RSS Feed for Khiếu kiện của nhà thầu PM và các bế tắc ở Nhiệt điện Long Phú 1 | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 05/11/2024 21:23
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Khiếu kiện của nhà thầu PM và các bế tắc ở Nhiệt điện Long Phú 1

 - Như đã biết, nhà thầu thực hiện dự án Nhiệt điện Long Phú 1 là Power Machine (PM) của Liên bang Nga đã khởi kiện chủ đầu tư Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại Trọng tài quốc tế ở Singapore. Hiện hai bên đang củng cố các chứng cứ, tài liệu để chứng minh và bảo vệ quan điểm của mình... Nhưng vấn đề đặt ra là: Nếu các đàm phán giữa hai bên đổ vỡ và phán quyết Trọng tài có lợi cho PM thì chúng ta xử lý thế nào để không làm ảnh hưởng đến hợp tác Liên Chính phủ về các chủ đề kinh tế, dầu khí, nghiên cứu khoa học hạt nhân và an ninh quốc phòng?

Tổng quan dự án:

Dự án Nhiệt điện Long Phú 1 có công suất 1.200MW (gồm 2 tổ máy x 600MW) do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư. Địa điểm xây dựng nhà máy đặt ở xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.

Ngày 11/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 978/TTg-KTN về danh mục các dự án chỉ định thầu trong năm 2010 của PVN, theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc chỉ định thầu Nhiệt điện Long Phú 1.

Ngày 18/6/2010, HĐQT PVN ký Nghị quyết số 5392/NQ-DKVN đồng ý chủ trương giao Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) thực hiện gói thầu EPC dự án Nhiệt điện Long Phú 1 theo hình thức chỉ định thầu.

Ngày 2/7/2010, Hội đồng thành viên PVN ra Quyết định số 5843/QĐ-DKVN phê duyệt dự án Nhiệt điện Long Phú 1 với tổng mức đầu tư là 29.580 tỷ đồng (tương đương 1,595 tỷ USD) và cơ cấu đầu tư vốn chủ sở hữu 30% và vốn vay 70% trên tổng mức đầu tư.

Sau 4 tháng chuẩn bị, trên cơ sở phương án thực hiện gói thầu EPC do PTSC đệ trình đã được PVN đánh giá đáp ứng nhu cầu của dự án, cũng như chỉ đạo của Chính phủ khi đồng ý cho phép PVN chỉ định thầu, tại Công văn số 10941/DKVN-HĐTV ngày 2/12/2010, PVN đã báo cáo Chính phủ về việc xin phê duyệt phương án nhà thầu thực hiện gói thầu EPC dự án Nhiệt điện Long Phú 1.

Đến ngày 28/12/2010, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 9422/TTg-KTN đồng ý về nguyên tắc để PVN tiến hành thủ tục chỉ định tổng thầu EPC cho dự án. Ngay trong ngày, PVN đã ký kết với PTSC hợp đồng gói thầu EPC, có giá trị lên đến 1,2 tỷ USD. PTSC đã thực hiện lựa chọn nhà thầu cung cấp thiết bị cho gói thầu EPC. Tuy nhiên, thời gian kéo dài, song không thực hiện được do chưa có thiết kế tổng thể và dự toán chi tiết công trình. (Gọi là hợp đồng EPC thứ nhất).

Đến ngày 6/3/2013, do nhận thấy năng lực nhà thầu không đáp ứng yêu cầu, kéo theo việc chậm trễ tiến độ (phát điện tổ máy số 1 vào năm 2014, tổ máy 2 vào năm 2015) nên PVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thay đổi tổng thầu EPC dự án Nhiệt điện Long Phú 1. Cụ thể là thành lập liên danh tổng thầu EPC, gồm liên doanh PM-BTG (các nhà thầu cung cấp thiết bị) và PTSC.

Ngày 5/9/2013, PVN ban hành Thỏa thuận chấm dứt hợp đồng số 6330/BB-DKVN chấm dứt hợp đồng EPC số 12085/HĐ-DKVN ký ngày 28/12/2010 giữa PVN và PTSC.

Ngày 27/12/2013, sau các quyết định phê duyệt điều chỉnh, PVN ký hợp đồng với liên danh tổng thầu EPC, gồm liên doanh PM-BTG và PTSC, trong đó PM là thành viên đứng đầu liên danh. Giá trị tổng thầu, gần như giữ nguyên giá trị hợp đồng, 1,2 tỷ USD trọn gói, chỉ điều chỉnh tăng bao gồm chi phí thiết kế chi tiết và một số hạng mục, nhưng không đáng kể.

Ngoài chi phí trọn gói, hợp đồng quy định một số hạng mục sẽ dựa trên chi phí thực tế. Giá trị hợp đồng được thanh toán bằng tiền USD (cho các nhà thầu nước ngoài) và tiền Đồng (cho PTSC và các nhà thầu phụ trong nước). Trong hợp đồng có điều khoản phụ: "Tổng giá trị hợp đồng sẽ được điều chỉnh theo điều kiện của hợp đồng nếu có bổ sung (phạm vi công việc) và cần sự chấp thuận bởi chủ đầu tư và/hoặc cơ quan có thẩm quyền". (Gọi là hợp đồng liên danh Tổng thầu EPC).

Tình hình thực hiện dự án:

Dự án bị đình trệ không thể tiếp tục các hạng mục còn lại do nhà thầu PM bị Chính phủ Mỹ cấm vận. Cụ thể, nhà thầu PM không thể mua tua bin của nhà thầu phụ của Mỹ là General Eelctric, vốn là trái tim của nhà máy. Vì vậy, nhà thầu PM đã có các thông báo chấm dứt việc thực hiện hợp đồng từ ngày 22 tháng 2 năm 2019. Theo đó, ngày 15 tháng 3 năm 2019, PM đã dừng các hoạt động tại công trường (không kiểm tra nghiệm thu, giám sát các công việc xây dựng và lắp đặt, dừng ký biên bản, hồ sơ giấy tờ liên quan, không tham gia các cuộc họp liên quan tới dự án).

Trên thực tế công trường, dự án hầu như đã dừng thi công 1 năm nay.

Về tiến độ, theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), tiến độ tổ máy 1 đi vào vận hành năm 2018, tổ máy 2 vào năm 2019. Theo báo cáo của PVN, hết tháng 7 năm 2019 (tháng thứ 54 của tiến độ Hợp đồng EPC), khối lượng hoàn thành công việc ước tính đạt khoảng 77,6 % so với kế hoạch (100%). Sau nhiều lần đám phán, PM đã đưa ra một số đề xuất và điều kiện để thực hiện tiếp, hoặc chấm dứt hợp đồng (chi tiết như trong Báo cáo số 649/LP-KTKH ngày 30 tháng 7 năm 2019 và Báo cáo số 556/LP-KTKH ngày 1 tháng 7 năm 2019 của Ban quản lý Dự án Điện lực Dầu khí Long Phú 1). Theo báo cáo của PVN, các đề xuất của PM khó khả thi do không phù hợp với các quy định của hợp đồng EPC (tăng giá trị hợp đồng EPC thêm khoảng 733 triệu đô la Mỹ).

Theo PVN, nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm tiến độ xuất phát từ năng lực tổng thầu EPC (gồm liên danh giữa PM và PTSC): PTSC thiếu kinh nghiệm điều hành; PM của Nga bị Mỹ cấm vận, LILAMA thiếu kinh phí thực hiện, các hợp đồng thầu phụ của PM tạm dừng (không được thanh toán do cấm vận của Mỹ); Tổng mức đầu tư thấp; Định mức đơn giá nhiều hạng mục chưa được phê duyệt; Không được tiếp tục vay vốn (do cấm vận của Mỹ).

Về tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án Nhiệt điện Long Phú 1, từ tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 29.500 tỷ, nhưng sau 9 năm triển khai, dự án đã tăng vốn lên 41.200 tỷ (đội vốn thêm 11.600 tỷ đồng). Chi phí phát sinh chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Vì vậy, PVN kiến nghị Chính phủ cho phép được sử dụng vốn chủ sở hữu vượt 30% giá trị tổng mức đầu tư dự kiến điều chỉnh đã trình Bộ Công Thương để tiếp tục triển khai các hạng mục đang thi công dở dang của dự án đến các điểm dừng kỹ thuật và thực hiện công tác bảo dưỡng, bảo quản cho vật tư, thiết bị/hạng mục công việc nhằm đảm bảo chất lượng công trình. Tuy nhiên, việc điều chỉnh dự án chỉ được thực hiện trong một số trường hợp quy định tại Khoản 1, Điều 61 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và quy định tại Điều 14, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Do đó, việc tháo gỡ các khó khăn này vượt thẩm quyền của Ban chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực (Ban chỉ đạo), cần được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết.

Các báo cáo và kiến nghị của Ban chỉ đạo:

Cuối tháng 8/2019, Bộ Công Thương đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình xử lý vướng mắc của Dự án Long Phú 1, trong đó kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu các cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ để tháo gỡ khó khăn cho dự án.

Ngày 8 tháng 8 năm 2019, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực do Thứ trưởng Bộ Công Thương - Phó Trưởng ban chỉ đạo làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra thực địa và làm việc với chủ đầu tư tại dự án Nhiệt điện Long Phú 1. Kết quả làm việc đã được Thường trực Ban chỉ đạo báo cáo tại Văn bản 64/BC-BCĐQGĐL ngày 30 tháng 8 năm 2019 và đề nghị các bộ, ngành, chủ đầu tư PVN, tổng thầu, EVN thực hiện một số nội dung.

Ngày 25 tháng 9 năm 2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp về tình hình thực hiện và vướng mắc của dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1.

Theo tinh thần các báo cáo, Ban chỉ đạo đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp:

1/ Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo hướng dẫn PVN tiếp tục đàm phán với PM về các phương án xử lý, Báo cáo Thủ tướng Chính phủ nội dung vượt thẩm quyền.

2/ Xem xét, có ý kiến về việc PVN được sử dụng vốn chủ sở hữu vượt 30% giá trị tổng mức đầu tư dự kiến điều chỉnh đã trình thẩm định tại Công văn số 5741/DKVN-BĐ-KTĐT ngày 25/9/2018 để thanh toán cho các hạng mục công việc đã hoàn thành, tiếp tục triển khai các hạng mục đang thi công dở dang của dự án đến các điểm dừng kỹ thuật và thực hiện công tác bảo dưỡng, bảo quản, bảo vệ an ninh/an toàn cho vật tư, thiết bị/hạng mục công việc và gia hạn thời gian bảo hiểm rủi ro cho dự án trong quá trình thi công, nhằm đảm bảo an toàn và chất lượng công trình.

Ban chỉ đạo yêu cầu PVN:

1/ Khẩn trương tích cực đàm phán, làm việc cụ thể với PM để tiếp tục thực hiện dự án. Tuy nhiên, cũng cần xem xét, cân nhắc các phương án khác phòng trường hợp không thống nhất được với PM, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả đàm phán.

2/ Rà soát đánh giá toàn bộ tình trạng dự án hiện nay (gồm thực trạng công việc đã thực hiện, xác định giá trị đã thực hiện; giá trị tài thiết bị vật tư có thể dùng được để tiếp tục thi công, chi phí tăng thêm để làm cơ sở để phê duyệt tổng mức đầu tư).

3/ Chủ động bảo quản, bảo vệ, bảo dưỡng vật tư thiết bị để không bị hư hỏng; xây dựng và lên phương án tiếp tục thi công các hạng mục không ảnh hưởng bởi cấm vận; giao PVN chịu trách nhiệm hoàn thành các thủ tục thẩm định để phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án theo quy định.

4/ Về hạng mục trạm biến áp 500 kV (đã cơ bản hoàn thành xây dựng, chỉ thiếu phần máy biến áp 500 kV), PVN chủ trì phối hợp EVN nghiệm thu kỹ thuật, thống nhất phương án chạy thử thiết bị, bàn giao quản lý trạm biến áp 500/220 kV Long Phú, báo cáo phương án cho Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các đàm phán giữa PVN và liên danh tổng thầu EPC bế tắc, đã dẫn đến việc PM khiếu kiện ra tòa trọng tài quốc tế.

Khiếu kiện từ nhà thầu PM:

Hiện tại, PM đã tiến hành khởi kiện PVN tại Trọng tài quốc tế Singapore (SIAC), các khiếu kiện chính của PM bao gồm:

1/ PM coi lệnh cấm vận của Mỹ là sự kiện bất khả kháng.

2/ PM khiếu nại PVN không thực hiện thanh toán cho PM.

3/ PM khiếu nại PVN không chấp thuận giá trị phát sinh kết cấu thép.

4/ PM cho rằng, PVN không có cơ sở khi rút Bảo đảm thực hiện hợp đồng của PM.

Ngày 16 tháng 9 năm 2019 PVN đã có văn bản trả lời SIAC phủ định toàn bộ các khiếu kiện của PM. Đặc biệt, PVN không cho rằng lệnh cấm vận của Mỹ là sự kiện bất khả kháng. Cả hai phía, PM và PVN đang tiếp tục củng cố các chứng cứ, tài liệu để chứng minh và bảo vệ quan điểm của mình.

Thấy gì từ khiếu kiện của PM?

Việc triển khai dự án Nhiệt điện Long Phú 1, xuất phát điểm từ hợp đồng EPC thứ nhất năm 2010. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc PVN chọn tổng thầu PTSC ngay trong ngày phát hành văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện sự thiếu chặt chẽ trong việc thực hiện các thủ tục chỉ định thầu EPC cho dự án.

Trên thực tế, PTSC chưa có kinh nghiệm về quản lý, điều hành và thực hiện hợp đồng EPC cho một dự án nhiệt điện nào, nhất là dự án lớn như Nhiệt điện Long Phú 1. Điều đó khiến doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian chọn nhà thầu phụ, rồi nhiều lần phân chia gói thầu khiến dự án chậm trễ tiến độ.

Đến Hợp đồng liên danh tổng thầu EPC năm 2013, trong phạm vi hợp đồng, quy định giá trị trọn gói chia tách thành 02 đồng tiền thanh toán, nhưng lại xác định "Tổng giá trị hợp đồng có thể được điều chỉnh theo điều kiện của hợp đồng nếu có bổ sung (phạm vi công việc), và cần sự chấp thuận bởi chủ đầu tư và/hoặc cơ quan có thẩm quyền".

Theo nội dung hợp đồng EPC và các phụ lục, không thấy nêu trường hợp bất khả kháng. Tuy nhiên, trong 14 trang hợp đồng (không tính các trang về giấy ủy quyền đại diện pháp lý), thấy rõ các điều khoản chưa quy định chi tiết các ràng buộc về trách nhiệm của các nhà thầu EPC, việc quản lý giao diện và phối hợp chi tiết giữa các nhà thầu trong liên danh tổng thầu EPC. Các nội dung và điều khoản, chỉ quy định về phạm vi thực hiện, điều kiện thanh toán, thời hạn và bảo đảm thực hiện hợp đồng.

Như vậy, từ hợp đồng có giá trị trọn gói năm 2010 đến hợp đồng liên danh tổng thầu năm 2013, đã có sự thay đổi, hợp đồng mới quy định ngoài giá trị trọn gói, có thể phát sinh chi phí ngoài giá trị trọn gói.

Có thể thấy, PVN sẽ gặp một số rủi ro nếu chiếu theo các điều khoản hợp đồng, do thiếu quy định chi tiết phạm vi công việc và biểu giá trong điều kiện thi công kéo dài, giãn tiến độ, phát sinh chi phí. Chưa kể, việc trích dẫn các công văn, quyết định còn không theo thứ tự thời gian, ngôn ngữ diễn giải chung chung, chưa đúng chuẩn mực của một hợp đồng chuẩn quốc tế.

Về nguyên nhân chủ quan, từ các phạm vi công việc, các quy định, các điều kiện trong hợp đồng, đã cho thấy sự thiếu kinh nghiệm về quản lý và triển khai dự án không chỉ của liên danh tổng thầu mà còn của chủ đầu tư. Việc thiếu cập nhật tình hình cho cơ quan chủ quản là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (trước đây là Bộ Công Thương), đã khiến cho việc điều chỉnh các định mức, đơn giá điều chỉnh không kịp thời, gây ách tắc. Chính vì vậy, Bộ Công Thương và Ban chỉ đạo, chỉ luôn ở tình trạng chạy theo để xử lý các sự cố.

Về nguyên nhân khách quan, các quy định chồng lấn của Luật Xây dựng và Luật Đầu tư công, cũng như việc thiếu cập nhật tình hình, đã khiến Chính phủ chưa có những điều chỉnh và phê duyệt chưa kịp thời, làm chậm trễ dự án. Ngay cả việc một số công văn, chỉ dẫn lại các nội dung PVN đã báo cáo, nhưng đóng dấu mật của Bộ Công Thương cũng chưa phù hợp và không cần thiết, dẫn đến khó khăn trong việc phối hợp triển khai giữa các cơ quan hữu quan và Chính phủ.

Về tổng thể, có thể thấy việc PM ở lại là rất khó xảy ra khi họ đã không còn mặn mà và chủ động rút gần 1 năm nay. Chưa kể, việc họ tiếp tục triển khai, việc đáp ứng yêu cầu tăng vốn lên đến 733 triệu USD cũng khó thực hiện, nếu không nói là không thể. Chưa kể, việc họ tiếp tục làm nhà thầu, việc mua thiết bị từ nhà cung cấp General Eelctric của Mỹ, sẽ không thực hiện được do lệnh cấm vận trong khi nếu thay đổi nhà cung cấp thiết bị, sẽ không tích hợp theo thiết kế của nhà máy.

Dựa trên hiện trạng, thiết nghĩ Chính phủ cần có chỉ đạo kịp thời trên nguyên tắc giảm thiểu tổn thất cho phía PVN. Theo đó, nếu như các đàm phán giữa 2 phía (PVN và PM) đổ vỡ và phán quyết Trọng tài có lợi cho PM, nên cho phép PVN chấm dứt hợp đồng với PM để tái khởi động dự án với 1 nhà thầu khác trong cơ cấu liên danh mới.

Theo đó, đối với các hạng mục do PM đã thực hiện xong đến các điểm dừng kỹ thuật, cần đàm phán và thanh toán cho họ theo khung giá và định mức hiện hành cũng như giải tỏa khoản tiền Bảo đảm thực hiện hợp đồng.

Dự án Nhiệt điện Long Phú 1 là sản phẩm do "lịch sử để lại", theo đó, PVN cần minh định hai khái niệm: "Giải cứu cấp thiết" và "bảo toàn vốn".

Cần phải nhìn nhận khách quan rằng, do khác lĩnh vực chuyên ngành và chủ quan trong việc lựa chọn các nhà thầu, các dự án nhiệt điện than do PVN làm chủ đầu tư đã không hiệu quả. Theo đó, giải pháp tối ưu hiện nay là cần tập trung nguồn lực và định hướng đúng để gấp rút đưa dự án đi vào triển khai nhằm cứu và bảo toàn khoản đầu tư lên đến 41.200 tỷ đồng, thay vì sa vào việc kiện tụng nhằm níu giữ nhà thầu, mất thời gian không cần thiết.

Hiện tại, hầu hết các hạng mục đều đã hoàn tất, theo đó, chỉ cần thay đổi nhà thầu PM và nhập thiết bị từ General Eelctric là dự án sẽ tái khởi động trở lại. Việc đưa dự án gấp rút trở lại, ngoài việc giảm thiểu rủi ro các hạng mục thiết bị tại công trường bị hư hỏng, sắp hết bảo hành còn là bảo đảm năng lượng điện cho khu vực Tây Nam bộ, nếu dự án không chậm trễ quá lâu.

Nhìn xa hơn, việc theo đuổi đến cùng các khiếu kiện sẽ làm mất uy tín (nếu thua kiện) của PVN và ảnh hưởng hợp tác dầu khí đang có chiều hướng khởi sắc đối với các mỏ dầu khí ở ngoài khơi. Ở tầm mức cao hơn, cần tránh khiếu kiện lần này ảnh hưởng đến hợp tác Liên Chính phủ về các chủ đề kinh tế, nghiên cứu khoa học hạt nhân và an ninh quốc phòng./.


Phụ lục:

Trong bài có sử dụng và tham khảo nội dung và số liệu có liên quan từ các nguồn:

1/ Hợp đồng EPC số 9488/HĐ-DKVN ký ngày 27/12/2013 giữa PVN và liên danh tổng thầu EPC (PM, BTG và PTSC) và các phụ lục hợp đồng.

2/ Các báo cáo số 556/LP-KTKH ngày 01/07/2019 và 649/LP-KTKH ngày 30/07/2019 của Ban quản lý Dự án Điện lực Dầu khí Long Phú 1.

3/ Báo cáo của Ban chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực.

NGUYỄN LÊ MINH - HỘI ĐỒNG KHOA HỌC CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động