Hiệu quả năng lượng và năng suất lao động Việt Nam
14:44 | 03/04/2018
Quản lý nhu cầu điện: Thực tiễn Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế
Cần có chính sách đủ mạnh cho "thâm canh" năng lượng
Năng lượng Việt Nam trong lộ trình đổi mới tổng thể
Tham nhũng và chính sách năng lượng tái tạo
Tiêu thụ năng lượng Việt Nam tăng nhanh, hiệu quả thấp
Tiêu thụ năng lượng tăng nhanh
Thực trạng tiêu thụ năng lượng Việt Nam thời gian qua tăng khá nhanh, theo thống kê của Chương trình mục tiêu quốc gia về tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, tiêu thụ năng lượng cuối cùng của Việt Nam năm 2012 là 56,7 triệu TOE, năm 2015 tiêu thụ khoảng 70 triệu TOE, năm 2017 khoảng 80 triệu TOE, bình quân với tốc độ khoảng 6-7%/năm.
Năm 2017, sản xuất than sạch đạt 40 triệu tấn; dầu thô 17 triệu tấn; khí đốt 10,6 tỷ m3. Tiêu thụ điện những năm qua tăng nhanh khoảng 10 %/năm; năm 2017 tổng công suất điện khoảng 45.000MW, sản xuất điện năng đạt 194,5 tỷ kWh; điện thương phẩm đạt 174 tỷ kWh, tăng 9% so với năm 2016; tiêu thụ điện đầu người khoảng 1.920 kWh/người.
Cơ sở hạ tầng của ngành năng lượng phát triển nhanh. Nội dung sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường đang từng bước được quản lý thống nhất, nhưng hiệu quả sử dụng còn nhiều bất cập.
Điện thương phẩm và tốc độ tăng giai đoạn gần đây được trình bày trong bảng 1.
Bảng 1. Điện thương phẩm và tốc độ tăng các năm (giai đoạn 2010-2017).
Năm | 2010 | 2011 | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 |
Đơn vị tính (tỷ kWh) | 87,66 | 98,63 | 105,47 | 117,0 | 128,4 | 141,8 | 159,3 | 174,0 |
Tốc độ tăng (%) | 15,2 | 12,5 | 7,0 | 10,9 | 9,7 | 10,4 | 12,3 | 9,2 |
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh (QHĐVII ĐC), Chính phủ đã phê duyệt 3/2016 [1], tổng điện năng sản xuất so với QHĐVII, được điều chỉnh giảm khoảng 20%. Cụ thể năm 2015: 164 tỷ; 2020: 265; 2025: 400; 2030: 575 tỷ kWh. Trong đó, nhiệt điện than vẫn có tỷ trọng lớn, trên 50% tổng sản xuất điện, thủy điện giảm từ 25 xuống 12,4%, điện từ khí đốt ở mức 17-19%, điện tái tạo tăng 6,5-6,9% giai đoạn 2020-2025 lên 10,7% vào 2030. So với QHĐVII, tỷ trọng điện năng từ năng lượng tái tạo được điều chỉnh tăng 1,8 lần, nhưng lượng tuyệt đối chỉ 1,3 lần, vì tổng điện năng sản xuất được điều chỉnh giảm 20%.
Theo đó, điện sản xuất đầu người năm 2015 là 1.800; năm 2016: 2010; 2017: 2.185 kWh/người; dự báo năm 2020: 2.800; 2025: 4.100; 2030: 5.200 kWh/người.
Dưới đây giới thiệu một vài con số để thấy mức tiêu thụ năng lượng của Việt Nam đang ở đâu trong bối cảnh quốc tế hiện nay.
Theo thống kê quốc tế [5], năm 2014, tiêu thụ năng lượng bình quân thế giới khoảng 1.795 kgOE/người, sản xuất điện bình quân khoảng 3.100kWh/người. Với các nước trong khu vực, tiêu thụ điện bình quân đầu người năm 2010, Singapore là 8.300, Malaysia: 4.136; Thailand: 2.335, Trung Quốc: 2.944; Hàn Quốc: 9.744; Nhật Bản: 8.394 kWh, vv...
Với mức tiêu thụ và dự báo như đã trình bày trên, so với các nước tiên tiến còn rất thấp, nếu so với mức trung bình thế giới, tiêu thụ năng lượng nói chung, Việt Nam chỉ mới khoảng 30-35%, về tiêu thụ điện chỉ khoảng 60%; so với các nước trong vực, Việt Nam cũng còn thấp hơn nhiều.
Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay vấn đề sử dụng bền vững và hiệu quả năng lượng mới là điều được quan tâm hơn.
Hiệu quả sử dụng năng lượng ở Việt Nam thấp
Hiệu quả sử dụng năng lượng, được hiểu tổng quát là mức tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ điện để sản xuất một đơn vị vật chất. Tổng quát đối với một quốc gia thường được đo lường bằng "Cường độ năng lượng", hoặc "Cường độ điện" đối với GDP - nghĩa là cần bao nhiêu đơn vị năng lượng/ điện năng để có được một đơn vị GDP (1USD, 1.000USD,...). Chỉ tiêu này ở một số nước năm 2010 như sau:
Quốc gia | Thái Lan | Nhật Bản | Singapore | Hàn Quốc | CHLB Đức | Trung Quốc | Liên bang Nga |
CDĐ-kWh/usd | 0,56 | 0,22 | 0,25 | 0,40 | 0,25 | 1,05 | 1,0 |
CĐNL-kgOE/Kusd | 199 | 154 | 139 | 159 | 164 | 231 | 205 |
Ở Việt Nam, hiện nay, cường độ điện khoảng 1,15-1,2kWh/USD, lại còn được dự báo tăng lên vào năm 2020-2025. Đồng thời hệ số đàn hồi điện - tỷ lệ tốc độ tăng trưởng điện so với tăng GDP các nước nói chung nhỏ hơn 1, Việt Nam hiện tại trên 1,5 và có xu thế tăng. Cường độ năng lượng nói chung năm 2017 khoảng 300 kgOE/nghìn USD.
Nghĩa là tiêu thụ năng lượng của Việt Nam cao hơn các nước 2-3 lần!
Năng suất lao động xã hội (NSLĐ) Việt Nam thấp
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK) năm 2017, GDP cả nước tăng 6,81%, mức cao nhất kể từ năm 2011. Quy mô nền kinh tế năm 2017 theo giá hiện hành đạt 5.007,9 nghìn tỷ đồng, tương ứng hơn 220 tỷ USD. GDP bình quân đầu người ước tính đạt 53,5 triệu đồng, tương đương 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016.
NSLĐ toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2017 ước tính đạt 93,2 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 4.159 USD/lao động). Tính theo giá so sánh năm 2010, NSLĐ toàn nền kinh tế năm 2017 tăng 6% so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2011-2017 tăng 4,7%/năm [2].
NSLĐ và tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam trong thời gian qua [2,4], được trình bày trong bảng 2.
Bảng 2. NSLĐ và tốc độ tăng hàng năm của Việt Nam (giai đoạn 2010-17).
Năm | NSLĐ (triệu đồng/người theo giá thực tế) | NSLĐ (triệu đồng/người theo giá năm 2010) | Tốc độ tăng NSLĐ (%) |
2010 | 43,99 | 43,99 | 3,59 |
2011 | 55,21 | 45,53 | 3,49 |
2012 | 63,11 | 46,92 | 3,06 |
2013 | 68,65 | 48,72 | 3,84 |
2014 | 74,30 | 51,08 | 4,84 |
2015 | 79,30 | 54,38 | 6,45 |
2016 | 84,50 | 57,96 | 6,2 |
2017 | 93,2 | 63,93 | 6,0 |
Bình quân 2010-2017 |
|
| 4,68 |
Tổng cục Thống kê cho biết, NSLĐ của Việt Nam thời gian qua tuy có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, mức năng suất của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực, chính nó là lực cản đối với nền kinh tế.
Cũng theo thông báo của Tổng cục Thống kê, tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và bằng 87,4% năng suất lao động của Lào.
Đặc biệt, Tổng cục Thống kê còn đưa ra cảnh báo chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam và các nước trong khu vực tiếp tục gia tăng. Cụ thể, cơ quan này dẫn nghiên cứu của World Bank, chênh lệch mức năng suất lao động (tính theo sức mua tương đương - PPP năm 2011) của Singapore và Việt Nam tăng từ 115.087 USD năm 2006 lên 131.333 USD năm 2016; tương tự, của Malaysia từ 39.806 USD lên 46.190 USD; Thái Lan từ 14.591 USD lên 17.208 USD; Indonesia từ 10.100 USD lên 13.496 USD; Philippines từ 6.691 USD lên 7.561 USD; Lào từ 220 USD lên 1.422 USD.
Để hình dung mối quan hệ giữa hiệu quả năng lượng và năng suất lao động, chúng tôi giới thiệu hình ảnh tốc độ tăng sử dụng điện quốc gia và tốc độ tăng NSLĐ xã hội của Việt Nam trong thập niên vừa qua (Hình 1). Tốc độ tăng sử dụng điện luôn cao hơn 2-3 lần tốc độ tăng NSLĐ. Số liệu trên đồ thị là định lượng (từ bảng 1, 2), nhưng chưa thể nói hết mối quan hệ, tuy vậy cũng cho ta hình dung sự bất cập về mức độ, hiệu quả tiêu thụ điện và NSLĐ xã hội ở nước ta.
Hình 1: Tốc độ tăng NSLĐ và tốc độ tăng điện thương phẩm.
Từ các kết quả nghiên cứu, phân tích cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam thấp do nhiều yếu tố chính sau:
Thứ nhất, trình độ công nghệ thấp, lạc hậu, đầu tư cho khoa học công nghệ thấp (chỉ 0,5% GDP), theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), năm 2014 chỉ số đổi mới công nghệ Việt Nam đứng thứ 71/143, chủ yếu sử dụng công nghệ nhập, lắp ráp, công nghệ trong các ngành công nghiệp và dân dụng được đánh giá khoảng 70% thuộc thế hệ lạc hậu, hiệu suất năng lượng thấp, gây ô nhiễm môi trường cao.
Trên 30 năm đổi mới, cơ cấu kinh tế gần như không thay đổi, những ngành sử dụng nhiều năng lượng, nguyên liệu, mà giá trị gia tăng thấp còn chiếm tỷ trọng lớn như: luyện kim, xi măng, vật liệu xây dựng,…; công nghiệp Việt Nam tiêu thụ 52% điện năng, 38% năng lượng thương mại, mà chỉ làm ra 32% GDP; tiêu thụ năng lượng chưa hiệu quả, phải đầu tư nhiều nguồn, tài chính phải gánh chịu nặng nề, nợ nần tăng lên.
Thứ hai, năng suất yếu tố tổng hợp (Total Factor Productivity-TFP) còn rất thấp, là yếu tố nhờ vào tác động tổng hợp từ đổi mới công nghệ, hợp lý hóa quá trình sản xuất, cung cấp dịch vụ, nâng cao quản lý, trình độ, kỹ năng làm việc của người lao động; TFP thúc đẩy tăng trưởng GDP mà không phụ thuộc vào gia tăng vốn đầu tư, lao động, tài nguyên, nhiên liệu.
Ở các nước phát triển, TFP đóng góp vào tăng GDP thường rất cao, trên 50%, các nước đang phát triển chỉ khoảng 20-30%. Ở Việt Nam, theo Tổ chức Năng suất châu Á (APO), giai đoạn 2001-2010, chỉ đạt 19,15%.
Thứ ba, cơ cấu lao động chưa hợp lý, tỷ trọng lao động trong nông - lâm - ngư nghiệp còn chiếm gần 50%, trong lúc Thái Lan -39, Indonexia -35, Trung Quốc -34, Philippine -32, Malaysia -11, Hàn Quốc -6,5, Singapor -1%.
Thứ năm, chất lượng nguồn nhân lực thấp. Theo số liệu nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế, hiện 80% lao động Việt Nam là lao động phổ thông, lao động được đào tạo có chứng chỉ là 18%; trong khi đó lao động có chứng chỉ ở Hàn Quốc là 62%, Singapor là 64,5%.
Ngoài ra chế độ lương, đãi ngộ thấp, cũng là "cái khó bó cái khôn", Việt Nam vào loại thấp nhất trong ASEAN, chỉ khoảng 200 USD/tháng, trong lúc Thái Lan 400, Malaysia 600, Singapore là 4000USD/tháng.
Thay lời kết
Cả một thời gian dài, Việt Nam tiêu thụ năng lượng với tốc độ nhanh, đặc biệt là điện năng, nhưng hiệu quả năng lượng và năng suất lao động xã hội thấp và chậm được cải thiện, các chỉ tiêu này đang vào loại thấp nhất khu vực và chênh lệch đang có chiều hướng tăng lên. Để góp phần phát triển hiệu quả và bền vững, chắc chắn chúng ta không thể làm ngơ không nghiên cứu mối quan hệ này, phát hiện đầy đủ nguyên nhân và tìm biện pháp khắc phục.
Bài viết chỉ mới bước đầu đề cập đến nội dung quan trọng, lý thú này.
PSG, TS. BÙI HUY PHÙNG - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo chính:
1. Quy hoạch điện VII (hiệu chỉnh), 3/2016.
2. Báo cáo Tổng cục Thống kê 2017.
3. Thách thức và kiến nghị phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam, Bùi Huy Phùng, Tạp chí Năng lượng Việt Nam, 9/2016.
4. NSLĐVN - Những con số nổi bật, TC KH&CN, 7/2016.
5. Website BP Statistcal Review of the World Energy, 2015, 2016.
TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM