bằng với giá thành sản xuất điện của loại hình nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu.

Tuy nhiên, ĐHN cũng có những khó khăn, thách thức đối với quốc gia lần đầu tiên xây dựng:

1. Xuất hiện rào cản tâm lý lo ngại về tính an toàn của nhà máy ĐHN, nên cần có sự đồng thuận của công chúng và các quyết sách mạnh mẽ của Chính phủ.

2. Vẫn còn xác xuất tiềm ẩn rủi ro về an toàn hạt nhân nên cần phải thận trọng lựa chọn công nghệ tiên tiến, an toàn nhất và có tính kiểm chứng.

3. Cần đảm bảo đầy đủ cơ sở hạ tầng theo quy định của IAEA, đặc biệt là văn bản quy phạm pháp luật và xây dựng phát triển đội ngũ nhân lực, chuyên gia về điện hạt nhân, cũng như văn hóa an toàn ĐHN.

4. Cần nhiều thời gian chuẩn bị dự án do công nghệ phức tạp; vốn đầu tư ban đầu lớn, khó khăn trong thu xếp vốn đầu tư.

5. Cần tính toán phương án lưu giữ nhiên liệu đã qua sử dụng và chuẩn bị chi phí tháo dỡ các tổ máy ĐHN (khoảng 1 tỷ USD/mỗi tổ máy) khi hết thời hạn vận hành.

Trên thế giới đa số các nước lớn, có trình độ khoa học kỹ thuật phát triển, nền kinh tế tăng trưởng cao đều đã và đang sử dụng ĐHN. Có nhiều nước phát triển, chưa đủ điều kiện phát triển ĐHN trong nhiều thập niên tới, nhưng vẫn xây dựng chiến lược, lập kế hoạch phát triển ĐHN trong tương lai.

Hiện nay, Chính phủ đang giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước triển khai lập Tổng sơ đồ phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2040 (TSĐ8). Trong quá trình xây dựng TSĐ8, tư vấn sẽ nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng về khả năng có xuất hiện ĐHN hay không, để Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan đóng góp ý kiến, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Việc nghiên cứu, xem xét sự xuất hiện của ĐHN sẽ dựa trên các cơ sở, quan điểm sau:

1. Chủ trương, chiến lược về phát triển ĐHN của Đảng và Chính phủ trong tương lai.

2. Tính toán, cân đối cung cầu điện năng trong giai đoạn thực hiện TSĐ8.

3. Đa dạng hóa nguồn năng lượng cung cấp, đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện năng của đất nước, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, nhất là khi đã khai thác hầu hết các tiềm năng về thủy điện và nhiên liệu hóa thạch; đảm bảo tính kinh tế khi cạnh tranh với các loại nhiên liệu nhập khẩu.

4. Vai trò đảm bảo phụ tải nền trong Biểu đồ phụ tải quốc gia do các nguồn điện như nhiệt điện than, tua bin khí chu trình hỗn hợp, điện hạt nhân đảm nhận.

5. Góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí gây ô nhiễm môi trường từ các nhiên liệu hóa thạch theo cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

6. Đẩy mạnh phát triển tiềm lực khoa học - kỹ thuật và công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng không chỉ trong ngành năng lượng nguyên tử, ngành điện mà còn thúc đẩy nhiều ngành công nghiệp và kinh tế khác của đất nước; góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam khi từng bước làm chủ được công nghệ ĐHN.

Đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng 02 vị trí quy hoạch mặt bằng xây dựng Dự án ĐHN Ninh Thuận 1 và 2, tại thông báo số 7191/VPCP-CN ngày 10 tháng 7 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo Bộ Công Thương: "Yêu cầu xem xét kỹ về chuyển đổi mặt bằng quy hoạch địa điểm cho các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, nhưng thuận lợi cho việc thu hồi khi thực hiện các dự án quan trọng quốc gia". Trong quá trình làm việc với các đối tác Liên bang Nga và Nhật Bản, Ban Công tác liên ngành xử lý các vấn đề sau khi dừng chủ trương thực hiện ĐHN Ninh Thuận đã thống nhất với các đối tác về việc lưu giữ các sản phẩm tư vấn, cam kết ưu tiên hợp tác với các đối tác nêu trên trong trường hợp Việt Nam tái khởi động chương trình ĐHN.

Thực hiện chỉ đạo tại văn bản số 7191/VPCP-CN nêu trên, ngày 25 tháng 7 năm 2017, Bộ Công Thương đã có văn bản số 6624/BCT-TCNL đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận xem xét kỹ và có đề xuất cụ thể về chuyển đổi mặt bằng quy hoạch địa điểm theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ.

Ngày 26 tháng 10 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ có Thông báo số 416/TB-VPCP giao UBND tỉnh Ninh Thuận lập Đề án chuyển đổi mặt bằng các vị trí quy hoạch ĐHN và mục đích sử dụng đất cho các dự án để phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương (Đề án) theo các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 7191/VPCP-CN ngày 10 tháng 7 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ, để Bộ kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Ngày 22 tháng 1 năm 2019, UBND tỉnh Ninh Thuận có Văn bản số 252/UBND-KTTH, đề nghị lùi thời gian trình Đề án đến cuối năm 2019, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 1560/VPCP-NN ngày 26 tháng 2 năm 2019 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đồng ý cho UBND tỉnh Ninh Thuận theo đề nghị nêu trên”.

Trước đó, Tạp chí Năng lượng Việt Nam có Văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch UNND tỉnh Ninh Thuận đề nghị cho biết “quan điểm” về 2 địa điểm điện hạt nhân “đã quy hoạch”. Cụ thể:

Thứ nhất: Đề nghị Bộ Công Thương cho biết quan điểm về nguồn năng lượng điện hạt nhân đối với phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo anh ninh năng lượng quốc gia; cũng như quan điểm của Bộ và UBND tỉnh Ninh Thuận về địa điểm dự án điện hạt nhân đã quy hoạch (Ninh Thuận 1 và 2).

Thứ hai: Để xác định được 2 địa điểm nhà máy điện hạt nhân này, các bộ, ngành, cơ quan liên quan Việt Nam, với sự hỗ trợ của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, cùng các chuyên gia đến từ Nhật Bản, Liên bang Nga, Hàn Quốc, Canada… đã trải qua một quá trình lâu dài (trên 10 năm) tìm kiếm, sàng lọc, đánh giá; thực hiện khối lượng lớn công việc một cách khoa học, công phu, tốn kém... Do vậy, có nên chuyển đổi mục đích sử dụng mặt bằng 2 địa điểm đã chọn nêu trên, hay giữ lại cho chương trình phát triển điện hạt nhân của Việt Nam trong tương lai? Trong khi nhiều tổ chức, chuyên gia trong nước, quốc tế đang kêu gọi Chính phủ Việt Nam tái khởi động chương trình phát triển điện hạt nhân nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Thứ ba: Việc giữ lại 2 địa điểm này phù hợp với thông lệ quốc tế, cho phép chủ đầu tư giữ các địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong thời hạn là 20 năm, vượt quá thời hạn trên, địa điểm mới được xem xét để chuyển đổi mục đích sử dụng./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động