RSS Feed for Thời cơ mới phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 15:48
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thời cơ mới phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam

 - Những thay đổi nhanh chóng gần đây về công nghệ, chính sách phát triển ứng dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo nhằm ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu đã tạo ra một bối cảnh và cơ hội thuận lợi mới đối với sự phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Đó là các sự kiện như: Hội nghị của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP21), sự giảm sâu của giá năng lượng tái tạo và xu hướng mạnh mẽ về đầu tư phát triển năng lượng tái tạo trên thế giới. Ngoài ra, một số chính sách, giải pháp quan trọng mới, tiến bộ, phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam đối với năng lượng tái tạo cũng đã được ban hành và triển khai thực hiện. Tất cả các yếu tố này, có thể nói, đã và đang tạo ra một thời cơ thuận lợi mới, rất quan trọng đối với sự phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam.

Hoàn thiện thể chế phát triển bền vững năng lượng Việt Nam
Chiến lược năng lượng quốc gia: Những vấn đề cần quan tâm
Năng lượng bền vững ở Việt Nam: Thách thức và kiến nghị phát triển

PGS, TS. ĐẶNG ĐÌNH THỐNG

1. Các yếu tố khách quan thúc đẩy sự phát triển NLTT ở Việt Nam

Như đã biết, cho đến nay, sau hàng trăm năm phát triển, nguồn năng lượng chính của con người trên trái đất vẫn là nguồn năng lượng hóa thạch (NLHT). Nhưng nguồn NLHT có trữ lượng hữu hạn. Để có lượng NLHT trên hành tinh này, thiên nhiên đã phải mất hàng triệu năm. Trong khi đó, để khai thác, sử dụng nó, con người chỉ cần vài trăm năm. Đến nay, các nguồn NLHT đang dần cạn kiệt và ngày càng khan hiếm.

Ngoài ra, việc khai thác sử dụng NLHT trong một thời gian dài cho đến nay đã gây ra sự tích tụ các khí nhà kính (KNK) như: CO2, CH4, N­2O, O3,… làm cho lượng KNK trong khí quyển trái đất vượt quá ngưỡng giá trị cân bằng của nó. Điều này dẫn đến các hiện tượng biến đổi khí hậu (BĐKH) rất nguy hiểm, đe dọa sự sinh tồn của mọi sinh vật trên. Các hiện tượng BĐKH dễ nhận thấy nhất là: nhiệt độ tăng, băng ở các địa cực tan nhanh, nước biển dâng cao, diện tích sinh tồn của con người bị thu hẹp; thời tiết cực đoan: mưa, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn,… xảy ra ngày càng khốc liệt, tần suất ngày càng tăng. Tác động của BĐKH là rất to lớn và xảy ra trên phạm vi toàn cầu.

Trước tình hình đó, các quốc gia, các vùng lãnh thổ trên thế giới đã có các nỗ lực khác nhau để hạn chế các tác động của BĐKH. Đỉnh cao của các nỗ lực này là Hội nghị của Liên Hiệp quốc về BĐKH lần thứ 21 họp tại Paris năm 2015 (COP21), trong đó 195 quốc gia đã đạt được thỏa thuận có tính chất lịch sử là cùng nỗ lực cắt giảm lượng KNK để đến cuối thế kỷ này nhiệt độ quả đất không tăng quá 2oC. Thỏa thuận cũng đã nêu bật một xu thế không thể đảo ngược về việc sử dụng năng lượng trên toàn cầu, đó là cần chuyển đổi từ sử dụng NLHT sang các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (NLTT) thay thế với nền kinh tế phát thải KNK thấp. Cũng tại diễn đàn quan trọng này, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế sẽ cắt giảm tối thiểu 8% KNK ở Việt Nam vào năm 2030 và nếu có sự hỗ trợ hiệu quả của cộng đồng quốc tế, Việt Nam có thể cắt giảm đến 25%.

Một yếu tố tích cực góp phần thực hiện thỏa thuận cắt giảm KNK Paris là công nghệ NLTT ngày càng hoàn thiện và nhờ đó hiệu quả kinh tế của nguồn và công nghệ năng lượng này ngày càng được nâng cao, đến nay nó đã có thể cạnh tranh sòng phẳng về giá cả đối với các nguồn NLHT. Ngoài ra, nhờ tính “tái tạo hay tái sinh” mà có thể nói trữ lượng các nguồn NLTT là vô cùng lớn, có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng cho con người hàng trăm, nghìn năm sau.

Như vậy, để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế, xã hội và giảm thiểu các tác động tiêu cực của hiện tượng BĐKH, thì sự lựa chọn NLTT là tất yếu. Ví dụ dưới đây cho thấy xu thế tất yếu đó.

Trên hình 1 trình bày diễn biến của tổng đầu tư vào NLTT, công suất lắp đặt các hệ thống nguồn điện gió và nguồn điện mặt trời (PV) trong thời gian 10 năm vừa qua, từ 2005 đến 2015 trên thế giới. Cần chú ý rằng, trừ thủy điện, thì các nguồn điện gió và điện mặt trời là các nguồn NLTT chủ yếu để sản xuất điện năng hiện nay.

Hình 1. Tổng đầu tư phát triển NLTT (tỷ USD), công suất lắp đặt (GW) các nguồn điện gió và điện mặt trời trên thế giới giai đoạn 2005-2015. (Nguồn:Renewables 2016 Global Status Report, REN 21)

Như ta thấy trên hình, xu thế đầu tư và công suất lắp đặt ngày càng tăng. Tốc độ tăng trung bình trong cả giai đoạn đối với đầu tư là 16,2%/năm, đối với công suất lắp đặt điện gió và mặt trời lần lượt là 18,8%/năm và 47,4%/năm.

Trên đây là các yếu tố có thể xem là yếu tố khách quan tạo ra cơ hội cho phát triển NLTT ở Việt Nam.

2. Các yếu tố thuận lợi ở trong nước

2.1. Các yêu cầu tất yếu về phát triển năng lượng sạch, NLTT

Trước hết như ta thấy, Việt Nam được xác định là một trong một số rất ít nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH. Trong khoảng một thập niên trở lại đây, các hiện tượng của BĐKH đã tác động rất mạnh mẽ và hình như còn nhanh hơn dự báo, đã gây ra nhiều thiệt hại nặng nề về kinh tế, xã hội và môi trường nước ta. Các hiện tượng như hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt, bờ biển bị xói lở sâu vào đất liền… ngày càng xảy ra nghiêm trọng, với tần suất ngày càng tăng, đặc biệt đối với các tỉnh miền Trung và miền Nam. Với tình hình như hiện nay, không lâu nữa phần lục địa ở cực nam sẽ bị thu hẹp và biến dạng; đồng bằng sông Cửu Long không còn là vựa lúa của nước ta và thế giới. Vì vậy, việc phát triển ứng dụng các công nghệ sản xuất sạch, nhằm giảm lượng phát thải KNK, như công nghệ NLTT trong sản xuất năng lượng, trở thành vấn đề rất cấp bách, không thể trì hoãn.

Là một nước đang phát triển, nhu cầu năng lượng của nước ta tăng cũng rất nhanh. Tổng nhu cầu năng lượng sơ cấp trong giai đoạn 1990 đến 2015 tăng trung bình 7,3%/năm, trong đó nói riêng, nhu cầu điện tăng trung bình 12,3%/năm. Trong khi đó khả năng cung cấp trong nước là hạn chế. Cụ thể là:

- Thủy điện gần như đã khai thác hết.

- Theo đánh giá cân đối cung - cầu của Bộ Công Thương, từ năm 2016, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than phục vụ các hộ tiêu thụ trong nước, trong đó (80-85)% là cho sản xuất điện, với khối lượng ước tính như sau: năm 2016 khoảng 3-4 triệu tấn; năm 2020 khoảng 35 triệu tấn; năm 2025 khoảng 80 triệu tấn, năm 2030 khoảng 135 triệu tấn (2). Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, nguồn nhập than không dễ dàng và giá cả sẽ có thể biến động khó lường.

- Đối với nguồn nhiên liệu dầu, khí cho phát điện, theo “Chiến lược phát triển dầu khí đến 2015, tầm nhìn đến 2025 thì lượng khí phải nhập khẩu là: năm 2011: 1,5 tỷ m3; năm 2012: 1,7 tỷ m3; năm 2015: 3 tỷ m3; năm 2020: 6 tỷ m3 và năm 2025: 9 tỷ m3 (4).

- Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 đến 2020, tầm nhìn đến 2030(2) nếu như Việt Nam xây dựng điện hạt nhân (tổng công suất 4.600MW), thì từ năm 2030 điện hạt nhân đóng góp 3,2 tỷ kWh/năm, chiếm 3,6% tổng nhu cầu điện năng. Nhưng như đã biết, ngày 22/11/2016 Quốc hội đã thông qua quyết định dừng dự án điện hạt nhân. Quyết định này của Quốc hội là rất đúng đắn và được cho là dũng cảm như báo chí nước ta ca ngợi, cho thấy Quốc hội đã đặt lợi ích của nhân dân, của đất nước lên trên hết, dám sửa chữa những quyết sách tầm quốc gia chưa phù hợp.

Phần thiếu hụt điện năng do việc dừng dự án điện hạt nhân sẽ hoàn toàn có thể được bù đắp từ NLTT. Đây chính lại là một cơ hội tốt cho phát triển NLTT.

2.2. Các chính sách, giải pháp mới cho phát triển NLTT

Gần đây, có 2 văn bản pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển  NLTT ở nước ta với các mục tiêu, giải pháp rất cụ thể là “Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 đến 2020, tầm nhìn đến 2030” (điều chỉnh)(2) và “Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050”(3).

Các văn bản này đã đưa ra quan điểm phát triển năng lượng nói chung và điện năng nói riêng rất rõ ràng, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay trên thế giới và trong nước. Đó là: “Ưu tiên phát triển nguồn điện NLTT, tạo đột phá trong đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần bảo tồn tài nguyên năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường” (2).

Các mục tiêu cụ thể được nhấn mạnh, bao gồm các chỉ tiêu được trình bày trong các bảng 1 và 2 dưới đây.

Bảng 1. Mục tiêu phát triển các nguồn điện NLTT đến 2030 theo QHĐ7(2)

Nguồn

 

2020

2025

2030

Thuỷ điện (lớn và vừa)

Công suất, MW

21.600

23.400

25.400

Tỷ lệ điện năng, %

25,2

12,5

12,4

Điện gió

Công suất, MW

800

2000

6000

Tỷ lệ điện năng, %

0,8

1

2,1

Điện mặt trời

Công suất, MW

850

4.000

12.000

Tỷ lệ điện năng, %

0,5

1,6

3,3

Điện sinh khối

Tỷ lệ điện năng, %

1

1,2

2,1

 

Bảng 2. Định hướng phát triển các loại nguồn NLTT đến 2050 (nguồn (3))

Nguồn

 

2020

2030

2050

Điện gió

Điện năng, tỷ kWh

2,5

16

53

Tỷ lệ điện năng, %

1%

2,7

5

Điện mặt trời

Điện năng, tỷ kWh

1,4

35,4

210

Tỷ lệ điện năng, %

0,5

6

20

Nhiệt mặt trời

Nhiệt năng, triệu TOE

1,1

3,1

6

Năng lượng sinh khối

Tổng NL SK, triệu TOE

16,2

32,2

62,5

Điện SK (tỷ kWh) và tỷ lệ trong tổng SX điện

7,8

37

85

3%

6,3%

8,1%

Nhiệt SK, triệu TOE

13,6

16,8

23

SK cho SX nhiên liệu sinh học, triệu TOE

0,8

6,4

19,5

 

 

Điều đáng nói là, trong các văn bản này, đặc biệt trong “Chiến lược phát triển NLTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, có một số chính sách, giải pháp rất tiên tiến, rất mới, phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay và nhờ vậy sẽ có tác động thúc đẩy mạnh mẽ đối với sự phát triển NLTT trong thời gian tới. Đó là:

a. Cơ chế giá FIT linh hoạt: Cơ chế giá FIT (Feed-in Tariff) đã được áp dụng ở Việt Nam đối với điện gió là 7,8USCents/kWh (QĐ 37/2011/QĐ-TTg), điện rác thải từ các nhà máy đốt trực tiếp rác thải rắn, 10,05USCents/kWh, và điện từ các nhà máy đốt khí thu gom từ bãi chôn lấp rác thải rắn, 7,28USCents/kWh (QĐ 31/2014/QĐ-TTg) khi các lượng điện này được bán lên lưới, trong đó giá điện tính theo VN đồng được điều chỉnh theo tỷ giá USD/VN đồng tại thời điểm mua bán điện.

Tuy nhiên cơ chế giá FIT linh hoạt có điểm mới là việc xác định giá được thực hiện theo từng dự án riêng biệt phụ thuộc vào qui mô, công nghệ, tiềm năng nguồn NLTT….

Ví dụ, đối với các dự án điện gió khác nhau (như trên bờ, ngoài khơi; nơi có gió tốt, nơi có gió kém hơn,…) thì sẽ có giá FIT khác nhau; Dự án điện mặt trời ở miền Bắc có giá FIT cao hơn dự án điện mặt trời ở miền Nam;…

Với cơ chế giá FIT linh hoạt này sẽ giúp nhà đầu tư yên tâm phát triển các dự án ở mọi địa phương (ví dụ ở trên các đảo xa xôi nhưng có ý nghĩa quan trọng về an ninh quốc phòng) và có thể khai thác triệt để hơn tiềm năng NLTT. Vấn đề ở đây là phải có sự minh bạch, rõ ràng và khách quan khi định giá để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà đầu tư, nhà phân phối và khách hàng.

b. Quy định tỷ lệ NLTT đối với các công ty sản xuất và phân phối điện (RPS). Cụ thể là: Tỷ lệ mua hay sản xuất điện NLTT đối với các đơn vị phát điện có công suất ³ 1000MW là: ³ 3% vào năm 2020, ³ 10% vào năm 2030 và ³ 20% vào năm 2050;

- Tỷ lệ điện NLTT đối với các đơn vị phân phối điện: Đảm bảo tỷ lệ sản xuất hay mua điện NLTT và khách hàng sử dụng điện cuối cùng: ³ 5% vào năm 2020, ³ 10% vào năm 2030 và ³ 20% vào năm 2050.

c. Ưu tiên đấu nối lên lưới: Các nhà sản xuất điện NLTT là doanh nghiệp hay tư nhân được ưu tiên nối lưới điện quốc gia. Điều này vô cùng quan trọng bởi vì chỉ có công nghệ nguồn NLTT nối lưới mới đảm bảo chất lượng điện và cho hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, qua lưới điện, nhà sản xuất có thể bán điện cho mọi khách hàng tốt, kể cả các khách hàng ở rất xa nơi sản xuất.

d. Cơ chế thanh toán bù trừ (net metering): Đây là một cơ chế lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam. Theo đó, khách hàng đang mua điện từ lưới điện quốc gia được khuyến khích phát điện NLTT lên lưới và được áp dụng cơ chế bù trừ. Các đơn vị phân phối điện có trách nhiệm ký hợp đồng mua bán điện theo nguyên tắc bù trừ đối với khách hàng có phát điện NLTT lên lưới. Bộ Công Thương là cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng và thực hiện các qui định, qui trình đấu nối đơn giản, qui định phương pháp định giá và các biện pháp thương mại cần thiết khác để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa đơn vị phân phối, kinh doanh điện và khách hàng. Sản lượng điện sản xuất từ nguồn NLTT của các khách hàng sử dụng điện cuối cùng được tính vào tiêu chuẩn tỷ lệ NLTT (RPS) của đơn vị phân phối, kinh doanh điện.   

3. Kết luận và kiến nghị

Như đã phân tích, các yếu tố và sự kiện rất thời sự và tích cực trên thế giới cũng như ở trong nước trong thời gian gần đây đã tạo ra một thời cơ mới, cơ hội mới rất thuận lợi đối với sự phát triển NLTT ở Việt Nam. Có thể nói, cuộc “cách mạng” NLTT ở nước ta đang đứng trước một bước ngoặt phát triển quan trọng để có thể đưa công nghệ năng lượng sạch, ít phát thải KNK lên một tầm cao mới, góp phần xứng đáng vào giảm thiểu các tác động tiêu cực của BĐKH, đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu năng lượng cho xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội đất nước.

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách, cơ chế đã đề ra một cách cụ thể, thiết thực, có tính khả thi và tính pháp lệnh cao để các ngành, các địa phương và nhân dân có cơ sở triển khai thực hiện thành công.

Tài liệu tham khảo:

1. Renewables 2016 Global Status Report, REN 21.

2. QĐ 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 đến 2020, tầm nhìn đến 2030.

3. QĐ 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển NLTT của Việt nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.

4. QĐ số 386/QĐ-TTg ngày 9/3/2006 phê duyệt chiến lược phát triển ngành công nghiệp khí VN đến 2015 tầm nhìn đến 2025).

Hà Nội, tháng 12/2016

NangluongVietnam Online

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động