RSS Feed for Quy hoạch điện quốc gia: Cần nhấn mạnh tính chuyên ngành | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 25/12/2024 11:55
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Quy hoạch điện quốc gia: Cần nhấn mạnh tính chuyên ngành

 - "Chất lượng quy hoạch còn thấp, thiếu tính đồng bộ, bao quát, kết nối và tầm nhìn dài hạn". Nghị quyết Trung ương Đảng số 13NQ-TW ngày 16/11/2012 về xây dựng kết cấu hạ tầng nhận định.

Cơ sở khoa học, pháp lý cho các quy hoạch năng lượng bắt đầu từ đâu?
Quy hoạch năng lượng tổng thể - Cơ sở khoa học, pháp lý cho quy hoạch các phân ngành năng lượng

Từ khi đất nước thống nhất, ngành Điện đã tập trung phát huy nội lực phát triển nguồn, lưới điện theo các Quy hoạch điện Quốc gia, trở thành một ngành hạ tầng quan trọng, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu điện cho sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước.

Trong quá trình phát triển của ngành Điện, công tác xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực có vai trò hết sức quan trọng. Luật Điện lực số 28/2004/QH11 ngày 3/12/2004 và Luật số 24/2012/QH13 ngày 20/11/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực, có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2013 đã qui định rõ:

Quy hoạch phát triển điện lực là quy hoạch chuyên ngành, bao gồm quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Quy hoạch phát triển điện lực được lập, phê duyệt để làm cơ sở cho các hoạt động đầu tư phát triển điện lực và được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

Quy hoạch phát triển điện lực phải phù hợp với quy hoạch các nguồn năng lượng sơ cấp cho phát điện gồm cả nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo và có tính đến quy hoạch khác có liên quan theo quy định của pháp luật; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được lập trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được lập cho từng giai đoạn mười năm và có định hướng cho mười năm tiếp theo.

Trong công tác lập Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (trước đây gọi là Tổng sơ đồ phát triển hệ thống điện Việt Nam - TSĐ), bắt đầu từ năm 1975, Liên Xô (cũ) đã giúp Việt Nam lập TSĐ I cho giai đoạn 1975 - 1985.

Tiếp theo là các TSĐ II và III cũng đều do Liên Xô (cũ) giúp xây dựng, phía Việt Nam chỉ cung cấp các số liệu liên quan, và tham gia một số hạng mục. Từ TSĐ IV (giai đoạn 1996-2005, có xét đến năm 2015) cho đến Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (gọi là Quy hoạch điện VII- QHĐ VII) Việt Nam đã hoàn toàn tự lực nghiên cứu và triển khai thực hiện.

Viện Năng lượng dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, đã lập các TSĐ IV, V, VI và gần đâv là QHĐ VII đã được trình Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở cho công tác quản lí, điều hành cho các hoạt động đầu tư phát triển điện lực.

Thực trạng quy hoạch điện

Trải qua thực hiện 7 Quy hoạch điện Quốc gia, hệ thống điện Việt Nam đã ngày càng có quy mô lớn. Từ năm 1995, tổng công suất nguồn điện toàn quốc mới khoảng trên 4.000MW, sản lượng điện 14,3 tỷ kWh, đến nay tổng công suất các nhà máy điện và sản lượng điện đã gấp tới 9-10 lần, lên tới trên 32.500MW và 145 tỷ kWh.

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (QHĐ VII) được Viện Năng lượng bắt đầu lập từ cuối năm 2009 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011.

Theo đó, dự báo nhu cầu tiêu thụ điện toàn quốc theo phương án cơ sở đến năm 2015 là 169,8 tỷ KWh, năm 2020: 289,9 tỷ KWh, năm 2030: 615,2 tỷ KWh; tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ điện bình quân từng giai đoạn 2011-2015, 2016-2020, 2021-2030 lần lượt là: 14,4%; 11,3% và 7,8%/năm.

Tổng công suất các nguồn điện đến năm 2020 đạt 75.000 MW, đến năm 2030 đạt 146.800 MW. Tổng vốn đầu tư cho toàn ngành điện đến năm 2020 khoảng 929,7 nghìn tỷ đồng (tương đương với 48,8 tỷ USD, bình quân mỗi năm cần khoảng 4,88 tỷ USD). Giai đoạn 2021-2030 ước tính tổng đầu tư khoảng 1429,3 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 75 tỷ USD).

Sau 4 năm thực hiện Quy hoạch điện VII, trong báo cáo gửi Bộ Công Thương mới đây, Viện Năng lượng cho rằng, ngành Điện đã đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên đã có những biến động, thay đổi trong một số lĩnh vực.

Thứ nhất, nhu cầu điện tăng thấp hơn dự kiến, ước tính năm 2014, điện sản xuất đạt 145,4 tỷ kWh, tăng 11% so với năm 2013; điện thương phẩm đạt 127,6 tỷ kWh, tăng 10,9 % so với năm 2013. Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm và điện sản xuất thực tế 4 năm qua đều thấp hơn so với dự báo từ 3 - 4%/năm. Tăng trưởng nhu cầu điện thấp có nguyên nhân chủ yếu từ tăng trưởng GDP toàn quốc thực tế chỉ đạt bình quân 5,64%/năm trong giai đoạn 2011-2013, thấp hơn so với dự báo tăng trưởng GDP là 7-:- 7,5%/năm cho giai đoạn 2011-2015.

Thứ hai, khả năng cung cấp nhiên liệu có những yếu tố mới cả về chiều hướng tăng thêm cũng như suy giảm; tình hình chậm tiến độ của nhiều dự án nguồn điện khu vực miền Nam, gây ra tình trạng vận hành căng thẳng của hệ thống điện để cung cấp đủ điện cho miền Nam trong các năm từ 2017-2020.

Thứ ba, trong giai đoạn 2011-2013, tổng công suất nguồn xây dựng và đưa vào vận hành là 9.900MW, so với công suất dự kiến đưa vào trong QHĐ VII là 10.400MW đạt khoảng 95%; việc xây dựng lưới điện có nhiều khó khăn, nhất là giải phóng mặt bằng, lưới truyền tải điện còn chưa đảm bảo độ tin cậy…Khối lượng lưới điện truyền tải được xây dựng và đưa vào vận hành trong 3 năm chỉ đạt khoảng 60% khối lượng quy hoạch cho cả giai đoạn 2011-2015.

Tính đến 31/12/2013, điện lưới quốc gia đã cấp điện cho 63 tỉnh, thành phố của cả nước, 538/549 huyện, đạt tỷ lệ 98,0%. Số xã có điện là 9.038/9.068 xã trên cả nước đạt tỷ lệ 99,7% (trong đó có 9.002 xã được cấp từ điện lưới Quốc gia, 36 xã còn lại được cấp điện bằng nguồn điện tại chỗ) góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thực hiện cam kết của Chính phủ đối với quốc tế về mục tiêu thiên niên kỷ xóa đói, giảm nghèo, làm thay đổi cơ bản diện mạo nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã triển khai các dự án đưa điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm ra các huyện đảo Cô Tô, Phú Quốc trong năm 2013 và đảo Lý Sơn năm 2014, đảm bảo cung cấp điện ổn định, lâu dài cho các huyện đảo, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia, đảm bảo an ninh quốc phòng trong khu vực và đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Đối với QHĐ VII, kiểm điểm đến cuối năm 2014, nhu cầu điện thực tế đạt trên 85% so với dự báo; công suất nguồn đưa vào đạt 95% so với Quy hoạch, khối lượng xây dựng lưới điện tuy đạt 60% nhưng vẫn còn 2 năm tiếp tục thực hiện.

Theo Viện Năng lượng, qua các Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được lập và được Chính phủ phê duyệt, hệ thống điện Việt Nam đã được xây dựng và phát triển có chiến lược và kế hoạch phù hợp với nguồn lực đầu tư trên cơ sở sử dụng hợp lí nguồn tài nguyên năng lượng của quốc gia, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia, đảm bảo an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội.

Nói cách khác, các Quy hoạch phát triển điện lực đã được xây dựng khá tốt, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển của các ngành liên quan, bám sát thực tế phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, Viện Năng lượng cho rằng, vẫn còn những khiếm khuyết trong công tác lập QHĐ nói riêng và quy hoạch ngành năng lượng nói chung. Nghị quyết Trung ương Đảng số 13NQ-TW ngày 16/11/2012 về xây dựng kết cấu hạ tầng cũng đã nêu: "Chất lượng quy hoạch còn thấp, thiếu tính đồng bộ, bao quát, kết nối và tầm nhìn dài hạn”.

Công tác thu thập xử lý các số liệu, thông tin đầu vào còn thiếu chính xác; cơ sở dữ liệu chưa được cập nhật đầy đủ và có hệ thống, ảnh hưởng đến độ chính xác của dự báo.

Các chỉ số cơ sở quan trọng còn nhiều biến động, nhất là tốc độ tăng trưởng GDP các năm vừa qua đầu thấp hơn dự báo kỳ vọng; tỷ giá, giá cả nhiên liệu, vật tư thiết bị đều thay đổi theo cả hai chiều tăng giảm.

Cho đến nay, Bộ Công Thương mới giao Viện Năng lượng chuẩn bị đề cương lập Quy hoạch tổng thể ngành năng lượng Việt Nam giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến 2035, vì vậy vừa qua các phân ngành quan trọng như ngành Điện, ngành Than, ngành Dầu khí vẫn lập các quy hoạch riêng.

Nhưng theo Viện Năng lượng, do thời gian hoàn thành các quy hoạch riêng nói trên không đồng thời nên các thông số, các quy hoạch than, dầu khí chưa được phối hợp nhịp nhàng, đôi khi còn bất cập khi đưa vào QHĐ Quốc gia.

Về năng lực các cơ quan tư vấn cũng còn hạn chế: việc đào tạo nhân lực, nhất là lực lượng chuyên gia gối đầu các thế hệ chưa được thực hiện tốt; còn thiếu các chuyên gia kế cận khi các đồng chí lớn tuổi nghỉ hưu; các công cụ tính toán cũng chưa được thường xuyên đổi mới cập nhật; bản thân các đơn vị tư vấn còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí trang bị công cụ nghiên cứu, về chi phí thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…

Thực tế cho thấy sự phát triển của ngành điện ngày càng gặp nhiều thách thức lớn hơn trong việc thoả mãn nhu cầu tăng trưởng kinh tế quốc dân và cải thiện đời sống nhân dân, như nhu cầu vốn đầu tư lớn, cải tiến công nghệ, năng suất, hiệu quả sản xuất và sử dụng điện, cấu trúc lại ngành điện, hình thành thị trường cạnh tranh, ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Viện Năng lượng cho rằng, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trong tương lai phải quan tâm nhiều hơn đến giải pháp khắc phục và vượt qua các thách thức nêu trên.

Giải pháp trong công tác quy hoạch

Theo Viện Năng lượng, việc lập Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng Quốc gia cần sớm được thực hiện để phối hợp hài hoà bước đi của các phân ngành điện, than, dầu-khí và các ngành liên quan, nhằm khai thác hợp lý nhất các nguồn tài nguyên cho phát triển. Song song với đó, cần có chế tài về hệ thống báo cáo và cung cấp số liệu của các phân ngành năng lượng.

Năm 2015, Viện Năng lượng xác định:

Đến tháng 5/2015, hoàn chỉnh Đề án điều chỉnh QHĐ VII cả 2 giai đoạn (2015-2020 và 2021-2030) trình Bộ thông qua và báo cáo Chính phủ phê duyệt.

- Triển khai lập "Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng Việt Nam giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến 2035" trình Bộ Công Thương cuối Quý III năm 2015.

- Sớm hoàn thành trong Quý I/2015 Đề án Chiến lược phát triển ngành Điện Việt Nam giai đoạn 2016-2025, có xét tới năm 2035 đã được Bộ giao nhiệm vụ.

- Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu KHCN, tham mưu chính sách ngành điện-năng lượng do Bộ giao.

- Tiển khai nhiều quy hoạch điện giai đoạn 2016-2025, có xét tới 2035 của nhiều tỉnh thành phố trên cả nước.

Có sự phối hợp giữa các đơn vị lập quy hoạch các phân ngành năng lượng. Có thể xem xét giao một đơn vị (chẳng hạn như Viện Năng lượng) chủ trì, làm đầu mối để phối hợp thống nhất các tiêu chí quy hoạch, bố trí hệ thống hạ tầng phù hợp với từng giai đoạn phát triển của mỗi phân ngành cũng như của cả hệ thống năng lượng.

Cần sớm triển khai công tác quy hoạch điện các tỉnh, thành phố ngay từ đầu năm 2015 để đóng góp các chi tiết quan trọng trong QHĐ Quốc gia.

Phát triển các nguồn điện từ nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) sẽ đóng góp vào phát triển bền vững, tăng cường khả năng cung cấp năng lượng tại chỗ và huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, trong QHĐ cần chú trọng hơn đối với mảng nguồn NLTT. Đối với các địa phương có nhiều tiềm năng nguồn NLTT, có thể được xem xét cho lập quy hoạch riêng.

Về nâng cao năng lực quy hoạch, cần chú trọng hơn trong đào tạo nguồn nhân lực bằng các chương trình đào tạo tại chỗ (tại các cơ quan tư vấn), kết hợp với gửi chuyên gia đi đào tạo tại nước ngoài; Tăng cường kinh phí cho mua sắm các công cụ tính toán, mô phỏng tiên tiến để đáp ứng đòi hỏi của của hệ thống điện có quy mô ngày càng lớn và phức tạp hơn; xem xét thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu ngành năng lượng tại Tổng cục Năng lượng để giúp Bộ quản lý điều hành và các đơn vị lập quy hoạch có căn cứ tham khảo tin cậy.

Sau khi hoàn thành dự thảo Đề án điều chỉnh QHĐ VII trình Bộ Công Thương và đã báo cáo Ban chỉ đạo nhà nước về thực hiện QHĐ VII đầu tháng 12/2014, vừa qua Viện đã hoàn thành Báo cáo giai đoạn 1 của điều chỉnh QHĐ VII và trình Bộ Công Thương xem xét, báo cáo Chính phủ.

Viện Năng lượng cũng kiến nghị Bộ Công Thương sớm phê duyệt nội dung và kinh phí các nhiệm vụ thường xuyên Bộ giao theo chức năng của Viện.

Viện Năng lượng cam kết sẽ phấn đấu hết sức để hoàn thành các nhiệm vụ do Bộ Công Thương giao phó, đặc biệt là hoàn thành Đề án Quy hoạch điện VII điều chỉnh và Chiến lược ngành Điện Việt Nam trình Chính phủ phê duyệt.

SONG ANH

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động